Ngày về

Đã đọc: 2931           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bạch Thầy, con đã trở về đây. Thế mà cũng mười năm rồi thầy nhỉ, nhanh quá!

Vị sư già không nói gì, vẫn giữ bộ mặt trầm tư với cái gật đầu thầm lặng. Mười năm lưu lạc, cuối cùng đứa đệ tử cũng chịu trở về với mình, có cái gì khiến lòng sư xao xuyến.

- Mười năm qua, con chỉ ao ước đều gì thầy biết không? Im lặng giây lát, Phong Sơn nói tiếp đó là ước được một lần bình an dưới gốc cây trong chiều về êm ả. Thế mà cuộc đời vẫn không cho con thỏa lòng với một giấc mơ giản đơn như thế thầy à!

Vị sư hồi nãy đến giờ vẫn im lặng, lắng nghe đứa học trò mình tâm sự, thấy đời học trò loang lỗ, ông chẳng khỏi nhói lòng.

- Con đã trở về, thế là tốt rồi. Mấy bài thơ con viết tặng thầy năm xưa, thầy vẫn giữ kỹ. Thôi con xuống dưới rửa mặt, nghỉ ngơi rồi ăn cơm trưa.

Phong Sơn bất giác không cầm được nước mắt, cúi lạy thầy rồi bước lui. Cả vị sư già cùng Phong Sơn hầu như không để ý đến chú thị giả vẫn đứng gần đó và chứng kiến toàn bộ câu chuyện.

- Chú tên gì? Trong giờ cơm, Phong Sơn hỏi chú thị giả lúc nãy.

- Dạ, em tên Liễu Trần.

- Chà, cái tên hay quá! Mười sáu năm trước tui từng ở nơi đây. Rồi cuộc đời băng hoại, tui lên đường khi hầu thầy được sáu năm. Thế mà mười năm rồi, giờ trở lại tui không còn khoác trên người bộ áo lam, không còn cái đầu cạo bóng như chú nữa, nhiều lúc thèm quá chú à!

- Thì anh xin thầy ở lại đây, rồi anh lại được mặc áo lam, lại được cạo đầu mà!

Phong Sơn cười, thấy mến chú ngay buổi đầu gặp gỡ. Bữa cơm trưa nay với Phong Sơn sao mà ngon dễ sợ, anh ăn một lúc bốn chén liền. Tối đó, Phong Sơn ngồi uống trà dưới trăng bên gốc sứ ngày xưa anh đã cùng thầy mình trồng, thấy đời bình an lạ. Một lát sau, Liễu Trần đi ra, trên tay cầm theo hộp bánh.

- Sư phụ bảo em đem ra đây để anh uống trà.

- Cảm ơn chú nhiều. Chú ngồi xuống đây uống trà với tui cho vui, giọng tụng kinh của chú hay lắm đó!

Liễu Trần cười, ngồi xuống một bên, pha trà rất khéo.

- Em vẫn hay uống trà một mình lắm, những lúc thấy lòng trống rỗng. Cũng mười tám tuổi rồi mà, mô còn nhỏ dại nữa, Liễu Trần vừa cười nói, vừa chế trà vào tách Phong Sơn. À, mà anh Phong Sơn này, tại sao mười tám năm ra đi giờ trở về đay anh chỉ nói với sư phụ rằng anh chỉ ước một điều là được ngồi dưới gốc cây trong chiều về êm ả thôi?

- Rồi chú Liễu Trần sẽ hiểu, những cảm xúc đó khó nói lắm chú à!

- Người lớn thật khó hiểu. Em thì ngày nào cũng lặng lẽ một mình ngồi dưới gốc cây mà có thấy gì đâu!

- Chú này, mấy tảng đá chú và tui đang ngồi đây, mười mấy năm trước đêm nào cũng niệm Phật cùng tui cả. Chú có bao giờ thèm thuồng một cảm giác bình an chưa?

Liễu Trần không trả lời, cả hai cùng im lặng bên chén trà, ánh trăng non đã lên quá nửa.

Bảy năm rồi kể từ ngày Liễu Trần vào chùa. Chú học giỏi, biết nghe lời nên được thầy thương, mọi người quý mến. Chỉ có điều, mỗi lúc ngồi một mình, đôi mắt chú thường nhìn vào một nơi nào xa hút, thoáng buồn. Có lần Phong Sơn đi ngang bắt gặp ánh mắt ấy liền hỏi: “Ủa, chớ răng đôi mắt chú buồn rứa?”

Liễu Trần chỉ kịp giật mình hỏi lại: “Ủa, em buồn thiệt à?”

Rồi cuối cùng Phong Sơn cũng được thầy cho xuống tóc lần nữa, lại được mặc chiếc áo lam lên người. Hôm đó Liễu Trần vui lắm, tiếng tụng kinh của chú như xuyên suốt mấy tầng trời xanh, theo gió đến một phía nào bên đời thanh thoát. Chú hiểu, ngôi chùa này vừa cưu mang được một người trở về sau những vết thương rát bỏng. Chú tự hứa với mình sẽ không bao giờ làm cho vết thương kia của Phong Sơn rát bỏng thêm lần nữa. Nhìn Phong Sơn, chú vui chi lạ, rồi chợt tự hỏi: “Bốn mươi lăm tuổi đời, liệu đã bình an chưa?”

 

Ánh năng ban trưa kéo về để bình minh mất hút, rồi hoàng hôn cũng đến thế chỗ bên ngọn đồi và ra đi để đêm đen lặn hụp. Mấy mùa trăng đã lần lượt đến đi trong cuộc đời của mấy thầy trò trên gốc đồi yên tĩnh. Liễu Trần mới ngày nào mà giờ đã trở thành chàng trai hai mươi ba tuổi, cũng có nghĩa là Phong Sơn đã trở lại được năm năm. Năm năm qua Phong Sơn được quay trở về nơi chốn cũ, chàng gắng sức chăm chút vun trồng mảnh đất vốn khô cằn sỏi đá ngày thêm mầu mỡ, xanh tươi. Ngày ngày, chàng xách đôi thùng tưới cây, chẻ củi, rồi làm tất cả mọi việc chàng cảm thấy cần thiết. Liễu Trần cũng để chút thời gian ra giúp chàng những việc có thể. Ngôi chùa giờ này cũng được vài thầy trò, không khí chẳng còn lặng lẽ như trước. Chiều chiều, Phong Sơn và Liễu Trần vẫn ngồi dưới gốc cây, kể nhau nghe những gì có thể nhớ kịp. Tiếng niệm Phật đêm đêm của Phong Sơn vọng cả một góc đồi. Có khi đang ngồi niệm Phật, Phong Sơn bỗng dừng lại quay qua nói với Liễu Trần ngồi bên cạnh: “Chú nghe không, côn trùng đang kêu kia đã từng niệm Phật với tui suốt đêm đó. Chúng niệm hoài không nghỉ nên nhiều lần tui phải chịu thua, không niệm theo kịp”.

Chúng trong chùa ngày càng đông, cuộc sống cũng bớt đi phần lặng lẽ và bình an. Rồi có những xích mích xảy ra, giữa huynh đệ, giữa thầy trò, tiếng thở dài về đêm của Liễu Trần đã thành tiếng. Những lúc đó chẳng biết Phong Sơn có nghe không mà tiếng niệm Phật của anh càng lớn hơn trước. Sức sống đang tràn trề trong từng mạch máu của Liễu Trần, hắn không thể dễ dàng chấp nhận một cuộc sống với quá nhiều xáo trộn, quá nhiều vết thương như thế được. Tuy nhiên Liễu Trần vẫn cố lặng lẽ bám víu nơi này, vẫn lặng lẽ chịu đựng tất cả bởi lời hứa năm năm trước vẫn còn nguyên vẹn: “Mình không thể làm cho vết thương của anh Phong Sơn rát bỏng thêm lần nữa…”

Hai người là hai thế hệ nhưng lại rất gần gũi nhau, có khi tưởng chừng họ là hai người bạn không còn chút khoảng cách. Chính điều này cũng an ủi Liễu Trần rất nhiều. Không hiểu sao càng sống hắn lại càng thấy xa thầy, có nhiều lúc cả hai tuần liền hai thầy trò không nói chuyện với nhau, cả cái nhìn về nhau cũng không trọn. Trong sâu thẳm tâm hồn Liễu Trần lúc nào cũng dành cho thầy mình một tình thương rất lớn, hắn vẫn âm thầm cố gắng làm mọi chuyện cho thầy vui, vậy mà hắn thấy mình uể oải. Những lúc như thế hắn lại muốn ngồi một mình ở đâu đó, dưới một gốc cây hay trong bốn bức tường, nghĩ ngợi miên man. Cũng có khi hắn kêu Phong Sơn ra vườn pha trà nói chuyện, chắc Phong Sơn cũng biết hắn hay buồn nên lúc nào cũng gật đầu đồng ý, cho dù có lần đã hơn mười giờ khuya.

Có đêm Liễu Trần ngồi một mình gom mấy lá cây khô đốt lửa, hắn lại thấy buồn tức tưởi. Hắn vẫn siêng năng công phu tu tập, vậy mà tại sao vẫn có những chướng duyên hắn không thể nào vượt qua được. Dòng chảy tâm linh trong hắn hình như bị tổn thương khi nhìn lại chúng hội trong chùa. Như đêm nay, sau khi nhóm xong đống lửa, vừa bắt chân kiết già, Liễu Trần lại thấy thương Phật vạn lần không kể hết. Hắn nghĩ ngợi mông lung. Đức Phật đã bỏ cung vàng vợ đẹp, bỏ mọi thứ quyền lực quyết đi tìm ngọn lửa tam muội hiển bày sự thật cuộc đời này. Rồi Ngài đã chịu không biết bao nhiêu gian khổ với sáu năm ép xác, bị các thế lực bên ngoài mưu hại. Cuối cùng cũng tự đốt lên ngọn lửa vô úy dưới cội Bồ đề và truyền mãi cho đến ngày nay. Thế nhưng tại sao chúng ta giờ đây chỉ có một việc duy nhất là giữ cho ngọn lửa đó cháy mãi mà cũng không xong, cứ để sáng rồi lại tắt! Rồi phải nhen nhúm lại, thổi cho đỏ hoe hai con mắt, ngọn lửa đó mới khập khiểng le lói. Chúng ta thật quá tệ, đã phụ lòng đức Phật, lòng Tổ nhiều rồi. Phong Sơn không hiểu sao Liễu Trần cứ thích nhóm lên những đóm lửa nhỏ, nhưng anh không hề hỏi vì biết rằng Liễu Trần làm gì cũng có lý do riêng. Liễu Trần sống rất kín đáo khiến mọi người không thể hiểu hiện tại hắn sống thế nào? Buồn hay vui?

Có lần Liễu Trần nói với Phong Sơn:

- Chú này, nghe chú làm thơ hay lắm mà, đọc cho em nghe một đoạn được không?

- Cũng được thôi. Nhấp một ngụm trà, Phong Sơn lấy giọng:

Ta đã bỏ cuộc đời trong ánh mắt

Bước chân đi học lại cõi con người

Mây đã chết trên đồi sầu tức tưởi

Ta chết rồi xin chết lại được không?

Phong Sơn bỗng dừng lại không ngâm nữa, hình như chú nghĩ bài thơ không thích hợp. Liễu Trần không lên tiếng, tâm trí hắn để đâu đâu. Giọng ngâm của Phong Sơn hay quá, lại buồn. Mà ý thơ sao lại khiến hắn phải rùng mình.

Mấy hôm nay Liễu Trần không sao chợp mắt được, giờ lại nghe bài thơ Phong Sơn ngâm, lòng hắn càng thêm vụn vỡ, mơ hồ. Tối đó, Liễu Trần cứ đưa mắt lơ láo nhìn vào đêm đen. Đã từ lâu rồi hắn cũng mơ ước một cuộc ra đi. Mỗi lần nghe tiếng còi tàu xa xa về thúc giục, hắn lại tung chăn bó gối, lòng rạo rực niềm tin ở một con đường chưa định hướng. Có đêm hắn mơ thấy mình đã được ngồi trên chuyến tàu bắt đầu cho một cuộc du phương. Hắn mang trong mình hoài bão sống bất tận, hắn muốn đạp tan tất cả mọi quy cũ để bước từng bước chân trên những con đường hắn muốn đến. Phong Sơn, vị sư già chắc chẳng nhận ra điều hắn đang nghĩ nên cứ im lặng mãi, để gió chiều đưa đẩy mộng không tên. Hắn nhủ: “Rồi có ngày mình cũng ra đi…”

 

- Bạch Thầy, con đã trở về đây. Hãy cho con sống với những tháng ngày bình an còn lại.

Vị sư già gật gầu im lặng. Ông đã rất hiểu tính tình đứa học trò này. Ngày trước vị sư đã nhận ra sự phóng khoáng rộng rãi trong hồn người đệ tử. Có lẽ chuyến đi này ông đã dự đoán trước từ lâu.

Con xuống nhà nghỉ ngơi rồi ăn cơm. Mấy bài thơ con viết tặng thầy năm xưa thầy vẫn còn giữ kỹ.

Hắn đảnh lễ thầy, thấy thầy già hơn xưa nhiều. Hơn mười năm rồi còn gì! Liễu Trần xuống hậu liêu, bắt gặp Phong Sơn, trông chú ấy cũng già quá rồi.

- Nam mô A Di Đà Phật! Ủa, chú mới về đó sao? Phong Sơn mừng rỡ hỏi han pha chút bất ngờ.

- Nam mô A Di Đà Phât! Dạ, em đã trở về.

- Hơn mười năm rồi chú nhỉ. Mà sao ngày đó ra đi chú không nói với tui một lời nào cả? Tui mong tin của chú lắm!

Liễu Trần không trả lời, hắn bảo:

- Chú Phong Sơn này, mười mấy năm trên bước đường vô định, giờ em cũng thèm một lần được bình an ngồi dưới gốc cây trong chiều về êm ả lắm!

- Thôi, chú rửa tay rồi vô ăn cơm, trưa rồi...

- Chú kể sơ tui nghe hơn mười năm qua chú sống thế nào có được không?

Tối hôm đó, dưới gốc sứ ngày xưa, Phong Sơn cùng Liễu Trần bên tách trà ngồi nói chuyện. Hắn kể cho Phong Sơn nghe những tháng ngày lang bạt…

Hắn trở về chỉ khác Phong Sơn ở chỗ là vẫn còn khoác trên người màu lam thánh thiện, cái đầu vẫn còn sạch tóc. Mười hai năm đây đó, hắn học được rất nhiều thứ, cả vết thương đời đã thành chứng tích trong lòng hắn cũng không ít.

Đêm hôm ấy, mưa xứ Huế tầm tã, hắn lặng lẽ đảnh lễ thầy ba lạy rồi ra đi. Bước xuống dốc chùa, hắn không quên quay lại lạy ba lạy, tạ ơn nơi đã cưu mang hắn những tháng ngày qua. Hắn hiểu, một cuộc đời mới với nhiều thử thách sắp bắt đầu. Liễu Trần ra đi với hai bộ áo quần cùng vài đồng tiền ít ỏi. Xứ Huế mưa tầm tã, hắn sợ những cơn mưa như thế sẽ níu chân hắn ở lại nên hắn càng đi vội vàng, đón xe vượt đèo Hải Vân và ngày hôm sau đã đặt chân lên một vùng đất mới, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân yêu, tất cả những nỗi niềm…

Cuộc sống ở thành phố lớn khiến Liễu Trần choáng ngợp. Đôi khi hắn bỗng hướng mắt nhìn về phía chân trời xa xa, nơi đó, hắn biết, có những ánh mắt của bạn bè, của vị sư già, của Phong Sơn cũng nhìn xa xa như vậy. Thế nhưng, nỗi nhớ chỉ thoáng qua, hắn gạt đi nhanh chóng. Có đêm hắn lại mơ thấy ba mẹ đi tìm mình, hắn giật mình thức giấc thì tiếng gà ở đâu cũng đã gáy khàn đưa hắn về những phút giây của thực tại. Thỉnh thoảng hắn lại muốn nhấc điện thoại hay gởi một lá thư về cho ai đó ở Huế, nhưng rồi hắn lại quyết định không làm việc đó, chỉ điều này thôi hắn cũng đủ thấy tê buốt lắm rồi. Mười đêm hắn ngủ với điện chùa, mười đêm hắn tham thiền với biển, mười đêm hắn thức với riêng lòng. Cuộc sống cứ thế vần xoay. Những ngôi chùa hắn xin tá túc vài hôm không còn đếm xuể, nhiều mùa trăng lặng lẽ đi qua bóng dáng vị sư buồn, lặng lẽ như cánh chim bói cá giữa mặt hồ xanh.

Sống lang thang, Liễu Trần hiểu được tiếng rao buồn của bà lão gánh hàng rong; hắn biết thương mấy em nhỏ ôm ấp đời mình bên đống rác lao xao; hắn cảm nhận được làn chổi cùng những giọt mồ hôi quất vào màn đêm của chị lao công ;… hắn nhận ra rất nhiều điều trong cuộc sống tưởng chừng như thầm lặng mà lại là sóng biển dữ dội và chênh vênh. Sống lang thang, Liễu Trần hiểu được thế nào là cái đói, khi trong người không còn một xu dính túi. Có lần ngồi trong ga tàu, hắn còn nhận được miếng bánh mì từ bàn tay nhỏ của một em bé rách rưới chia cho. Lần đầu tiên hắn hiểu miếng ăn nặng bằng núi Tu Di là thế nào. Đó cũng là lần đầu tiên hắn thấy bánh mì khô ăn ngon đến vậy. Đêm đêm, dù ngồi ở đâu, Liễu Trần cũng nhất tâm niệm Phật, mong gởi chút bình an vào cuộc sống bão nổi này. Những nơi hắn đi qua đều để lại trong lòng bài học lớn, hắn càng thấm thía hơn lời dạy của đức Phật mà trước đây hắn chỉ đọc với một niềm tin thuần thành chứ chưa thể cảm nhận hết.

Nhiều hôm nhịn đói, Liễu Trần ngồi nghe biển kể lại những tháng ngày đong đầy trang ước nguyện. Bộ quần áo ngày xưa hắn mang đi giờ đã bạc màu, co rúm lại với những đường nhăn qua tuổi tác. Ánh mắt hắn đã tinh anh, nhìn đời rộng rãi hơn, chính xác hơn sau những lần biến cố. Hắn đau nhức với cuộc đời trôi nổi và cô đơn, chỉ có mặt biển xanh mới chịu thầm thì cùng hắn. Tất cả mọi chuyện trên đời chỉ có Phật mới chịu im lặng nghe hắn tâm sự, đó chính là những lúc hắn thắp sáng lên ngọn lửa nguyện cầu. Hắn sống nguyên vẹn với niềm tin thuần thành dù trong huyết quản bao giờ cũng thôi thúc bước chân hắn lên đường đi mãi cho kịp cuộc du phương. Nhờ ôm ấp trong lòng lý tưởng ra đi, cho nên chưa một lần hắn để thân tâm mình băng hoại theo thế tục, ánh mắt luôn sáng rực giống như những điều tốt lành hắn làm, hắn nghĩ. Mấy đêm trước, Liễu Trần đã ôm đứa bé lang thang vào lòng khi nó lên cơn sốt, hắn nhận ra tình thương không bao giờ cạn trong tâm hồn hắn. Có buổi, gặp một đoàn những em bé đánh giày trong công viên, Liễu Trần đã ngồi nói chuyện cho chúng nghe về cuộc đời, về những điều tốt lành mà sự sống mang lại. Bọn trẻ hứa với hắn sẽ sống thật tốt cho dù có khó khăn đến đâu, ánh mắt đứa nào cũng rạo rực niềm tin khó tả, trong sáng và trọn vẹn lắm. Những lần tiếp xúc như thế lòng Liễu Trần thấy vui nhiều.

Mùa mưa thứ mười hai trở lại, kể từ ngày Liễu Trần ra đi. Chiều nay hắn thấy lạnh, một cảm giác gì cứ khiến hắn gợi nhớ lại tuổi thơ êm ả và những năm tháng sống trên ngọn đồi lặng lẽ cùng với bao nhiêu khuôn mặt kỷ niệm. Những hình ảnh đó lâu nay Liễu Trần cố chôn vùi và chiều nay bất chợt vỡ ra và lan tràn trong từng thớ thịt. Tiếng bìm bịp kêu mùa nước nổi ở miền Nam xa vắng khiến hắn nhớ Huế vô cùng! Mười hai năm rồi hắn không hề bắt gặp một cơn mưa xứ Huế, không hề về thăm lại những khuôn mặt kỷ niệm. Hắn bồi hồi pha lẫn chút nghẹn ngào đến rát bỏng. Mười hai năm qua, Liễu Trần đã học hỏi được quá nhiều điều, để rồi chung quy lại cũng chỉ bằng sự im lặng của đức Phật mà thôi.

“Dừng bước ngang đây nghe Liễu Trần!”, hắn tự nhủ. Hắn đã thấm thía hai từ Liễu Trần rồi. Sáng hôm sau, trên chuyến xe về Huế, người ta thấy có vị sư trẻ gầy đang cuộn mình trong đôi mắt xa vắng.

Liễu Trần không thể một đêm mà kể cho Phong Sơn nghe những gì mình đã trải qua suốt hơn mười năm vất vưởng. Giờ trở về chốn cũ hắn mới thấy vị trà nơi đây sao mà ngon đến thế!

- Liễu Trần, tui sẽ ngâm bài thơ này cho chú nghe. Không đợi hắn trả lời, Phong Sơn tiếp với giọng ấm áp:

Giờ làm kẻ ăn mày xứ Phật

Xin đôi lần rạo rực cháy niềm tin

Y bát thuở đấng Cha lành chúc lụy

Đỉnh xa con lặng lẽ kiếm tìm

Liễu Trần chợt hiểu, cuộc ra đi nào cũng là để trở về. Liễu Trần giờ đây đã thật sự trở về, chiến thắng mình, chiến thắng những ao ước bấy lâu nay mình ấp ủ. Hắn mỉm cười tự nói với lòng: “Cảm ơn chú Phong Sơn nhiều lắm. Bài thơ đó tui viết đã cách đây mười lăm năm rồi, bây giờ mới có thể thực hiện được”. Trên kia, ánh trăng non đã lặng lẽ đi qua cuộc đời không chút đòi hỏi. Lũ chim đậu cành cây nhãn hình như đang lắng nghe tiếng thì thầm của hắn: “Ba mươi lăm tuổi đời, liệu đã bình an chưa?”.

Cố Đô, Thu Bính Tuất, 2006

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
TRẦN KHÁ DIỆP 03/07/2013 06:24:32
hay quá! cám ơn bạn về bài viết này.Làm mình xúc động quá.
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập