8 đặc tính của giáo pháp mà người xuất gia cần nỗ lực nương theo để tu học

Đã đọc: 429           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chiều ngày 03/07/2022, tại Tổ đình Đại Tòng Lâm (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Trường hạ an cư lớn nhất tỉnh, TT. Thích Nhật Từ đã có buổi chia sẻ với trên 300 vị Tôn đức Tăng Ni, cùng hơn 200 Phật tử Quỹ Đạo Phật Ngày Nay và tại địa phương qua đề tài "8 đặc điểm của biển".

"8 đặc điểm của biển" được Thượng tọa trích ra từ bài kinh Ngày Trai Giới, thuộc kinh Tăng Chi Bộ. Trong đó, thông qua các hình ảnh ẩn dụ văn học về biển, đức Phật đã giới thiệu 8 đặc tính của chánh pháp mà người xuất gia cần phải nỗ lực hướng đến và đạt được.

Đặc tính đầu tiên đó là biển không có độ sâu thình lình, từ bờ biển cho đến giữa biển, độ sâu luôn từ từ trũng xuống. Tương tự như vậy, muốn thành tựu pháp và luật, thì hành giả cần phải nỗ lực gia công tu trì, dụng tâm tu học để rèn luyện bản thân, trau dồi đạo đức - thiền định - trí tuệ. Có như vậy, chúng ta mới có thể từng ngày, từng ngày chuyển hóa thân tâm từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện, từ tiêu cực thành tích cực. Bởi vì việc chuyển hóa thân tâm hay thậm chí là sự giải thoát, giác ngộ cũng không thể thình lình mà có được, nó là một quá trình đi từ thấp đến cao. Do đó, chúng ta cần nỗ lực chuyển nghiệp đúng phương pháp cùng với sự kiên trì, bền bỉ và nhẫn nại.

Thượng tọa cho biết đặc điểm thứ hai của biển chính là biển không vượt qua bờ. Điều đó có ý nghĩa rằng chân lý và đạo đức do đức Phật khám phá và truyền bá nếu được người tu học Phật chân chính, có lý tưởng, có nỗ lực tu tập, hành trì theo. Thì dầu cho có đánh đổi bằng sinh mạng, thì hành giả cũng không thể làm trái, bỏ qua, vượt qua giá trị cao đẹp của chân lý, đạo đức Phật dạy trên lộ trình phá bỏ xiềng xích tham, sân, si và từng bước tịnh hóa thân tâm trên con đường Thánh đạo.

Đặc điểm thứ ba, biển không bao giờ dung chứa tử thi. Cũng như vậy, trong pháp và luật của Như Lai không dung chứa cho những người ác giới, ác pháp, có sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ, có hành vi không phạm hạnh, không xứng là bậc Sa-môn, đầy tham dục và bất tịnh. Qua đó, Tăng Ni cần phải thu thúc lục căn, vượt qua các thói quen, hành vi, lối sống và năng lượng phàm tục. Từ đó, chúng ta hãy lấy chúng làm hành trang để tu học cho thật vững vàng và chắc chắn.

Đặc điểm bốn chính là mọi con sông dù có tên gọi khác nhau, nhưng khi đổ ra đến biển, chúng hòa quyện vào nhau, hòa quyện vào nước biển, và đều được gọi chung là đại dương. Tương tự như thế, mọi tầng lớp, giai cấp, giới tính, chủng tộc, tôn giáo,... khi đã trở thành Sa-môn Thích tử, thì đều là người con Phật, những người nương theo pháp và luật của Như Lai để bước đi trên con đường Thánh thiện, giác ngộ. Điều này nói lên chủ trương bình đẳng siêu việt của đức Phật, một mốc son chói lọi trong lịch sử, văn hóa, tôn giáo của nhân loại.

Thứ năm, dù cho biển lớn chứa đựng được rất nhiều nước sông, nước mưa, nhưng không vì vậy mà nước biển bị vơi hay đầy. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ về Niết-bàn không hề bị thay đổi, bị giới hạn dù cho bất kỳ đối tượng nào đã chứng đạt được nó. Niết-bàn, nói dễ hiểu hơn đó là một trạng thái tâm an lạc, hạnh phúc, bình yên, thoải mái, dễ chịu... Tiềm năng trải nghiệm hiện thực Niết-bàn với các giá trị tích cực, ưu việt nêu trên hoàn toàn là có thể, nếu như chúng ta tu tập và ứng dụng theo đúng phương pháp mà đức Phật đã chỉ dạy.

Đặc điểm thứ sáu, nếu như biển chỉ có một vị mặn, thì pháp và luật của đức Phật chỉ thuần một vị là giải thoát. Đức Phật đã xác định trí tuệ là phương pháp tâm linh hàng đầu để đưa đến giác ngộ. Cho nên, việc học Phật cho đến nơi đến chốn là việc vô cùng quan trọng đối với các tầng lớp Tăng Ni. Khi mở được cặp mắt tuệ thì chúng ta sẽ có nhận thức, định hướng, kỹ năng đúng đắn để giúp mình và giúp người chuyển nghiệp tốt hơn.

Đặc điểm thứ bảy, cũng như biển lớn có rất nhiều châu báu quý giá, giáo pháp của đức Phật cũng chứa đựng nhiều châu báu giải thoát như tứ niệm xứ, tứ chánh cần, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi,... Vấn đề đặt ra là các Tăng Ni phải cam kết như thế nào trong việc dấn thân phụng sự, hoằng pháp, truyền bá các giá trị siêu việt của chân lý Phật đến với quần chúng nhân dân. Để khai thác, tận dụng và sử dụng hết lợi ích từ nguồn châu báu giác ngộ của đức Phật, chư Tôn đức Tăng Ni cần nâng cao về chất lượng lẫn số lượng các hoạt động Phật sự, thiện sự như mở khóa tu, thuyết pháp, viết sách, dịch kinh, làm từ thiện,... góp phần truyền bá chân lý Phật và làm lợi lạc cho nhân sinh.

Đặc điểm cuối cùng, biển là nơi ở của các loài động vật lớn, giống như trong giáo pháp của Bậc Giác Ngộ, là trú xứ của bốn bậc Thánh nhân, vĩ nhân cao quý. Nếu tu hành nghiêm túc, tinh tấn, không buông lơi, trau dồi giới đức, phước báu, trí tuệ, thì mỗi người chúng ta đều có cơ hội và khả năng chứng đạt được các quả vị đáng tôn kính đó.

Thông qua bài pháp thoại, TT. Thích Nhật Từ đã sách tấn các hành giả đang an cư tại Tổ đình Đại Tòng Lâm cần tinh tấn, nỗ lực tu hành theo đúng chánh pháp. Bên cạnh đó, Tăng Ni chúng ta cũng không quên chí nguyện hoằng pháp lợi sanh, phụng sự nhân sinh của mình thông qua việc tích cực truyền bá chân lý Phật đến hàng cư sĩ tại gia, giúp cho ánh sáng giải thoát, giác ngộ có thể soi chiếu, tỏ rạng khắp muôn phương.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Trí Thuận













Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập