Hàn gắn thế giới - Chương 16: Ai Chữa Lành?

Đã đọc: 1707           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Chương 16: Ai Chữa Lành?

Daehaeng Sunim

 

 Daehaeng Sunim, một nữ tu sĩ Hàn Quốc, là người chữa bệnh nổi tiếng. Bà sinh năm 1926, đã trải qua nhiều đau khổ thời còn trẻ khi quân Nhật chiếm đóng đất nước bà.  Bà được thọ giới ở tuổi đôi mươi, và đã trải qua nhiều năm ở trong núi sâu, hành thiền, sống đạm bạc. Chính trong thời gian nầy, bà phát triển khả năng chữa bệnh.

Quý sư cô ở tu viện của bà rất nhiệt tình, câu chuyện lập tức chuyển ngay sang việc hành thiền trong cuộc sống hàng ngày. Mục đích của họ là theo dõi tâm thức trong ngày và tin tưởng vào Nhất Tâm (One Mind).  Họ không thực hành nhiều việc ngồi thiền, vì họ nghĩ cần phải chuyển động theo thời gian và không phân biệt giữa sự bận rộn và tỉnh lặng.

Vị ni trưởng, là đệ tử của ni sư Daehaeng Sunim, dáng người nhỏ bé nhưng rất mạnh bạo. Bà tiếp nhận người bệnh đến từ mọi miền trên đất nước Hàn, để được ni sư Daehaeng Sunim chữa bệnh. Bà hỏi lý do tại sao họ đến – đau lưng, đau bụng, bệnh tâm thần, phiền muộn với chồng hay con (vì phần đông người đến là phụ nữ).  Ngay sau khi họ kể lể bệnh tình, Ni trưởng bảo họ đây không phải là nhà thương, đây là nơi tu tập. Tại sao họ muốn gặp ni sư Daehaeng Sunim? Chỉ có họ mới có thể chữa bệnh của chính mình. Cuối cùng mọi người cũng sẽ được gặp ni sư chữa bệnh, nhưng chỉ sau khi họ suy nghĩ sâu xa về động cơ, về nguồn gốc căn bệnh.

QUAN SÁT VÀ THỬ NGHIỆM

Khi ai đó đến gặp tôi, bất cứ đau khổ hay khó khăn gì họ gặp phải, về tinh thần hay thể chất, tôi khuyên họ gom tất cả sức lực, khả năng của họ lại, rồi hãy để mọi việc cho Ju In Gong (thầy của cơ thể). Ju In Gong là cái tâm thức khiến cho cái ‘Tôi’ hiện tại, di chuyển, nói năng, ăn uống, nghĩ suy.  Nguồn năng lượng của vũ trụ trực tiếp nối kết với tâm thức nầy, vì thế nguồn năng lượng này được gọi là Ju In Gong.

Quan sát tâm trong mọi hành động có nghĩa là trong đời sống hằng ngày không có gì không phải là thiền. Đấy cũng có nghĩa là khi đang tham công án, thì tất cả đều là công án.  Chúng ta không thể nói là mình giữ công án riêng biệt ở nơi nào đó.  Không có gì riêng biệt khi nói đến việc khám phá ra cái ngã thật sự của chúng ta, vì chân lý nguyên thủy của vũ trụ không thể chia cắt.

Bạn cần phải hiểu và tin ở bản thân. Để biết được những khó khăn hay nỗi khổ của mình, bạn phải để việc đó cho vị thầy nội tại bên trong bạn. Không cần phải coi nỗi khổ là mình, vì tất cả đều là không và không có gì để bạn bám víu vào. Vì lẽ đó, hãy buông xả nó, rồi như nó là, nó sẽ tan biến đi.

Tuỳ vào cách bạn đã sống trong quá khứ, mọi thứ đều tự động ghi lên số phận của bạn. Khi một việc gì đó đã được ghi lại, thế là nó sẽ xuất hiện trong hiện tại. Hãy đặt mọi thứ xuống, để nó lại chỗ đã xảy ra. Nếu bạn làm như thế, thì cả nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu của bạn sẽ hoà tan, biến mất. Cái máy ghi băng đã lưu trữ dữ liệu của tất cả các nghiệp sẽ trở nên trống rỗng. Cái gì sẽ được ghi lại trên cuộn băng trống ấy?  Bạn hãy tự quyết định.

Bỏ mọi thứ xuống, tất cả những điều bạn biết hay không biết. Nếu bạn biết một điều gì đó, có thể bạn cũng không biết một điều gì khác, như thế bạn không thể biết định luật của nhất nguyên, không đối đãi. Bất cứ là điều gì, tất cả mọi thứ bạn có thể biết, hãy buông bỏ. Nếu bạn không buông bỏ, tôi không thể nào thấy được bản ngã chân thật của bạn.

CUỘC SỐNG MỖI NGÀY LÀ THIỀN

Tôi sống đời sống một nữ tu, bỏ hết mọi thứ sang một bên, như thế tôi hành động không một chút phân biệt. Hãy sống không phân biệt. Khi bạn làm một việc gì đó, bạn có thể nói rằng bạn đã thật sự làm việc đó không? Nhìn, nghe, nói - mọi thứ đều xuất phát từ thiên hình, vạn trạng của sự vật trong từng phút giây. 

Khi bạn thấy một vật gì, nghe một điều gì hoặc làm một việc chi, bạn có thể nói là tôi đã thấy, nghe hay làm gì đó không? Thế giới của tâm linh bao gồm vạn pháp, và bạn có thể gọi đó là nhất tâm. Nó giống như không gian - bạn không thể thấy hoặc nắm bắt được, nhưng tâm đó vẫn hiện hữu.

Chỉ có sự tĩnh lặng không thể là thiền. Ồn ào quá cũng không phải là thiền. Cái được gọi là ‘Thiền’ cũng không dính với chữ ‘công án’. Thiền đứng, thiền nằm và thiền ngồi - tất cả đều là Thiền. Trong suốt cuộc sống, không có cái gì không phải là thiền.  Bất cứ tôi làm gì – vào nhà vệ sinh, ăn, ngủ - tất cả đều là thiền. Bạn có thể gọi là gì khác hơn?  Kể cả cái gọi là ‘thiền’, bạn cũng không thể bám víu vào, vì nó chỉ là nó.

Với quý tăng, ni hay cư sĩ, tôi đều giảng dạy giống như thế. Vì trong cuộc sống, không có cái gì không phải là Thiền, cuộc sống mỗi ngày là thiền. Cứ như thế, hãy quan sát, cứ như thế, hãy hành động, đó là thiền. 

Vì lý do đó mỗi người tự chữa bệnh cho mình. Chính họ phải làm cho nỗi đau, nỗi khổ biến mất, chính họ phải làm cho gia đình hoà hợp, như thế họ mới tiến bộ được. Tôi không thể cho họ lòng từ và trí tuệ; chỉ có họ tự biết, và tự tìm kiếm.  Nếu bạn quan sát, nếu bạn thử nghiệm, trí tuệ sẽ tăng trưởng, các vấn đề sẽ được giải quyết.

Con người có nỗi khổ tuỳ theo nghiệp của họ. Bạn có thể tự suy ngẫm, và không nuôi dưỡng oán giận, hãy nói năng, hành động một cách dịu dàng. Tất cả mọi việc hãy để cho Ju In Gong. Nếu bạn làm việc gì cũng nhẹ nhàng, dịu dàng, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Khi đêm tối, nếu bạn đốt đèn lên thì bạn có thể sống trong ánh sáng.

KHÔNG CÓ GÌ CỐ ĐỊNH

Giữ giới luật có nghĩa là bạn giữ mọi việc trong lòng mình. Đừng đổ lỗi cho ai. Nếu bạn sống không tham lam, thì bạn không chỉ giữ được 100, 200, 300 giới luật, mà bạn còn có thể hoàn toàn giữ được mọi thứ khác. Kể cả trí tuệ.  Nó còn có thể ở nơi nào khác nữa? Trí tuệ không xa rời giới luật.

Rỗng không nghĩa là những gì bạn thấy không cố định. Bạn có thể thấy, nghe cái nầy hay cái kia, đến nơi nầy, nơi khác, gặp gở người này, người kia, ăn thứ nầy, thứ khác. Không có gì cố định. Vì lý do này, khi tôi làm một việc gì đó, tôi không thể nói tôi đã làm cái gì đó, và khi tôi thấy một cái gì, tôi không thể nói tôi đã thấy cái gì đó. Kể cả cái tôi cũng rỗng không. Tất cả đều rỗng không.

Đức Phật có nghĩa là nguồn gốc cuộc sống. Giáo lý muốn nói là bạn thấy và không thấy, vạn pháp trong thế gian, tất cả đều nối kết, xoay vần với nhau. Sự hòa nhập của vạn pháp là một bài pháp. Vì thế giáo lý của Đức Phật không có biên giới, không rào chắn, hay giới hạn; Phật giáo là sự diễn tả chân lý rốt ráo nhất.

Người Tây phương có khuynh hướng suy nghĩ quá nhiều về trạng thái tâm của họ, kết quả là họ đau khổ. Khi khổ đau dấy khởi, nếu bạn giao nó cho Nhất Tâm, thì tâm trở nên an lạc. Như thế, bạn sẽ không có vấn đề gì trong việc hành thiền, không đuổi theo các vọng tưởng. Bên ngoài bạn không bị dính mắc, và nội tâm trở thành nơi thực tập quan sát, giữ gìn, chứng nghiệm.

CHỮA LÀNH

Bạn, chính bạn là Đức Phật Dược Sư, Bồ Tát Quán Âm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tất cả mọi thứ. Bạn có thể trú nơi bản tâm, nhưng bạn cũng phải quan sát, giữ gìn tâm thức của mình. Bằng cách nầy, người ta có thể tự chữa bệnh trong khi thực tập, rồi đau khổ của họ sẽ biến mất.

Tâm của tôi và tâm của người cư sĩ không phải là hai. Giống như dòng điện: cần có hai dây để tạo ra ánh sáng. Tương tự như thế, tâm của người cư sĩ và tâm của tôi kết hợp với nhau để tạo ra năng lượng. Ai có thể nói là người nào chữa bệnh cho người nào? Vì hai tâm thức nầy giống như dây điện và bóng đèn, cần phải chạm vào nhau, kết hợp nhau để tạo ra ánh sáng, khi có sự va chạm, ánh sáng tự động phát ra. Vì lẽ nầy, không bên nào có thể nói là chính mình làm việc ấy. Điều duy nhất chúng ta có thể nói là đức Phật đã lành bệnh.

Có cái gì không phải là Phật không? Bên trong Đức Phật, có chúng sanh; trong chúng sanh có Phật. Đó là sự phản chiếu. Đôi khi người ta hỏi tôi nếu giáo pháp có thể trị được bệnh, nhưng thật ra có ai ở đó để được chữa bệnh? Khi bạn tu tập là bạn đã tự chữa bệnh cho chính mình.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập