Mùa Hoa Sói Của Mẹ

Cứ mỗi lần nghĩ về mẹ hay nhớ đến mẹ tôi giật mình chợt nhận ra rằng, sao những đứa con mình sinh ra lại giống mình đến thế. Giống không chỉ hình dáng mà còn tâm thức. Chúng cũng kêu tôi khi ốm đau, khi gặp chuyện bất như ý, khi đậu vào Đại học được điểm cao và nhất là khi tôi, vì một lẽ gì đó không kịp hay không thể lo cho nó, con tôi lại nhắc: “ Mẹ ơi! Hôm nay sinh nhật con mà ”! Có một lần con gái tôi viết trong nhật kí: “ Hàng năm sinh nhật mình, mình chỉ mong một đóa hồng trắng, hay một món quà nho nhỏ, mà sao ba mẹ mình không làm, không lo cho mình ”. Tôi đã đọc và hiểu ra, vì lí do chi khuôn mặt con gái có nét buồn buồn, nó khôn trước tuổi và nhạy cảm hơn chúng bạn. Đối với chúng tôi, tất bật lo toan đủ thứ trong đời sống đã mệt rồi, việc tổ chức một lễ sinh nhật cho con gái cưng là điều chưa thể. Năm năm sau khi hai con đậu vào đại học, chúng tôi có thể nghĩ đến những việc được coi như khá xa xỉ dù công việc vẫn bộn bề.
Mẹ tôi thích trồng hoa. Trong một cái bể nước trước mặt nhà, dưới mái hiên mẹ trồng hoa sen, thứ sen bách diệp lá đỏ, cứ đến rằm Phật đản bể nước nở đầy hoa sen thơm ngát. Hai bên mẹ tôi xây hai cái hộc nhỏ đổ đất cao trồng hai cây hoa sói. Cái bể sen đứng trước cây mai vàng, đến mùa xuân ba tôi trảy lá để tết đến có nhiều mai. Ra sân chút nữa là hai cây hoa mộc đứng đối diện nhau. Cuối vườn hướng tây, mẹ trồng cây tường vi. Hai thứ hoa dùng để uống trà là hoa sói và hoa tường vi, bỏ vào ấm trà sẽ cho hương thơm dịu ngọt kích thích vị giác và khứu giác. Nhụy hoa sen còn được gọi là Gương hoa, thỉnh thoảng mẹ cũng ngắt cho vào bình trà những cái râu vàng thơm một mùi thơm nhẹ nhàng thanh thoát. Gương sen mẹ cho chúng tôi ăn. Có thể nói mẹ yêu hoa sen và hoa sói, hoa mộc, tường vi ngang nhau, không cái nào hơn cái nào. Bể sen chiếm địa vị ưu tiên vì mẹ sợ lụt nước tràn vào bể, nên cho xây cao trước mái hiên nhà. Mộc lan đứng ngoài mưa ngoài nắng trông có vẻ khiêm nhường trong khi nàng tường vi càng ở ẩn hơn, nàng đứng một mình ở góc vườn, chỗ hàng rào chè tàu cao quá đầu người( bên trong có hàng dây thép để giừ hàng rào cho thẳng ), không nói không rằng mà nở nhiều hoa đẹp rực rỡ. Cứ đi học về là chị em chúng tôi nghe mẹ gọi múc nước tưới bể sen, vào đầu hạ sen bắt đầu ra búp cho hoa, nắng tháng tư gay gắt, bể mau cạn nước. Mỗi lần mẹ tôi gọi, cậu em út và Tám, Chín, anh Nhuận xung phong múc nước tưới cho đầy bể, kể cả hoa mộc. Hoa mộc nở vào mùa xuân, cho hoa nở chi chít trắng xóa từ trên xuống dưới. Không chỉ trồng hoa mẹ tôi cũng thích trồng rau, nuôi vài con gà lấy trứng ăn.
Ngày kị, mẹ tôi làm các thứ bánh: bánh phu thê, bánh ít đen, bánh thuẫn, bánh sơn tán tức đậu xanh ngâm nước, đãi vỏ, hấp chín, dáo thành bột rồi bỏ đường vào, cô lại cho khô, tán trong cối đá cho mịn rồi đem đúc trong cái khuôn nhỏ bằng đồng, thường được gọi là bánh in. Đậu ngự cũng làm như vậy càng thơm ngon hơn. Chúng tôi đi học, mỗi lần nghe mẹ tôi nói ngày mai có kỵ là thấy trong lòng vui náo nức vì sẽ được ăn nhiều món ngon. Trước ngày kị mẹ và O Quyên sửa soạn chặt lá chuối, đem rửa rồi lau sạch để làm bánh phu thê và bánh ít đen tức bánh gai. Bánh phu thê đã có anh Nhuận và chị Miên bẻ khuôn, anh Nhuận thuở nhỏ cắt thủ công bằng giấy màu, nặn hình các trái cây, con vật, hoa, lá mà thầy giáo ra bằng đất sét bao giờ cũng đứng đầu lớp. Bây giờ anh càng tỏ ra đắc lực trong khi giúp mẹ bẻ khuôn bánh. Tôi và em Mười còn nhỏ, đi học về lăng xăng cạnh mẹ, coi mẹ và O Quyên làm, mẹ không sai tôi vì đã có chị Miên và anh Nhuận. Tám, Chín cũng lăng xăng cạnh mẹ. Món bánh sau này tôi còn nhớ là bánh in, sau này ở Huế có cơ sở làm món đó nhưng hương vị không ngon bằng món bánh gai( tức món bánh ít đen O Quyên phụ mẹ làm). Ngày đó O Quyên cắp thúng vào Đại nội hái một thúng lá gai mọc rất nhiều trên thành cổ mang về. Nhà tôi ở gần Đại nội nên việc hái lá không mấy khó khăn. Lá đem về O Quyên và mẹ tôi, cơm trưa xong ngồi nhặt từng cái gân lá vứt ra, chỉ chừa lá xanh, rồi đem rửa sạch, để ráo. O Quyên và mẹ sẽ bỏ vào cái cối đá to rồi thay phiên nhau ngồi quết nhuyễn. Quết cho đến khi dở chày lên được mới bỏ vào xửng hấp. Hấp chín lấy ra, vo từng viên vừa, nặn thành hình tròn, sau đó bỏ nhụy vào ghép mí lại. Nhụy bánh gai giống nhụy bánh phu thê, cũng đãi vỏ đậu xanh đem hấp chín mới đánh cho tơi mịn( sau này đã có máy xay ), rồi viên lại thành viên nhỏ làm nhụy bánh. Bánh gai phải thoa mỡ vào lá chuối gói lại, bẻ góc cho đẹp. Gói bánh bao giờ cũng có chị Miên và anh Nhuận giúp một tay, anh Nhuận gói đẹp và chắc, bẻ góc rất cứng nên mẹ tôi thích lắm. Ngày tết, mẹ mới đổ bánh thuẫn. Trước đó một ngày mẹ đi chợ mua đủ thứ, trứng, đường, bột bình tinh. Trứng mẹ đánh lòng trắng riêng, lòng đỏ riêng. Đánh trứng bằng nhiều chiếc đũa gộp lại. Trứng đánh rồi mẹ trộn bột vào, cứ một đường thì một trứng và một bột hơi non kẻo nặng bánh. Sau đó mẹ mới ra mái hiên sau phòng ngủ, lấy một tấm tồn nửa, che gió hướng bắc, quạt bếp lửa cho đỏ, bắt xửng bánh lên. Đợi các khuôn bánh thuẫn làm bằng đồng nóng, mẹ dùng bông gòn quấn sẵn vào chiếc đũa bếp thoa lên các khuôn một lớp dầu ăn, mới dùng vá múc hỗn hợp trứng, đường, bột đổ vào khuôn. Đậy nắp xửng lại, bỏ trên nắp một lớp than mỏng đỏ, dưới đun củi. 15 phút, xỏ đũa vào không dính bột là bánh chín. Tôi thường theo dõi các động tác của mẹ làm rất thuần thục, ngạc nhiên ở chỗ sao mẹ có thể làm nhiều việc một lúc như thế được. Mồ hôi nhễ nhại trên mặt, thỉnh thoảng mẹ dùng khăn vắt vai lau mặt, lau tay. Bánh thuẫn cũng như các loại bánh khác đều đòi hỏi sự kiên trì và khéo tay, tuy nhiên mẹ tôi không bao giờ than mệt, than nóng cả. Có vài cái bánh chín hơi vàng, mẹ cho chị em chúng tôi ăn. Còn lại để dành cho ngày kị. Chúng tôi được ăn những thức ăn mẹ nấu rất ngon, đâu có nghĩ rằng, để làm nên các loại bánh và những món ăn ngon ấy, mẹ đã mất vào đó rất nhiều công sức; có điều không bao giờ mẹ nói ra.
Ngày Tết mẹ làm nhiều mứt, có ít nhất mười món. Món mứt quật, mứt gừng, mứt cam, mứt khoai lang ngào với củ bình tinh, mứt bí đao, mứt dừa…Làm mứt còn công phu hơn làm bánh, đòi hỏi nhiều công đoạn, thế mà mẹ không vì mệt mà la mắng con cái. Mứt quật mẹ tôi làm có anh Nhuận và chị Miên phụ gọt, bao giờ anh ấy cũng gọt khéo và nhanh. Mứt gừng thỉnh thoảng mẹ nhờ tôi múc nước đường dội lên các lớp mứt. Tuy thế đối với chúng tôi, món hấp dẫn và ngon nhất vẫn là món bánh tét. Tám và anh Nhuận thức khuya canh nồi bánh, cu Út đi ngủ sớm vì nhỏ. Chị em tôi cũng không thức nổi sau một ngày bận rộn, nói thế nhưng người phụ việc cột lạt vẫn là anh Nhuận và chị Miên. Do bé Mười còn nhỏ, chỉ ngồi coi anh chị làm. Các anh trai ngủ trưa, vào lúc đó mẹ mới nhóm lửa bắt nồi ngoài trời, khuya khoảng 12 giờ vớt bánh.
Lớn lên, có chồng con, tôi cũng nhiều lần ra vườn chặt lá, xé lá, lau lá, rồi mua tôm về chấy chuẩn bị làm món bánh nậm mà chồng con đều thích. Khi làm món bánh này một mình tôi mới hiểu, hồi trẻ để ăn một cái bánh thuấn thơm ngon, mẹ mình đã đổ bao mồ hôi trên đó! Để có những mẹt bánh bèo, bánh ước, những tô bánh canh nóng hổi, ngon lành, biết bao giọt mồ hối của các bà mẹ đã đổ ra! Rồi chiến tranh, mấy lần di tản tránh bom đạn vô tình, có lần mẹ xách theo một buồng chuối ba lùn làm dưa cho chúng tôi ăn khi ẩn náu tại nhà người. Trải qua bao lần chạy loạn, bao lần khó khăn tưởng không vượt qua nối, trái tim người mẹ đã thổn thức khi nhìn thấy đứa con yêu đau ốm tưởng chết.
Để nuôi dạy đàn con khôn lớn, trái tim mẹ trải qua bao nhiêu buồn vui. Vui sướng khi con mạnh khỏe, mau ăn chóng lớn, buồn khổ khi con ốm đau. Thế mà có lúc ta còn hờn dỗi trách mẹ sao không để ý đến, sao không hiểu ta, sao không lắng nghe tâm tư tình cảm của ta?! Ta nào biết rằng, mẹ phải có lúc thư giãn, nghĩ ngơi, và vui chơi chứ? Tôi chỉ biết điều ấy khi làm mẹ. Ngày tôi đi lấy chồng, mẹ và cô Ái Liên làm mấy món bánh thết khách, nhà không còn ai, tất cả anh chị em ở xa. Mẹ và cô Liên làm cho bà con hai họ đến thưởng thức trong ngày cưới, nào bánh ga tô, bánh sơn tán, bánh phu thê…Hồi đó đang thời bao cấp, các món bánh trái chưa có thương hiệu để phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Ngày đó…lên xe hoa về nhà chồng, tôi không biết mẹ tôi buồn.
Ngày gả con gái, tôi khóc. Tôi cho là quả báo đây. Trước đây mẹ gả mình, mẹ buồn mà mình không hay. Đến khi mẹ vào nam, tôi lấy cớ đi dạy xa, đúng hơn là tôi sợ trái đường không đạp xe nổi, tôi để chồng mình trên đường về trường tiễn mẹ sang bến xe An cựu. Nên bây giờ tôi mới bị buồn khi gả con gái. Trải qua bao bể dâu, chứng kiến bao cảnh đời, tôi mới hiểu, con người là giống vô tình. Ai có biết, để có chén cơm ngon, người nông phu bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, làm lụng vất vả khó nhọc biết bao. Rồi từ gạo, người ta xay thành bột, từ bột bao nhiêu món bánh được làm ra. Mùa hè chúng tôi lười ăn, mẹ làm bánh nậm, có khi nấu bánh canh. Nào ai nghĩ ra, để có những món ăn ngon lành ngày giỗ kị, để ăn một miếng bánh ngon, mẹ đã đổ bao nhiêu mồ hôi trên đó. Quán chiếu thêm chút nữa, ta biết cây chuối cho lá, người nông dân cho gạo, kĩ thuật cho bột, người bán cho tôm…tất cả đều có liên quan chặt chẽ.
Ngày nay là mẹ của ba đứa con ngoan, tôi hiểu cái cảm giác hưng phấn đầu tiên khi được làm mẹ, chăm chút cho con khôn lớn từng ngày, bón cho con từng muỗng cháo, đút cho con từng muỗng nước cam, chanh khi con ốm, và vui sướng biết bao khi đưa con tới trường, cắt dán cho con cái nhãn có ghi tên trường lớp trên bìa vở. Rồi cảm giác hạnh phúc tràn trề lúc ngồi dưới nhìn con lên lãnh thưởng.
Mới hiểu lòng mẹ.
Lễ Vu Lan sắp về, câu thơ của thầy Mặc Giang nhắc tôi nhớ biết bao người mẹ hiền bây giờ ở xa.
“ Khi cần về bên mẹ là con được bình an “
( Hoa song đường)
Mỗi lần đi dạy xa về, tôi vừa vào phòng nằm nghỉ một lát, mẹ đã mang vào phòng chén bột ngũ cốc do mẹ tôi làm, bảo tôi ăn trước giờ cơm, sợ tôi mệt.
Nhiều năm sau khi lấy chồng, mỗi lần bồng con về thăm mẹ, tôi thường có những giấc ngủ rất say, ngủ quên trời đất. Phải, mỗi khi về bên mẹ, con đều quên hết, bỏ hết ngoài tâm tư mọi lo âu buồn phiền trong cuộc thế. Chỉ còn mẹ, như một bến bờ bình yên để thuyền con nương náu qua cơn bão lửa.
Vu Lan này mẹ tôi đang ở lứa tuổi cao nhất. Tôi cầu mong mẹ có đủ sức khỏe để còn niệm hồng danh Quán thế ấm mỗi ngày, để cho mẹ, cho con có một chỗ dựa tinh thần vững chãi, bình yên.
Vulan 2010
- Rằm Tháng Bảy HT. Thích Thiện Siêu
- Quán niệm mùa Vu Lan Vĩnh Hảo
- Vu Lan về, Mẹ là nguồn thi ca vô tận HT. Thích Thiện Siêu
- Hình Ảnh Vu Lan Báo Hiếu Tại Chùa Pháp Nhãn Thích Trừng Sỹ
- Thông Điệp Ngày Đại Lễ Vu Lan Song Ngữ Thích Trừng Sỹ
- Mẹ - Tấm lòng của đại dương Cư sĩ Liên Hoa
- Trái tim sen của Mẹ Cư sĩ Liên Hoa
- Nhìn Vu Lan bằng đôi mắt tình yêu Thích Pháp Bảo
- Mùa lễ Vu Lan Hải Phương
- Vu Lan mùa hiếu Minh Mẫn
- Vu Lan Với Lễ Siêu Độ Cô Hồn Thích Quảng Phước
- Tâm Ca Vu Lan I Ngọc Chơn
- Tâm Ca Vu Lan II Ngọc Chơn
- Tâm Ca Vu Lan III Ngọc Chơn
- Bản Chất Thương Yêu Pháp Đăng
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)