Nhân diện lục đạo luân hồi vào cửa Thất giác. ( hay con đường thứ 7 vãng sinh Tịnh độ)

Bước đầu gặp pháp
1
Đọc được mấy cuốn kinh
Ngỡ mình tỏ đạo
Nghe gió xôn xao
Nghe chim hót rộn
Nghe hạt trổ mầm
Lòng tự hát…
2
Tám mươi tư ngàn pháp môn
Kinh sách muôn trang
Pháp đồ nghìn quyển
Lời Phật dạy
Tâm phàm đọc kinh
Nửa tin, nửa ngờ
Các kiếp luân hồi
Danh sắc…
3
Trước khi làm Phật
Phải làm người
Phật giác
Phàm mê
Nghiệp dày
Phật dạy: Vô minh
Phải quét
Quét sạch vô minh
Tánh hiện. (1)
4
Phật tại Tâm
Tâm trú ở đâu ?...
5
Những câu hỏi
Câu hỏi
Câu hỏi…
Đọc cuốn kinh nào
Cũng nói đến tâm.
6
Gặp Tổ-thầy :
Thầy dạy,
sách dạy
Đều nói
‘Phật tức tâm
Tâm tức Phật’
7
Sắc sắc, không không
Hữu-Vô hóa hiện
Mê-tỉnh khôn lường…
8
Phật dạy pháp tu :
Chỉ - Quán - Thiền. (2)
Chỉ : Cần lặng
Quán : Cần tưởng
Thiền : Cần hiểu rõ ấm ma !
Tất cả quán thông trong ngoài.
Mật tông : Chủ trương không diệt tướng
Dùng phương tiện ‘lấy tướng diệt tướng’ !
9
Ngôn thuyết
Chỉ là ngôn thuyết
Qua sông
Còn bè
Đi vững (tu vững) bỏ gậy
Giác ngộ
Cập bến
Bờ vui…
10
Tâm tức Phật
Phật tức tâm
Đọc thuộc
Nhắc nhớ
Mà chưa tóm được tâm
Tâm nhảy lăng xăng
Như khỉ, vượn.
Mù mờ.
Phải quấy…
11
Chúng sinh
Bướng bỉnh, cang cường (3)
Phóng dật !
Thọ ái
Tham, sân…
Chẳng dứt.
Quay cuồng trong Lục đạo (4)
12
Phật Bi mẫn
Chỉ Sáu nẻo luân hồi
Phật dụ :
‘Phật cao ba thước
Ma cao ba trượng’
Đạo pháp nhiệm mầu
Bất tư nghị. (5)
Không hiện lượng.
Khó chỉ
Khó thấy
Ta Bà-chúng sinh
Cang cường
Nặng nghiệp chẳng tin !
13
Kẻ xuất gia
Kẻ tại gia
Sống thời xa pháp
Cãi lộn
Xảo ngôn
Người ở nhà Như Lai
Kẻ nhà phàm tục
Chướng ma
Ngoại đạo
Xen vào tranh biện
Phật tánh tại tâm
Sự - Lý chẳng dung thông
Người vác tâm
Ruổi rong
Đi tìm Phật
Thật đáng thương…
14
Tâm như khỉ, vượn
Chạy nhảy lăng xăng
Phật bảo cột tâm
Đừng theo Danh sắc
Lục căn
Lục trần
Ứng nhau
Giả có.
Cắt ngay tận gốc
Hình tướng
Hư vọng
Mê mờ.
15
Dẹp vọng tưởng
Chớ hướng ngoại
“Phản quan tự kỷ”
Bịt ngoài
Hiển trong
Đèn tâm
Bật sáng !
16
Tranh biện hoài
Phân tâm
Bỏ Chân
Theo ngụy
Phật chưa gặp
Ma đã tới !...
17
Gặp chướng
Chẳng thoái lui
Dụng tâm
Khéo nhận
Chân-ngụy
Diệt ma chướng
Giữa bùn nhơ
Sen nở!..
18
Tám mươi mốt (81) nạn
Trùng trùng
Duyên khởi
Thầy trò Đường Tăng
Phải qua tám mốt nạn
Mới gặp trời Tây trúc
Và trở về với Chân kinh
Hoan hỷ!
19
“Phật cao ba thước
Ma cao ba trượng”
Rèn chí
Rèn tâm
Bao phen nhận lầm
Con là giặc !
Ma chướng giả chân
Dối lừa
Điên đảo
Khó lường…
20
Dày vò
Thì tuệ sáng
Bát Nhã, Kim Cang…
Kinh có tự
Kinh không tự !
Phật dụ :
‘Những điều ta hiểu
Như lá trong rừng
Và cái ta nói
Như nắm lá trong tay’
Tự đốt đuốc
Trải nghiệm mà đi
Tâm linh- khéo tu
Tỏ bầy trực giác !
21
Bốn mươi chín(49)năm
Chuyển bánh xe pháp
Phật thuyết
Mà Phật bảo chẳng thuyết câu nào.
Phật chỉ là người chỉ đường,
Đi hay không
Chẳng thể làm thay
Cũng như chữa bệnh
Thuốc hay thì phải uống
Phật dạy :
Tùy duyên
Chẳng ai ép buộc !
22
Nói và chẳng nói
Nghe mà chẳng nghe
Tập khí
Tập quán
Tập tục
Ken dầy
Kiếp chồng lên kiếp !...
23
Tưởng và Tình
Dục ái
Đối trọng
Tưởng nhẹ
Theo lên !
Tình nặng
Đọa xuống !
Lục đạo luân hồi
Kinh Phật dạy
Phải nắm cho rành.
24
Xoay xỏa trong vòng lục đạo
Sống đây chết kia
Sinh tử kế nhau không dứt !
Phật dạy :
Phải thoát vòng sinh tử
Khổ đau kiếp trược này.
Chúng sinh
Chấp trược, cang cường
Vui trong ngũ dục
Kẻ tỉnh
Người mê
Phật từ bi
Chỉ bày phương tiện
Thương chúng khổ đau
Mà thuyết pháp.
25
“Hồi đầu thị ngạn”
Là đến bờ giải thoát!
Nói thì dễ
Hành thì khó!
26
Vốn trước kia
Làm gì có đường
Đi mãi
Thì thành đường.
Phật thương chúng sinh
Dụ nhiều phương tiện giải khổ!
Tùy căn cơ theo Pháp tu hành.
Tu là chuyển nghiệp
Tu là mỏng dần tập khí
Xấu ác bao đời…
Hiển lộ Chân tánh Bản lai.
27
Tu thì sống
Mống thì đọa !
Sinh sinh
Tử tử…
Sinh vui
Tử buồn
Vô thường đớn đau truyền kiếp!
Phật dạy:
Vô thường, vô ngã
Diệt tận.
Vô sinh ắt vô tử
Chấm dứt sinh, già, bệnh chết!
Thẳng tới Niết Bàn!
28
Chẳng ai chết hai lần
Mà tập chết
Để thấy kiếp phù sinh?
Kẻ chết lâm sàng (6)
Cơ may sống lại kể…
Ai tin chuyện ấy.
29
Đạo Phật
Minh triết
Kẻ phàm tình
Không theo kịp!
Nghi ngờ…
Bởi đạo nhiệm mầu cao tột!
Vượt quá cái tầm thường của con người,
Nên con người
Khó tin
Khó nhận.
30
Thời xa pháp
Đua nhau
Phóng dật
Ngã mạn
Chấp trược
Quay cuồng!
Thế giới hòa nhập
Á, Âu
Tây ,Tàu
Hỗn loạn
Học đạo
Tu đạo
Nghiên tầm thâm sâu thì ít.
Lợi dưỡng thì nhiều!
Cuộc thế đua nhau
Vật chất hóa
Dưỡng thân
Vô lậu hoặc
Tất cả
Vùi đầu
Vào ẩm thực!
31
Từ bi Phật dạy:
“ Nhân thân nan đắc
Phật pháp nan văn”
Thân này khó được
Phật pháp khó gặp
Luống để uổng sao?
Tổ, thầy lại dạy:
Cắt đường sinh tử
Chấm dứt luân hồi.
Tổ, thày
Chỉ rõ lục đạo
(sáu đường)
Chớ đi đường ấy;
Muốn thoát ác trược
Luân hồi sinh tử khổ đau
Duy nhất chỉ có một đường.
Đó là con đường thứ Bẩy!
Vào cửa Thất giác (7)
(hay con đường thứ Bẩy)
32
Lục đạo luân hồi
Sáu cửa leo lên lộn xuống
Sướng đến như Tiên (8)
Hết phước điền còn đọa!
Huống hồ các cõi thấp hơn.
33
Con đường bất sinh bất diệt
Là đường về với Niết bàn
Cõi này nằm ngoài Lục đạo
Chẳng còn kiếp trược luân hồi
Chẳng còn lo chi sinh tử.
Khổ đau chấm dứt hoàn toàn!
34
Để về được con đường ấy
“Lo tu như lửa cháy đầu”
Thế trần dốc lòng buông xả
Đừng tham cái thói đèo bòng !
35
Muốn ra khỏi vòng vô minh
Kim cang đêm ngày luyện trí
Dứt trừ miệng lưỡi thị phi
Dứt trừ phù vân Danh lợi
Dứt trừ ngũ trược thế gian.
Đừng nghe lời ma dụ dỗ
Nói rằng đường đến Niết bàn
Tất cả chỉ là hư giả
Tất cả chỉ là ‘yếm ly’
Xuất thế chẳng lợi ích gì !
Cảnh giác lời ma lừa gạt (!?)
36
Xuất thế đường của nhân vị
Ấy là con đường Thánh nhân
‘ Làm mà chẳng phải làm’
Việc Thánh dụng tâm là thế
Phàm nhân sao đặng việc này.
Từ bi pháp độ thế gian
‘Làm mà chẳng phải làm’
Làm ấy mới thật vi tế
Xóa đi dấu vết lợi danh
Hàm dưỡng thánh thai Chân ngã
Vi diệu bất khả tư nghì !
37
Bất sinh bất diệt
Đấy là con đường thứ 7
Phật dạy chúng ta
Đường ấy Phật đã giác !
Đường ấy Phật giác tha ! (9)
Tin sâu thì đến
Chẳng tin thì đọa luân hồi!
38
Đức Phật hóa thân!
Là người chỉ đường
Đi hay không
Do ta lựa chọn
Phật không theo lối thần quyền!
39
Lục đạo luân hồi
Đường ấy khổ đau
Xoay vòng muôn kiếp.
Con đường thứ 7.
Là đường Đức Phật tìm ra…
Ấy là con đường Bất sinh bất diệt!
Ấy là cảnh giới Niết bàn.
40
Thân này khó được
Phật pháp khó gặp
Tu theo con đường thứ 7
Là đường Vô Ưu.
Chẳng còn sinh, già, bệnh chết.
Chẳng còn luyến ái xa lìa
Đến khi viên chứng…
Như như pháp thân
Ứng hóa vô ngại!
41
Thiên kinh
Vạn quyển
Nhưng đều Nhất như.
Tùy căn cơ tu chứng
Chớ ngờ!
42
Trăm sông
Đều làm bằng nước
Trăm sông
Đều đổ về bể
Tất cả là một
Mội là tất cả
Dung chứa Bản tâm !
43
Tâm khỉ vượn
Chạy nhảy
Lăng xăng
Không thể được !
44
Sắc, thanh, hương
vị, xúc, pháp.
Nhãn,nhĩ, tỷ, thiệt
Thân, khẩu , ý (10)
Gặp nhau họp chợ
Xôn xao không dứt
Muôn thủa mịt mờ.
Khó giác lắm thay!
Nhất tâm Phật dạy
Điều này phải nhớ!
45
Lặng im
Để lòng nghe
Đưa tâm về nhà an trú
Nhất niệm
Hồng Danh Đức Phật. (11)
Tâm lặng
Tỉnh thức
Tỉnh thức…
46
Tự lực
Tha lực
Trong ngoài
Nối mạng
Dung thông
Trưởng dưỡng thánh thai;
Nhẹ nghiệp
Sạch nghiêp
Lúc lâm chung
Tỉnh, tỉnh
Tỉnh...
Buông xả pháp trần.
Nguyện cầu Vãng sinh
Tây cảnh Quốc độ.
Sen vàng
Thánh cảnh
Diệu pháp thân
Thệ nguyện
Vãng sinh
Vô ngại!
Phật pháp nhiệm mầu
“ Tu là chuyển nghiệp”
47
Vì một nhân duyên
Đức Phật ra đời
Chỉ bày phương tiện.
Tự tu, tự chứng
Dưới Cội Bồ-đề
Đức Phật giác ngộ
Chánh Đẳng Chánh Giác !
Thầy của Trời, người.
Vì thương chúng sinh
Trong cảnh luân hồi
Sống đây chết kia
Trầm luân bể khổ.
Mà Ngài thuyết pháp…
48
Với trí Đại bi
Với tâm Tuệ Giác !
Phật dùng phương tiện
Chỉ bày cho ta
Ở chốn Ta bà
Tu để giải thoát
Ngôi nhà Tam độc !
Nên Phật dụ là
Ngôi nhà lửa cháy
Cần phải thoát ra !
Cần phải thoát ra !
Ngôi nhà lửa ấy !
49
Pháp Phật thì cao !
Chúng sinh thì ‘chấp’
Bởi vì điên đảo
Bởi vì tham, sân ! (12)
Che mờ tánh giác !
Muốn rõ chân tánh
Phật dạy phải tu
Tiêu trừ Tập khí (13)
Tích tụ bao đời.
Vậy thì người tu
Phải suy cho khéo
Phải tầm cho sâu
Tinh tấn từng ngày
Xả dần ác nghiệp
Chớ có thay lay
Chớ có móng cầu
Giải đãi…
50
Mượn cái thân này
Gắng công bền chí
Khéo tu thì tỏ
Phật pháp nhiệm mầu !
Ai học :
Người đó hay.
Ai tu :
Người ấy chứng !
Đừng nghĩ đạo Phật ‘yếm ly’
Phải tin Chánh pháp !
51
Phật dạy buông bỏ
Tham luyến Ta bà
Sinh, lão, bệnh tử!
Ấy là lẽ thật thế gian
Vui buồn giả lập
Có đây mất kia
Cả đời xa xót !
Thương nhau luyến ái
Rồi cũng chia lìa…
52
Bởi lẽ,
Giầu sang và nghèo khó
Ghét nhau duyên nợ buộc ràng
Cầu bất đắc khổ !
Danh lợi đua chen
Tạo bao ác nghiệp
Như bày thú dữ !
Kiếp người sống đây chết kia.
Vinh, nhục trong vòng xoáy lốc.
Tham sân sẽ đọa A Tỳ!
53
Phật dạy buông xả
Tham luyến Ta bà
Đấy là Phật thương
Bảo đừng vướng mắc
Bảo đừng đắm say
Bởi cõi Ta bà
U mê ác trược
Có gì mà phải đắm say…
54
Vào Cửa Thất giác
Cần phải tỉnh thức
Cần phải suy lường
Đừng có mang theo
Hành trang ái dục!
Đừng có mang theo
Nỗi lòng sân hận…
Vào cửa Thất giác
Cái cần mang theo
Ấy là Thiện nghiệp
Ấy là Từ Bi
Ấy là Trí Huệ.
Chớ có móng cầu
Giầu sang phước báo Trời, người.
Khó vào Tịnh độ !
55
Vào cửa Thất giác
Phật dạy chúng ta
Tất cả xả bỏ.
Đừng sợ trắng tay
Pháp“KHÔNG ”đừng sợ !
Bởi ở nơi đó
Ô trược chẳng còn
Sống đời thanh tịnh
Sống bằng thức tâm!..
56
May mắn cho ai?
Gặp được Phật pháp.
Xin chớ hoài nghi
Những lời Phật dạy!
Bởi lẽ
“ Nhân thân nan đắc”
Phật pháp nan văn”
Hãy mượn thân này
Để tu Giải thoát!
57
Hãy tin lời Phật
Với lòng Từ bi
Như cha như mẹ
Thương con cầy cậy
Nên Phật chỉ bày
Pháp tu phương tiện.
Chính Ngài đã thấy
Chính Ngài đã nghe
Nỗi khổ Ta bà
Nên Ngài dạy ta
Tu theo Chánh pháp!
58
Vào cửa Thất giác
Chẳng còn khổ đau
Giải thoát hoàn toàn
Hãy tin lời Phật!
Hãy tin lời Phật
Ngài khuyên dứt bỏ
Kiếp sống Ta bà
Là bỏ uế trược
Là bỏ sân si
Là rời phiền não
Là đoạn khổ đau
Xa lìa tham ái
Xa lìa lợi danh…
Để được an nhiên
Chấm dứt ưu phiền
Chẳng còn sinh tử
Trong cảnh luân hồi
Đớn đau truyền kiếp !
59
Đường về Tịnh độ
Nơi ấy thanh bình
Vui cùng tứ chúng
Chẳng còn đấu tranh
Chẳng hề giành giật !
60
Vào cửa Thất giác
(Đới nghiệp vãng sinh)
Ra khỏi luân hồi
Thoát vòng tục lụy
Nơi đó thảnh thơi
Toàn người thanh lương
Toàn người giới hạnh !
Ở đó tu hành
Nghe Phật Di Đà
Hàng ngày thuyết pháp
Đồng tu đồng học
Nương tựa vào nhau
Nơi chốn Phật Đà
Sen vàng yên ấm !
61
Đến khi thực chứng
Phật pháp vô biên
Pháp thân vô ngại
Trở lại Ta bà
Độ người quyến thuộc
Độ cả bà con
Chưa có cơ duyên
Thoát vòng đau khổ !
62
Khi ấy gặp nhau
Mới tỏ pháp mầu
Đường tu vi diệu
Mà Phật dạy ta
Chẳng còn xa lạ.
Ai tu người ấy chứng
Ai tội người ấy mang
Thiện ác rõ ràng
Chẳng còn nhầm lẫn !
Với lòng bi mẫn
Phật dạy pháp tu
Ai thức thì tỉnh
Ai ngủ thì mê...
Duy Tuệ thị nghiệp !
Là pháp nhiệm mầu
Soi thấu thấp cao
A Tỳ - Cực Lạc !
Thay lời kết
‘Tự tánh Di Đà
Duy Tâm Tịnh độ’
Đạo đức
Thời mạt pháp
Lệch chuẩn
Tuột dốc
Ngồi lo
Xa gần
Ngẫm ngợi…
Hội nhập
Vọng dục, khát ái
Đảo dòng
Trong đục
Đẻ ra
Nhiều lập thuyết !
Đau đời
Đã cứu được đời đâu?
Lặng thầm
Chuyển thức vào trong
Theo lời Phật dạy
Nhãn căn
Thôi hoa đốm
Thôi bóng lóa!
*
A Di Đà Phật!
Tin sâu
Chánh niệm!
Nhận rõ
Ba đào
Bể dâu…
Nhận ra
Đèo bòng
Khôn dại
Đối đãi
Nhị biên
Phiền não chướng!
*
Cởi bỏ
Chấp trược
Nhận rõ
Ngũ uẩn (14)
Rong rêu
Lậu hoặc; (15)
Nhận ra
Vô thường
Vô ngã!
*
Nhập vào dòng nghịch lưu
Cuộc thế đua chen
Ngũ trược.
Tinh tấn
Giữ giới
Tu hành!
Theo lời Phật dạy
Tâm dần sáng tỏ
Nhận rõ kiếp người
Trong vòng xoáy lốc
Trầm luân sinh tử.
Nhận rõ
Vui cuộc thế
Chỉ là giả tạm
Khổ chồng khổ
Kiếp phù sinh;
Trồi lên
Ngụp xuống
Xoay vòng
Không dứt.
Đời đời, kiếp kiếp khổ đau!
Nhân quả - Luân hồi
Theo vòng “Thập nhị nhân duyên.” (16)
*
Vô minh
Dẫn đến hành động
Sai lầm sái quấy.
Ngỡ cái ta là thật !
Ôm giả làm chân.
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức…
Ngũ uẩn
Hợp tan
Như bóng lóa
Ấy thế mà cống cao
Ôm đầy mình ngã mạn!
Mười hai nhân duyên
Nối nhau
Xoay vòng
Trong xiềng xích
Khổ đau!
Đứng trên bờ sinh tử
Đức Phật thương chúng sinh
Chế ra pháp “ Tứ diệu đế” (17)
Và “Thập nhị nhân duyên”
Đó là phương tiện
Đó là pháp tu mầu nhiệm.
Dạy tu, dạy sửa…
Chánh pháp có một không hai !
*
Lóng lặng mà nghe
Lóng lặng thực hành
Không sai chạy.
Tổ thày dạy :
Nhờ tâm lóng lặng
Không đuổi theo trần cảnh
Thân tâm tịch tĩnh
Nhận chân
Thật giả.
Thấu hiểu Thập nhị nhân duyên
Nhớ lời Phật dạy
Khổ đau bởi Vô minh
Vô minh hành
Mà tạo nghiệp!
Dùng Bát chánh đạo (18)
Chánh kiến
Chánh Tư duy…
Soi chiếu
Chặt đứt khoen đầu
Vô minh
Trong vòng luân hồi sinh tử!
Tập khí tiêu cực
Quyến rũ, sai sử không theo
Nghiệp Ác chẳng tạo
Nghiệp Thiện vun trồng
Tâm chẳng móng theo ma quỷ.
Hạt Châu trong lòng hiển lộ!
Tâm tịnh
Vạn vật tịnh
Tâm tịnh
Vạn sự thanh.
Tịnh Độ
Ngay ở Ta bà
Chẳng phải đâu xa!
Lục đạo luân hồi
Sinh, lão, bệnh tử khổ!
Biết rõ mười mươi
Chẳng theo lối đó!
Nhất tâm tu hành
Kiên trì giữ giới
Hướng tới Niết bàn
Theo pháp môn Tinh độ:
Tín-Nguyện-Hạnh
Ngày tháng chuyên tâm
Ngày tháng phụng hành
Trì danh niệm Phật
Lòng chớ nghi ngờ.
“ Niệm Phật một câu
Phước sinh vô lượng
Lạy Phật một lạy
Tội diệt phước sinh”
Nam Mô A Di Đà Phật!
Bất loạn thân tâm
Đắc Ba- la- mật!
Vào lúc lâm chung
Nguyện-Hành vững chắc.
Buông xả pháp trần
Chẳng còn tham luyến
Hướng về Tịnh độ.
Tâm Bồ tát đạo.
Gặp Bồ tát đạo.
Tâm Phật sáng soi.
Dẫn đường Cực Lạc !
*
Mây sáng
Trời trong
Ta về nơi ấy
Dứt trừ Tam độc. (19)
Dứt trừ Lục đạo luân hồi!.
Vào Cửa Thất Giác.
Phàm Thánh đồng tu
Chẳng còn ô trược
Chẳng còn phiền não dày vò!
Mây sáng
Trời trong
Ta về nơi ấy
Tịnh Độ-sen hồng
Thoát vòng sinh tử
Muôn đời Viên Dung.
(Khởi viết năm xuân Canh Tý 2020
Hoàn thành xuân Nhâm Dần 2022)
Cư sĩ : Nguyễn Đức Sinh
(Hội văn học Tp.Uông Bí-Quảng Ninh)
Chú thích :
1- Tánh : Theo đạo Phật, con người ta ai cũng có tánh giác, nhưng vì do ngũ trược che mờ, khi tu hành đúng pháp Phật sẽ hiển lộ Chân tánh Bản lai, cũng gọi là Phật tánh.
2-Chỉ, Quán, Thiền : Là những pháp tu của Phật giáo kể cả Tiểu thừa và Đại thừa.
3-Bướng bỉnh,cang cường : Theo đạo Phật, chúng sinh vì chấp trược vào pháp có, pháp không giả hợp, mà chưa hiểu được lý vô thường, vô ngã, nên nghi ngờ và không tin vào pháp nhiệm mầu giải thoát sinh tử của đạo Phật.
4-Lục đạo : Là sáu cửa luân hồi sinh tử : Trời, người, Atu la, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục.
5-Bất tư nghì : Theo đạo Phật là pháp khó bàn, khó thấy, khó diễn tả băng, ngôn ngữ .
6- Chết lâm sàng : Theo khoa học ngày nay là chết ở trạng thái vật lý tạm thời, sau đó sống lại
7-Con đường thứ 7 : Dựa theo ý bài giảng ‘ Con đường bất sinh bất tử’ của HT Thanh Từ nói về quá trình tu Phật để giải thoát khỏi lục đạo luân hồi sinh tử, vãng sinh Cực lac. Con đường này, các Tổ thầy thường ví dụ cho dễ hiểu đó là con đường thứ Bẩy hay còn có tên khác là Cửa Thất giác.
8-Tiên : Chỉ cõi Thiên nói chung.
9-Giác tha : Theo Đạo Phật là người tu đã chứng đạo hay đắc đạo độ người khác, chúng sinh khác thoát cảnh đau khổ.
10- Thân, khẩu, ý : Thân, miệng, ý nghĩ của con người ta.
11- Hồng danh : Chỉ Đức Phật A Di Đà.
12- Tham, sân, si: Theo ngôn ngữ nhà Phật chỉ lòng tham, nóng giận, u mê bởi ngũ trược.
13- Tập khí : Những ác nghiêp, thói quen huân tập từ đời này qua đời khác.khó bỏ…
14- Ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hánh, thức. Theo đạo Phật, sắc bao gồm bốn yếu tố gọi là tứ đại: địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại thuộc vật chất; còn bốn uẩn là, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn thuộc tinh thần. Đây là 5 yếu tố hình thành nên con người và thế giới. Luận về ngũ uẩn Đức Phật dạy: “ không liễu tri ngũ uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau, do vậy cần phải liễu tri ngũ uẩn. Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si được gọi là liễu tri ( tức thấy biết) ngũ uẩn là vô ngã không thật thể, thì không bám víu tức giải thoát khổ đau…”
15- Lậu hoặc: Đây là 5 thành phần tạo nên con người và thế giới. Năm thành phần này ở chúng sinh gọi là “ hữu lậu ngũ uẩn” tức còn uế trược; nơi Phật gọi là vô lậu (xem thêm phần này ở cuốn Bước đầu học Phật của HT Thanh Từ…
16- Thập nhị nhân duyên: Theo đạo Phật căn cứ Lý duyên khởi ( cái này sinh, nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt). Đây là nguyên tắc chung giải thích về sự hình thành hay hủy diệt của các pháp. Từ lý duyên khởi này, Thế Tôn phát hiện Vô minh là nguyên nhân sâu xa tạo thành những ác trược, phiền não khổ đau của con người. Đồng thời Đức Thích Ca Mâu Ni cũng chỉ rõ rằng, chỉ có trí tuệ mới có thể đoạn trừ được vô minh đó. Do vậy, Thế Tôn căn cứ vào lý thuyết duyên khởi, thiết lập 12 nhân duyên để thuyết minh quá trình hình thành khổ đau của con người. Với chi đầu tiên là Vô minh và chi cuối cùng là lão tử. Chi cuối cùng này, biểu thị trạng thái đau khổ của con người. (xem thêm Thập nhị nhân duyên).
17- Tứ diệu đế: Còn gọi là Tứ Thánh đế. Đâylà pháp tu trải qua bốn giai đoạn: 1 được gọi là Khổ đế ( tức nhận biết đời là khổ do vui buồn giả tạm đem lại); Tập đế: ( chỉ những thói quen huân tập của trạng thái vui buồn của kiếp người từ tiền kiếp tạo nên các tập khí, tập nghiệp noi chung); 3 Diệt đế ( chỉ sự nhận biết chánh pháp mà đạo Phật hướng dẫn tu hành diệt đoạn các thói quen tiêu cực); 4 Đạo đế ( tức theo chánh pháp tu tập đưa đến giải thoát khổ đau đạt đén Thánh vị.
18- Bát chánh đạo: Gồm tám nhánh kể từ Chánh Kiến đến Chánh Định theo pháp tu
Đạo Phật.(chánh kiến, chánh ngữ, chánh tư duy, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
19- Tam độc: Đây là 3 độc lớn căn bản gây cản trở đối với người tu hành trên lộ trình giải thoát theo đạo Phật.
- Chùa Lầu Minh Đạo
- Bài Thơ Gửi Những Đại Gia Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Cảm Nhận Khổ Đau Bạch Vân Nhi
- Tâm Vô Ưu Bạch Vân Nhi
- Mẹ là bình yên! An Tường Anh
- Tạ Ơn Người - Tạ Ơn Đời Thích Đồng Trí
- Tầm Nhìn Bạch Vân Nhi
- Tự hỏi! Chánh Bảo Trung
- Dòng Sông Bạch Vân Nhi
- Gạn Lòng Khánh Hạ
- Thiền Khánh Hạ
- Cho Một Ngày Mai Quảng Hoa_Phan Hồng Liên
- Thầy và Đệ Tử Cùng Tu Thích Trừng Sỹ
- Sông Trăng Bạch Vân Nhi
- Huân Tu Bạch Vân Nhi
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
- Sen quê màu hạ
- Thức - trong giáo lý ngũ uẩn đạo Phật
- Xuân nghìn năm-xuân đối diện
- Xuân với câu chuyện thiền môn
- Nhân Ngày Thành Đạo chúng ta tri ân và khắc ghi lời Phật dạy
- Độ sinh và độ tử
- Thiền sư Vạn Hạnh với triết lý “Dung tam tế”
- Ý nghĩa siêu độ, bạt độ trong nghi thức Mông Sơn thí thưc
- Sơ tổ Trúc lâm Trần Nhân Tông với Yên sơn
- Nhân mùa Phật đản: nghĩ về trí tuệ trong đạo Phật
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)