Chúc mừng TT.Thích Nhật Từ nhận huy hiệu "Người thắp đuốc diệu pháp"

Đã đọc: 2971           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Khi nhận được thông tin TT.Thích Nhật Từ nhận huy hiệu "Người thắp đuốc diệu pháp" (Saddhammajotikadhaja Title) của chính phủ Miến Điện chiều ngày 4-3-2015 và đón nhận Giải thưởng “Lãnh đạo xuất sắc Phật giáo thế giới” (The World Buddhist Outstanding Leader Award) của Đức hòa thượng Somdet Phramaha Ratchmangkhlachan, Quyền Tăng vương Thái Lan, Chủ tịch Hội đồng Tăng vương Thái Lan. Chúng con thật ngưỡng mộ và tự hào là người Việt Nam là Phật tử Việt Nam có một vị tu sĩ, một người Thầy tâm linh có trí tuệ, có đức, có nhiều công lao đóng góp cho sự phục hưng và phát triển Phật giáo thế giới và đặc biệt Thượng tọa là một vị tu sĩ có tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi trở về đạo Phật nguyên chất để phụng sự nhân sinh.

Người thắp đuốc diệu pháp

Ai cũng nhận thấy, ai cũng biết, nhất là các vị tu sĩ lại càng biết càng hiểu hơn ai hết nền văn hóa Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và nhất là Văn hóa Phật giáo Việt Nam đã bị 1000 năm  người Trung Quốc đô hộ. Vì vậy, ngoài văn hóa Việt Nam thì văn hóa Phật giáo Việt Nam bị ảnh hưởng từ văn hóa Phật giáo Trung Quốc từ lễ nghi tụng niệm, kinh tụng, kiến trúc, điêu khắc, hội họa cho đến y phục… phần lớn bị ảnh hưởng từ văn hóa Phật giáo Trung Quốc mà không phải cứ cái gì được truyền bá từ Trung Quốc cũng đều đúng với lời Phật dạy.

Nhưng có mấy người dám chọn con đường mà biết rằng con đường đó sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn, trở ngại, những sông sâu, núi cao, vực thẳm,  những bức tường thành bê tông lớp lớp ngăn trở. Bởi vì, Phật giáo đã có mặt tại Việt Nam gần 2000 năm mà vốn dĩ đã ăn sâu vào các bậc tu sĩ tiền bối. Thế là các lớp hậu bối cứ thế mà tiếp nhận, có người biết là không có trong kinh tạng, không phải đó là lời đức Phật dạy nhưng không ai dám nên tiếng, không ai dám thay đổi vì sợ bị cô lập, bị vu khống và rước hoạ vào thân. Có vị thì cho rằng việc đó của người khác, không phải của mình v.v… Vì vậy mà biết cũng mặc kệ. Nhưng TT.Thích Nhật Từ thì khác, có lẽ Thầy là người đầu tiên dám chọn con đường quá khó thậm chí là nguy hiểm này mà dấn thân để thắp lên ngọn đèn kêu gọi Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới hãy quay lại với đạo Phật gốc với đức Phật lịch sử. Một đạo Phật với một pháp môn duy nhất là Tứ Diệu Đế chứ không phải 84,000 pháp môn như TT. Thích Nhật Từ đã phân tích rất khoa học và logic trong bài “Đức Phật có dạy 84,000 pháp môn không”

Thượng tọa đã dấn thân nhập thế, hoằng pháp với gần 3000 bài pháp thoại trong đó có hàng trăm bài Thượng tọa kêu gọi mọi người hãy trở về với đạo Phật nguyên chất mà:“Cốt lõi của đạo Phật nguyên chất là xây dựng một thế giới an lạc hạnh phúc bây giờ và tại đây, chứ không đưa ra những hứa hẹn cho con người sau cái chết. Đạo Phật nguyên chất xây dựng một hình thái đạo Phật cho hai đối tượng: Tại gia và xuất gia. Ai muốn giác ngộ, trở thành thánh nhân thì phải chọn con đường xuất gia, tu chuyển hóa tham ái và tính dục, những người còn lại là người tại gia, không bận tâm đến con đường giải thoát, vì có muốn cũng không được. Người tại gia sống đời sống đạo đức, tôn trọng luật pháp, không đắm nhiễm phước báu có được, trở thành những người giàu có, biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh và họ là cánh tay nối dài của minh triết Phật trong đời sống. Những ai không thỏa mãn với hạnh phúc thế tục thì có thể chọn con đường xuất gia.’’

Đã gần 2000 năm qua lời hứa hẹn “  Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng, lạy Phật một lạy tội giệt hà xa” Thế là chẳng cần phải làm gì cứ đặt niềm tin vào Đức Phật mà không tìm hiểu những lời dạy của Ngài đem áp dụng trong cuộc sống hiện tại giúp cho mình và mọi ngưởi giải phóng khổ đau. Đến lúc sắp lâm chung hay lâm chung mới mời Thầy, mời Ban hộ niệm về thế là tội sạch và sẽ được giải thoát. Không lẽ đạo Phật chỉ có thế?

Không! Chân lý của đức Phật, của đạo Phật không phải như vậy mà là “ Những lời dạy của đức Thế Tôn chính là chân lý có giá trị tuyệt đối bền vững với thời gian vô biên và không gian vô tận. Bằng trí tuệ của sự tỉnh thức và tình yêu thương chúng sinh không hạn lượng, người đã dành trọn 45 năm còn lại của cuộc đời 80 tuổi đi khắp nơi giáo hóa chúng sinh, thiết lập nên một xã hội an lành, bất bạo động, góp phần xua tan hận thù hẹp hòi ích kỷ, dựng xây lên tịnh độ nhân gian bằng chất liệu của sự vững chãi, vị tha bao dung và hòa hợp đoàn kết.”

Chính vì sự đóng góp tích cực đó cho nhân loại mà ngày 15 tháng 12 năm 1999, dưới kiến nghị của các đại biểu đến từ 34 quốc gia, đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong chương trình nghị sự số 174, mục 54 đã ra quyết định chính thức thành lập và công nhận ngày Vesak vào năm 2000 (tức ngày trăng tròn tháng 05 dương lịch là ngày lễ Tam hợp, gồm: ngày phật đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn) với sự tán thành của tất cả Phật giáo đồ trên khắp thế giới.

 

Vị thầy của cải cách giáo dục

Có lẽ lần đầu tiên có một người lên tiếng về việc các trường học trong hệ thống học đường tại Việt Nam cần phải thay đổi câu " Tiên học lễ, hậu học văn" thay bằng" Tiên học đức hậu học văn". Bởi vì, theo Thượng tọa thì “ Rèn luyện nhân cách tuổi thơ là một việc làm quan trọng nhất, theo quan niệm của Nho giáo và nền giáo dục của Trung Quốc thì phải học lễ trước, trong khi lễ chỉ là vấn đề giao tế, mà trong ngoại giao đôi lúc chỉ là giả dối. Theo đức Phật là con người trước tiên phải học đức chứ không phải học lễ trước…”Đó mới là cái gốc của giáo dục.

Thực ra, không phải không có nhiều người biết đến điều này, biết đấy nhưng cũng chẳng ai muốn nói ra. Ai mà không biết trong “lễ” đôi lúc có đầy sự giả dối, để đạt được những gì mình muốn, chào hỏi, vâng dạ nhưng trong lòng đâu có phục có kính hay có những cái bắt tay, những thảm đỏ trải ra để đón mời khách hay những ly rượu, những bữa tiệc thịnh soạn, những lễ nghi trang trọng được dâng tặng để mời chào của những nhà ngoại giao từ bao ngàn đời nay nhưng thực chất sau cái bắt tay hay nâng ly ấy chỉ muốn ăn sống nuốt tươi đối phương hay thâu tóm cả đất nước họ hay là những chén rượu pha đầy thuốc độc,v.v…chắc có nói về chữ “lễ” cả ngày cũng không hết.

Vâng! học đức trước, học lễ sau cũng không hề muộn, điều này cũng chỉ có mình TT.Thích Nhật Từ dám nói ra.

Còn trong hệ thống giáo dục Phật học  điều trăn trở tâm huyết củaThượng tọa là : “GHPGVN cần có chính sách cải cách giáo dục Phật giáo một cách toàn diện từ các cấp học Phật học. Tại bất kỳ cấp học Phật học nào, chúng ta cũng cần thể hiện được tinh thần dân tộc về Phật giáo, lấy văn hóa Phật giáo Việt Nam làm nền tảng.”

Thượng tọa cũng đã đưa ra Hướng đến cải cách giáo dục Phật học tại Việt Nam  với mục đích để nền giáo dục Phật giáo tại Việt Nam đáp ứng được các mục đích… giáo dục Phật giáo dựa trên ba phương diện minh triết Phật dạy bao gồm giáo dục đạo đức (giới), giáo dục chuyển hóa (thiền) và giáo dục tri thức giải quyết vấn nạn (tuệ). Người được đào tạo trong trường Phật học, ngoài kiến thức thông thường còn thực tập chuyển hóa, mang tính ứng dụng thực tiễn và có khả năng giải quyết các nỗi khổ niềm đau của bản thân và tha nhân.”

Một người Thầy tâm huyết với nền giáo dục đạo đức làm người và một chương trình đào tạo Phật học tại Việt Nam cần có sự thích ứng với xu thế giáo dục Phật học trên thế giới là điều tâm huyết là trăn trở suốt bao năm qua. Và cùng đau nỗi đau mà Phật giáo suốt bao năm qua đã bỏ rơi thế hệ trẻ và tầng lớp trí thức mà chỉ chú trọng cho người già, người bệnh, người chết để rồi tầng lớp trẻ,  tầng lớp trí thức quay lưng với đạo Phật, đó là một sự thiệt thòi, một nỗi đau của đức Phật và cũng là của đạo Phật nói chung và của Phật giáo Việt Nam nói riêng. Vì vậy mà Thượng tọa ngày đêm, bất kể ở đâu khi có cơ hội hoằng pháp là đều dành các chủ đề cho hai tầng lớp này, do đó hàng trăm bài pháp thoại nói về chủ đề tình yêu, hạnh phúc, thi cử lập nghiệp dành cho giới trẻ, học sinh, sinh viên, các doanh nhân và cũng thật đặc biệt Thượng tọa còn là người mang lòng từ bi và bao dung của đạo Phật đến với các phạm nhân, trại viên… những người mà dưới con mắt của xã hội họ là những người hư hỏng bị gia đình và xã hội ruồng bỏ, nhưng với Thượng tọa, họ là những người rất đáng thương mà mọi người cần phải dang rộng vòng tay bao dung, tha thứ  mang những điều Phật dạy để họ quay đầu và nỗ lực làm lại để trở về hòa nhập với gia đình, xã hội.

Một vị tu sĩ tự chọn con đường quá khó

Rất nhiều Phật tử tự hỏi nhau sao Thầy lại tự làm khó mình để mà ngày đêm không quản không gian, địa lý, vượt ra cả ngoài biên giới đi hoằng pháp, độ sinh để rồi ngay đến bữa ăn, giấc ngủ Thầy không màng đến. Lịch làm việc của Thầy dày đặc và sát đến từng giờ, kín mít đến vài tháng. Thượng tọa cũng chưa bao giờ cho phép mình được nghỉ nghơi: ngoài dịch sách, biên tập, viết sách, hoằng pháp, từ thiện là lẽ sống là lý tưởng phấn đấu của một vị tu sĩ nhập thế, một ngày còn hơi thở là một ngày còn  đi hoằng pháp, còn giảng đạo, còn sáng tác, dịch sách, biên soạn, còn viết sách, còn làm từ thiện mang ánh sáng Phật pháp đến khắp mọi miền đất nước và vượt qua cả biên giới Việt.

 Còn chỉ tu riêng cho mình, chỉ làm đạo cho riêng chùa mình thì quá dễ, quá nhàn lại chẳng ai đụng chạm tới bản thân, ngày hai buổi lên khóa lễ, rồi ngồi tiếp đón Phật tử, đi cầu siêu các đám tang, tân gia hay giảng đạo theo tín ngưỡng hướng dẫn Phật tử hay các doanh nhân, thương nhân theo hướng mê tín thì quần chúng rất đông chùa sẽ giàu có, vì với  một ngôi chùa ngay khu mua bán sầm uất trong một đô thị lớn nhất nước. Đệ tử của Thượng tọa cũng an nhàn cái thân, cái đầu lại được tiếng là người thầy chu đáo, quan tâm chăm sóc đến đệ tử, đến Phật tử.

Đằng này, Thượng tọa lại đi giảng đạo theo nguyên gốc của đức Phật, nói huỵch toẹt những điều mà gần 2000 năm qua mọi người vẫn tưởng là lời Phật dạy để rồi nhiều người bị sốc, nhiều người  không hiểu hay không muốn thay đổi  phản ứng lại hay có kẻ phá đạo, mượn danh nghĩa hộ pháp để phá đạo để hại Thầy.

 

Một ánh đèn le lói

Nhưng lớp trẻ, lớp trí thức và những người hiểu đạo Phật, những người nghiên cứu đạo Phật và ngay cả một số vị tu sĩ khi có duyên được nghe những bài giảng của Thầy thì ai cũng bắt đầu hiểu rằng: Đạo Phật không phải là đạo của tín ngưỡng, không phải đạo mê tín, càng không phải đạo chỉ dành cho người già, người bệnh và người chết. Và những người họ thừa hiểu nhưng chưa dám nói thì giờ đây đã có người hưởng ứng, đó là một tín hiệu vui.

Còn Thầy thì “…chỉ với mục đích duy nhất là tôn vinh đức Phật lịch sử và góp một ánh đèn le lói nào đó, trong việc soi sáng nhận thức của con người, trở về những lời dạy gốc của đức Phật, để việc làm đạo của chúng ta có thành quả thiết thực hiên tại, siêu về thời gian đến để mà thấy, được người trí tin hiểu và có mục đích cao quí…”

Vâng! Một ánh đèn đã được thắp lên tuy le lói và đơn độc, nhưng chúng con tin rằng nó sẽ  dẫn đường cho những ai muốn trở về với đạo Phật gốc và một lúc nào đó có thể là khi Thầy mất đi hay vài chục năm sau hoặc cả trăm năm sau ánh đèn le lói của Thầy đã thắp lên ngày hôm nay sẽ làm sáng lên vầng thái dương những lời dạy gốc của đức Phật và ánh đèn đó sẽ không bao giờ lặn tắt.

Chúng con xin được chúc mừng Thượng tọa nhân sự kiện có này của Thầy, của Phật giáo Việt Nam và của những người Phật tử chúng con và chúng con xin cầu chúc Thầy thật khỏe để làm “Người thắp đuốc diệu pháp” soi sáng cho chúng con nương tựa.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập