Chương 1 : Đạo vợ chồng

Đã đọc: 6069           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Chương 1 : Đạo vợ chồng

Giảng ngày 21-8-2011 tại chùa Ấn Quang
Phiên tả: Subin


 

I. BỔN PHẬN CHỒNG TRONG GIA ĐÌNH

    Kinh Thiện Sanh mô tả bằng một đoản văn năm điều như sau: “Người chồng lý tưởng phải tôn trọng vợ bằng năm bổn phận”. Ở đây, đức Phật nêu khái niệm “người chồng lý tưởng” chứ không phải người chồng gia trưởng hay người chồng tư hữu hóa vợ mình. Người chồng lý tưởng là người trao tặng cho vợ tình yêu, tình thương và mối quan tâm hạnh phúc với những giá trị của đời sống gia đình. Ai hội đủ các điều vừa nêu được gọi là “chồng lý tưởng”. Lý tưởng đó không xa vời thực tiễn, ngược lại rất gần gũi với đời sống.

    1. Lấy lễ đối đãi vợ

        Ứng xử với vợ bằng các lễ nghi văn hóa thể hiện mối quan tâm và sự tôn trọng vợ của mình. Chữ “lễ” trong thuật ngữ Phật học chỉ sự tương quan văn hóa bao gồm cung cách lễ độ, ứng xử khôn ngoan, khiêm hạ, quan tâm tới người khác, ứng xử thể hiện sự trân quý mà người được ứng xử cảm thấy hân hoan khi tiếp nhận.

        Quan điểm này khác với chủ trương của Nho gia: “Vợ chồng như tân”, tức vợ chồng xem nhau như khách quý. Thái độ này mang tính ngoại giao khách sáo. Người được ứng xử và người ứng xử sẽ không cảm nhận hay thể hiện trái tim yêu thương và mối quan tâm thật sự. Loại ứng xử “như tân” giống như cách chiêu đãi viên hàng không tiếp đãi khách hay nhân viên trong các nhà hàng, khách sạn phục vụ hài lòng khách hàng. Phản hồi tích cực của khách đối với chủ khách sạn sẽ giúp nhân viên được tín nhiệm hơn. Nhưng đối với vợ chồng, lấy lễ đặt trên nền tảng văn hóa và đạo đức thì hai bên sẽ tôn trọng lẫn nhau. Thói gia trưởng sẽ được chuyển hóa. Chồng sẽ không còn xem vợ như gánh nặng. Vợ cũng không còn xem chồng là oan gia từ quá khứ.

    2. Chuẩn mực nhưng không hà khắc

        “Chuẩn mực” nói về nhân cách bản thân, tức là chồng có trách nhiệm và cam kết trách nhiệm chăm lo hạnh phúc cho vợ con. Chồng xứng đáng là chồng, và khi có con thì chồng xứng đáng là cha. Mối quan tâm đó trong bối cảnh văn hóa Ấn Độ làm cho người chồng hy sinh nhiều hơn để trở thành người cha tận tụy. Sự chuẩn mực đó là một nề nếp trên nền tảng gia phong.

        Đạo lý Phật giáo nhấn mạnh đến truyền thống văn hóa gia tộc gắn kết truyền thống văn hóa quốc gia, người chồng kiêm người cha phải làm sao duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp này. Muốn như thế, ta phải truyền trao cho con cái thông qua người vợ, vì vợ với tư cách là mẹ có thời gian đầu tư cho gia đình và con cái nhiều hơn chồng với tư cách là cha.

        Cho nên, phải sống chuẩn mực. Những gì nói được là phải làm được. Những gì đã khuyên con cái thì bản thân phải trở thành tấm gương. Những gì muốn vợ thay thế hoặc cùng chia sẻ thì bản thân cũng phải là người xung phong. Sự chuẩn mực phải thoát khỏi “não trạng hà khắc”, tức tính gia trưởng.

        Tuần trước, có hai mẹ con Phật tử khá thuần thành đến chùa Giác Ngộ nhờ tư vấn. Bà mẹ ngoài sáu mươi, cô con gái khoảng ba mươi. Nội dung buổi tư vấn xoay quanh vấn đề chồng của cô gái quá hà khắc. Anh không thích cũng không tán đồng cho vợ đi chùa. Về nhà, anh quản lý rất chặt tiền bạc; cân đo, tính đếm mỗi tháng được bao nhiêu chứ không hề đưa dư cho vợ. Toàn bộ số tiền lương từ làm ăn, anh ta cất vào tài khoản riêng mà vợ không được quyền biết đến. Hàng ngày, anh ít quan tâm vợ con, thường xuyên bắt bẻ rồi buộc vợ phải đi theo mô hình này, khuynh hướng nọ, tiêu chuẩn kia. Còn đối với bạn bè, thì anh chi tiêu thoải mái, sẵn sàng không tiếc nuối gì.

        Người mẹ chồng cũng có quan điểm hà khắc như thế, nên người chồng đã ít nhiều ảnh hưởng từ mẹ. Kết quả, cô con dâu với tư cách là vợ cảm thấy ngột ngạt. Những tình huống ứng xử như thế sẽ khiến hạnh phúc ngày càng bị đốt cháy, đôi lúc khó cứu vãn.

        Tôi đã đề nghị hai phương cách, một là hãy thuyết phục chồng đến chùa để tôi có cơ hội tư vấn trực tiếp. Cả hai mẹ con cho rằng phương cách này khó khả thi. Hai là, chúng ta phải đặt lên bàn cân, ngoài tính hà khắc và gia trưởng như vừa nêu, các ứng xử còn lại trong gia đình, ngoài xã hội liệu đủ sức đảm bảo hạnh phúc cho hai vợ chồng hay không. Cô vợ trả lời có thể có. Chồng cô đàng hoàng, có trách nhiệm, thích làm ăn, có chí tiến thủ, không bị vấn nạn nào. Rõ ràng ở đây, giới hạn chỉ nằm ở cá tính khó chịu, còn những phương diện còn lại cho gia đình thì không đến nỗi. Do đó, thay vì thấy nó như một áp lực gây căng thẳng thì hãy xem đó là giới hạn cá tính của người chồng và tập làm quen để mình không cảm thấy bị xúc phạm, thương tổn, khổ đau, mệt mỏi khi những ứng xử này xuất hiện.

        Quan trọng nhất là tìm cách giúp chồng nắm bắt cơ hội đọc những quyển sách nói về hôn nhân trong đạo Phật. Nhận thức tích cực và trong sáng có thể giúp người chồng so sánh rồi thay đổi ở mức độ nhất định nào đó.

    3. Tùy thời cung cấp y thực và nhu cầu

        Điều này gắn liền với bối cảnh văn hóa thời xưa ở Ấn Độ, người chồng trụ cột kinh tế, còn người vợ thì chăm lo hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái và bồi dưỡng bao tử cũng như quản trị việc trong nhà ngoài phố. Phân công nhiệm vụ và phân công lao động hợp lý giúp cả hai bên không ai quá tải. Hiện nay, khuynh hướng phân công trong gia đình của Ấn Độ vẫn giữ nguyên. Một số gia đình tiến bộ thì chị em phụ nữ có cơ hội tham gia vào các chức nghiệp của chính phủ hay các công ty nhà nước. Một số khác lập công ty, xí nghiệp riêng và nhiều chị em phụ nữ đóng vai trò lãnh đạo trong công ty hay tập đoàn lớn, mặc dù số lượng đó không đáng kể.

        Ở đây, nếu chúng ta tạm chấp nhận việc phân công lao động: chồng chịu trách nhiệm kinh tế, vợ lo giáo dục, quản trị và giao tế giữa gia đình với xã hội thì chúng ta thấy, đức Phật rất tâm lý khi nêu trách nhiệm của người chồng là “tùy thời cung cấp” nhu yếu phẩm, thực phẩm cho vợ, nhằm thể hiện mối quan tâm cũng như tình cảm, thông qua đó chứng minh được tình yêu dành cho vợ.

        Khái niệm “tùy thời” trong đạo Phật được hiểu là, vào những ngày sinh nhật vợ, ngày quan trọng của con, ngày kỷ niệm hôn nhân giữa hai người, những sự kiện mà khi nhớ đến nó cả hai cùng hạnh phúc, thì người chồng cần chu cấp bằng tấm lòng trân quý dành cho vợ mình. Khi tiếp nhận phần quà, nỗi niềm hạnh phúc càng được dâng cao. Việc làm đơn giản và thỉnh thoảng này có ý nghĩa xã hội và tạo dựng hạnh phúc gia đình rất tích cực, vì phụ nữ thường đánh giá tình yêu bằng mức độ chăm sóc cảm xúc. Thậm chí vợ có thể rất giàu, sở hữu tài khoản riêng, sự nghiệp riêng nhưng nếu người chồng đến từng thời điểm quan trọng biết tặng biếu quà cáp cho vợ thì chắc chắn người vợ sẽ rất cảm động và vui sướng. Còn chồng keo kiệt thì vợ sẽ cảm giác mình không được trân quý.

        Cô vợ trong cuộc tư vấn vừa nêu còn chia sẻ nỗi khó khăn. Cô là người có nhan sắc, chồng cũng bảnh trai. Cô được nhiều đàn ông đeo đuổi, săn đón, quà cáp nhưng quyết chung thủy với chồng, không hề đáp lại tình cảm. Về nhà thấy chồng mình so đo tính toán quá mức. Thậm chí những nhu cầu rất cơ bản nhờ đến sự hỗ trợ tài chính thì chồng thường từ chối khéo, khiến cô cảm thấy mình mất giá trị. Đôi lúc giận chồng, cô có suy nghĩ: “Giá như mình lấy ông này, ông kia trước khi lấy chồng thì hạnh phúc biết mấy”. Nếp suy nghĩ như trên chính là mối đe dọa cho hạnh phúc.

        Là chồng khi điều kiện kinh tế đầy đủ, hoàn cảnh không đến nỗi túng quẫn thì nên thực hiện những nhu cầu chính đáng của gia đình thông qua người vợ. Chẳng hạn quan hệ gia đình với người thân bên vợ, bên chồng. Thông thường người vợ có thói quen chia sẻ, giúp đỡ, tặng biếu cho họ hàng. Nếu nó nằm trong khoản tài chính được hai bên thống nhất ngay từ ban đầu thì ta cũng không nên quá khó khăn hay cảm thấy tốn kém, vì hạnh phúc gia đình mới là điều cần gìn giữ.

    4. Tùy thời tặng trang sức đẹp

        Dùng tặng phẩm nhằm hâm nóng tình yêu trên nền tảng thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của người vợ. Trang sức phẩm đối với người nữ vừa là nhu cầu làm đẹp, vừa khẳng định sự tự tin và giá trị của họ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đức Phật khuyên chồng thỉnh thoảng hãy tặng trang sức đẹp mà vợ mình hài lòng, hoặc tặng phẩm mà khi tiếp nhận, người vợ có thể hâm nóng tình yêu xưa. Có như thế, người vợ mới vững tin vượt qua những nỗi buồn ngày nay, những điều không như ý, những trở ngại khó khăn một cách dễ dàng.

Vào ngày quan trọng về hạnh phúc hôn nhân, nếu chồng không biết tặng hoa, trang sức phẩm thì vợ có thể cảm thấy mình bị bỏ quên, dần dần tình yêu dành cho chồng sút giảm, tính giá trị và sự chu cấp hạnh phúc đối với chồng hầu như không còn là nhu cầu thiết yếu của ngày xưa nữa. Cho nên, người chồng biết ứng xử theo lời khuyên của đức Phật sẽ xây dựng được tổ ấm và duy trì hạnh phúc trong tổ ấm lâu dài.

        Xã hội ngày nay càng phát triển thì thách đố về ly dị lại càng tăng cao. Phương Tây đã chứng minh rằng khi xã hội phát triển, chị em phụ nữ tự do hơn, công bằng xã hội được tôn trọng và vai trò xã hội của người nữ càng khẳng định thì những cuộc ly dị lại càng nhiều. Trong các nước thuộc thế giới thứ ba, khi ứng xử thiếu chăm sóc của người chồng diễn ra thường xuyên đối với vợ, đôi lúc trở thành sự cam chịu, ấy thế mà nhiều chị em phụ nữ lại không cảm thấy nó là mối đe dọa tan vỡ gia đình. Còn xã hội phương Tây, việc diễn ra tình trạng đối xử như thế chỉ đôi ba lần cũng có thể khiến chị em phụ nữ cảm thấy bị xúc phạm và không còn muốn duy trì tình thương yêu nữa; đổ vỡ hạnh phúc gia đình là hệ quả tất yếu.

        Cho nên, hạnh phúc đối với người vợ trong nhiều tình huống được đánh đồng với sự hài lòng về cảm xúc và mối quan tâm. Những tiểu tiết như thế lại có ý nghĩa tình yêu rất lớn. Một số ông chồng không tặng trang sức phẩm cũng không thích vợ mình trang điểm, một phần do vì bản thân thiếu tự tin rằng trang điểm đẹp sẽ khiến vợ mình bị các đấng đàn ông bên ngoài quan tâm để ý ve vãn. Sự mất tự tin dẫn đến tính cách ghen bóng ghen gió, kiểm tra điện thoại, tin nhắn, lịch làm việc, kiểm tra đường đi lối về như thể quan tâm nhưng thực chất là đốt chết quyền tự do và hạnh phúc cá nhân của vợ. Họ thậm chí có đủ khả năng, dư tài chính để giúp vợ làm đẹp theo tinh thần Phật dạy nhưng họ không muốn làm, vì sợ vợ mình càng tăng giá trị thì mối đe doạ mất vợ càng cao. Tính ích kỷ cộng với sự hẹp hòi và mất tự tin khiến nhiều bà vợ sống trong đè nén, ngột ngạt bởi người chồng quan tâm và thương yêu thiếu hiểu biết. Điều đó nên tránh.

    5. Cùng vợ làm tốt việc nhà

        Yêu cầu này là một bình đẳng giới thật sự. Làm tốt việc nhà dựa trên nền tảng phân công lao động trong gia đình. Cha làm gì, mẹ làm gì, ai chịu trách nhiệm những gì đối với con cái, đặc biệt trong học hành, giáo dục, quan tâm nhân cách, tư vấn nghề nghiệp, chia sẻ những gút mắc khi con cái đến tuổi cập kê, cận kề những thay đổi, xáo trộn tâm sinh lý, những tác động tiêu cực của môi trường, những ảnh hưởng xấu từ chúng bạn. Cần phải có sự phân chia rõ ràng để người nào đảm trách vai trò của người đó. Ngoài ra thì người còn lại cũng phải đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ, chứ không phải khi đã phân chia, vợ chồng tách lập ranh giới. Đó là biểu hiện tiêu cực.

        Làm tốt việc nhà bao gồm quản trị gia đình đặt trên nền tảng xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Xã hội phương Tây khác hoàn toàn với xã hội châu Á. Khi lập gia đình, người phương Tây có khuynh hướng ở riêng. Họ chỉ cần đóng vào ngân hàng mười phần trăm số tiền nhà bán, ký hợp đồng tài chính trong mười lăm năm đến vài chục năm, căn nhà đó sẽ trở thành nhà của riêng mình. Tiền lương của người dân phương Tây đủ sức giúp họ có nhà lầu xe hơi. Nếu cả vợ lẫn chồng đều có nghề nghiệp ổn định thì việc cất nhà, xây tổ ấm là việc không mấy khó khăn. Cho nên cả hai cần bàn luận, tính toán kỹ vấn đề chi tiêu, nghề nghiệp, tiết kiệm, mua nhà, xây nhà khu vực nào, đưa con đến học trường nào… trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau chứ không ôm đồm hoặc đùn đẩy.

        Kế đến là giáo dục con cái, quan tâm đến nhân cách, định hướng nghề nghiệp. Cả hai phải thảo luận đưa lên bàn cân, ý kiến nào tốt hơn thì nên tôn trọng dù đó là ý kiến của vợ hay chồng. Ở đây, chúng ta không nên đặt ra những tiền đề xem như chân lý, không đặt cái cày trước con trâu mà phải đặt nó như một giả định. Chồng được quyền giả định riêng, vợ giả định riêng. Hai giả định được thảo luận ưu điểm và hạn chế, từ đó ta có tinh thần khách quan để chọn giải pháp tối ưu trong tình huống cần phải có một lựa chọn.

        Rõ ràng ở đây đức Phật khuyên tránh tình trạng chồng chúa vợ tôi như trong nền văn hóa Nho giáo và một số tôn giáo khác. Người chồng Việt Nam phần lớn có thói quen đùn đẩy trách nhiệm gia đình cho vợ; giặt giũ, nấu nướng, vệ sinh cá nhân cho con cái, chăm sóc con, thậm chí chuyện quan hệ trong nhà ngoài phố cũng đẩy cho vợ ôm tất, còn bản thân thì nằm ngủ, ngả lưng ra ghế đọc báo, xem ti vi, hay ghé quán nhậu vui chơi say xỉn với bạn bè. Về đến nhà khuya khoắt, ói mửa tanh hôi khiến vợ con phải nặng lòng quan tâm chăm sóc. Cưới phải người chồng như thế đồng nghĩa rước lấy phiền muộn và khổ đau.

        Người chồng phương Tây tương đối có trách nhiệm hơn, mặc dù không phải họ có nhiều tiền. Đại gia hàng tỷ phú khắp nơi trên thế giới chỉ là thiểu số. Rất nhiều gia đình phương Tây thậm chí nghèo hơn gia đình người Việt Nam định cư vài chục năm trở lại, vì người phương Tây có thói quen đi du lịch mỗi cuối tuần. Bao nhiêu tiền thu nhập, họ chi tiêu hết, cho nên suốt cuộc đời họ không có một ngôi nhà, phải ở thuê, về già xin trợ cấp từ chính phủ hoặc an sinh xã hội. Còn người Việt Nam lại không thích du lịch, mặc dù tổ tiên Việt Nam đã dạy “Đi một đàng, học một sàng khôn”. Người Việt Nam thích tích trữ tiền lo cho con cái và gia đình. Họ có thể làm ca hai, ca ba để mau dứt điểm nợ mua nhà, do đó, hạnh phúc đôi lúc không được quan tâm. Từ đó mới có những mặc cảm tự ti của người châu Á hoặc những cộng đồng di dân từ các châu lục đến châu Âu và châu Mỹ. Sự phân biệt đối xử kéo theo những cơn bạo động trong cộng đồng.

        Có thể nói, người phụ nữ Việt Nam bất hạnh hơn phụ nữ phương Tây ở chỗ, Việt Nam đang đứng nhất nhì thế giới về mật độ quán nhậu. Không quốc gia nào cấp phép mở quán nhậu, làng nướng dễ dãi như Việt Nam. Luật lệ phương Tây rất rõ ràng. Lái xe hơi sau khi uống rượu sẽ bị tịch thu bằng, mà bằng lái xe chính là đôi chân, thiếu nó coi như què cụt. Bị phạt giao thông dẫn đến tiền bảo hiểm xe tăng cao ảnh hưởng hạnh phúc và tài chính của gia đình. Cho nên, họ không thể uống nhiều.

        Thấy được điều đó thì các đức ông chồng cần học theo điều đạo đức thứ năm của đạo Phật: Không rượu chè, không nghiện ngập, không ma túy, để vợ con được nhờ.

        Tình trạng nghiện không gian quán xá sau giờ làm việc là thái độ ích kỷ được biện hộ bằng những lý lẽ không chính đáng. Trong khi phần lớn phụ nữ xem hạnh phúc gia đình là giây phút quây quần bên chồng con. Đó mới là nhu cầu chính đáng. Người độc thân có thể tụm năm, tụm bảy, rày đây mai đó nhưng khi đã lập gia đình thì phải có trách nhiệm.

        Người chồng Ấn Độ mặc dù thuộc nước nghèo nhưng biết quan tâm vợ hơn. Đa số ông chồng sau khi tan sở thường ghé thẳng chợ mua hàng hóa, thực phẩm rồi về thẳng nhà. Họ không la cà ngoài quán nhậu, karaoke, bia ôm, massage... Cho nên, hạnh phúc gia đình của người Ấn Độ tương đối đảm bảo. Quán xá trên đường phố cũng rất ít, chủ yếu bán vài thứ nước giải khát, trà sữa, bánh tây. Ấn Độ không phải là nơi có thể hưởng thụ ăn chơi.

        Mỗi năm, tôi thường dẫn vài đoàn hành hương đến Ấn Độ. Năm ngoái, trong đoàn có khách từ An Giang, ông quen biết một vị quan chức các tỉnh thông qua làm ăn, nên muốn rủ vị quan chức này đi cùng. Nhưng sau đó, vì lý do bị bệnh, vị lãnh đạo đó phải ở nhà. Sang Ấn Độ mười mấy ngày, ông tâm sự: “Thầy ơi! Con may mắn quá”. Tôi tưởng ông ấy hân hoan khi đến cõi Phật, trải nghiệm đời sống tâm linh, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, học hỏi giáo pháp. Nhưng: “Con may mắn vì ông bạn thân của con không đi. Ở đây không có chỗ nào để nhậu”. Nghe mà cảm thấy đau lòng. Tại sao phải có rượu bia mới được gọi là hạnh phúc? Người uống rượu bia mới là người mất hạnh phúc bản thân. Bệnh tật, mất khả năng chăm sóc cho mình thì lấy đâu khả năng và thời gian tâm huyết để chăm sóc cho vợ con?

        Tóm lại, làm tốt việc nhà không chỉ thuộc trách nhiệm người vợ mà phải gánh vác đồng đều của cả vợ lẫn chồng. Chồng cơ bắp nên quán xuyến nhiều hơn, vợ yếu kém sức khoẻ thì chỉ lo giáo dục và quan tâm con cái.

II. ĐẠO LÀM VỢ TRONG GIA ĐÌNH

    Khi được ứng xử năm điều trách nhiệm đạo đức thì theo đức Phật, người vợ cũng cần phải đối đáp lại với chồng năm điều đạo đức như sau, nó được gọi là bổn phận của người vợ mẫu mực.

    1. Siêng năng, thức dậy trước chồng

        Đây là yếu tố tâm lý chứ không phải quy định bắt buộc. Trong bối cảnh văn hóa, xã hội Ấn Độ, người chồng chăm lo kinh tế, làm việc công sở rồi về bươn chải thêm, nên có phần mệt mỏi hơn và thường thức dậy sau vợ. Giờ hành chính tại Ấn Độ bắt đầu vào chín giờ sáng, một số cơ quan mở cửa lúc mười giờ. Các khu chợ mở cửa lúc mười một giờ trưa. Họ không phải tất bật quá sớm từ ba bốn giờ sáng đến năm sáu giờ chiều như người Việt Nam, nhưng họ vẫn sống an lạc và đầy đủ điều kiện kinh tế vật chất. Quan trọng là quản trị thời gian, công việc, lương bổng, quản trị gia đình, xã hội thì chúng ta sẽ bình an chứ không cần phải làm quá nhiều giờ trong một ngày, đến mức không còn thời gian dành cho những người thân thương mà mình quan tâm.

        Vì bận rộn với công việc kinh tế và trụ cột tài chính của gia đình, nên người chồng thường rơi vào trạng thái mỏi mệt. Đức Phật rất tâm lý khuyên người vợ hãy thức sớm hơn. Đó cũng là một nhu cầu tự nhiên, vì người nữ thường ngủ ít hơn nam nên hãy dậy sớm hơn để lo việc trong gia đình, nhắc nhở con cái và chuẩn bị cho chúng đi học đúng giờ.

        Thức sớm không có nghĩa là hầu hạ, phục dịch chồng mà thức sớm để chu đáo chuyện trong chuyện ngoài. Ngày nay, chúng ta cũng có rất nhiều phương tiện trợ giúp cho việc thức dậy sớm, đó là đồng hồ báo thức, điện thoại có chuông báo thức và nhiều công cụ khác.

        Theo đạo Phật, người ngủ sớm thức dậy sớm có sức khỏe tốt hơn người thức khuya dậy muộn. Giới văn nghệ sĩ thường thức rất khuya, và dậy lúc gần mười hai giờ trưa hôm sau. Họ sống gần như nửa ngày nửa đêm nên cảm xúc của họ bất bình thường hơn người khác. Họ dễ thay đổi tình yêu vợ chồng bởi vì sự xáo trộn giờ giấc đã ảnh hưởng đáng kể đến cảm xúc và lối sống.

        Một gia đình mẫu mực thì cần ngủ sớm và dậy sớm. Dậy sớm để còn có thời gian tập thể dục đầu ngày, giúp cả một ngày tám giờ làm việc không mệt mỏi. Chỉ cần thay đổi thói quen giờ giấc một cách khoa học hơn. Ngủ trễ dễ dẫn đến béo phì, cao huyết áp, căng thẳng, những chứng bệnh tim mạch, tiểu đường và nhiều chứng bệnh khác.

       Cho nên, nếu vợ làm được công việc dậy trước chồng, nhắc chồng đi làm, nhắc con đi học, chuẩn bị bữa sáng thì chắc chắn gia đình sẽ rất đầm ấm. Còn người chồng nếu biết đồng thức với vợ. Khi vợ tập thể dục cũng đi tập theo; cùng chia sẻ khi vợ làm việc nhà thì hạnh phúc đó càng tăng trưởng.

    2. Nể chồng, trước sau, trong ngoài

        Đây là lời dạy rất sâu sắc. Phụ nữ giỏi giang hơn chồng, thông minh, thành công hơn, và có nhan sắc thường ỷ lại; thỉnh thoảng còn xem thường chồng. Hễ vợ nói gì là chồng phải nghe răm rắp như câu nói dân gian: “Vợ muốn là trời muốn”. Trong tình huống đó, người chồng cảm thấy lép vế mà phần lớn thuộc mô típ sợ vợ. Dần dà, khi bị vợ ứng xử lấn lướt quá nhiều sẽ khiến chồng mặc cảm, tự ti với xã hội, không còn giá trị với người thân.

        Cho nên, dù tại gia đình, vợ là người quyết định chính nhưng khi ứng xử giao tế trước mặt chồng hoặc sau mặt chồng, trong nhà ngoài phố, vợ vẫn phải biết nhún nhường để chồng mình hãnh diện. Một người vợ hiểu biết là người có cảm thông và giúp chồng rạng danh trước bà con, họ tộc và đối với các đối tác trong xã hội. Người vợ nào ứng xử như thế sẽ càng được chồng cưng chiều, quý trọng hơn.

        Việc lấn lướt chồng còn dễ gây ra nguy cơ chồng ngoại tình, vì về nhà họ vốn đã trở thành con số zero. Trong khi ở công sở, lúc ngoại giao gặp nhiều phụ nữ trẻ đẹp hơn, thưa gởi thể hiện sự trân quý hơn khiến họ nghĩ rằng mình có giá trị. Cái tôi bị đánh đố, về lâu về dài một số người đã chọn cái đánh đố “được tâng bốc” hơn cái đánh đố “bị mất giá trị”. Từ ngoại tình trong tâm tưởng dẫn đến ngoại tình thật. Do đó, phải hết sức khôn khéo trước sau, trong nhà ngoài phố, trước mặt chồng cũng như sau lưng chồng, đối với phía bên chồng, bạn bè, mọi thứ %

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập