Lang băm

Đã đọc: 2793           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Lần đầu ra tòa, hắn nói láo, tòa án tha bổng. Lần sau ra tòa hắn tin lời ông quan tòa, khai báo thành thật, để mong được hưởng lượng khoan  hồng, trớ trêu thay, tòa dựa vào lời khai ấy tống hắn vào tù ba năm.  Ra tù, một lần nữa hắn cố gắng làm người lương thiện, đi xin việc khắp nơi, không ai nhận. Hắn thấy muốn làm người lương thiện không phải dễ, không nghề nghiệp, không  việc làm, làm sao sống lương thiện cho được? Thật đáng kinh ngạc,  cả thành phố  ai cũng nhận  ra hắn là người tù? Đến chó cũng  biết, chẳng chút thân thiện, thấy mặt là gầm gừ chỉ muốn lao vào cắn xé.  Hắn chắc từ người tù phát ra cái mùi gì đó rất gớm ghiếc, người và chó đều ghét. Giống như mùi hôi thối của lòai thú ăn thịt, một thứ tín hiệu nguy hiểm chết chóc cho  các con mồi biết mà tránh xa, khiến chó và người đều ghét . Hắn đặt tên cho cái mùi đó là “mùi bất lương”.

Hắn bỏ cái mộng đi tìm việc, làm người lương thiện, hình như cuộc đời này  không muốn thế, và hắn phải tồn tại theo cái cách của mình.  Hắn nhớ lại họ tộc  ba đời nhà hắn làm thầy thuốc, cứu nhân độ thế. Cả ba đời cần cù làm lụng. Đến đời cha hắn chỉ còn lại  cái tài sản cỏn con, một  mái tranh  nhỏ  bằng cái chuồng trâu với khu vườn  bé như bàn tay. Hắn bán đi, quyết tâm làm giàu. Hắn phải  làm  giàu theo cách của hắn, sao cho có tiền nhanh chóng và nhiều hơn ông cha mình. Hắn thấy người dân mình  rất  ngây thơ, lại hay ốm đau, bệnh hoạn ít chịu đến bệnh viện, tin vào các ông lang. Các ông thầy lang là bậc thầy  về khoa tâm lí trị liệu. Chữa bệnh bằng lời nói ...

Mỗi ngày hắn ôm thùng đồ nghề ra chợ ngồi từ sáng tinh mơ. Hắn chọn một chỗ trống  đặt  thùng  đồ nghề và bày mấy chai nước lã. Và hắn bắt đầu nói. Hắn biết  lời nói quan trọng vô cùng, trời cho hắn khoa nói. Chưa nói đến chuyện nói hay hay dở, hắn có biệt tài nói rất to rất dai, không cần máy móc giấy tờ hỗ trợ. Hắn có thể gào lên át cả tiếng động ầm ầm phiên chợ đông người. Hắn nói khỏe lắm, giọng lanh lảnh, hắn có thể đứng trong cái nắng đổ lửa, lưng đẵm mồ hôi, cổ bỏng rát, nói như gào thét liên tục hàng giờ, không biết mệt, không tắt tiếng và nhất là không bao giờ hết ý. Hắn lại còn cái tài hơn người là có thể nói mà không cần ai nghe, ai tán thưởng. Hắn đứng nói với cái sân trống trơn  hoặc  may lắm chỉ có vài đứa trẻ con bụng õng rách rưới trần truồng  bao vây chung quanh và mấy người nhà quê  lần đầu xuống chợ.  Hắn nói đủ thứ lí thuyết  y học đông tây kim cổ, đủ thứ bệnh tật, đủ lọai thuốc men. Thứ thuốc  chữa được bách bệnh kì diệu nhất trên đời là “Nước của sự sống” mà hắn chứa trong mấy cái chai  đục lờ lờ kia.

Giúp việc cho hắn trong những lần  trình diễn này  có một vật  gọi là “Ông tướng thầy ba”. Ông tướng là  hình nhân nhỏ  bằng ngón tay,  thắt bằng chíếc khăn mu-soa cũ   bẩn thỉu màu đỏ .”Ông tướng” thường biểu diễn  trò, nhảy nhót trên bàn tay chủ  và  dù bị nhốt  trong cái dĩa úp  chén lên  vẫn thóat ra được và chui vào túi áo hắn mà ngủ. Ông tướng tội nghiệp này có khi bị hắn tháo ra thành cái khăn bẩn lau mồ hôi hoặc hỉ mũi.  Trẻ con và những người nhà quê  có thể kiên nhẫn đứng chờ hàng giờ để được xem trò ảo thuật nghèo nàn rẻ tiền đó.

Một buổi chiều, trong khi hắn đang thao thao bất tuyệt về những điều kì diệu của nước thiêng,  sau lưng hắn có tiếng thở dài  não nuột :” Đời này làm gì có thuốc tiên. Nếu có thì tôi đã không phải chịu đau đớn cả ngày đêm suốt mấy năm nay !” Hắn quay lại thấy một mụ già gầy còm . Hắn nói :

- Có chớ,  miễn  có niềm tin ...

Bà lão nói :

- Cái gì tôi nghèo chớ đức tin tôi có thừa. Bán cho tôi một chai, mua  về uống thử, thấy khá tạ ơn thầy .

Hắn làm bộ trách  :

- Thuốc tiên thuốc thánh  không  mua, phải “thỉnh” , không uống thử, uống thật.

Hắn trao thuốc, mụ già khúm núm  nhận lấy, lấy tiền xong, lại thuyết giảng, quên luôn  bà lão. Sáng ngày hôm sau, bà lão  đến rất sớm, thưa :

- Lạy thầy, lúc đầu tôi quả thực có yếu lòng tin. Đúng là nước của sự sống. Đêm qua tôi đã ngủ được một giấc dài, ngủ say như con cù lần ở trên  cây mùa đông. Sáng dậy  trong người khỏe khoắn, thấy mình không bệnh tật gì cả. Suốt đời tôi xin đội ơn cứu tử !

Từ ngày hắn ra nghề tới nay mới có người cung kính   như mụ già này. Hắn cười thầm, làm ra  vẻ đây là điều hiển nhiên. Hắn hỏi :”Tin chưa ?” Mụ già chắp hai tay xá một xá thực sâu, nói :” Thưa đã. Không còn chút hồ nghi nào cả !” Hắn thấy sáng hôm đó nơi mảnh đất góc chợ, cạnh đống rác to tướng đầy ruồi lằn xác chuột bọ bốc mùi xú uế diễn ra một quang cảnh thiêng liêng giống hệt thánh kinh đã mô tả: Chúa quở trách kẻ thiếu đức tin. Chúa chữa bệnh cho người mù sáng mắt, chữa  cho người  bại liệt .

Từ đó mụ già ngày nào cũng tới thỉnh “nước của sự sống” và hắn nhờ đó cũng có đồng ra đồng vào. Và cũng nhờ mụ già, nhiều người tin theo, hắn bán được rất nhiều chai “nước của sự sống”. Giờ đây tiền hắn làm ra  nhiều lắm, tiêu không hết .

Thế nhưng  từ ngày uống “nước của sự sống” mụ già ngày càng héo hon. Bụng to lên như đàn bà có chửa. Người biết chuyện nói mụ bị khối u ác tính, ung thư. Mụ cương quyết không đi bệnh viện. Từ ngày biết hắn mụ chỉ tin nơi hắn. Giờ đây số phận buộc hắn phải lựa chọn: Cứ tiếp tục như thế này để mụ già chết hay nói thật  ra tất cả tức là tự sĩ nhục và  tiêu tan cái sự nghiệp mới gầy dựng lại rất khó nhọc ? Và hắn cũng vừa đau đớn lựa chọn, phân vân một lúc rồi quyết định… Sáng hôm sau mụ già tới lấy nước .Hắn hỏi :

-  Mụ thấy trong người thế nào ?

-  Bạch thầy, có thầy tôi yên tâm biết chừng nào !

-  Có gì mà không yên tâm, nay mai sẽ khỏi.” Nước của sự sống” đã gom cái nghiệp chướng của mụ thành một khối ở trong bụng rồi. Giờ đây chỉ việc lấy nó ra.

-  Làm sao lấy nó ra ?

-  Đến bệnh viện, bác sĩ lấy ra, dễ như móc đồ trong túi...

Mụ già hỏang hồn :

-  Mổ bụng người ta ra rồi còn gì nữa. Mổ như mổ gà, moi bộ đồ lòng  ra ngòai. Trời ơi !

Hắn tươi cười cố nói sao cho sự việc trở thành dễ dàng, nhẹ nhàng :

- Ừ thì tạm thời nói thế nhưng đâu phải như làm thịt gà lôi cả bộ đồ lòng ra ngòai ? Nói  gì ghê vậy. Họ làm cái rẹt là xong, nhanh chóng .

- Đau đớn ai chịu cho nỗi? Người ta nói đau như đứt ruột, đọan trường....Mô Phật !

Hắn cãi :

- Không ! Trước đó  đã chụp thuốc mê. Nói là “chụp” nghe ghê gớm  thế chớ không hẳn  chụp giật gì đâu. Có cô y tá xinh tươi trẻ đẹp, mặc cái áo blu trắng tinh, nhỏ mấy giọt thuốc mê lên cái khăn mù soa bằng lụa hồng thơm như nước hoa. Cô phe phảy trước mũi mình như đuổi ruồi, thở một vài hơi rồi mơ màng thiu thiu, chập chờn đi vào mộng. Ngủ ngon lành, ngon như thức khuya đạp lúa ở sân đình, xong việc, gà cũng vừa gáy, ngả lưng xuống là ngáy khò khò. Khi tỉnh dậy mọi việc đã xong.

Mụ già thắc mắc:

- Còn chỗ mổ thì sao ?

- Người ta may lại, vết may khéo lắm. Không như kiểu lấy cây kim to sầm xỏ sợi dây gai may miệng mấy cái bao tời sọc xanh đâu. Họ có cái máy may cầm tay, may cái rẹt là xong. Bây giờ bên tây Mỹ, đàn bà đẻ, thấy rặn năm ba hơi không ra  người ta rạch một đường ẳm đứa bé ra rồi may lại, vài ngày sau thành sẹo. Mấy chị  có con, năm bảy lửa, bụng thon như con gái. Tắm biển cởi quần ra không ai thấy cái sẹo.

Mụ già tò mò :

- Thật không ?

- Thật !

- Thầy nói cục gì trong bụng  tôi ?

- Cục nghiệp chướng. Nói nôm na là cục thịt thừa .

- Tại  sao thịt  thừa lại chui vô bụng tôi ?

- Ừ , cớ sự là ở đó ...

Mụ già vẫn không chịu, nói liều :

- Để nó luôn trong đó có được không ?

- Nó to lên, ăn uống không được, nó chận nơi chớn thủy thở không được. Cắt nó đi cho yên chuyện. Năm ba ngày ngồi dậy cắp rổ đi chợ .

Mụ già thú thực :

- Thầy nói gì thì nói chớ tôi  cứ mỗi lần bước chân tới cửa bệnh viện, nghe cái mùi cồn, thấy mấy người mặc áo trắng cầm kim thì hồn vía  tôi lên mây.

Mụ già này quê mùa và nhác quá, cần phải nói láo nhiều hơn nữa:

- Bên Tây người ta đi bệnh viện như đi chợ. Có người ở riết trong bệnh viên đâm ghiền không muốn về nhà. Họ leo lên bàn mổ như đàn ông ngồi  lên ghế cho thợ cạo cắt tóc, váy tai, như mấy chị tới tiệm úp cái lồng lên đầu làm tóc. Vua chúa nước họ mổ xẻ dài dài , có sao đâu .  Đào kép hát bóng cải lương, đứa nào mập  tới cho bác sĩ  lóc bớt thịt ra. Đứa nào ốm tới cho họ đắp thịt vào. Mổ xẻ hà rầm, hơi sức đâu  mà sợ ?

Mụ già:

- Tôi sợ đau lắm

- Đau gì mà đau, bất quá như kiến cắn !

Mụ nghe hắn thuyết một hồi vẫn không chút yên tâm, năn nỉ:

- Thầy nói gì thì nói, tôi sợ lắm, tôi không đi bệnh viện đâu . Tôi không leo lên cái bàn bằng sắt lạnh ngắt cho họ cầm dao mổ như người ta làm thịt heo. Tôi đã thấy thằng cha đồ tể vật con heo xuống,  cầm con dao phay chọc tiết, máu phun có vòi, sôi sùng sục, lấy cái gáo tra cán dài múc nước sôi  xối, xối tới đâu cạo tới đó. Một lúc sau con heo nái nằm trên bàn trắng bóc như mụ đàn bà, rồi hắn lấy con dao nhọn, chích một chỗ nơi cổ  rọc xuống, da tách ra, gan ruột màu xám xanh đổ ra ngòai...!

Hắn dọa :

- Nhưng không mổ thì chết .

- Chết thì chết, tôi nhất định không tới bệnh viện. Tôi tin ở thầy, Tôi chỉ tin ở thầy...Thầy cứu tôi. Hay thầy chê tôi nghèo. Tôi về treo bảng bán cái nhà lo tiền thuốc ...

Mụ già òa lên khóc. Mụ sụp xuống lạy hắn. Hắn quýnh quáng đỡ dậy. La:” Đừng làm thế tôi tổn thọ!”. Giờ  hắn mới thấy  những lời dối trá huyênh hoang thật tai hại. Nó đẹp đẽ rực rỡ như đóa hoa thuốc phiện, quyến rũ  xúi giục người ta vào chốn mê lầm  tới  chết . Ôi những lời dối trá đã ném ra không làm sao thu lại được. Thôi hãy can đảm,  chỉ còn một cách này ...

Hắn làm mặt lạ nạt lớn :

- Bà già !

- Thưa thầy ?...

- Bà nói bà tin tôi phải không ?

- Bạch thầy tôi chỉ tin thầy .

Hắn  làm bộ giận dữ, nói :

- Giã sử lúc này, lúc bà đang đau ốm mà có kẻ nó lợi dụng, nó lừa bịp, bà có giận nó không ?

- Có chớ. Nhưng kẻ nào tán tận lương tâm như thế ?

- Thế mà có...

- Ai ?

- Tôi đây !!!

*******     

Nói xong câu  khó khăn ấy, hắn tưởng  mụ già, người đã từng tôn sùng hắn như thánh thần sẽ nổi trận lôi đình thét lên  chửi bới thậm tệ. Nhưng không, Mụ há hốc mồm kinh ngạc. Lúc đầu mụ tưởng hắn nói  đùa. Sau thấy bộ mặt tội nghiệp đầy sự ăn năn của hắn, mụ  biết hắn nói thực.  Mụ lắc đầu buồn bã. Nét mặt thể hiện một sự thất vọng chua cay. Mụ nói :” Cậu tàn nhẫn lắm . Cậu nói ra sự thực ấy làm gì ? Tại sao không cứ giấu nó mãi mãi cho tôi được sống trong hy vọng . Thứ nước ấy cậu múc đâu mặc kệ, nhưng với niềm tin, nó đã hóa ra nước của sự sống. Nhờ nó mà tôi có được những ngày cuối cùng an lành...Thôi cậu đã can đảm nhận tất cả lỗi lầm về mình thì tôi cũng liều . Tôi sẽ đi bệnh viện cho người ta mổ xẻ để cậu yên lòng ...”

*******

Đám đông chứng kiến từ đầu đến đuôi tấn bi hài kịch, phẩn nộ la lên :” Nện cho hắn một trận nhừ tử đi !” Bà già bỏ đi, hắn  đứng ngóng theo cái bóng xiu vẹo của bà ta, hắn la lớn :” Đi  vô bệnh viện ...” Hắn còn đang cố sức hét to cho bà già nghe  thì có kẻ nào đó tống vào mồm hắn một quả đấm thực mạnh, hắn lảo đảo, máu miệng trào ra. Hắn loạng choạng sắp ngã, gượng lại được, nghĩ, ôi  may quá, còn đứng  chưa ngã. Đám đông la lên :” Ném đá cho hắn chết đi !” Gạch đá từ khắp nơi ném vào hắn như mưa. Hắn ngồi xuống dùng hai bàn tay, hai cánh tay ôm đầu né tránh  và tự nhủ: Cốt sao đừng có hòn nào trúng đầu. Đám đông la lên :” Lôi hắn tới công an !” Có người đi tới thộp cổ áo hắn, tính lôi đi. Nhưng người ấy lười, sợ đến công an  phải làm chứng, mất thì giờ, nên không dẫn nó đi, chỉ dúi hắn ngã ngửa. Có người ở trong đám đông kêu lớn :” Không  bắt hắn đi tù thì buộc hắn uống hết mấy chai “nước thánh” của hắn đi ! “  Một kẻ đến cầm chai nước nạt lớn:” Há miệng ra !”. Hắn cắn răng, ngậm miệng. Kẻ ấy không đổ  được, cầm chai nước  dốc lên đầu hắn. Hắn nghĩ : Cũng chẳng đến nỗi nào, suốt ngày  nắng nung bụi bặm, được người ta cho tắm mát sung sướng quá. Lại có tiếng la to :” Đừng tắm cho hắn. Bắt hắn uống đi !” Lần này hắn  mở nút chai đưa lên miệng, nghe thoang thỏang mùi dầu hỏa, nghĩ, mình bậy thực, cái chai đựng dầu hỏa  rửa không sạch . Hắn uống từ từ, nghĩ, đang khát khô cổ, được uống nước, thú vị biết bao! Có người giục :” Uống nhanh  lên ! “ , hắn uống nhanh, sặc sụa, bọn trẻ con ôm bụng cười . Người lớn xem chán bỏ đi , còn lại mấy đứa trẻ, hô đồng lọat :” Lang băm ! Lang băm!...”

*******

Hắn ôm thùng đồ nghề bỏ đi đã xa, vẫn còn nghe cái điệp khúc dai dẳng “lang băm”, càng xa càng rõ. Hắn  đi về  hướng lên dốc, trên cao trời xanh ngắt,  gió thổi những đám mây trắng như bọt xà phòng  nổi trôi trên làn nước xanh .  Đi được một quãng xa,lòng hắn dịu lại chợt ngạc nhiên, tự hỏi, mình mới  vừa bị mọi người phỉ nhổ hành hạ đó tại sao giờ đây trong tâm hồn lại có sự dễ chịu bình an thế này ? Mình đã mất hết nhân tính và chai sạn rồi sao ? Hắn đi thêm một đọan nữa bỗng tìm ra chân lý : Mình vừa phải trả giá cho cái việc làm xấu xa, mình đã đền tội rồi.  Giờ đây  mình  đã được thanh tẩy  sạch sẽ, hết cả tội lỗi, giống như con chiên  vừa xưng tội, giống như người ở chùa vừa  tụng pho kinh Thủy Sám, những lỗi lầm  đã được xóa sạch, tan biến. Gây nên tội lỗi mà không chịu sự trừng trị, cứ phải ăn năn mãi mới khổ. Chỉ có khi  đền tội  mới thấy nhẹ nhõm. Được đền tội cũng một  nhu cầu... Hắn bước đi  khoan khóai, nhẹ nhàng, nhẹ đến nỗi thấy như mình có thể quạt tay bay lên được . Nắng tan trong gió mai .

Hắn nhớ lại khúc đường này, mỗi lần đi xin việc  ngang qua  căn nhà với cái cổng đầy  hoa giấy màu tím,  có nuôi con chó  dữ  xông  ra  sủa, cắn xé. Hình như nó là con chó đầu đàn của cả xóm, nó sủa, mọi con chó trong xóm đều sủa theo, thực là hỗ thẹn và bực. Nhưng hôm nay  con chó dữ thấy hắn  vẫn  cứ  nằm yên, lại còn ngoắc đuôi tỏ vẻ thân thiện. Lạ thực  tại sao lại có hiện tượng này ? Hắn đi thêm một đọan nữa chợt sáng ra mọi lẽ. Trong  buổi sáng hôm nay  hắn đã trả hết mọi món nợ đời, nợ trần gian. Giờ đây người hắn không còn bốc ra cái “mùi bất lương “nữa .  Hắn là một người lương thiện. Ôi được làm người lương thiện , ra đường chó không chạy theo sủa,  sung sướng biết bao !!

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập