Chùa Giác Ngộ: Khóa tu Ngày An Lạc - Tuổi Trẻ Hướng Phật lần thứ 39, ngày 05-03-2018

Đã đọc: 1002           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trở lại sau những ngày Tết bên gia đình và người thân, gần 1.500 hành giả từ thanh thiếu niên đến lão niên đã cùng vân tập từ sớm dưới mái chùa thân thương, có mặt cho nhau để ngồi giữa gió xuân.

Khóa tu Ngày An Lạc
Với thời lượng tu học cắt giảm chỉ còn một nửa so với các khóa tu trước, khóa tu Ngày An Lạc lần này đã được diễn ra một cách bài bản, súc tích, cô đọng dưới những thời khóa chính như tụng kinh, pháp thoại, thiền tọa và dùng cơm chính niệm, mang đến không khí thư thái và nhẹ nhàng, cảm giác mới lạ và hứng khởi trong cách thức sáng tạo của Ban Tổ Chức khóa tu.
Trong khóa tu đầu xuân, khi giai vị Tết vẫn còn thoang thoảng đâu đó, TT. Thích Nhật Từ đã có thời pháp thoại với chủ đề “Ẩn dụ về 7 loại người dưới nước” lấy ý chính từ Thủy Dụ Kinh, thuộc kinh Trung A-hàm, Tăng nhất A-hàm trong kinh tạng A-hàm (āgama), Tăng Chi Bộ trong kinh tạng Nikàya chương Bảy pháp
1. Đức Phật là vua của chân lý (Pháp chủ, pháp vương)
Vào thời Phật tại thế đến khoảng 550 năm sau khi Ngài qua đời, pháp chủ hay pháp vương đều chỉ cho Đức Phật. Ngài không khích lệ hình thành Giáo Hội mà kêu gọi dân chủ trong Tăng đoàn để nương vào chân lý và đạo đức. 
Sau này, do nhu cầu thống nhất quản lý nên Giáo Hội Phật giáo các quốc gia được thành lập.
Cốt lõi của tu học Phật là mở tuệ. Thế nên, người tu học Phật nương vào Đức Phật chứ không nương vào “hóa thân Phật, Bồ-tát”, nương vào chân lý và đạo đức (Pháp), nương vào Tăng đoàn Phật chứ không nương tựa riêng một thầy (cô).
Ẩn dụ thứ nhất, Thượng tọa ví dụ cho những người sống không gặp được Phật, buông lung vô độ, say đắm tửu sắc, tà kiến dẫy đầy, tù ngục phải vương, chìm trong sinh tử.
Ẩn dụ thứ hai, “như người vừa ra khỏi nước rồi bị chìm lại”, thầy phân tích về những người vừa mới tu thiện tích phước thì lại rơi rụng, đắm chìm tội lỗi. Nhân dịp này, các quan điểm sai lầm mà Phật giáo Trung Quốc tuyên truyền như “Buông dao đồ tể lập tức thành Phật”, “quay đầu là bờ”, tấn hương, tam bộ nhất bái, nhất bộ nhất bái v.v… 
Song song đó, ẩn dụ thứ ba “người ra khỏi sông nước rồi đứng lại” cũng được thầy chia sẻ về dạng người ra khỏi sự sa đọa thì tiến thoái lưỡng nan, dậm chân tại chỗ, không có tiến bộ. Những người đi sai đường như hộ niệm vãng sinh Cực Lạc cũng được nhắc đến. Thay đổi nghiệp để không thoái thác.
Đồng thời, ẩn dụ thứ tư “người ra khỏi sông nước đứng nhìn xung quanh”, Thượng tọa đã nói về những người gặp quá nhiều tư tưởng, dẫn đến không biết bắt đầu từ đâu, hoặc buông lung hoặc ép thân, hoặc tà kiến mê tín… 
Ẩn dụ thứ năm nói về “người ra khỏi sông nước bắt đầu tiến lên”, nói về người bắt đầu bước đi trên con đường đạo nhiệm mầu, sống trong tỉnh thức an vui.
Ẩn dụ áp chót, “như người ra khỏi sông nước, đứng nhìn xung quanh, lội qua bờ kia”, xưng tán người bỏ tất cả việc ác, làm tất cả việc thiện, tu tập bốn chân lý, vượt qua các trói buộc, trải nghiệm hạnh phúc đích thực… 99%, chứng quả Nhất Lai (A-na-hàm).
Ẩn dụ cuối cùng “như người ra khỏi sông nước, đứng nhìn xung quanh, lội qua bờ, đứng vững trên bờ, vững chãi, bình an” sánh ví cho người tu tập trọn vẹn, chứng đắc quả vị Thánh, giác ngộ và giải thoát, chứng đắc được ba tuệ giác lớn, xứng đáng được cúng dường, là bậc thầy của trời người.
Tái sinh đã tận
Hạnh thánh đã thành
Việc nên đã làm
Không còn trở lại cuộc đời này nữa.
Sợi chỉ xuyên suốt bảy ẩn dụ, đó là tâm tham ái. Giải thoát khỏi sự trói buộc của tâm tham ái là chìa khóa vạn năng để qua bờ.
Thời pháp thoại đã kết thúc trong niềm hoan hỷ của các Phật tử khi họ thấy rõ con đường mình đi.
Bên cạnh đó, Thầy cũng đã thăm dò ý kiến các hành giả về việc bắt đầu một năm tu tập vào khoảng mùng 07 Tết trở đi chứ không phải qua rằm như năm nay, và đã được sự ủng hộ tuyệt đối của đạo tràng bổn tự.

Khóa tu Tuổi Trẻ Hướng Phật
Ngay từ sau giờ ăn cơm chính niệm của buổi tu Ngày An Lạc, Ban Quản Trị 8 chúng của khóa tu Tuổi Trẻ đã chủ động đón các bạn ở tầng trệt.
Sau màn mở đầu bằng thời kinh, thiền tọa, khóa tu hân hạnh chào đón khách mời ca sĩ Phi Nhung trong chương trình tọa đàm “Vì sao tôi theo đạo Phật?”.
Ca sĩ Phi Nhung sinh năm 1972 trong một ngôi chùa. Cha là quân nhân người Mỹ trú tại đồn Pleiku. Mẹ cô đi thêm bước nữa, và cô có thêm 5 người em. Thế nhưng, khi cô tròn 8 tuổi thì mẹ cô qua đời, một mình cô thay mẹ chăm sóc 5 người em cùng mẹ khác cha. 
Năm 16 tuổi, Phi Nhung đi Mỹ sinh sống theo diện con lai. Tại đất nước cờ hoa, cô gặp ca sĩ Trizzie Phương Trinh đang lưu diễn ở một ngôi chùa thuộc tiểu bang Florida. Nhờ mối nhân duyên đó mà Phi Nhung có thể thực hiện giấc mơ ca hát của mình. 
Nhiều năm lênh đênh trên đất Mỹ, ca sĩ Phi Nhung cũng đã trải qua vài mối tình. Nhưng có lẽ, đối với cô, thật khó để chuyển tình yêu dành cho 23 đứa trẻ con nuôi, tình yêu với Phật pháp thành tình yêu với một người đàn ông.
Sau lời chào đầu tiên, ca sĩ Phi Nhung chia sẻ về mối nhân duyên lần đầu tiên với cửa Phật ngay khi còn là một đứa trẻ 8 tuổi. Năm đó, cô đã từng đứng trước cổng một ngôi chùa nhỏ của thầy Thích Trí Chơn và các sư cô, ngắm nhìn quý thầy cô tập công phu vào mỗi tối. 
Một hôm nọ, sư cô Trúc từ trong chùa đã đi ra hỏi thăm Phi Nhung và nhờ đó, hằng ngày, vào mỗi buổi trưa, Phi Nhung đều được lên chùa để phụ các sư cô làm nhang, được học và nghe về Phật pháp. Thế nhưng, cô lại gặp chút khó khăn khi gia đình không cho phép cô đến chùa thường xuyên.
Mỗi người sẽ có một con đường để dẫn đến con đường đạo, mối duyên với cửa Phật của Phi Nhung chưa bao giờ khép lại. Năm 16 tuổi, trên chiếc máy bay đi Mỹ theo diện con lai, cô lại được một vị sư cô tặng cho một cuốn kinh Phật. Từ ngày hôm ấy, Phi Nhung luôn mang theo cuốn sách, cuốn kinh, truyện cổ tích về Đức Phật để đọc trên các chuyến bay lưu diễn. Phi Nhung bật mí hiện tại cô đang mang theo cuốn sách “423 lời vàng của Phật” do TT. Thích Nhật Từ biên soạn và trao tặng bên mình. Đạo lý tâm đắc nhất mà Phi Nhung hướng đến là tâm từ bi, mang hạnh phúc đến cho mọi người. 
Cuộc đời khi chết rồi sẽ trở về với cát bụi, vô cùng ngắn ngủi, hãy sống một cuộc đời thật ý nghĩ, san sẻ tình yêu thương với mọi người, thân từ cát bụi đến thì sẽ đi, chỉ có điều lành, việc thiện thì sẽ ở lại lâu dài. 
Mỗi ngày cô đều soi gương nhân cách, xem ngày hôm nay mình đã làm gì, đã tốt hay chưa, nếu chưa tốt thì ngày mai mình cần sửa đổi, tiến bộ hơn.
Do thiếu thốn tình cảm của mẹ từ bé nên Phi Nhung thường đọc Kinh Địa Tạng và Chú Đại Bi. Mỗi lời kể của Phi Nhung về mẹ đều tràn đầy cảm xúc. Trong cuộc sống những năm đầu vô cùng khổ sở, không được sống gần mẹ quá nhiều, bản thân là con lai chịu nhiều điều tiếng, mẹ cô lại có quá nhiều con để chăm lo, nhưng cô chưa bao giờ oán trách, cô càng thương mẹ hơn, yêu và trân trọng người đã sinh ra mình. 
Chính vì thế, với tấm lòng người mẹ, cô luôn tạo điều kiện cho 23 thiên thần được cơ hội đi học đến nơi đến chốn. Không chỉ thế, hiện tại, có 6 chú tiểu cô từng may mắn nhận nuôi đã chuẩn bị thọ giới sadi, trở thành người con chính thức của Đức Phật.
Chia sẻ về tên gọi nhà hàng “Buddha chay”, cô ca sĩ Phi Nhung mong muốn bản thân phải luôn giữ tâm Phật, tạo niềm tin, ánh sáng trong cuộc sống, và hy vọng thực khách sẽ có được tâm an lạc khi thưởng thức các món ăn tại đây. Ngoài ra, mục đích xây dựng quán chay của cô là giúp cho các chú tiểu, những đứa trẻ mồ côi có cuộc sống tu học được đầy đủ hơn. Phi Nhung cho rằng, cô chưa đủ duyên để ăn chay trường vì điều kiện lưu diễn thường xuyên tại hải ngoại nhưng vẫn cố gắng dùng bữa thanh tịnh với tâm trong sáng nhất.
Buổi talkshow khép lại đã để lại bài học đáng suy ngẫm cho các quý hành giả. Từ một người tự tin về xuất thân, số phận, đã phấn đầu, vươn lên trong cuộc sống, thường xuyên thực hành đạo lý Phật dạy, tạo duyên lành, những lợi lạc, việc thiện cho mọi người xung quanh mà không cần sự hồi đáp, ca sĩ Phi Nhung là một tấm gương đáng noi theo. 
Một ngày tu tập với nhiều nội dung có giá trị đã mang đến cho các hành giả nhiều điều đáng để học hỏi.
Hẹn gặp lại quý vị hành giả tại khóa tu Ngày An Lạc - Tuổi Trẻ Hướng Phật lần 40: 18/03/2018 (02/02 Mậu Tuất), lần 41: 01/04/2018 (16/02 Mậu Tuất) và lần 42: 15/04/2018 (30/02 Mậu Tuất).
Kính mời tất cả mọi người cùng theo dõi lại các thời pháp thoại và pháp đàm về Phật giáo trong khóa tu: 
https://www.facebook.com/ThichNhatTu/videos/1840440475979908/
https://www.facebook.com/ThichNhatTu/videos/1840797262610896/

Tin: Thích Ngộ Trí Viên, Nguyễn Hoàng Cát Tiên, ảnh: Ngộ Trí Thắng

 



























Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập