Các bài tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII

Đã đọc: 2436           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong phiên làm việc buổi chiều ngày 21/11/2017 và đầu phiên làm việc buổi sáng ngày 22/11/2017, toàn thể đại biểu đã nghe 25 bài tham luận chọn lọc của các ban nghành trung ương và các tỉnh thành. Dưới đây là trích lược một số bài tham luận tiêu biểu:

1. Những điều cốt lõi của giáo dục Phật giáo - HT.Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng Thường trực HVPGVN tại TP.HCM

“Nền giáo dục Phật học nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng của hạnh phúc là giáo dục đạo đức, giáo dục thiền định và giáo dục trí tuệ. Qua giáo dục đạo đức, người học Phật rèn luyện nhân cách, phẩm chất cao quý, trở nên vị tha, sống tôn trọng luật pháp và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mình và người.

Bằng giáo dục thiền định, người học Phật ý thức sâu sắc về sự hiện hữu của bản thân, làm chủ cảm xúc, thái độ, tâm tư, nhận thức, hành vi và ứng xử, trong các hành vi đi, đứng, nằm, ngồi; nói, nín; động, tịnh; thức và ngủ. Thực tập thiền định mỗi ngày giúp cho con người tiếp xúc thực tại hiện tiền với hạnh phúc sâu lắng, trở nên điềm tĩnh, sáng suốt, phát minh, sáng kiến, sáng tạo.”

2. Giải pháp ứng dụng CNTT vào việc đẩy mạnh công tác truyền bá chính pháp – Hòa thượng, TS.Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông T.Ư GHPGVN

“Đối với thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, những vị “sứ giả Như Lai” muốn đạt được những kết quả tốt đẹp trong việc hoằng truyền Phật pháp thì cần biết ứng dụng công nghệ thông tin của thời đại kỹ thuật số trong việc đẩy mạnh công tác truyền bá chính pháp, nhằm góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam ngày càng hưng thịnh, mặt khác ở thời đại công nghệ thông tin việc xuất hiện thông tin trái chiều dễ xảy ra nên Phật giáo Việt Nam cũng cần có phương pháp, biện pháp ngăn chặn và xử lý khủng hoảng thông tin gây bất lợi về hình ảnh tổ chức hoặc liên quan đến các cá nhân tu hành trên mạng Internet.”

3. Vai trò hoằng pháp góp phần phát triển cho Phật giáo - Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh

“Bên cạnh một vài ngôi chùa “may mắn” thì đa số chùa ở nông thôn, mà nhất là vùng sâu vùng xa chưa được sửa chữa xây dựng. Chùa nghèo nhìn rất buồn! Những vị trụ trì chưa đủ khả năng vực dậy phong trào tu học, thu hút Phật tử đến chùa, không thiết lập được những mối quan hệ với các mạnh thường quân. Chùa tồn tại lẻ loi và dường như không dính dáng gì đến xã hội bên ngoài, vị trụ trì dần dần giống như ông Từ giữ đền chứ không còn là một vị sư trụ trì nữa.”

 4. Sự nghiệp hoằng pháp của người tu sĩ - Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Giang

“Người hoằng pháp được ví giống như một chú ong đi lấy mật, mà không làm tổn hại đến hương sắc của muôn loài hoa. Cùng với cái nhìn toàn diện trên mọi mặt, người tu sĩ đem trong mình sứ mệnh cao cả “vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương thưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc, cho chư thiên và cho loài người”. Cùng với những phân tích về mặt thực tế, cũng như những giải pháp đề ra, hy vọng bài tham luận sẽ góp phần đem đến những phân tích cũng như một cái nhìn toàn diện hơn về chủ đề “Sự nghiệp hoằng pháp của người tu sĩ”.”

 5. Cần có hướng quản lý mới trong việc bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam - Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN

“Bảo tồn văn hóa Phật giáo là một vấn đề cần nhận diện lại và nhận thức đúng, bởi đó không chỉ là di sản của Phật giáo, mà là một thành tố trong chỉnh thể văn hóa dân tộc.(4) Bảo tồn di sản Phật giáo cũng có nghĩa là bảo tồn di sản dân tộc, do vậy rất cần có sự chung tay, phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa, cụ thể là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Cần phải nhìn lại thực trạng và cùng tìm giải pháp hiệu quả hơn trước khi di sản ngày càng bị biến dạng, hoặc mai một đi, nói cách khác là trước khi đã quá muộn.”

 6. Hoằng pháp là sứ mệnh - Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN

“Nếu thuyết pháp chỉ dựa trên kinh điển, triết lý suông mà chính mình không thực hành thì nó chỉ là sáo ngữ và trống rỗng. Nếu chỉ thông hiểu về mặt văn tự chữ nghĩa của giáo lý hay phương tiện suy luận thì một cư sĩ hay một nhà nghiên cứu Phật học đều có thể đạt được. Là nhà Hoằng pháp chúng ta không chỉ dừng lại ở đó, tức chúng ta phải có sự chân tu thật học, tri hành hợp nhất, có như thế mới có sự thuyết phục mạnh mẽ làm cho người ta hướng thượng quy ngưỡng Phật giáo. Và dường như trong vô số phương tiện hoằng hóa độ sanh thì ý nghĩa sâu sắc nhất để cảm hóa người vẫn là đạo hạnh trang nghiêm, tư cách đạo đức thuần thục và sự thực tu thực chứng của người xuất gia.”

 7. Đoàn kết - Hòa hợp - Ban Nghi lễ Trung ương

“Nghi lễ của Phật giáo Việt Nam tự hào là một lĩnh vực đa dạng, phong phú. Nhờ sự đặc trưng thổ nhưỡng ở mỗi vùng miền, lại có sự phản ánh văn hóa thông qua Nghi lễ Phật giáo khác nhau. Miền Bắc có nghi lễ Phật giáo miền Bắc, miền Trung có nghi lễ Phật giáo miền Trung, miền Nam có nghi lễ Phật giáo miền Nam. Nếu nói nghi lễ miền Bắc là gốc rễ cứng chắc bám sâu vào lòng đất, thì nghi lễ miền Trung là thân cành vững chải vươn rộng rợp bóng xanh tươi, để rồi từ nền tảng đó nghi lễ miền Nam là sự đơm hoa kết trái sum suê làm đẹp cho nghi lễ nước nhà. Nói như vậy, để mọi người có cùng quan điểm bảo vệ “màu cờ sắc áo” của nước mình, mình không tự ti rằng nghi lễ Phật giáo Việt Nam là vay mượn. Nếu có chăng, thì đó cũng là sự diệu dụng của chư Tổ, muốn chắt lọc những tinh hoa, những chất dinh dưỡng có thể tiêu hóa được, để tô bồi cho văn hóa Phật giáo nước nhà thêm phong phú.”

8. Những giải pháp cho hoạt động đào tạo ở Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer - ĐĐ. Kim Chươl, Phân ban GDPG Nam tông Khmer

“Từ thực tiễn khảo sát, qua phân tích thực trạng và kết quả hoạt động đào tạo tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer Cần Thơ cho thấy công tác quản lý đào tạo tại Học viện đã quán triệt đầy đủ các quan điểm: Phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu đào tạo; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; lấy người học làm trung tâm, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; kế thừa và sử dụng có hiệu quả quy trình đào tạo trước đó, đặc biệt đổi mới quản lý đào tạo theo hướng quản trị hiện đại và thúc đẩy quá trình hội nhập; đã có các giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện công tác quản lý hoạt động đào tạo tại Học viện gồm: Đổi mới mục tiêu, chương trình, phương thức đào tạo; đổi mới tổ chức quản lý người dạy và người học; cải tiến nội dung, phương thức lập kế hoạch, tổ chức đào tạo và kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, thông qua xuyên suốt quá trình nghiên cứu thực tiễn, cũng như bản thân đã và đang tham gia giảng dạy tại Học viện, đồng thời qua kết quả tham khảo thăm dò ý kiến chuyên gia, học giả, ý kiến Bổn sư, cũng như ý kiến các cấp lãnh đạo Giáo hội,… cho thấy Học viện Phật giáo Nam tông Khmer Cần Thơ cần phát huy những mặt ưu điểm; đồng thời sớm khắc phục những mặt hạn chế; trong đó cần tăng cường đổi mới nội dung, đổi mới chương trình đào tạo và đổi mới kiểm tra đánh giá là hết sức cần thiết không chỉ nâng cao chất lượng thuần túy phục vụ Đạo pháp mà nó cấp thiết phục vụ cho xã hội và Phật tử.”

9.  Sự phát triển của hệ phái Khất sĩ tại Hải ngoại - TT. Thích Minh Thành - Ủy viên Thường trực HĐTS

“Trong đời sống phạm hạnh của tự thân, các vị Khất sĩ được Hòa thượng nhắc nhở hành trì Y bát và tấn tu Giới Định Huệ ngang qua thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Về việc hành thiền, Hòa thượng chủ trương thực hành theo phương pháp thiền mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã giảng dạy trong tác phẩm Chơn Lý(1). Phương pháp thiền này vừa mang những đặc tính chung hay đặc tính nền tảng liên thông với các phương pháp thiền khác vừa mang nét riêng được xây dựng theo hình ảnh hạt sen mà Chơn Lý thường đề cập đến.Về phương diện hoằng hóa dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng, những vị Khất sĩ ở Hải ngoại vẫn trung thành với tôn chỉ: Giữ gìn tính trong sáng của chánh pháp nhà Phật qua nội dung của những bài thuyết giảng, kinh sách được in ấn; qua lễ nghi tụng niệm hằng ngày, lễ nghi liên quan đến chùa tháp tự viện, hoạt động của tăng đoàn hay liên quan đến cư gia bá tánh, an vị, ma chay, hằng thuận; qua nội dung nghi thức các đại lễ quan trọng hằng năm. Vị Khất sĩ chân chính sẽ nói không với các biểu hiện của mê tín dị đoan hay hiển dị hoặc chúng. Trong đời sống hàng ngày, những vị Khất sĩ giáo hóa cư gia bằng chính đạo hạnh của bản thân, khuyên cư gia quy y, ăn chay, niệm Phật, giữ gìn năm giới căn bản, lánh dữ làm lành, nhấn mạnh đến chữ Hiếu, chữ Hòa và chữ Nhẫn.”

10. Phương thức quản lý và hoạt động Tăng sự trong công tác tổ chức của Giáo hội - TT. Thích Thanh Vân -UV, Hội đồng Trị sự Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương

“Công tác Tăng sự là trọng tâm hàng đầu của Giáo hội, bởi lẽ con người luôn là yếu tố quan yếu quyết định vận mệnh thịnh suy của một tổ chức. Theo lời Cổ đức đã dạy: “ Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân”, chính vì vậy các cấp Giáo hội phải tập trung củng cố và phát triển tổ chức Tăng sự. Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự, các Quy chế hoạt động, các Nghị quyết, Thông tư, Thông bạch của Giáo hội phải luôn được triển khai để mỗi Tăng Ni nhận thức được rõ quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong tổ chức.”

11. Đưa ánh sáng Chánh pháp đến với cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên - Hoà thượng Thích Toàn Đức, UV. HĐTS Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng

   “Đưa ánh sáng Chánh pháp vào vùng sâu vùng xa là điều rất nhiều người quan tâm đề cập từ lâu, tuy nhiên từ lý thuyết đến thực hành vẫn còn rất xa. Hiện tại người dân nơi đây vẫn luôn khát khao dòng pháp nhũ, như những đứa con chờ mẹ nhưng mẹ vẫn đi biền biệt chưa về. Hằng ngày chúng ta vẫn thường đọc tụng lời phát nguyện của Ngài A Nan: “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân. Phục thỉnh Thế tôn vị chứng minh, ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”. Lời phát nguyện mà chắc vị xuất trần thượng sĩ nào cũng tâm niệm ngày đêm. Trong thời đại ngày nay, tuy những điên đảo vọng tưởng của cuộc thế, những tiện nghi vật chất và ánh sáng phù hoa nơi phố thị luôn cám dỗ người xuất gia trẻ tuổi. Nhưng chúng tôi tin tưởng vẫn còn đó những tấm lòng vị tha, với Tứ vô lượng tâm, vì tương lai đạo pháp mà xả thân phục vụ. Ước mong những Như Lai sứ giả lúc nào cũng nghĩ tưởng đến câu: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”

12. Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập: Những thành tựu, thời cơ và giải pháp để phát triển bền vững - TT TS Thích Giải Hiền - Trưởng Ban TTXH Phật giáo tỉnh Thanh Hóa

“Thời kỳ hội nhập là thời kỳ mà đất nước mở cửa để đón nhận sự giao lưu về mọi mặt giữa Việt Nam và thế giới. Đây cũng là thời kỳ để Phật giáo Việt Nam thực hiện sứ vụ đại chúng của mình từ quốc nội đến quốc ngoại. Đây cũng chính là cơ hội để Phật giáo Việt Nam phát triển từ Việt Nam đi vào thế giới. Nhận chân rõ những thành tựu, những thời cơ và những hạn chế để tìm ra được những giải pháp tốt đẹp nhất cho sự phát triển bền vững của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, đó cũng chính là tâm tư của Tăng Ni và tín đồ Phật giáo xứ Thanh gửi đến Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc”

13. Các thành tựu và kiến nghị về giáo dục Phật học - TT . Thích Nhật Từ - Ban giáo dục Tăng Ni Trung Ương

“Ban Giáo dục Tăng Ni TW đã từng bước thực hiện phổ cập giáo dục Phật học từ thấp đến cao, từ nền tảng đến chuyên sâu và nâng cao, gồm các cấp học như Sơ cấp Phật học 1-2 năm, Trung cấp Phật học 3 năm, Cao đẳng Phật học 2 năm, Cử nhân Phật học 4 năm, Thạc sĩ Phật học 2-3 năm. Mới đây, ngày 9-11-2017, Công văn số 3580/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ và ngày 15-11-2017, Công văn 1340/TGCP-PG của BTGCP, theo đó, Chính phủ cho phép các HVPGVN chính thức đào tạo Thạc sĩ Phật học và thí điểm Tiến sĩ Phật học từ đầu năm 2018. Tin vui to lớn này rất có ý nghĩa đối với cộng đồng Phật giáo Việt Nam, là nhờ vào công lao đặc biệt của TT. Thích Thanh Quyết. Quyết định lịch sử này mở ra chương sử mới cho nền giáo dục Phật học tại Việt Nam, đồng thời, từ nay, nền giáo dục Phật học Việt Nam bắt đầu được nâng ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là điều mà cố Trưởng lão HT. Thích Minh Châu, cố HT. Thích Thiện Siêu, cố HT. Thích Chơn Thiện và trưởng lão HT. Thích Trí Quảng đã nỗ lực trong nhiều năm qua, nay đã trở thành hiện thực.”

 14. Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng Hòa Séc – Thực trạng phát triển và những giải pháp  - Hội Phật tử Việt Nam tại CH Séc

“Hội PTVN tại CH Sécđang được dẫn dắt trực tiếp của những vị Thầy từ TWGH có tầm ảnh hưởng thực sự lớn lao, có tư duy thực sự tầm cỡ trên nguyên tắc vì lợi ích, vì niềm tin của tất cả cộng đồng Phật giáo hải ngoại. Điều này khơi gợi và tập trung được tâm lực của quần chúng vào các Phật sự, để Hội mãi xứng đáng là điểm tựa tâm linh vững trãi và ấm áp cho bà con người Việt xa xứ.”

 15. Sức sống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời hội nhập

“Các nhà hoằng pháp cần truyền bá tinh thần bảo tồn văn hóa trong kiến trúc và mỹ thuật, đậm bản sắc Việt Nam. Phong cách thờ phượng, tượng và tranh ảnh Phật phải mang bản sắc Việt. Nghi thức tụng niệm, bảng biển, câu đối trong các chùa phải thuần Việt. Tránh tình trạng mặc cảm hóa văn hóa dân tộc và tự ti dân tộc."

16. Vai trò của Ni giới Việt Nam trong thời kỳ hội nhập - Phân Ban Ni giới khu vực phía Bắc

"Từ khi Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ I đến nay Ni giới cả nước đã đóng góp một phần không nhỏ vào các công tác phật sự của Giáo hội như giáo dục, hoằng pháp, từ thiện, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, nhất là trùng tu tôn tạo các chùa trong trang nghiêm, ngoài tố hảo.

Vào đầu thế kỷ 21, số lượng chư ni ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển lên đến hàng vạn người, trong số đó có nhiều vị tốt nghiệp học vị Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Nhưng vấn đề không phải là số lượng chư ni phát triển nhiều hay ít, học vị cao hay thấp, mà vấn đề then chốt ở đây chính là, tùy theo năng lực và sự nỗ lực cá nhân. Ni giới Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp tu hành và hoằng pháp độ sinh, trước những thay đổi và thách thức của thời đại mới. Phân ban Ni giới phía Bắc xin đơn cử một số vai trò căn bản mà Ni giới Việt Nam đã và đang đảm nhiệm.”

 17. Làm thế nào để giúp giới trẻ đến với Phật giáo - ĐĐ. Thích Thông Đạt, tỉnh Nam Định

“Giáo hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, đã trãi qua 36 năm trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, phụng đạo yêu nước, giương cao ngọn cờ Đạo pháp - Dân tộc - CNXH, dưới sự lãnh đạo của GHPGVN, Phật giáo tỉnh Nam Định trong những năm qua đã có nhiều chương trình hoạt động thiết thực, làm tốt các công tác Phật sự, phát huy mạnh mẽ công tác xây dựng chùa tinh tiến, phát huy mạnh mẽ vai trò hướng dẫn Phật tử về mọi mặt. Đặc biệt, Ban hướng dẫn Phật tử trong 10 năm gần đây, đã mở rộng các khóa tu mùa hè dành cho các em thanh thiếu niên, giúp cho các em sống có nhận thức, có niềm tin, có kỹ năng, có định hướng, ổn định về tâm lý, thấy được giá trị của cuộc sống, đem lại niềm tin vững chắc cho các bậc phụ huynh, tin tưởng vào giá trị cao quý của giáo lý đạo Phật.”



















Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập