Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Nguyễn Thế Vinh: Âm thanh của một bàn tay

Đã đọc: 2060           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tại liên hoan Phim truyền hình toàn quốc lần thứ 24 diễn ra tại Quảng Ninh (từ ngày 10 đến 15-1-2005). Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao HCV thể loại phim ca nhạc cho bộ phim “Chuyện bình thường của Vinh” (có nhân vật, cốt truyện) do Đài Truyền hình Bình Phước thực hiện (BPTV - kịch bản và đạo diễn Quốc Duy, quay phim Hoàng Sơn). Phim sắp được công chiếu. Vậy, nhân vật Vinh trong phim là ai? Điều gì khiến người ta quan tâm đến cuộc đời của anh, dẫn đến dựng cả một bộ phim và thành công như vậy?

Nhỏ người, 34 tuổi, xuất thân nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, bị tai nạn cụt mất một cánh tay từ lúc 8 tuổi. Vượt qua bao khó khăn để tồn sinh kể cả nghề... vá xe, chàng thanh niên Nguyễn Thế Vinh đã trở thành cử nhân kinh tế và đang hành nghề mua bán, sửa chữa điện thoại di động khá đủ để ổn định đời sống. Nhưng, nếu chỉ chừng ấy thứ, theo tôi, thì Vinh cũng chưa có gì “đặc biệt” để đề cập nếu như chúng ta không bước vào thế giới khác của anh. Một thế giới hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện mưu sinh, nhưng lại rất hữu cơ với chuyện tồn tại đời sống tinh thần của một đời người. Đó là, thế giới âm nhạc.

Âm nhạc là một nghệ thuật dùng âm thanh để diễn tả tình cảm và tư tưởng của con người trong cuộc sống. Cao hơn, nó biểu cảm sự sâu thẳm của thế giới nội tâm. Và, cao hơn nữa, khi thẩm thấu vào cõi “Bất khả thuyết” ấy mà mọi ngôn ngữ và nghệ thuật đều phải bất lực không thể miêu tả nổi, thì người ta chỉ còn cách hoạt động tự thân, dùng ngôn ngữ nghệ thuật làm phương tiện để nói lên một điều khác. Đó chính là những gì Nguyễn Thế Vinh đã thể hiện khi muốn bày tỏ với cuộc đời tâm tư của riêng mình!

Luyện tập hai nhạc cụ Guitare và Harmonica (khẩu cầm) - nhất là Guitare, vào những ngày còn ngồi ở ghế nhà trường. Chỉ với cánh tay trái, Nguyễn Thế Vinh đã kiên nhẫn, khổ luyện rất công phu; ba ngón: Giữa, áp út và ngón út anh dùng để bấm hợp âm; ngón trỏ là ngón chủ lực Vinh sử dụng để gảy lên hoặc xuống; ngón cái còn lại thỉnh thoảng để đánh bass. Toàn bộ chỉ thực hiện trên cần đàn (xem hình). Với thế chơi này, tuy bị khống chế bởi một số gam và chỉ dừng lại ở những bản nhạc có tiết tấu chậm, buồn nhưng cây Guitare của Vinh đã phát lên những ca âm khiến người nghe tưởng như phảng phất đâu đó đằng sau cái nốt nhạc rất sáng tỏ mà lại vời vợi mông lung kia một cái gì rất sâu thẳm, vượt thoát ngoài sự hay dỡ mà điều đó chỉ cảm nhận chứ không nói ra bằng ngôn ngữ. Đây là khúc nhạc được hát bằng hồn, bằng cả một giai điệu rất riêng của tâm hồn, nên người nghe chỉ dùng hồn để cảm nhận chứ không phải dùng lý trí tỉnh táo khi tưởng ra đó, là âm thanh của một bàn tay.

Viết ra điều này, tôi chợt nhớ đến một cổ sắc công án (Kosoku Koan, công án cổ truyền) “Chích thủ diệu thanh” (âm thanh kỳ diệu của một bàn tay) của thiền sư Hirata như còn ẩn diệu đâu đây chờ ai đó giải trừ được mọi tri kiến bì phu mới có thể lắng nghe. Có lẽ Vinh cũng thế, “Bá Nha” đang chờ đợi “Tử Kỳ” để cùng mình kết hợp trong lẽ “Thanh khí ứng cầu” đó chăng? Và đó cũng chính là sự kết hợp giữa hai nhạc cụ Guitare và Harmonica làm nên bản nhạc lòng cho anh vang lên giữa cuộc đời vô thường này “Nỗi thống khổ nhất của con người đó là sự khuyết tật của tâm hồn... chứ không phải là sự khuyết tật của thân thể” - Đoạn trường ai đã qua cầu ấy, Lắng thử vô thanh tiếp hữu thanh.(1)

Hằng đêm, tại các tụ điểm, phòng trà ATB, hội quán Hội Ngộ... Vinh thường hiện diện ở đó với hai nhạc cụ được di chuyển từ Gò Vấp bằng chiếc Honda cũ kỹ đã đổi trái tay gaz. Anh đến chơi nhạc để thỏa niềm đam mê chứ không nặng việc kiếm tiền. Và... mọi người lại được nghe anh vừa đàn hát, vừa thổi khẩu cầm. Nhưng, nếu chỉ nghe những ca từ “Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn, cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng, cho quê hương giấc ngủ thật hiền. Rồi từ đó tôi yêu em...” (2) hoặc “Một ngày mùa đông, trên con đường mòn, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần thịt da nát tan”(3)... để chỉ hiểu cái nghĩa đơn giản của nó thì vẫn  chưa đạt đến trình hạn cái nghe trong âm nhạc. Nghe được âm nhạc có nghĩa vượt lên trên âm thanh để cảm được cái tâm, cái chí của người đàn. Trong bản hành họ Bạch, người ta đã nghe trong tiếng tơ tiếng trúc của người kỹ nữ bến Tầm Dương tâm sự một gái giang hồ nhớ về dĩ vãng, một ông Tư Mã nuôi sầu nơi đất trích mà âm hưởng của nó như vương vất trong một khoảng tâm thức nghe như đã dậy hồn Đỗ Phủ. Trong tiếng đàn Kiều, Nguyễn Du đã nghe ra tất cả cung bậc đoạn trường tang thương giữa nhịp sóng đời dâu bể. Cũng như, nghe tiếng đàn của Vinh, chính là biết được nỗi đau thân phận, mà chỉ có kẻ tri âm tri kỷ cùng em mới có thể am thấu! Điều ấy còn có nghĩa, trong âm thanh của thế gian có rất nhiều cung bậc: Khi nâng lên, sẽ dẫn đến con đường giải thoát; khi hạ xuống, là cảnh đọa đày. Và, còn một cung bậc nữa, thực tế hơn, cung trầm bình thanh của cuộc đời “Ít ham muốn, biết đủ”, thể hiện theo chủ nghĩa trung đạo của Phật giáo - không lấy dục lạc làm lẽ sống đời người, không sống khổ hạnh ép xác. Nếu ai cũng biết điều chỉnh cuộc sống vừa phải cho chính mình, sống trải lòng ra với mọi người thì thế gian này sẽ chẳng phải hòa âm trong bài ca hạnh phúc?

Và đến đây, là lời tâm sự của Nguyễn Thế Vinh làm “nhạc lòng” gõ giữa trầm luân: “Sống giữa cõi trược, cuộc đời như bộ trang phục của huyễn thân. Với chiếc áo trắng, nếu có nhiễm bẩn ta lập tức phải gột rửa nó đi; hoặc vì nghiệp duyên phải mặc vào chiếc áo đen, nếu chiếc áo này vấy thêm phiền trược thì ta không thấy được, hoặc không cho đó là quan trọng. Cho nên, giữa chốn Ta bà này, tâm nguyện của tôi, là cố gắng vượt qua mọi chướng duyên để khoác cho thân tứ đại này một chiếc áo trắng ”.

Vâng! Từ pháp môn “Văn, Tư, Tu” mà ngài Quan Âm Bồ tát đã thâm nhập vào Tam ma địa. Với âm nhạc, Văn (tuệ) sẽ là pháp môn hàng đầu để đạt được sự nhất quán, giúp chúng ta tạo cơ duyên để thẩm thấu điều kỳ diệu của tính nghe. Cho nên , với “âm thanh của một bàn tay”, chúc Thế Vinh sớm đạt được Văn tuệ để có thể khoác cho mình “chiếc áo trắng” đúng nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là những thanh âm vang vọng phát ra từ một bộ phim!

 

 

Chú thích:

(1)  Thơ Á Nam - Trần Tuấn Khải.

(2)  Xin cho tôi - Nhạc lời Trịnh Công Sơn.

(3)  Ngụ ngôn mùa Đông - Nhạc lời Trịnh Công Sơn.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)