21 ngày của Sư Ông và Tăng đoàn tại vương quốc Thái Lan

Đã đọc: 27567           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hành trình Mùa Thu ĐNA 2010 của Sư Ông và Tăng đoàn Làng Mai

 

Họp báo ngay khi đặt chân tới phi trường

THÁI LAN – 11 đến 31.10.2010 Xuống phi trường Bangkok lúc 13 giờ 10, ngày 11.10.2010 có lính hầu đưa tới tận phòng VIP nơi ngài Viện trưởng Viện đại học Phật giáo chào đón Sư Ông và Tăng đoàn. Ở Thái Lan đạo Bụt là quốc giáo nên hàng Giáo phẩm như ngài Viện Trưởng Viện đại học Chulalongkorn có nhiều lính hầu giữ an ninh. Không ai được vào nơi làm việc của Ngài nếu không có giấy mời.

Sau phút đàm đạo, ngài Viện Trưởng và Sư Ông ra ngồi họp báo. Khoảng mươi ký giả danh tiếng của báo in và truyền thanh, truyền hình. Họ được báo trước là chỉ được chụp hình, nghe Sư Ông nói vài câu nhưng không được hỏi với lý do giữ gìn sức khỏe cho Sư Ông sau cuộc hành trình dài từ Indonesia mới tới. Có nhiều thiếu nhi mặc quốc phục dâng hoa cho Sư Ông và Tăng đoàn.


Thiếu nhi Thái mặc quốc phục đón Sư Ông.

 

Sau phần nghi lễ chào mừng. Tăng đoàn lên năm xe trực chỉ Trung tâm tu học Pak Chong, nơi có khoảng 200 đứa con xuất sĩ của Sư Ông tạm trú từ ngày bị chính quyền nước mình đánh đuổi khỏi tu viện của mình và cấm không cho phép chư Tôn Đức tỉnh Hội Lâm Đồng (chùa Phước Huệ, thiền viện Vạn Hạnh) và Đồng Nai (tu viện Toàn Giác) chở che đùm bọc.

 

“Trời còn để có hôm nay!”

Đường xa, phải mất khoảng 3 giờ xe. Lúc gần tới, Sư Ông nói: “Thầy đang hồi họp vì sắp gặp lại các con (Bát Nhã) của thầy!” Ai cũng ngạc nhiên vì sự bất thường này, vì dù đối diện trước vô vàn khó khăn, nguy khốn Sư Ông vẫn luôn giữ được tâm rất bình an vậy mà hôm nay Sư Ông nói: Thầy cũng hồi họp! đủ biết tình thương của Sư Ông rất lớn đối với các học trò thân yêu đã tu tập khá giỏi và có lúc tưởng không bao giờ được gặp nhau.

 

Xe vừa tới cổng đã thấy xa xa đầy nghẹt những tà áo nâu, ôi những chiếc áo màu thân thương. Con của Thầy ! những người con tuổi nhỏ nhưng vững tâm Bồ đề, trung kiên với lý tưởng làm đẹp cuộc đời với nếp sống đạm bạc của màu áo và với tình thương không thối chuyển trước bạo lực. Tay bắt mặt mừng, thầy trò thong dong thiền hành vào thiền đường ngồi yên không nói năng chi gần nửa giờ.


Thầy trò yên lặng bên nhau trong thiền đường “Trời phương ngoại”

 

Sau 30 phút ngồi yên lặng bên nhau trong tiết thu phong, Sư Ông mời dân xứ « Cam » nói trước (Nhóm các sư cô lánh nạn ở Campuchia). Các sư cô hạnh phúc được đoàn tụ với Thầy, cùng tất cả anh chị em sau nhiều tháng ngày xa cách. Dù chỉ tạm bợ trên xứ người nhưng rất bình an vì không có các ông áo « Xanh » (công an) quấy nhiễu chạy quanh chụp hình tra hỏi giấy tờ... Tiếp đến là quý vị Tôn Đức từ quê hương sang như Ôn Minh Nghĩa, quý Sư bà Bồ Đề, Phổ Đà rất hoan hỷ chia sẻ niềm vui hội ngộ, …Sau cùng là phát biểu của Sư O (Sư Ni, em đồng môn) nói trong rưng rưng nước mắt, tủi thân cho đất nước của mình, chùa tổ mình, đồng bào mình mà mình không được về...

 

Sư Ông kết luận rằng: Sư Ông rất vui và vô cùng tri ơn chư Tổ và trong đầu hiện ra câu thơ của cụ Nguyễn Du “Trời còn để có hôm nay!” Sư Ông cám ơn chư Tổ đã che chở để chúng ta còn có nhau trong không khí tự do thân thương như hôm nay. Và nơi nào cũng là nhà, là quê hương.

 

Pak Chong - Trời Phương Ngoại

Trung tâm tu học Pak Chong được chia thành 2 xóm tăng ni riêng biệt, cách nhau khoảng trên dưới 2 cây số tương đương từ xóm Hạ đến xóm Trung của Làng Mai ở Pháp vậy. Thiền đường, tăng xá bên xóm các thầy đều xây cất tạm bợ bằng cây lá thô sơ lấy tại chỗ, do chính bàn tay trí óc của quý thầy tạo dựng với những dụng cụ rất thô sơ của dân nghèo mà ta thường thấy trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Vậy mà quý thầy cũng đã dựng được một thiền đường có tên « Trời Phương Ngoại » khá lớn, có sức chứa đến 500 chỗ ngồi thiền. Xóm của các sư cô thì sang trọng hơn, nằm giữa vườn me và xoài có những con suối nhỏ, có cầu sắt sơn màu gỗ bắt ngang, với những ngôi nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi… Đó là cơ ngơi của một vị tướng cảnh sát hồi hưu đầy lòng nhân ái cưu mang, che chỡ Tăng thân Bát Nhã từ ngày bị Nhà nước ta giải tán, truy bức cho tới nay.

 

Nếu lời thuật của Thượng tọa Đức Nghi trung thực thì đây là một đối ngịch khá thú vị. Thượng Tọa thuật rằng: « Tướng công an Trần Tư, (trước ngày hưu trí) đã bảo với Thượng Tọa rằng: Thầy Đức Nghi xê ra để tôi (tướng Trần Tư) trục xuất Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã và đuổi khỏi Việt Nam luôn ». Cùng là tướng trong ngành công an - cảnh sát, nhưng ông tướng công an của Việt Nam không biết vì cớ gì mà lại cam tâm bước qua pháp-lý quốc gia, đạo-nghĩa đồng bào, rắp tâm cùng các đồng chí, đồng đội, đánh đuổi, truy bức con cháu của mình ra khỏi đất nước. Trong khi ông tướng cảnh sát hồi hưu của Thái Lan thì lại dang tay che chỡ bảo bọc những nạn nhân không cùng huyết thống. Quả là một nghịch lý khó tưởng tượng nhưng đã xảy ra.

 

Thường ngày có khoảng 180 vị cả tăng lẫn ni thường trú tại Trung tâm Pak Chong. Trong bối cảnh Khóa tu như hôm nay, mỗi ngày đều có học trò xuất sĩ của Sư Ông từ Việt Nam tới tu tập, ấy là chưa tính tới số học trò cư sĩ cũng từ Việt Nam qua, nên phải mua sắm thêm hàng chục căn lều vãi mới đủ chỗ sinh hoạt. Tuy thô sơ, không đủ tiện nghi như ở Bát Nhã – Lâm Đồng nhưng trong tình cảnh phân ly trước đây thì ngày hội ngộ hôm nay trên xứ người càng thêm đậm đà sâu sắc.

 

Khóa tu Xuất sĩ

Khóa tu 5 ngày dành riêng cho giới Xuất sĩ khai mạc trể mất một ngày theo chương trình đã định. 4 giờ 30 sáng ngày 14 tháng 10 các Sư cô thiền hành qua xóm các thầy, vì chỉ ở đấy mới có thiền đường lớn, thiền đường Trời Phương Ngoại, đủ chứa 500 người.

 

 

Cả chúng ngồi thiền, tụng kinh ba thứ tiếng Việt-Thái-Anh. Đại chúng được đi thiền hành với Sư Ông, sau đó là Pháp thoại.

 

Khóa tu có khá đông chư tăng theo truyền thống Nguyên thủy (Nam tông) nên Sư Ông giảng rất kỷ về Chánh niệm và nhất là về Tăng thân (Sangha). Sư Ông định nghĩa rõ ràng Tăng thân không phải chỉ riêng các thầy tu (chúng xuất sĩ ở riêng từng cốc nhỏ trong rừng) mà là tứ chúng (nam nữ xuất sĩ, nam nữ cư sĩ). Hướng về chư Tăng Nguyên thủy, Sư Ông nhấn mạnh: người tu nào mà không ở chung, làm việc chung, pháp đàm chung thì không nương tựa Tăng.


Thiền hành ở Pak Chong

 

Ngày thứ hai của Sư Ông giảng rất kỷ Kinh An Ban Thủ Ý cũ (Kinh chủ yếu của đạo Bụt Nguyên Thủy) nhưng được Sư Ông trình bày rất mới qua mắt nhìn của đạo Bụt Đại thừa nên nó giúp cho quý thầy Nam Tông thấy được những thiếu sót của mình trước đây. Bài giảng rất rõ và rất hay và nó cũng giúp cho các con của Sư Ông hiểu được nhiều hơn áo nghĩa và lợi lạc của Kinh mang lại trong học tập và hành trì.

 

Ngày thứ ba Sư Ông dạy về những vết thương thời ấu thơ, có thể là bị đánh đập tổn thương cả thân lẫn tâm, có thể là bị lạm dụng tình dục. Sư Ông dạy quá cặn kẽ khiến vài sư em (trai cũng như gái) bị lạm dụng hồi thời ấu thơ vô cùng rúng động.

 

Có thể nói, Sư Ông là một trong những vị Thiền Sư rất hiếm đề cập, giảng dạy về những đề tài tế nhị này. Cho nên, chiều hôm ấy cả 4 nhóm Pháp đàm đồng lòng hợp lại thành một nhóm thật lớn để cùng có cơ hội mỗ xẻ và tìm cách chuyển hóa những vết thương khó lành đó.

 

Một số các sư em đã can đãm xin tham vấn với Sư cô Chân Không về những niềm đau sâu kín trong lòng… Mầu nhiệm thay, Sư Cô đã lắng nghe thật sâu và đã giúp được các sư em chuyển hóa được những khổ đau đó. Cám ơn chư Bồ Tát !

 

 

Ngày cuối khóa tu Sư Ông cho Pháp thoại vấn đáp lại chủ đề này. Có một sư em can đãm hỏi trực tiếp: Làm sao có thể kháng cự được tập khí sờ mó lạm dụng, và làm sao bắt người ấy phải chấm dứt tập khí tệ hại đó khi người ấy lại là người lớn trong nhà ? Sư Ông dạy phải trình lên Tăng thân. “Tăng thân” ở đây là Tăng thân của gia đình. Phải trình, phải nói ra cho mọi người trong « tăng thân » của gia đình biết. Các người lớn trong nhà phải có bổn phận giải quyết. Không nên dấu giếm, im lặng chịu đựng, một mình lãnh đủ, hay cùng với những người nhỏ khác âm thầm chịu đựng.

 

 

Với những người có tập khí tủi nhục nghĩ là mình bị nhơ nhớp vì là nạn nhân của sư lạm dụng được Sư Ông khai thị rằng: mình có bị một người đánh đập hay hảm hiếp hồi mình còn nhỏ. Người đó đánh mình có một lần thôi nhưng mình cứ nhớ cái bạt tay đó hoài, nhớ sáng, nhớ trưa, nhớ chiều, như là người đó tiếp tục bạt tay mình sáng, trưa, chiều, tháng này, qua năm nọ. Bạt tay cả trăm, cả ngàn lần, có phải dại không ? Khai thị ấy đã làm cho nhiều người “giác ngộ” về cái khổ đau ray rứt về quá khứ đau buồn chín mười năm qua!

 

13 cây Trúc Vàng, và 20 ngọn đèn mới

Khóa tu vừa chấm dứt lúc 12 giờ trưa thì 3 giờ chiều có Lễ Xuất Gia cho 13 cây Trúc Vàng. Ba em Nam, có em tên Trời Kỳ Ngộ... và 10 em nữ trong đó có tên Trăng Xóm Mới... Tận tụy từng giọt nước tịnh, từng nhấp kéo trên máy đầu xanh, Sư Ông đã truyền hết năng lượng giải thoát cho những học trò tràn ngập Bồ đề tâm, nguyện hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng Hiểu và Thương.

 

Hôm sau lúc 5 giờ sáng Sư Ông làm Lễ Truyền Đăng cho hai mươi Tân Giáo Thọ. Rất nhanh mà đầy đủ và rất đẹp. Chưa bao giờ có cuộc Lễ Truyền Đăng hỏa tốc mà trang nghiêm đến thế. Âu cũng nhờ ân đức của chư Tổ truyền qua Sư Ông.

 

Một chiều cho Thammasat University

Đúng 1 giờ trưa cùng ngày Sư Ông và một số xuất sĩ phải lên đường đi Bangkok để kịp giờ thuyết pháp tại Thammasat University vào lúc19 giờ tối đó. Ui chao là đông ! Gần 3000 người trong một giảng đường lớn và còn thêm một giảng đường overflowed cũng một ngàn người. Sư Ông giảng rất sâu và đầy đủ, Sư cô Linh Nghiêm (người Thái) thông dịch rất điềm đạm, rõ ràng. Quày sách, quày bút pháp được nhiều người chiếu cố.

 

 

 

Tối đó thầy trò chia tay, một số các em phải trở về Việt Nam, khóc quá chừng. Một số về Pak Chong và số còn lại chia làm ba nhóm. Nhóm một gồm có Sư Ông và đoàn thị giả được một ngày nghỉ ngơi. Nhóm hai đi thăm Quốc vương Thái. Và nhóm thứ ba do Sư cô Chân Không và thầy Pháp Sơn (người Tây Ban Nha) hướng dẫn đi thăm đức Tăng Thống Thái Lan.

 

Hai ngày cho doanh gia

Chiều hôm sau đi huyện Nakhon Nayok cách Bangkok 3 giờ xe về Phuphangam Resort để chuẩn bị cho Khóa tu dành cho Doanh Nhân. Phuphangam Resort rất là đẹp, nhiều cây xanh thanh tú. Ngoài ngôi nhà vĩ đại là Trung tâm rất lớn gồm có giảng đường to rộng, có nhà ăn nhà bếp khang trang, toilets sáng đẹp, có nhiều phòng ngủ trên những tầng lầu. Lại có mấy chục ngôi nhà nho nhỏ gồm hai hay ba phòng có toilet bên trong, những tấm vách bao quanh nhà toàn bằng kính trong vắt, nên ở trong nhà mà như ngồi ngoài vườn, có những bụi chuối hoa nở từng bẹ giống như bông sen rất đẹp.

 

Buổi sáng Sư Ông cho pháp thoại tại thiền đường lớn. Sư Ông cô đọng về Ba đức hạnh (Đoan đức, Trí đức, và Nhân đức) và sức mạnh của quyền lực đích thực rất xuất sắc. Chưa bao giờ Sư Ông nói cô đọng và đầy đủ như thế. Nhất là khi Sư Ông kết luận câu chuyện Frederick và Claudia và nói “Bây giờ đây, chúng ta đang có nhiều ông Frederick đang còn ngồi đây”, khiến cho các doanh thương ai cũng rúng động tận tâm cang.

 

Hôm ấy là lần đầu tiên 400 doanh thương Thái Lan biết được Sư Ông. Họ chỉ tham dự khi được BTC cũng là bạn thân đồng nghiệp hứa là khóa tu rất âm thầm, kín đáo không thông báo ra ngoài. Doanh nghiệp này dẫn 40 nhân viên, doanh nghiệp kia ghi tên trả tiền cho 65 nhân viên, xí nghiệp nọ có ba mươi lăm nhân viên đi. Có một bà chủ doanh nghiệp ở Songkhla nói bà đã mua 500 cuốn sách của Sư Ông để tặng cho khách hàng rồi kỳ sau mua 1000 cuốn.

 

 

 

Nhắc tới địa danh Songkhla làm Sư cô Chân Không nhớ về một thời đau thương và thân thương vì nơi này khi xưa có trại tỵ nạn, Sư Cô đã viết cho Thuyền nhân mỗi tuần 300 bức thư và gửi cứu đở ngặt cho 300 gia đình nạn nhân mỗi tuần. Còn ghe cứu trợ trá hình ghe đánh cá của Sư Cô đi cứu trợ trên biển về đến đây thì rớt mất bánh láy. Cũng may là ghe vừa cặp bến!

 

Nhờ thiền đường rộng nên trưa đó Sư cô Chân Không mặc sức cho thiền buông thư và thiền lạy. Sau đó thiền sinh được Sư Ông hướng dẫn pháp môn thiền hành và cùng được bước những bước chân chánh niệm đầu tiên trong đời theo từng bước đi rất thong dong của Sư Ông. Buổi tối, sau khi ăn chiều thiền sinh được thầy Pháp Đệ (cựu Linh mục người Mỹ gốc Đức) và Sư cô Đẳng Nghiêm trình bày về cách Làm Mới...

 

Hôm sau là pháp thoại thứ hai cũng là pháp thoại chót. Sư Ông nói rất kỷ về bốn câu thần chú. Nhất là câu thần chú thứ Tư. Sư Ông giảng rất sâu về tri giác sai lầm và kể chuyện Thiếu Phụ Nam Xương. Sư Ông nói : chàng Trương còn ngồi ở đây và thiếu phụ Nam Xương cũng đang còn đây. Thiền sinh rất rúng động !

 

Trong giờ thiền trà nhiều thiền sinh chia sẻ là : nếu doanh nghiệp của họ mà được học những bài học này thì sẽ không có khổ đau và doanh nghiệp sẽ phát triển hơn nếu có sự thông cảm, không hiểu lầm nhau.

 

Sư cô Chân Không mời cơm thân mật sau giờ Pháp thoại của Sư Ông. Tại đây, Sư cô Linh Nghiêm chia sẻ dự án Trung Tâm Làng Mai Quốc Tế ở Thái Lan, nhiều doanh gia Thái đã hoan hỷ cúng dường một số tịnh tài khá lớn cho dự án.

 

Một chiều cho Maha Chulalongkhorn University

Chiều 22 tháng 10 Sư Ông giảng tại Maha Chulalongkhorn University. Khung cảnh rất sang trọng hùng tráng... Ngài Viện trưởng đã rất cung kính dành cho Sư Ông một phòng nghỉ huy hoàng tựa cung vua. Ghế bành to chạm rồng lộng lẩy, sơn son thiếp vàng và xức dầu thơm thơm phức. Làm cho đệ tử Sư Ông ai cũng tức cười, vì có bao giờ Sư Ông chịu ngồi trên những cái ghế như thế. Nhớ lần Sư Ông được giới Văn-Nghệ-Sĩ Sài Gòn mời giao lưu văn hóa tổ chức tại chùa Ấn Quang, họ đã dành cho Sư Ông một chỗ ngồi danh dự với fauteuil sang trọng, nhưng Sư Ông đã từ chối khéo và ngồi kiết già xuống sàn nhà làm ai cũng lúng túng.

 

Đến giờ thuyết giảng khi ngài Viện Trưởng đưa Sư Ông vào thì không khí thiền đường sinh động hẵn lên Hơn. 500 thầy  Nam Tông thuộc Viện Đại Học đã  đứng dậy tụng kinh chào mừng Sư Ông, với khoảng 1400 cư sĩ... Sau lưng Sư Ông là 300 sư con áo nâu đứng tụng kinh rất hùng tráng.

 

 

 

Sư Ông giảng ngắn gọn mà sâu sắc và mọi người ai cũng biểu lộ hạnh phúc rất rõ trên từng nét mặt nụ cười.

 

Kết thúc buổi giảng là cả một ban tặng quà cho Sư Ông từ Tam Tạng Kinh Pali đến đủ thứ sách quý và có cả tượng Phật bằng vàng nữa. Tăng đoàn tặng lại 3 bức bút pháp của Sư Ông.

 

 

Khóa tu 5 ngày với 1800 người Thái và Việt

Ngày 23 tháng 10 Tăng đoàn về Trung tâm Wang Ree cũng ở  tỉnh Nakhon Nayok không xa Trung tâm dành cho doanh thương lắm. Nhà nghỉ Wang Ree rất lớn, có nhiều nhà đủ chỗ nội trú, sinh hoạt cho cả Tăng đoàn. Người ta dành cho Sư Ông cái phòng nhìn ra núi, hồ rừng cây, … phong cảnh rất đẹp. Ngồi võng trong nhà mà vách toàn kính nên có cảm tưởng sống thoải mái giữa đất trời. Nhưng dẫu lớn cách mấy cũng không có nơi nào đủ lớn cho gần 2000 thiền sinh ở nội trú. Cho nên Ban Tổ Chức khóa tu phải thuê thêm một Trung tâm phụ, Trung tâm Pink & Violet, dành riêng cho 385 thiền sinh đến từ Việt Nam chỉ dùng để nghỉ ngơi, sinh hoạt ngoại khóa. Tất cả mọi thời khóa tu học đều diễn ra ở Trung tâm chính, cho nên mỗi sáng sớm có xe buýt đưa bà con qua Wang Ree.

 

 

Khóa tu có 1380 thiền sinh người Thái và 385 thiền sinh người Việt. Giảng đường lớn của Wang Ree chứa tối đa 1400 chỗ, nên 1380 thiền sinh Thái được diễm phúc nghe Sư Ông giảng trực tiếp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Thái (qua thông dịch) tại giảng đường chính. 385 thiền sinh Việt thì nghe pháp thoại của Sư Ông ở một thiền đường nhỏ có trang bị màn hình rất to. Bà con mình thấy rất rõ hình Sư Ông đang giảng, nhưng không nghe được tiếng mà chỉ nghe qua lời dịch của Sư cô Đẳng Nghiêm.

 

Chuyện người chạy loạn

Sư cô Chân Không đã cầm lòng không đặng, muốn gặp ngay những anh chị em rất tri kỷ đã từng một lòng vào sanh ra tử cùng Bát Nhã. Nên ngay khi ổn định chỗ ở Sư Cô đã đòi xe đưa qua Trung tâm Pink & Violet để thăm đồng bào. Khắp mọi miền đất nước, Nam-Trung-Bắc, cùng hội ngộ bên nhau trên đất Thái sau nhiều năm sóng gió tưởng sẽ không còn được sống bên nhau nên khi gặp nhau tại đây ai cũng mừng rơi nước mắt. Thương cho đồng bào, gặp được Sư cô Chân Không rồi ai cũng hỏi chừng nào thì tụi con được gặp Sư Ông ?

 

Chiều đó Sư Cô ngồi chơi chia sẻ với đồng bào tới nửa giờ, kể lại vài kỷ niệm đau thương của Bát Nhã. Chuyện các sư cô, các thầy được mật báo là họ (chính quyền) đã bắt mấy mươi người trẻ bị tù xì-ke cạo đầu và cho mặc áo nhựt bình, để đến ngày 30.12.2009 mà mình (Tăng thân Bát Nhã) chưa giải tán khỏi chùa Phước Huệ thì mấy mươi ông thầy tu trẻ trá hình này sẽ vào cuộc hành hung đánh đập các thầy, cô Bát Nhã để họ chụp hình tuyên truyền là « xung đột nội bộ, thầy chùa ấu đả nhau » theo luận điệu bóp méo sư thật xưa nay của Nhà nước. Ngai khi được tin đó, các thầy và sư cô lớn quyết định bỏ Phước Huệ và im lặng rút gấp qua Thái Lan trước ngày đó để họ không kịp trở tay chặn đường đi Thái của mình.

 

Đúng là chạy loạn ! Ai có thể biết trước tình trạng như thế mà chuẩn bị. Có được một chỗ đặt chân trong lúc ấy là quý lắm rồi. Tạm trú trong một khu vườn của một người Thái tốt bụng (mẹ của Sư cô Linh Nghiêm). Các thầy che tạm những tấm bạt bằng nhựa nylon nắng thì quá nóng, mưa thì nước lụt. Côn trùng, bò cạp, đủ thứ đồng tránh lụt như người. Thầy Pháp Lâm bị bò cạp cắn sưng môi, … Và nhiều chuyện thương tâm khác. Các sư cô thì may mắn hơn các thầy, được ở trong các ngôi nhà của ông Thí chủ giàu có khá rộng và tiện nghi… Đó là vườn nhà của vị tướng cảnh sát Thái hồi hưu, mà ta đã nghe nói đến ở phần trên.

 

Được Sư Cô kể cho nghe nhiều chuyện thương tâm trong lúc chạy loạn làm ai cũng bùi ngùi cho quê hương đất nước mình. Chẳng hạn như chuyện : Có nhiều sư chú sức trai đang lớn nên khẩu phần ăn không đủ, có chú đói quá chịu không nổi ra đứng nhìn cây mà khóc. Trong khi cùng khẩu phần ăn ấy nhưng nhờ tài vén khéo, các sư cô lại dùng đủ tới một tuần còn các thầy thì chỉ ăn có một ngày là hết sạch. Dù tri khố có tăng khẩu phần gấp đôi mà cũng chỉ dùng được có 4 ngày. Đến mì gói cũng không có đủ để no. Mãi đến khi các sư anh lớn tới điều phối, tái tổ chức lại việc sinh hoạt khi đó mới hết tình trạng thiếu đói. Bên cạnh đó cũng có nhiều chuyện vui, như chuyện các sư cô trổ tài cho ông bà chủ nhà Thí chủ thưởng thức các món ăn chay. Đôi vợ chồng Thí chủ đã rất thích món mít kho của các sư cô. Mỗi lần có khách Thái tới thăm là họ năn nĩ các sư cô kho mít để họ giới thiệu đặc sản Việt Nam.

 

Đoàn tụ bên nhau

Hôm sau, đồng bào sang thăm Sư Ông và các thầy cô bên Trung tâm Wang Ree. Sư Ông ra chơi với đồng bào, Người ngồi thật im nhìn từng thiền sinh, những đứa con thân thương và đọc thơ cho mọi người nghe. Những bài thơ ưng ý của Sư Ông như : Tìm nhau, Thầy đi tìm con, Ảo hóa, Đại trượng phu v.v… với giọng đọc ngọt ngào, thân thương nhiều người đã khóc khi cảm nhận được những lời thơ nhắn nhủ, dặn dò, dạy bảo với tất cả tấm lòng của người thầy, người cha tâm linh. Cuối cùng Sư Ông mỉm cười nói đầy lòng thương: Các con yên tâm. Nước lụt thì mình lên núi tránh nạn. May mốt hết lụt thầy trò ta lại về nhà. Có khiêm cung, từ tốn, thương yêu nào hơn - không một chút gợn oán hờn như lời của bài thơ Dặn dò:

 

Xin em hãy nhớ lời tôi căn dặn,

kẻ thù chúng ta không phải con người.

Xứng đáng chỉ có lòng xót thương,…

xin không bao giờ để cho oán hờn lên tiếng.

 

Sáng ngày bắt đầu khóa tu, Sư cô Đài Nghiêm hướng dẫn khóa thiền ngồi, rồi Sám Pháp Địa Xúc, và tụng kinh thật xuất sắc khiến cho chư Tôn Túc đều vui mừng thấy học trò Sư Ông vững mạnh và trưởng thành nhanh chóng. Sư Cô thuộc gia đình xuất gia cây Trầm Hương, mới thọ đại giới năm vừa qua mà đã vững chãi sâu sắc hướng dẫn gần 400 người trí thức đáng bậc cha mẹ mình, Sư cô Chân Không cũng rất xúc động và mừng cho các sư con lớn nhanh.

 

 

 

Trong khóa tu Sư cô Chân Không phải dạy cho thiền sinh người Thái nên chỉ có thể chia sẻ với đồng bào ruột thịt một buổi hướng dẫn Làm Mới và nói về Tri giác sai lầm… Đồng bào rất thích. Ngày gần chót Sư Ông cũng cho một buổi nói chuyện riêng bằng tiếng Việt với đồng bào hơn một giờ.

 

Sáng ngày 28 tháng 10 có rất nhiều thiền sinh Quy y. Bên thiền sinh người Thái có hơn 800 người, trong khi bên thiền sinh gốc Việt thì không còn đủ Điệp Hộ Giới phải mượn đỡ bên tiếng Anh 80 bản mà cũng không đủ. Đa phần Tân giới tử ký này là đồng bào miền Bắc.

 

Buổi sáng cùng ngày, lúc 8 giờ 50 ký giả nhật báo Bangkok Post và sáu tờ Magazines phỏng vấn Sư cô Chân Không. Đúng 9 giờ 30 Sư Ông cho Pháp thoại về Niết Bàn Vô Sinh, về Ba Cánh Cửa Giải Thoát. Sư Ông mở diêm quẹt mồi hai ngọn lửa trên 3 cây đèn… làm ví dụ chứng minh cho bản chất không một, không khác của các pháp (phi nhất phi dị). Sư Ông cũng đưa thêm một chứng minh khác bằng cách đề nghị thiền sinh xem lại tập ảnh ngày xưa và bây giờ, mình lúc 5 tuổi, 7 tuổi, và mình bây giờ không phải là một mà không phải hai người khác nhau. Vừa giảng xong là hát tiển biệt :không đi đâu cũng không cần đến.

 

 

 

Sau khi giả biệt thiền sinh Thái. Sư Ông xuống ngay phòng dành cho đồng bào và ngồi yên với bà con Việt Nam thật lâu. Thật thân thương mà không nói năng chi làm ai cũng chảy nước mắt trước tình thương Sư Ông dành cho đồng bào. Một lúc lâu Sư Ông nói rất hiền : Chúng ta nên tập sống đâu cũng là nhà. Đây là nhà mình. Đi Indonesia, đi Úc, đi Pháp cũng là nhà mình. Và về Việt Nam cũng là nhà. Các con nên nhớ : « nước lụt thì mình đi tránh lụt ở chỗ khô, nhưng hết lụt thì mình về nhà”.

 

Ngày 28 tháng 10 chấm dứt khóa tu lúc 13 giờ, thì 15 giờ các đoàn xe đã khởi hành về lại Trung tâm tu học Pak Chong. Lộ trình chuyến về là băng ngang Công viên Quốc gia vốn là rừng nguyên sinh (rain forest). Đang đi giữa đường rừng bổng cảnh sát chận xe lại. Sư cô Chân Không ngồi tuốt ở xe thứ ba phía sau không biết việc gì xảy ra mà bỗng buộc miệng nói : Chắc có chú voi chú cọp nào ra ngồi giữa đường chào Sư Ông nên xe mới dừng. Vì là rừng nguyên sinh có ai đi mà có chuyện dừng xe để nhường đường. Ấy vậy mà đúng. Có một chú voi khá to - lớn bằng hai con voi thường thấy, không biết ở đâu ra mà đứng bên tay mặt sát lề đường như để chào Sư Ông. Khi xe tới gần chú voi gục đầu xuống như mắc cở rất dễ thương.

 

Về tới Pak Chong thầy trò quây quần bên nhau giữa không gian tỉnh lặng, ăn ở tuy đạm bạc nhưng chan chứa tình thương. Đồng bào ai cũng rất hạnh phúc, trân quý từng phút bên nhau. Trong khung cảnh ấy ai cũng có cảm giác như đang sống chung trong một đại gia đình có hàng trăm con cháu nhiều thế hệ, mà Sư Ông vừa là cha, vừa là ông cũng vừa là thầy hết mực yêu thương con, cháu, học trò. Tất cả hàng trăm người đủ mọi quốc tịch, đến từ khắp mọi miền của quả địa cầu đang có mặt cho nhau, cùng nhau chung hưởng hạnh phúc dưới máy ấm gia đình văn hóa Việt.

 

Buổi chiều Sư cô Chân Không sang thăm xóm quý thầy. Dự thiền trà gặp các cháu ở Hà Nội thuộc các tăng thân Về Nguồn và Trăng Nguyền Ước, được các cháu hát cho nghe một bài rất vui :

 

Đừng cười tôi, bạn hỡi đừng cười tôi

Đừng trách tôi sao xa lánh cuộc đời

Không vui cùng rượu bia thuốc lá

Không la cà cá độ, bi da

 

Bởi vì tôi trân quý thân hình này

Chẳng để cho những thứ kia hủy hoại

Vì giờ đây tôi sống cho thực tại

Không trôi lăn đánh mất ngày mai

 

Nào cùng nhau, tay nắm chặc bàn tay

Cùng sát vai ta xây đắp tương lai

Mang trí tuệ xua tan bóng tối

Quyết đẩy lùi nghèo đói thương đau

 

Vì giờ đây tôi biết yêu cuộc đời

Một tình yêu dâng hiến không hẹp hòi

Vì giờ đây tôi sống cho thực tại

Không trôi lăn đánh mất ngày mai

 

Cười cùng tôi, bạn hỡi cười cùng tôi

Ngàn đóa hoa dâng hương sắc cho đời

Sống với người Hiểu và Thương sâu sắc

Mang an lành rãi khắp muôn nơi.

 

Đó là bài hát của em Tâm Chơn Tuyền tăng thân Về Nguồn. Cảm hứng từ câu chuyện thật của chính em. Đó là lúc em bị các bạn chê cười khi em bắt đầu thực tập sống trong Chánh niệm.

 

Buổi tồi về lại xóm Ni nghe chuyện bà Tư, cô của cô Dung ở Tiền Giang đang hấp hối thì bà chợt nhớ câu: “Thân này không phải là tôi ...” Bà cố gắng ... ú ớ trong miệng “Thiền Sư Nhất Hạnh khai thị...”  Người cháu gái chợt nhớ bà Tư thuộc rất nhiều sách của Sư Ông chắc là Bà đang nhớ đến bài Khai thị: “Không chết không sợ hãi” cô vội đọc lớn:

 

Thân này không phải là tôi

Tôi không kẹt vào nơi thân ấy

Tôi là sự sống thênh thang

Chưa bao giờ từng sinh

Cũng chưa hề từng diệt

Này kia biển rộng trời cao

Muôn vàn tinh tú lao xao

Tất cả đều biểu hiện tôi

Từ nguồn linh tâm thức

Từ muôn đời tôi vẫn tự do

Tử sinh là cửa ngõ ra vào

Tử sinh là trò chơi cút bắt

Hãy cười cùng tôi

Hãy nắm tay tôi

Hãy vẫy tay chào

Để rồi tức thì gặp lại

Gặp lại hôm nay

Gặp lại ngày mai

Chúng ta đang gặp nhau nơi suối nguồn

Chúng ta sẽ gặp nhau

Từng phút giây trên muôn ngàn nẻo sống

 

Đọc xong bài khai thị này cô tụng tiếp Kinh Độ Người Hấp Hối, hơi thở bà Tư trở nên nhẹ nhàng rồi tỉnh lại và Bà sống luôn tới giờ. Chuyện xảy ra đã hơn một năm rồi. Từ khi 400 thầy cô bị đuổi ra khỏi Bát Nhã, bà Tư moi tất cả tiền dấu kỹ xưa nay dành để dưỡng già, bà dặn cô Dung đem lên Bát Nhã gửi biếu cho tăng thân 20 triệu mỗi tháng. Gần đây có lẽ vì tiền bỏ ống đã cạn dần nên bà chỉ gửi 1 triệu mỗi tháng cho các sư cô còn sống chui rúc đâu đó ở Việt Nam.

 

Thăm đất mới của Trung Tâm Làng Mai Quốc Tế tại Thái Lan

Ngày 30 thàng 10 là Ngày truyền thống của người Thái cúng đất cho chư tăng tu học. Tứ chúng hai Xóm gồm quý thầy quý cô, các bác cư sĩ từ Việt Nam sang chuẩn bị đi thăm đất mới.

 

Năm giờ sáng mọi người đã thức dậy chuẩn bị lên đường. 7 giờ đã đến nơi, Sư Ông cùng mọi người thiền hành vào tới giữa khu đất. Núi rừng thật đẹp. Đá xanh trên đất đẹp hơn thấy trong hình. Những trái núi xanh chung quanh rất đẹp. Sư Ông nghĩ là miếng đất này chưa bao giờ có đông người đặt chân tới như ngày hôm ấy.

 

Hơn 800 người Thái và 280 người Việt cùng đặt những bước chân tỉnh thức, nhẹ nhàng, trân quý, lòng bàn chân nhẹ hôn mặt đất. Sư cô Chân Không định tâm nơi mỗi bước chân đi, chú nguyện cho năng lượng lành của những bước chân thương yêu này sẽ giúp mãnh đất tươi mát ra, và che chở cho mọi loài mọi người trên mãnh đất này, rồi lan dần đi xa đi xa trên mặt đất và tỏa rộng khắp địa cầu.

 


Sư Ông trồng cây Bồ đề trên đất mới

 

Sư Ông dẫn đoàn người lên dốc cao, (theo họa đồ thì nơi ấy sẽ là Cổng Tam Quan tương lai) ngồi xuống trên mặt đất khá bằng, Kiến trúc sư đến cho xem bản đồ chỉ vị trí nào là Cổng, là nhà Khách, chỗ nào là Thiền đường lớn... Sau đó đoàn người đến khu sẽ xây Thiền Đường lớn. Sư Ông làm phép Tẩy tịnh rồi giao cho thầy Giác Viên và Sư bà Phổ Đà tụng kinh tẩy tịnh. Sau đó mọi người về khu lều có sắp sẳn 500 ghế, nhưng vẫn không đủ ghế cho tất cả nên trải thêm bash xuống nền cỏ và để thêm cho hơn 300 người ngồi trước hàng ghế. Sư Ông được mời thuyết pháp cho những quan khách, các chức sắc chưa bao giờ được nghe Sư Ông giảng.

 

 

Sư Ông làm phép Tẩy tịnh

 

Bắt đầu Pháp thoại mà Sư Ông đã làm mát lòng nhiều người Thái Lan. Sư Ông nói: Tôi rất quý mến và ưa đọc sách của ngài Buddhadassa, và ngài Buddhadassa cũng ưa đọc sách của tôi. Ngài Buddhadassa cũng ưa làm mới đạo Bụt thì tôi cũng ưa làm mới đạo Bụt. Ngài lớn hơn tôi hai mươi tuổi nhưng tôi cảm thấy rất gần gủi với Ngài (Ngài Buddhadassa là vị sư cận đại của Thái Lan muốn canh tân Phật Giáo, trong những năm cuối đời Ngài không ngừng căn dặn Phật tử của Ngài nên đọc sách và học hỏi pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh). Sau đó Sư Ông nói ngắn gọn là Phật giáo Thái Lan đã rất trọn vẹn đầy đủ. Chúng ta chỉ cần học Phật giáo Thái Lan và đào sâu hơn nhiều khía cạnh của Giáo Lý này. (Ý khuyên Phật tử Thái Lan cần bổ túc cho Giáo Lý ấy bằng những tư tưởng Phật giáo Đại Thừa. Đại Thừa phát xuất từ giáo lý Phật giáo Nguyên Thỉ và đào sâu khơi rộng ra mà thành Phật giáo Đại thừa. Năm 1989 khi dạy về Phật giáo Nam Truyền Sư Ông chỉ rất rõ kinh nào là nguồn gốc của kinh Bát Nhã, kinh nào là nguồn gốc của kinh Kim Cương và kinh nào là nguồn gốc Kinh Di Đà, ...) Đi đâu Sư Ông cũng giảng về tuệ giác tương tức, nhìn vào hoa thấy được mặt trời, đại địa, ..., nhìn vào Phật giáo Nguyên Thỉ thấy được Phật giáo Đại Thừa nhìn vào Phật giáo Đại Thừa thấy được Phật giáo Nguyên Thỉ... Sư Ông cũng sơ lược về việc đóng góp của Tăng đoàn vào sự tu học ở các nước Singapore, Malaysia, Indonesia và sẽ đi Hương Cảng sau Thái Lan.

 

 

Ngày 30 thàng 10 là Ngày truyền thống của người Thái cúng đất cho chư tăng tu học.

 

Sau thời kinh do thầy Woo tụng đọc với các vị Sư Nam Tông, các vị cư sĩ đem hai cây chuối nhỏ gắn đầy tiền và cùng các vị cư sĩ xách nón đi xin tiền. Từng bao thơ, biên số tiền và địa chỉ người cúng dường được đặt vào chiếc nón lá Việt Nam... Cuối cùng đếm được trên 7 triệu Thai Bahts ai cũng vui, nhưng dự án đòi phải có tới 24 triệu Thai Bahts mới đủ ! Tuy nhiên, tất cả đều có niềm tin và hy vọng rằng với thời gian, khi nhiều người biết tới dự án thì thế nào cũng đủ tài chính cho ngôi nhà chung vì đạo đức toàn cầu này.

 

Khởi hành từ sáng sớm, sinh hoạt tới trưa mới về lại Trung tâm Pak Chong ấy vậy mà các ký giả của  2 đài truyền hình, ký giả nhật báo Bangkok Post, ký giả nhiều Magazines về Sinh Thái, mà đọc giả là thành phần trí thức tiến bộ và cả chục tờ tuần báo tiếng tăm khác... đều sẳn sàng ở lại ăn trưa, làm thiền buông thư và chờ tới 3 giờ chiều để được phỏng vấn Sư Ông. Buổi họp báo rất thành công, Sư Ông trả lời đầy đủ làm ai cũng rất thích thú. Trong khi đó thì anh Minh Mẫn (ký giả độc lập) được tiếp chuyện cùng các sư cô bên xóm Ni.

 

Ngày 31 tháng 10 Sư Ông mời mọi người tới cùng ăn cơm trưa với Sư Ông. 11 giờ Sư Ông ra dẫn chúng đi thiền hành, ngồi chơi trong vườn bưởi và khế của mẹ Sư cô Linh Nghiêm (người Thái), cũng là xóm quý thầy đang tạm trú. Sau bửa ăn chung, Sư Ông dạy là trong Kinh Chuyển Hóa Bạo Động, Bụt nói người nào cũng có ngọn dao nhọn hoắt trong tâm mình. (Ý muốn nói ai cũng có cái chất bạo động trong mỗi người và phải dùng từ và bi để chuyển hóa nó.) Sư Ông dạy mục đích của các con (đệ tử) của Sư Ông nhất là các thầy các sư cô là phải độ, phải giúp cho được những người đã đánh phá chửi bới và chủ trương đuổi mình ra khỏi nước. Phải giúp cho được những người ấy không bằng quyền lực mà bằng trí tuệ và tình thương. Đó là cách lấy ra con dao nhọn hoắt trong tâm mình như trong kinh Chuyển Hóa Bạo Động mà Bụt đã dạy.

 

Thị giả

còn tiếp...

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
góp ý 08/11/2010 09:14:30
Xin góp ý với tác giả về tiêu đề bài viết, nên ghi là 21 ngày HOẰNG PHÁP của Sư Ông và Tăng Đoàn tại vương quốc Thái Lan. Vì theo tôi, 21, 49, 100 ngày để khơi khơi thì rất dễ gây hiểu lầm...
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.29

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập