Tình thương bằng hành động

Đã đọc: 5354           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nguồn ơi! Em có biết không? Gần đây, Suối tập sống thảnh thơi trong đời sống hàng ngày, bởi vì nó là món quà quí nhất để dâng lên cha mẹ và thầy tổ.

Thảnh thơi là sống nhẹ nhàng, chậm rãi, thoải mái. Sống như chơi, lòng rảnh rỗi và không có một cái gì cần phải lo lắng. Em an trú trên mỗi phút giây, nơi từng hành động. Thảnh thơi làm cho em hoà nhập được với thiên nhiên, với không khí, với nắng ấm, với mây trời. Tiếp xúc với cái gì thì ta trở thành một với cái ấy. Nếu em là nắng thì em ấm áp. Nếu em là mây thì em hãy bay khắp bốn phương trời. Nếu em là mưa thì em rơi theo lời ca hát. Nếu em là gió thì em thì thầm vi vu… Thật là sung sướng khi tâm em ngừng lại những lăng xăng, lo âu, phiền muộn. Niềm vui lớn nhất là tâm hồn tĩnh lặng và đời sống thảnh thơi.

Hôm qua, trăng sáng quá nên Suối không muốn ngủ. Suối ngồi chơi nhìn trăng qua cửa sổ. Trăng chiếu sáng cả vườn cây. Rằm tháng Bảy luôn gợn dậy trong con tim nhiều kỷ niệm thương yêu. Suối thương mẹ lắm! Suối thương Thầy, thương tăng thân, thương gia đình và thương quê hương. Ở bên nhau, tình thương có khi đầy khi vơi, nhưng khi đi xa tình thương ấy mới thấm thía làm sao!

Nói về tình thương thì ai cũng có thể nói hay ho, sâu sắc, và có thể làm rung động lòng người, nhưng làm sao biểu lộ được tình thương ấy đối với người thân yêu mới thật là quan trọng. Nhiều khi, tình thương chỉ có ở đầu môi, trong ý tưởng. Trong khi đó, đời sống con người thường tỏ lộ sự lạnh lung, xa cách, nghi kỵ. Cho nên nghệ thuật biểu lộ thương yêu, hiến tặng tình thương thật cần thiết cho cuộc đời.

Vậy! Nếu mẹ đang ở bên em thì chiều nay em về ôm mẹ vào lòng. Em hãy ôm mẹ thật lâu, mà không cần nói năng chi. Trái tim mẹ làm bằng thương yêu, thì mẹ sẽ cảm nhận được tình thương từ trái của em. Nếu muốn nói thì em hãy cám ơn mẹ đã sinh ra em, đã vì em mà chịu nhiều cực khổ. Nếu mẹ ở xa cách thì chiều nay em hãy gọi điện về cho mẹ. Chỉ cần nói chuyện với mẹ, kể cho mẹ nghe về buổi lễ Vu Lan Báo Hiếu, thăm hỏi mẹ, tạ ơn mẹ… Nếu cha mẹ ở quê nhà đang thiếu thốn thì chiều nay em hãy gửi ngay một ít tiền cho cha mẹ. Có lẽ, đã từ lâu vì công việc, vì bận rộn, vì đời sống, em đã quên chu cấp đời sống vật chất, tiền bạc cho cha mẹ để cha mẹ phải trông chờ mòn mỏi…

Tình thương là như thế, là biểu hiện, là hành động, là thực tế bằng đời sống hàng ngày. Biểu lộ được tình yêu cho cha mẹ thì thế nào em sẽ cảm thấy ấm áp và hạnh phúc ngập lòng.

Em thử đọc đoản văn bông hồng cài áo này một lần nữa nhé.

BÔNG HỒNG CÀI ÁO

“Để dâng mẹ,
và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ.

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký : tại nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi.

Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu… sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ
mẹ tôi đã qua đời!
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi…
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi.

Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức:

Mẹ già như chuối Ba Hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay? Hay là tơ trời đâu la miên ? ) trên trán nóng ta và than thở “khổ chưa, con tôi”, ta mới thấy cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy, không bao giờ cùng tận.

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền, làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi , mới nói : “trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ.” Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ : thật như là mình chưa bao giờ thật có ý thức rằng mình có mẹ.

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị đừng có than thở rằng : “đời ta không còn gì cả.” Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì hoạ chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đoá hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.” (Tác giả: Sư ông Làng Mai)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập