Lễ Tưởng niệm của Ban Trị sự tỉnh, Môn phái Tổ đình Tường Vân và Học viện Phật giáo Huế

Đã đọc: 1586           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Đúng vào lúc 19 giờ 00, ngày 16/11, trước khi cung thỉnh kim quan nhập bảo tháp, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Tông môn pháp phái tổ đình Tường Vân và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế cùng hàng ngàn Phật tử đã trang nghiêm vân tập về trước Giác linh đài Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Thiện thành kính tưởng niệm.

Tham dự Lễ tưởng niệm có HT. Thích Lưu Hòa, HT. Thích Chơn Tế, HT. Thích Giác Quang, HT. Thích Quán Hạnh, HT. Thích Từ Vân đồng Giáo phẩm chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; chư Tôn Hòa thượng Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh, chư Tôn Hòa thượng Ban Điều hành Môn phái Tổ đình Tường Vân, chư Tôn đức Hội đồng điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; chư Tôn đức các ban ngành trực thuộc Ban Trị sự, các tự viện sơn môn pháp phái, Tăng ni Học viện các khóa và hàng ngàn Phật tử về tham dự trong sự thành kính trang nghiêm.

Tại buổi lễ, HT. Thích Khế Chơn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự thay mặt Tăng Ni, tín đồ Phật tử dâng lời tưởng niệm trước Giác linh Cố Trưởng lão Hòa thượng tân viên tịch.

Đại diện tông môn pháp phái Tổ đình Tường Vân, HT. Thích Chơn Hương, Phó Trưởng Ban Điều hành Môn phái dâng lời tưởng niệm.

Trời Huế mấy ngày nay bắt đầu se lạnh,
Không gian ảm đạm thấu cảm lạ thường đến càn khôn vạn vật, 
Sông Hương cúi mặt nước tiếc ngẩn ngơ về biển nhớ,
Núi Ngự nghiêng mình mây buồn lãng đãng giữa trời thương.


Hòa cùng với không gian, nỗi buồn chúng con đang cảm nhận là sự vắng đi hình bóng thân thương của người Thầy khả kính, là bậc mô phạm nơi chốn tòng lâm Phạm vũ. Nỗi lòng của chúng con trong lúc này là sự hụt hẫng khó tả nên lời khi chúng con cảm nhận sự vô thường đến với Thầy sao mà nhanh chóng như vậy!

Thuở xưa,

Khi Thế Tôn nhập diệt,
A-nan bật khóc sầu:
“Than ôi còn hữu học,
Bậc Đạo Sư lìa xa.”


Hôm nay, hàng hậu học chúng con không khỏi đau buồn khi mất đi một bậc Thầy mà chúng con hằng tôn kính nương tựa! Chốn Tổ từ nay vắng đi nét từ hòa dung dị mà Thầy đã thị hiện mỗi ngày! Tường Vân luôn lưu dấu hình dáng vàng kem thiền hành mỗi sớm chiều đều đặn trước hương phòng. Phương trượng đường còn đâu bậc ẩn sĩ âm thầm tỏa sáng vùng trời đạo hạnh. Và đây, nụ cười giải thoát xóa tan ưu phiền như pháp âm được tuyên dương. Những hình ảnh thân giáo thầm lặng ấy của Thầy đã lắng động và in dấu trong tâm thức hàng đệ tử chúng con. Ở bất kỳ xứ sở nào Thầy hiện hữu, từ Sài Gòn hoa lệ có Vạn Hạnh lung linh nền học xứ, từ Đà Lạt mù sương có Linh Sơn thắp sáng đạo nguồn, từ xứ Huế cố đô có Tường Vân - Học viện, vang vọng hải triều âm, từ Hà Nội thủ đô có hàng nhân sĩ lân lân niềm đạo pháp, ở đâu, bước chân Thầy đi qua đều luôn còn mãi, lưu dấu trong lòng người nguồn pháp vị thâm sâu và tình thương yêu vô hạn!

Ngôi Tổ đình trang nghiêm đã được trùng hưng, ngôi Học viện mới đang được xây cất, nhưng ưu tiên hàng đầu mà Thầy hằng cưu mang chính là sự nghiệp giáo dục đào tạo con người, vun trồng hậu thế để tiếp nối mạng mạch Phật-đà. Tất cả sự dấn thân vào đời của Thầy lúc sinh tiền đều không ngoài mục tiêu cao cả ấy. Thầy khuyên người xuất gia cần phải có đầy đủ sở tu và sở học để làm hành trang vững chắc cho việc hoằng dương Chánh pháp. Có lần Thầy dạy: “Quý thầy ra làm Phật sự thì đừng có thiếu học hỏi, đừng có thiếu sự hy sinh, và đừng bao giờ thiếu sự cầu tiến.” Lời Thầy tuy ngắn ngủi nhưng đã truyền đạt một triết lý vô ngã sâu sắc từ nơi công việc hằng ngày của cuộc sống, là bài học thiết thực cho sự nghiệp trọn đời của chúng con. Thiết nghĩ, thực hiện được lời dạy ấy cũng chính là hạnh tu tập trên con đường hướng đến giải thoát mọi trói buộc khổ đau. Chúng con kính cẩn nguyện ghi lòng tạc dạ. 

Thay mặt Ban Chỉ đạo cũng như Hội đồng điều hành, Tăng ni các khóa Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, TT. Thích Nguyên Thành, Phó Viện trưởng dâng lời tưởng niệm.

Kính lạy Giác linh đức Trưởng lão Hoà thượng tân viên tịch huý thượng Tâm hạ Ngộ, tự Chơn Thiện, hiệu Viên Giác, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế thuỳ từ giám hạ.

Đỉnh Ngự ngàn mây chừng xao xác
Dòng Hương con nước chợt nghẹn ngào 


Trước linh đài hương trầm quyện toả, toàn thể Hội đồng Chỉ đạo, Hội đồng Điều hành, quý Giáo thọ sư, nhân viên Phòng Ban, cùng Tăng Ni sinh viên các khoá, thành kính cúi đầu dâng lời tưởng niệm. 

Kính bạch Giác linh Hoà thượng,

Ngôn ngữ loài người thật hạn hẹp, dường như bất lực khi nói về Hoà thượng Viện trưởng tôn kính của chúng con, vị Thầy suốt cuộc đời tận tuỵ vì nền giáo dục Phật giáo nước nhà, hơn 20 năm gắn bó, trăn trở cho công cuộc xây dựng hình thành và phát triển Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, một trung tâm Giáo dục Đại học Phật giáo miền Trung, kinh đô của Phật giáo Việt Nam thời cận - hiện đại. 

Như Hoà thượng đã bao lần tâm tình: “giáo dục là suối nguồn của văn hoá một dân tộc”, và “giáo dục Phật giáo Việt Nam là suối nguồn của văn hoá Phật giáo Việt Nam”, vì thế, làm sao để xây dựng và phát triển nền giáo dục Phật giáo nước nhà theo định hướng vừa phù hợp bản sắc truyền thống văn hoá dân tộc và truyền thống Phật giáo Việt, đồng thời ứng hợp với những phát triển của nền giáo dục hiện đại trên thế giới đã luôn là nỗi niềm canh cánh của Hoà thượng. Nhận thức tầm quan trọng giáo dục trong việc dựng xây xã hội, nên khi được đi du học tại Hoa Kỳ, Hoà thượng đã chọn chuyên sâu vào ngành Tâm lý Giáo dục, rồi khi tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Ấn Độ, Hoà thượng cũng đã để tâm nghiên tầm về lý thuyết nhân tính, một mảng khoa học bản lề của ngành giáo dục học đương đại. 
  
Chúng con nhớ, ngay từ lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, với kiến thức và kinh nghiệm về giáo dục, Hoà thượng đã luôn sát cánh cùng quý cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, chủ tịch HĐTS đầu tiên của GHPG Việt Nam, Hoà thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Hoà thượng Thích Thiện Siêu, Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung Ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, cùng nhiều chư tôn đức và nhà nghiên cứu giáo dục khác, thiết định nên các chương trình giáo dục Phật giáo Việt Nam từ Sơ – Trung cấp đến Đại học, Hòa thượng chính là người đề xuất thành lập hệ thống trường Trung cấp Phật học tại các tỉnh thành. Và sau này, khi được Giáo hội công cử kế thừa cố Hoà thượng Thích Thiện Siêu viên tịch năm 2001, đảm trách Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Hoà thượng đã tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục Phật giáo Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Hoà thượng, hiện nay chương trình giáo dục các cấp Phật học cho Tăng Ni, từ Sơ – Trung cấp đến Đại học đã chỉnh thể thống nhất với độ toả rộng khắp toàn quốc với 32 trường Sơ – Trung cấp, 8 Cao đẳng và 4 Học viện – Đại học Phật giáo. 

Là một nhà giáo dục, niềm đau đáu trọng tâm nhất của Hoà thượng là việc xây dựng nguồn nhân lực, đào tạo nên những con người, những thế hệ Tăng tài thực học thực tu cho Phật giáo Việt Nam. Chính Hoà thượng là người mở đường cho việc Tăng Ni sinh du học ở nước ngoài như: Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan… nhằm nâng cao trình độ và chuẩn hóa bằng cấp. Những thế hệ học trò ấy giờ đây đã đơm hoa kết trái, thành tựu học vị tiến sĩ, thạc sĩ, phần lớn đã trở về nước phục vụ và trở thành nguồn nhân lực then chốt trong các Học viện, hay ban ngành viện trung ương và địa phương. 

Riêng về Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, một Đại học Phật giáo miền Trung được dựng xây, hình thành vào năm 1997, nơi quê hương mảnh đất, nắng cháy da mùa hạ, mưa dầm rét mướt mùa đông, nhưng lại là nơi kinh đô một thời của Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng cùng Cố Hoà thượng Thích Thiện Siêu và chư Tôn đức tại tỉnh nhà, thiết định nên quy chế đào tạo, chương trình giáo dục của Học viện với định hướng hướng tới một Đại học Phật giáo Việt Nam mang tầm quốc gia và quốc tế, và kết quả gần cả ngàn Tăng Ni sinh Tốt nghiệp Cử nhân Phật học.

Với tầm nhìn và tâm nguyện xa rộng, nhận thấy cơ sở hạ tầng của Học viện tại Hồng Đức hiện nay khó lòng tương xứng với những phát triển tương lai tất yếu của đất nước và của Học viện, năm 2010 Hoà thượng đã đệ trình thư lên Giáo hội, lãnh đạo Chính quyền các cấp tỏ bày nguyện vọng được cấp đất xây dựng cơ sở mới của Học viện. Trước thiết tha và uy tín thuyết phục của Hoà thượng, sau gần 5 năm vận động và nỗ lực không ngừng, cuối cùng nhà nước đã đồng thuận cấp 25,6 hecta đất tại phương An Tây thành phố Huế, và vào năm ngoái 2015, với sự tài trợ của Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vincom, cơ sở mới của Học viện đã được khởi công xây dựng, và đến nay đã gần hoàn thành giai đoạn I. 

Thầy trò hoan hỷ chuẩn bị kế hoạch tiếp nhận và tổ chức lễ khánh thành cơ sở giai đoạn I và từng bước đưa vào hoạt động, thì than ôi! sau buổi cùng Quỹ Thiện Tâm đi khảo sát tiến độ xây dựng và cũng để tiến hành tiếp tục vận động xây dựng Học viện giai đoạn II, Hoà thượng đã nhiễm phải nắng mưa khắc nghiệt cuối thu xứ Huế. Ngỡ rằng chỉ là cảm mạo thông thường, nghỉ ngơi vài ngày sẽ khoẻ để tiếp tục công việc dựng xây, nào ngờ đâu, vì quá lao lực nhọc nhắn, khiến Hoà thượng đã phải đành dở dang Phật sự.

Mùa An cư kết hạ năm nay, nhằm khích lệ Tăng Ni sinh viên Học viện cấm túc tu học hạ trường, Hoà thượng đứng lớp giảng dạy ba buổi về 3 đề tài: Căn Bản Nhất thiết lậu hoặc, Ngũ Uẩn – Vô Ngã và Duyên Khởi. Qua đây, Hoà thượng đã một lần nữa tâm tình truyền trao kinh nghiệm về lộ trình giải thoát, và con đường giáo dục Phật giáo Việt Nam. Chúng con thấy mình thật hạnh phúc, lắng nghe và khắc ghi những lời Pháp nhũ. Chúng con cũng thật không ngờ đây lại là những lần cuối cùng Học viện, khu vườn ươm Văn – Tư – Tu, in dấu chân nhẹ nhàng thanh thoát, lần cuối cùng văn phòng Học viện âm vang nụ cười từ bi khoảng khoát của Hoà thượng Viện trưởng, vị Thầy khả kính của chúng con!

Nụ cười Thầy toả sáng,
Vườn ươm Văn – Tư – Tu.


Ngưỡng bạch Giác linh Thầy,

Chúng con vẫn hằng ghi nhớ lời dạy của Thầy rằng, cuộc đời này đầy mộng mị, cần phải luôn giác tỉnh, và nỗ lực đi tới. Thế nhưng, làm sao chúng con ngăn được nỗi niềm thổn thức trước sự ra đi về cõi vô tung này của vị Thầy kính quý của chúng con.

Tuy nhiên, kính lạy Giác linh Hoà thượng, kính lạy Giác linh Thầy yên lòng! Chúng con nguyện khắc ghi lời dạy của Thầy, nối tiếp theo hạnh nguyện và chí nguyện của Hoà thượng sẽ luôn phát nguyện dấn thân, dấn thân phục vụ vì lý tưởng giáo dục, nối tiếp tâm nguyện của Thầy, nỗ lực hoà hợp cùng nhau xây dựng hoàn thành cơ sở mới của Học viện, hướng tới một Đại học Phật giáo thực thụ tự chủ, đa cấp đa ngành, mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. 

Trong giờ phút bái biệt Thầy, vị Trưởng lão Thích tử xứng danh nối dòng mạch từ bi và trí tuệ của Phật giáo, trong không khí thiêng liêng của chốn Tổ Tường Vân, trước kim quan của Hòa thượng, với niềm kính tiếc khôn nguôi, chúng con vẫn nghĩ Giác linh của Hòa thượng vẫn hiện hữu nơi đây, cũng như trong khuôn viên của Học viện để khuyến dụ, ủy lạo, hộ trì cho chúng con trên bước đường tiếp nối sự nghiệp vì đạo pháp và dân tộc của Hòa thượng. 

Nam mô Việt Nam Liễu Quán Thiền phái huý thượng Tâm hạ Ngộ, tự Chơn Thiện hiệu Viên Giác trưởng lão Hoà thượng giác linh thuỳ từ chứng giám.

Ban TT TT GHPGVN huyện A Lưới xin gửi đến quý độc giả chùm ảnh Lễ Truy niệm

Cung thỉnh chư tôn giáo phẩm quang lâm Giác linh đài





TT. Thích Thường Chiếu điều hành chương trình Lễ truy niệm











Chư Tôn giáo phẩm niêm hương trước Giác linh đài









HT. Thích Khế Chơn, thay mặt BTS dâng lời tưởng niệm

















HT. Thích Chơn Hương, thay mặt tông môn pháp phái Tổ đình Tường Vân dâng lời tưởng niệm

















TT. Thích Nguyên Thành, thay mặt Ban Chỉ đạo, Hội đồng điều hành, tăng ni sinh các khóa Học viện dâng lời tưởng niệm







Chư Tôn giáo phẩm nhiễu quanh kim quan Giác linh Cố trưởng lão Hòa thượng








Hồi hướng công đức





Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập