Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Ru mãi ngàn năm

Đã đọc: 2037           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

“Một hạt lúa nẩy mầm, toàn thế giới phải chịu trách nhiệm”. Câu này mới nghe qua, ta cảm thấy khó chấp nhận được, là vì một sự việc cỏn con đã bị cường điệu hóa. Thế nhưng, cái thời yên bình của vũ trụ, hơn bất cứ lúc nào, đã lui vào sau tấm màn nhung của quá khứ, để lại trên sân khấu một tấn kịch khủng hoảng toàn cầu.

Ngày nào trên báo chí không xuất hiện những mảng tin thảm họa, thiên tai, bạo lực, đó lại là chuyện lạ. Trận cuồng phong KATRINA tàn phá một vùng nước Mỹ, trận động đất 11 tháng 9 năm 2010 ở Nhật Bản không những hằn đau thương lên trái tim nhân dân Mỹ, nhân dân Nhật mà còn làm thổn thức hàng triệu triệu con tim nhân loại. Tại sao bây giờ đủ thứ tai ương như thế? Lời đáp sau cùng là: “Do nóng lên toàn cầu”. Hỏi ngược lại: “Tại sao có nóng lên toàn cầu?”

- Là vì con người tàn phá môi trường!

Đúng vậy, “gậy ông đập lưng ông”. Tất cả những khổ đau con người thời đại này đang gánh chịu, nếu giải thích bằng đạo Phật thì chỉ một câu thôi: “Nhân quả báo ứng”.

Qua Kinh Luật dị tướng, Đức Phật có nói, lúc con người đầu tiên xuất hiện trên cõi đời này, “ĐẤT” là thức ăn độc nhất và thượng diệu. Đất thơm ngon, bổ dưỡng, sẵn sàng phục vụ nuôi sống con người. Thế rồi dần dà con người sinh tác ý, đất kia biến mất, và “LÚA” xuất hiện. Con người muốn ăn, lúa từ đồng vào, khỏi phải trồng trọt và mang vác về. Rồi con người lại tác ý, và lúa không về nữa, muốn ăn phải ra đồng hái. Ban đầu, con người ra đồng hái, dần dà tác ý nên thu gom mang về để dành ăn dần, sinh tâm chứa để. Kết quả cuối cùng ngày nay là lúa mùa, lúa vụ v.v... và con người phải tranh thủ với thời tiết, ra sức cấy cày mới đủ lương thực.

Trở lại vấn nạn trên, ta thấy cái “QUẢ” thiên tai, bão lụt, động đất, sóng thần... là do cái “NHÂN” con người đã tạo: Chặt cây, phá rừng, nạo vét lòng sông lấy cát, nạo vét san hô đáy biển về bán lấy tiền. Ta không để, cây rừng chắn lũ thì lũ tràn về, ta không để cát yên vị dưới lòng sông, san hô bảo vệ đáy biển thì động đất, sóng thần nổi lên như một sự giận dữ, trả thù của Tạo hóa.

Gần đây, gia đình rên la vì bạo lực gia đình, học đường lên tiếng vì bạo lực học đường, xã hội oằn oại vì bạo lực xã hội, thế giới điêu đứng vì không tặc, khủng bố.

“Ba cõi không an, giống như nhà lửa”. Gia đình là căn bản của xã hội. Đa số gia đình ấm êm hạnh phúc là do kiếp trước họ có duyên lành với nhau, nay tiếp tục gặp nhau, kết thành quyến thuộc. Một gia đình hay lục đục, cha mẹ bất hòa, con cái bất hiếu là do kiếp trước có nợ nần oán đối nhau, kiếp này gặp nhau, ơn đền oán trả. Từ gia đình nhân rộng ra xã hội, quốc gia, cho đến thế giới, chỉ là vay trả, trả vay, không mất một ly nào cả! Hơn nữa, từ xưa đến nay, điều hay khó bắt chước, cái dở dễ lây lan. Muốn góp phần ổn định gia đình, xã hội, mỗi thành viên trong gia đình phải thương yêu đùm bọc, giữ gìn gia phong. Mỗi cá nhân trong một cộng đồng, mỗi công dân trong một đất nước phải thương yêu đoàn kết, giữ gìn quốc sỉ. Mọi khổ đau rồi sẽ qua, mọi đổ vỡ rồi sẽ hàn gắn, chỉ cần chúng ta vực dậy được cái tình yêu căn bản đã ngủ quên bấy lâu trong mỗi con người khiến trong gia đình, cha mẹ con cái ngoảnh mặt với nhau, trong xã hội mọi người vùi dập nhau, trên thế giới nhân loại khủng bố nhau... để rồi chúng ta, hoặc than trời trách đất, hoặc đổ lỗi cho nhau, oán ghét nhau, trả đũa nhau, trù dập nhau, tàn sát nhau, rồi vào tù ra tội hay tàn phế mạng người. Thật đúng: “Như con thiêu thân tự thiêu đốt mình, như tằm làm kén, tự ràng buộc mình” mà kinh Lương Hoàng Sám hay Từ Bi Thủy Sám đã giảng rõ. Cho nên Đức Phật, từ hơn 2000 năm trước, đã gởi cho chúng ta một thông điệp: “Hận thù không dập tắt được hận thù, chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù, đó là định luật của ngàn thu”. Và Đức Phật cũng chính là người nghiêm túc thực hiện lời dạy đó trong giáo đoàn của Ngài, trong xã hội Ấn Độ thời ấy. Đề-bà-đạt-đa ganh ghét hãm hại Ngài, Ngài vẫn thọ ký cho thành Phật, ngoại đạo tà giáo ám hại Ngài, Ngài vẫn không oán ghét và trả thù. Nước nọ muốn gây chiến với nước kia, hỏi ý kiến Ngài thì Ngài đưa ra “bảy yếu tố của một quốc gia cường thịnh” nên tránh được chiến tranh giữa hai nước. Nếu với lực lượng Tăng đoàn hùng mạnh như Tăng đoàn của Đức Phật thời ấy, với hậu thuẩn cư sĩ nhiệt tâm hộ pháp như cư sĩ của Đức Phật thời ấy mà Đức Phật hành xử ngược lại, bằng hận thù, thì có lẽ lịch sử Phật giáo đã viết sang trang khác, một trang ảm đạm, đẩm máu và Phật giáo đã tàn lụi như bao nhiêu ngoại đạo thời ấy. Đã không đấu tranh hận thù, Đức Phật còn thể hiện lòng thương yêu chăm sóc mọi người, mọi vật. Đức Phật đã xâu kim hộ tôn giả A-na-luật bị mù lòa, tắm rửa săn sóc mụn ghẻ lở loét cho một Tăng sĩ và nhắc nhở Tăng chúng sống trong Tăng đoàn phải thương yêu chăm sóc lẫn nhau. Đức Phật cũng đã có lần ôm một con dê con bị tụt hậu chạy theo đàn dê bị lùa về hoàng thành làm vật hi sinh dâng cúng tế và Đức Phật đã chiêu cảm được nhà vua bỏ lệ dâng cúng sinh vật tế thần hàng năm rất dã man.

Trong gia đình, dù trong thời đại nào, cha mẹ và con cái cũng đều thương yêu nhau chứ, vì đó là máu mủ, là ruột thịt mà! Thế nhưng, ngày xưa, tình cảm thiêng liêng đó thể hiện rất rõ với kỷ cương TRUNG - HIẾU -  TIẾT - NGHĨA cho nên dù hoàn cảnh gia đình phải xa xôi cách trở, con cái vẫn nhớ nghĩ đến cha mẹ; Ngược lại, cha mẹ cũng hết lòng chăm sóc, thương yêu con cái. Còn bây giờ, điện thoại bàn, điện thoại di động tràn ngập nhưng tấm lòng con cái đối với cha mẹ cách xa nhau vạn dặm. Người ta lại còn sử dụng phương tiện này để kết nối làm ăn, công tác, tình cảm, có khi còn để chửi bới nhau, hãm hại nhau.

Bà Tăng Kim Đông khi làm giáo sư dạy trường Sư Phạm Sàigòn, kể lại thời gian ông bà còn trẻ, đi du học bên Pháp, có đứa con trai mới lên bốn tuổi. Xứ lạ quê người, có thêm đứa con là có thêm sức ấm cho những kẻ tha hương nhưng mỗi khi con hư khó dạy, ông bà rất khổ tâm. Thương thì thương nhưng con hư mà không răn dạy, sau này nó là đứa ngỗ nghịch trong gia đình, lớn lên ra đời là mối lo cho xã hội. Một lần nọ bé hư quá, chẳng đặng đừng, ông bà nhốt bé vào trong một phòng kiếng; Thế nhưng, ngay sau đó, hai ông bà ăn không được, ngủ không được, học không được, cứ rình canh mãi phía bên ngoài xem bé ra sao trong phòng kiếng ấy. Thế là bé khóc dại cả người, bé sợ hãi, bé quờ quạng, bé run rẩy nhìn dáo dác khắp phòng để cầu cứu sự can thiệp của mẹ cha. Bà Tăng Kim Đông nói: “Lúc đó, chúng tôi đứt từng khúc ruột. Lúc cháu khóc mệt lả gục xuống chiếc gối, là chúng tôi tất tả chạy vào, ôm nhau khóc nức nở”.

Tại sao ngày nay tình cha con, mẹ con dường như lợt lạt. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ với bạn đọc tạp chí Đạo Phật Ngày Nay trong quyển số 8: “Công việc, bận rộn không cho tôi có nhiều thời gian để gần gủi với con cái như tôi mong muốn, mà thời gian là cái mà trẻ nhỏ cần nhất ở cha mẹ. Có lẽ người lớn nên bớt thời gian xem TV, lướt web, tụ tập bạn bè, để có thêm thời gian chơi với con, học với con, cùng đọc sách với con. Những cái đó có ích cho trẻ hơn là việc bỏ tiền ra cho con đi học thêm, hay những khóa rèn luyện “Kỹ năng sống”. Qua lời tâm tình đó, chúng ta đừng trách con cái bây giờ thưa thớt với gia đình, con cái bây giờ hư hỏng quá! Một gia đình sẽ không còn là mái ấm nếu sáng ra bà mẹ “thồn” vào chiếc cặp nặng không dưới hai ký của đứa con một hộp sữa tiệt trùng, một chiếc bánh pizza, một khăn giấy ướp lạnh, một chai nước suối rồi “dựng đầu” bé dậy, quát đi súc miệng đánh răng cho kịp giờ, rồi quát bé trèo lên xe máy ngồi ôm mẹ chở đến trường. Sẽ không còn là mái ấm gia đình nếu hàng đêm ba lướt web đến tận khuya, sáng dậy trễ, im lặng vội vàng đánh răng súc miệng, dắt xe ra chạy thẳng đến hàng quán ăn sáng, uống cà phê... Những hình ảnh đó thiếu hẳn chất keo gia đình để kết dính đứa con với cha mẹ. Vì chỉ như vậy thôi, thì chị giúp việc cũng là mẹ được; chỉ như vậy thôi, một người đàn ông rỗi việc cũng là ba được, đâu cần đợi mẹ, đợi cha. Thật sự con cái cần gì ở mẹ cha? - Tình thương, chính tay mẹ cha chăm sóc!

Bé sơ sinh nào cũng mau trìu mến mẹ mình nhất vì mỗi lần bé khóc hay bé giật mình, mẹ là hình ảnh quen thuộc bé nhận ra bên chiếc nôi. Rồi âm thanh ru hời của mẹ đưa bé vào giấc ngủ bình yên. Giọng ru đó vang mãi, ấm mãi, lớn mãi cùng hình ảnh cây đa, giếng nước, hình ảnh mẹ dắt tay bé từng bước đến trường..., ngàn năm không dễ quên...

Bởi thế cho nên, “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy đã vượt thời gian và không gian, đi vào lòng người: “... Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi! Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi... tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ ru từ thuở nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!...”

Cái thời quá khứ không tivi, không vi tính, con nhà giàu sáng ra được dùng điểm tâm với cha mẹ anh em và hỏi han nhau, chia sẻ nhau. Con nhà nghèo giúp cha mẹ làm việc tới khuya, sáng ra mẹ dậy sớm, gói gắm cho con củ khoai mẹ nấu, ly nước mẹ pha với lời hứa hẹn: “Hôm nào lãnh lương, mẹ sẽ cho con tô phở ăn cho ấm bụng!”

Tình thương mẹ dành cho con là bất diệt. Lúc con còn nhỏ thì chắt chiu miếng ăn giấc ngủ, lớn lên lo cho con học hành đỗ đạt. Con cái có địa vị trong xã hội thì lo con thoái hóa, hủ lậu. Con đi xa thì trông đứng trông ngồi:

“Mẹ già hơn trăm tuổi

Vẫn thương con tám mươi

Tình thương nào ngơi nghỉ

Thương con đến cuối đời”.

Nhưng tình mẫu tử không đơn phương, một chiều. Cha mẹ, nhất là khi về già, rất cần tình thương yêu, sự chăm sóc của các con vì càng cao về tuổi tác, tâm lý cha mẹ càng trở lại giống hệt trẻ con. Đừng bỏ cha mẹ một mình quạnh hiu khi bóng xế. Cho nên ta dễ hiểu vì sao người già không thích ở bên Mỹ, bên các nước phương Tây, vì họ rất sợ hình ảnh của các nhà dưỡng lão; ở đấy tuy đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng rất thiếu cái họ cần: Tình thương của con cháu! Khi cha mẹ đã già yếu rồi, chính con cái lại là người hát ru cha mẹ:

“Rồi một ngày nào đó anh về, nhìn mẹ hiền, nhìn thật lâu, rồi nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Mẹ có biết hay không?” Biết gì? - “Biết là..., biết là... con thương mẹ không?”

Ôi! Nếu được như thế thì gia đình nào không là tổ ấm, xã hội nào mà không an vui, thế giới nào mà không hòa bình??... Thật vậy, nếu trong suốt cuộc đời, ai cũng được diễm phúc uống những lời mẹ ru và ru mẹ bằng những lời thánh thiện như thế thì làm gì có bạo lực gia đình. Cái trách nhiệm liên đới của mọi người trong một gia đình, của tất cả mọi cá nhân trong toàn xã hội chính là biện pháp dẹp tan bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực xã hội. Cho nên, hoàn toàn không cường điệu hóa với câu nói trên: “Một hạt lúa nẩy mầm, toàn thế giới phải chịu trách nhiệm”.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)