Hương Xuân trong Cõi Thơ Thiền

Đã đọc: 3502           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Mặc dầu chất xuân trong Thiền thi của Thiền sư Mãn Giác không tạo ra nỗi khắc khoải mông lung nghìn đời của nhân thế hoặc không muốn gây nên cảm giác chơi vơi cho người yêu thơ, nhưng bài thơ này đã có một bước bộc phá mới và thôi thúc chúng ta đi tìm sự bí ẩn đã tạo nên vẻ đẹp thanh thoát ly kỳ về nó. Bí ẩn này có thể tạm thời được biết như là cành tâm xuân luôn hiện hữu trong dòng đời buồn tẻ phù hư.

Chư pháp tùng bản lai

Thường tự tịch diệt tướng

Xuân đáo bách hoa khai

Hoàng oanh đề liễu thượng.”

(Ý Kinh Pháp Hoa)

Không gì tuyệt đẹp hơn hình ảnh của mùa xuân, khi hoa đào hoa mai hé nở, khi những mầm xanh đang e ấp chờ đợi trăng nước tháng ngày và sự chuyển giao của đất trời để vẫy vùng sự sống. Vẻ đẹp của mùa xuân đã thêu dệt nên những vần thơ rạng ngời hương sắc qua cảm hứng của kim cổ thi nhân; song song với cảnh sắc huy hoàng đó, các thi nhân cũng đã gợi lên vô vàn hình ảnh xuân thì của các cô gái nõn nà hay những mảnh tình xuân phơi phới được thì thầm trong cõi thi ca lung linh sắc màu xuân biếc. Đi vào cõi thơ xuân, bên cạnh những thinh sắc lộng lẫy của trời xuân, chúng ta có thể nhận ra sự nồng nàn, nỗi khát khao vòi või và hụt hẫng khôn nguôi của các thi nhân đối với xuân, bởi vì mùa xuân cứ đến và đi, hững hờ như nước xuôi cầu, và thi nhân thì cứ muốn lưu giữ lại bóng dáng yêu kiều thuở nao của nàng xuân vô thường đó, rồi nức nở… Vượt lên trên những khát vọng về tình sắc mong manh của xuân, các thiền sĩ đã tạo nên một cõi xuân thi với gam màu riêng biệt qua bút pháp thanh tao tiêu nhã và bằng cảm quan siêu thoát trong đời sống bọt bèo hư ảo. Cứ mỗi mùa xuân về lật từng trang thơ thiền, chúng ta có cảm tưởng như đang sống trong cõi xuân huyền nhiệm, rưng rưng đâu đây hoa vàng sắc biếc trong cuộc đời đầy giá buốt xa xăm.

Mở đầu tông phong trong cõi Thiền xuân này là bài thơ Cáo Tật Thị Chúng nổi tiếng của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096)- vị cao tăng thời Lý. Bài thơ chỉ có vỏn vẹn ba mươi bốn chữ trong sáu câu nhưng đã bao hàm toàn bộ tư tưởng tinh hoa của Thiền học cũng như tính thể của nguồn thơ,  

春去百花落

春到百花開

事逐眼前過

老從頭上來

莫謂春殘花落盡

庭前昨夜一枝梅

Nếu vẻ đẹp của Đường thi là nỗi xuyến xao vời vợi về hai nàng xuân, một trở về một biền biệt như: 

“Hoa đào (vẫn) cười cợt gió đông

Mà nay chẳng thấy bóng hồng nơi nao”

(Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong). (Đề Đô Thành Nam Trang-Thôi Hộ ) 

thì vẻ đẹp của Thiền thi trong thơ của Thiền sư Mãn Giác là linh thể bất diệt ngay trong đêm tối diệt sinh, và được phát họa sinh động qua hai câu kết bằng một cành mai vàng nở giữa đêm khuya trước khi xuân đã tàn hoa đã rụng nhưng nào ai hay biết:     

“Đừng nói xuân tàn hoa rụng hết  

Đêm qua sân trước một cành mai.

(Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.)

Mặc dầu chất xuân trong Thiền thi của Thiền sư Mãn Giác không tạo ra nỗi khắc khoải mông lung nghìn đời của nhân thế hoặc không muốn gây nên cảm giác chơi vơi cho người yêu thơ, nhưng bài thơ này đã có một bước bộc phá mới và thôi thúc chúng ta đi tìm sự bí ẩn đã tạo nên vẻ đẹp thanh thoát ly kỳ về nó. Bí ẩn này có thể tạm thời được biết như là cành tâm xuân luôn hiện hữu trong dòng đời buồn tẻ phù hư.

Có thể từ âm hưởng của cành mai Mãn Giác mà các thế hệ Thiền thi Việt nam về sau đều đã tạo nên những sắc phong của cõi tâm xuân thay vì mô tả khung cảnh hữu tình của bướm hoa mây nước:                                                                                     

“Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,

Bướm liệng hoa cười vẫn đúng kỳ,

Nên biết bướm hoa đều huyễn cả,

Thây hoa mặc bướm để lòng chi.” 

(Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,

Hoa điệp ưng tu tiện ứng kỳ,

Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,

Mạc tu hoa điệp vấn tâm trì).(Giác Hải thiền sư)

Với tư tưởng “nhậm vận” nên các Thiền sĩ chẳng thấy xuân còn hay mất để rồi ôm ấp những hoài niệm hay mơ về một tiếng pháo xưa khi mùa xuân qua đi:          

“…Năm ba ngày nữa tin xuân đến,
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.”
(Nguyễn Khuyến)

Đối với Thi nhân, sự xoay vần của mùa xuân và nỗi khát khao về nó đã bắc nhịp cho thơ giao cảm được tiếng lòng của nhân thế; nhưng một lúc nào đó nhà thơ bỗng cảm thấy ê hề với những khát ái bất tận của chính mình trước sự hữu hạn của xác thân như một nghịch lý của tâm và cảnh:         

“Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.”
(Hồ Xuân Hương)

Mảnh xuân vô thường kia cứ đi đi lại lại khiến cho tình đời thêm già nua và tẻ nhạt, vì vậy nhà thơ cứ mãi ao ức níu kéo hương sắc của xuân với thời gian không bến đợi:     

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

”(Vội Vàng-Xuân Diệu)                                                                                                                         

Trong khi đó thiền nhân đã có được những phút giây tương ngộ với mảnh chân xuân trong thời gian vô cùng và ý thức về chiếc bóng choàng trên cái sinh thức phiêu bồng vô hạn nên đâu có sắc màu để héo úa nhạt phai:                          

bao thiên niên kỷ, nhìn mây nước     

giật mình, thấy bóng vẫn không phai..” (Lãng Mạn Khúc Du Xuân-CS Liên Hoa)

Chiếc “bóng không phai” là linh thể tối thượng không nhuốm sắc màu thời gian, không bị chi phối bởi bốn mùa mưa nắng rồi cuống lên vì lo sợ ngày xuân vun vút trôi qua “mau với chứ thời gian không đứng đợi.” (Xuân diệu). Không vồn vã rượt bắt mùa xuân, Thiền thi phác họa nhãn quan linh động với cái nhìn thiền quán về lẽ sắc-không khi mùa xuân đến:         

“Tuổi trẻ chưa tường rõ sắc - không
Xuân về hoa bướm rộn tơ lòng
Chúa Xuân nay bị ta khai phá
Chiếu trải giường thiền, ngắm cánh hồng."
(Niên thiếu hà tằng liễu sắc, không
Nhất Xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông Hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.)
(Phật Hoàng Trần Nhân Tông)

Trên căn bản quán chiếu, thơ thiền không bị lôi kéo vào thiên kiến vui buồn thương tiếc của thế nhân với những nỗi chập chờn đơn lạnh nghìn đời của nhân thế khi ngày xuân không bao giờ trở lại như Đông Hồ đã tâm sự:                                                                                              

“Tưng bừng hoa nở thắm ngày xuân
Rực rỡ lòng cô hoa ái ân…
Cô buồn, cô tiếc, cô ngùi ngậm
Cô nhớ ngày xuân nhớ tuổi thơ.”
(Cô gái xuân)


Tuy nhiên một vài thi nhân tài hoa của làng thơ cũng không kém phần kiêu hãnh và ngang tàng khi ghép rượu đề thơ để tạm quên đi ngày tháng đất trời, để không còn bị câu thúc trước sự tàn nhẫn của thời gian đã làm đau thương trái tim của họ. Như Lý Bạch đã thổn thức: “Ðời chỉ là giấc mộng lớn, cớ gì mà bận lòng, cho nên ta uống rượu say lúy túy, khi tỉnh rượu mới hay ra xuân về, chim hót trong cành hoa, chẳng biết hôm nay là ngày nào, rồi những cảm xúc cất lên, ta nghiêng bình rượu trước cảnh sắc huy hoàng, và hát khúc chờ trăng sáng, khi khúc ca vừa dứt thì tình cũng đã vừa quên.”

(Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
Sở dĩ chung nhật túy
Ðối nhiên ngọa tiền doanh
Giác lai miện đình tiền
Nhất điểu hoa gian minh
Tá vấn thử hà nhật?
Xuân phong ngữ lưu oanh
Cảm chi dục thám tức
Ðối chi hoàn tự khuynh
Hạo ca đãi minh nguyệt
Khúc tận dĩ vong tình.)
(Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn chí)

Tại sao những nhà thơ lớn đôi khi phải dùng đến men rượu như để thách thức và vượt qua những khổ lụy của đời thường? phải chăng trong cơn men say người ta mới cảm giác rằng trường đời là mộng mị? cho nên để đạt được tâm trạng sảng khoái này nhà thơ phải mượn bình rượu như một thú tiêu dao siêu thái trong cõi “siêu phàm nhập thánh?”  

”Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ   

Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà.” (Nguyễn Công Trứ)

Trong cõi Thiền, vạn vật là đối tượng để cho người nhập đạo quán chiếu và trãi nghiệm; trong đời sống thường nhật cũng như trong thi ca, thiền không tạo ra những cảm giác khắc khoải chập chờn giữa mộng và thực thay vì nó điều phối sắc màu mùa xuân qua cái nhìn về thực tại một cách sinh động và hài hòa:

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.

(Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.) (Thiền Lão Thiền Sư)

Hay

"Trùng dương Cúc nở dưới rào

Trên cành Oanh hót thanh tao dịu dàng." (Thiền sư viên Chiếu)

Xa hơn, thơ thiền vượt thoát yếu tố của định luật nhị nguyên được giới hạn giữa người và cảnh, giữa tâm và vật, giữa một và hai …: Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả, ta biết xuân nhau có một thì.(Cô Lái Đò-Nguyễn Bính). Thiền thi tiêu diêu trong vẻ đẹp thanh thoát của đóa xuân vô tướng mà nhà thơ đã cảm nghiệm và tương phùng trong cái nhìn vô sai biệt:   

"Người ở trên lầu hoa dưới sân

Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông             

Hồn nhiên người với hoa vô biệt

Một đóa hoa vàng chợt nở tung"  

(Hoa tại trung đình, nhân tại lâu    

Phần hương độc tọa tự vong ưu                                 

Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh                                                

Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.) (Thiền sư Huyền Quang-bản dịch của Nguyễn Lang)

Người với hoa không là hai, chỉ có sự nở tung của cành hoa hay là thực tướng nghìn đời hiển hiện trong giây phút thực tại mầu nhiệm; với lối diễn đạt này giúp cho người đọc thôi đi việc đuổi hình bắt bóng thay vì trực nhận ảo giác của chính mình trên cành xuân đó:                                                         “ Hoa pháo đỏ thềm này                 

Mơ xuân ở bờ kia      

Đôi bờ đều như mộng                                                       

Xuân - Thu ở đâu kìa?” (Xuân cảm-Vĩnh Hảo)                                                                     

Vì quá nao nức nên thi nhân không thể nhận diện được mùa xuân hiện hữu ngay tại đây trong phút giây hiện tại và không thể sống trọn vẹn ngay cả trong cuộc mộng du của chính mình: 

“Vì say sưa quá nên tôi đã                                                

Đem đổ hồn xuân xuống suối hồ!” (Xuân-Nguyễn Bính)

Mùa xuân trong thơ thiền không có pha chế những sắc màu man mác, thương sầu lẫn lộn để thôi miên người đọc cùng thổn thức nhịp đập chung của trái tim nhân thế hoặc “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây,” nhưng nó vẽ nên một phong thái dung nhiếp thực tại giữa người và cảnh hay đúng hơn là bản chất “tuỳ duyên” trong bối cảnh không-thời gian khác biệt: xuân nương du thảo địa, hạ hưởng lạc hạ kỳ…” Với điểm nhắm vào thực tại, Thiền thi dù vô tình hay cố ý cũng đã quên đi sắc màu thời gian quá khứ:

Sống ngày nay biết ngày nay    

Còn Xuân Thu trước ai hay làm gì!                 

(Đản tri kim nhật nguyệt              

Thùy thức cựu Xuân Thu.) (Thiền Lão Thiền Sư)                                             

Vì theo nhãn quan của thiền, quá khứ hay tương lai đều nằm trong khoảnh khắc ý thức; cuộc đời khác gì giấc mộng Trang Sinh, cho nên ý niệm về thời gian xa và gần trước hay sau cũng chỉ là ảo tưởng phủ choàng ảo tưởng; cho nên tự nghìn đời xuân chẳng có gì xa xôi cả: 

“Ta gọi xuân về, xuân bướm bay                                                                                 

Trang Sinh nằm mộng biết bao ngày 

Thời gian dù có nghìn năm nữa                                                 

Xuân đến lâu rồi ai có hay.”(Gọi Xuân Về-Huyền Không)  

Hay nói theo cách của thi sĩ Bùi Giáng:  

“Thưa rằng ly biệt mai sau

Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.”(Chào Nguyên Xuân)

Với lập trường “phản bổn hoàn nguyên” và tư tưởng lạc quan, các Thiền sĩ đã thổi chất xuân vào hồn thi ca Việt Nam một cách siêu thái. Ý niệm về bản thể tuyệt đối được lồng trên sắc màu xuân cảnh và tạo nên sự hài hòa giữa chủ thể và đối tượng qua nội dung và cấu trúc của mạch thơ. Chu du trong cõi thơ thiền, người mới vừa nhập môn có cảm thái bàng hoàng như chợt nghe tiếng pháo xuân nổ vang giữa mộng và thực, giữa tỉnh và say, nhưng sau phút giây ngơ ngác đó không ai không một lần ước ao tương ngộ cảnh giới bí huyền với lãng đãng đâu đây cành mai nở vàng trong đêm tối khi xuân đã âm thầm hờ hững ra đi.

Thích nữ Tịnh Quang

                                                                                       

 

 

                                                                                                                                                                                                                                                                 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập