Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Suy nghĩ về nữ quyền & bình đẳng giới

Đã đọc: 12841           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Việt Nam tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới năm 1980. Năm 2006, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Bình đẳng giới nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Công ước. Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại không ít phụ nữ thành đạt về mặt xã hội nhưng lại không có được hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, nguyên nhân là do còn tồn tại những thành kiến, định kiến về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội, do tư tưởng gia trưởng của người đàn ông trong gia đình, những điều này đã khiến cho người phụ nữ không được sự chia sẻ từ phía người đàn ông khi bản thân phải nặng gánh hai vai: Việc gia đình và việc xã hội. Sự mất cân đối, không hài hòa giữa đời sống gia đình và công việc, sự nghiệp do người đàn ông và người phụ nữ đều ra ngoài làm việc, hăng say phát triển danh vọng, sự nghiệp cho riêng mình, thiếu sự quan tâm chăm sóc gia đình (gồm vợ chồng và con cái, hoặc có thêm ông bà cha mẹ già), không có đủ thời gian dành cho gia đình. Những lấn cấn bất đồng trong việc phân công công việc giữa người đàn ông và người phụ nữ trong gia đình, thiếu sự nhường nhịn, thông cảm, sẻ chia cũng dẫn đến nhiều bất ổn. Ai cũng cho rằng mình có quyền ra ngòai làm việc, có quyền tự do cá nhân, có quyền mưu cầu niềm vui, hạnh phúc cho riêng mình, không có sự thỏa hiệp, khoan nhượng, từ đó xảy ra tranh chấp, bất hòa, đưa đến tình trạng đổ vỡ hôn nhân hoặc chấp nhận chung sống nhưng không chung lòng, mỗi người có thế giới riêng của mình, không ai quan tâm đến gia đình chung, đời sống hôn nhân gia đình trở thành địa ngục. Không ít phụ nữ hiểu không đúng về nữ quyền và bình đẳng giới đã bỏ quên thiên chức, những giá trị cao quý đặc thù vốn có ở người phụ nữ như vai trò, chức năng sinh con, xây dựng tổ ấm, chăm lo, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái, quán xuyến nhà cửa, tổ chức sinh họat gia đình, phụ trách chi tiêu, chăm sóc cha mẹ già, làm hậu phương cho chồng, là chỗ dựa tinh thần cho người đàn ông; quên đi việc gìn giữ và phát huy những đức tính quý báu vốn có ở người phụ nữ như sự khéo léo, tinh tế, sự tận tụy hy sinh, lòng bao dung, tình thương yêu chồng con, sự nhu nhuyến, đằm thắm dịu dàng nhưng tiềm ẩn bên trong là sự mạnh mẽ, chịu thương chịu khó, dám đương đầu với những khó khăn gian khổ. Có nhiều phụ nữ đòi hỏi, tranh chấp quyền lợi, thực hiện quan niệm bình đẳng một cách máy móc, cực đoan, thiếu sáng suốt; so đo, tính toán sòng phẳng, ỷ lại vào năng lực bản thân, coi thường người đàn ông, bộc lộ cái tôi ích kỷ khi mình chiếm ưu thế hơn người đàn ông, khi mình có vị trí cao trong xã hội hoặc làm ra nhiều tiền, từ những nguyên nhân đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn, xung đột, rắc rối khó giải quyết, làm mất đi những tình cảm đạo đức quý báu, khiến cho đời sống gia đình trở nên vô vị, nhạt nhẽo hoặc nặng nề, căng thẳng, mất hạnh phúc, thậm chí đổ vỡ. Việc lạm dụng bia rượu cũng là nguyên nhân khiến cho phụ nữ dễ bị sa ngã, bị lạm dụng tình dục khi phụ nữ ngày nay xem việc uống bia rượu là “chuyện thường”, vì cho rằng phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới kể cả quyền được hút thuốc, uống rượu.

Theo tài liệu “Hướng dẫn lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách” do Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam xuất bản năm 2004 thì “Bình đẳng giới là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa nữ giới và nam giới”. Nam giới và nữ giới cùng có điều kiện bình đẳng để phát huy hết năng lực, khả năng của mình, có điều kiện bình đẳng để thực hiện các mong muốn, khát vọng, có cơ hội bình đẳng để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực  xã hội, được hưởng chất lượng cuộc sống, thành quả xã hội một cách bình đẳng trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội. Bình đẳng không có nghĩa là không có sự khác biệt về giới tính, những điểm đặc trưng của nam giới và nữ giới, bình đẳng không có nghĩa là nam giới và nữ giới giống nhau về mọi mặt.

Người phụ nữ ngày nay vừa đảm nhiệm trọng trách gia đình, vừa đảm nhiệm trọng trách xã hội quả thực là một gánh nặng trên vai, vì thế người phụ nữ cần sự chung tay của người đàn ông để làm tốt trách nhiệm  đối với gia đình. Người đàn ông cũng có thể ở nhà coi sóc nhà cửa và con cái nếu như người đó bị bệnh tật mất sức lao động hoặc trong thời gian bị mất việc, và người phụ nữ cũng có thể đi làm việc bên ngoài xã hội nếu như họ có năng lực. Người đàn ông không có gì phải mặc cảm và người phụ nữ không có gì phải kiêu ngạo, tự phụ, xem thường chồng mình. Dù điều này không dễ làm, nhưng vẫn thực hiện được nếu như có suy nghĩ nhận thức đúng đắn, tích cực, biết tôn trọng lẫn nhau, dẹp bỏ những thành kiến hẹp hòi, thói quen cố hữu, biết yêu thương nhau và cùng nhau hướng đến mục tiêu xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững.  Người đàn ông và người phụ nữ hãy ngồi lại bàn luận, thỏa thuận để có sự phân công hợp lý mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ở Mỹ trong thời gian khủng hỏang tài chính kinh tế, hàng lọat công ty đóng cửa, người đàn ông mất việc và khó xin việc làm hơn người phụ nữ, rất nhiều ông chồng đành chấp nhận ở nhà chăm sóc nhà cửa, con cái, đi chợ, nấu ăn để nhường việc đi làm kiếm tiền cho vợ.

Trong những gia đình tiến bộ, người vợ và người chồng biết khéo léo ứng xử, việc người nào làm ra nhiều tiền, có địa vị cao trong xã hội không quan trọng (vì đây là chuyện bình thường trong xã hội), mà điều quan trọng là sự tôn trọng lẫn nhau, biết yêu thương san sẻ, cùng chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình không có sự tính toan hơn thiệt. Trong tình yêu thương chân thành không có sự tính tóan hơn thiệt nhưng nó vẫn mang lại hạnh phúc,  vì thế công bằng hay không công bằng, bình đẳng hay không bình đẳng không có gì quan trọng, người ta chẳng nghĩ đến, mà chỉ cần đạt được mục đích là sự mãn nguyện, niềm vui, hạnh phúc. Lý lẽ của con tim không theo một quy luật, trật tự logic nào. Hơn nữa, những giá trị tinh thần không thể nào cân đong đo đếm được, nếu muốn nói công bằng, làm sao biết những gì nhận được trong tình cảm ít hơn những gì đã cho mà cho là không công bằng? Trừ những trường hợp người phụ nữ bị phân biệt đối xử, chà đạp nhân phẩm, bị áp bức, có nhiều phụ nữ yêu chồng thương con, hiếu thảo với cha mẹ chồng, lấy niềm vui, hạnh phúc của chồng con làm niềm vui, hạnh phúc của mình, tận tụy hy sinh cho cuộc sống gia đình không quan tâm đến những gì riêng tư cho bản thân, sống cho nhiều hơn nhận, những phụ nữ ấy vẫn hạnh phúc, vẫn mãn nguyện với tình yêu, với cuộc sống của mình. Đối với người phương Tây thì người phụ nữ Á Đông quá thiệt thòi, chịu nhiều bất công, bởi vì người phương Tây chưa cảm nhận được những giá trị tinh thần, cái hạnh phúc mà người phụ nữ Á Đông có được.               

 Xã hội ngày nay tôn trọng quyền bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, tuy nhiên mọi thành viên cần quan tâm lẫn nhau, giúp đỡ nhau trên tinh thần đoàn kết, thuận hoà. Tham công tiếc việc, tranh chấp về quyền lợi, nghĩa vụ sẽ làm cho người ta có thiên hướng cá nhân nhiều hơn là tập thể, chia rẻ nhiều hơn là đoàn kết, gắn bó; dễ làm cho gia đình và xã hội mất trật tự , mất đoàn kết. Ví dụ trong một gia đình có cha mẹ già và con nhỏ, nếu cả người chồng và người vợ đều cho mình có quyền ra ngoài làm việc để kiếm tiền (bình đẳng), không ai muốn ở nhà để chăm lo cho gia đình, nếu mọi người đều cho mình có quyền tự do cá nhân theo quan điểm của riêng mình mà không cần quan tâm đến người khác, không ai muốn làm những việc mà mình không thích dù những việc làm đó là cần thiết, có ích cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình, nếu như thế thì không khéo mối quan hệ vợ chồng sẽ mất đi vì tranh chấp và thiếu quan tâm lẫn nhau, quan hệ giữa cha mẹ và con cái lỏng lẻo vì cha mẹ thiếu sự dạy dỗ và chăm lo con cái, còn con cái thì sống thiếu tình thương của cha mẹ, lúc đó gia đình sẽ rối loạn, hạnh phúc sẽ đổ vỡ.

Cần thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ trong việc xây dựng tổ ấm gia đình là nền tảng của xã hội. Không có hạnh phúc gia đình thì không có xã hội bền vững. Mẫu người phụ nữ mà tương lai mong đợi là mẫu người “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, vai trò vượt ra khỏi phạm vi gia đình nhưng không đánh mất vai trò xây dựng hạnh phúc gia đình, để ngày càng có nhiều đóng góp cho xã hội mà nền tảng gia đình vẫn luôn vững chắc.  Shannon Hayes, Tiến sĩ về Phát triển cộng đồng và nông nghiệp bền vững tại Đại học Cornell, New York (Hoa Kỳ) cho rằng: “Việc trở thành một bà nội trợ không có nghĩa là từ bỏ nữ quyền, mà chỉ là định nghĩa nữ quyền theo cách khác. Tôi chia sẻ việc nhà với chồng, nhờ vậy cả hai đều thấy cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc”. Trong cuốn Những người nội trợ cấp tiến của mình, Shannon Hayes kể về 20 phụ nữ từ chối đi làm công sở, tự nguyện đảm nhận công việc nội trợ. Hayes nói: “Nhiều người bênh vực nữ quyền nhận thức được rằng đời sống gia đình là điều cực kỳ quan trọng…”

Hơn 2500 năm trước Đức Phật đã từng khẳng định trong nhiều kinh điển: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính” (Nhứt thiết chúng sinh giai hữu Phật tính). Về mặt hiện tượng thì có sự bất đồng (Phật, chúng sinh; bậc giác ngộ, hạng phàm phu; nam giới, nữ giới; loài người có nhiều màu da, sắc tộc; kẻ giàu, người nghèo; kẻ sung sướng, người khốn khổ; kẻ mạnh, người yếu; kẻ trí, người ngu…), đó là duyên sinh nhân quả của các mối tương quan tương duyên trùng trùng lớp lớp trong ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai), nhưng về bản thể thì không khác, muôn pháp (mọi sự vật hiện tượng vật lý, tâm lý)  bình đẳng nhất như, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng giác ngộ thành Phật.

Khi di mẫu của Đức Phật là bà Ma ha Ba xà Ba đề xin xuất gia, Tôn giả A nan đã hỏi Đức Phật: “Nếu người phụ nữ được xuất gia và tu học theo pháp và luật của đức Thế Tôn thì họ có thể chứng các Thánh quả hay không?” Đức Phật đã trả lời rằng hàng phụ nữ có đủ khả năng thành tựu các Thánh quả nếu nỗ lực tu tập và hành trì đúng theo Chánh pháp. Sau đó Đức Phật chấp thuận cho di mẫu xuất gia với điều kiện là bà phải tuân thủ một số điều luật do Phật chế định dành cho phái nữ, bởi về đặc điểm tâm lý, giới tính, nhân duyên phước báu của người nữ có chỗ khác biệt người nam (đây cũng là chuyện bình thường trong hiện tượng giới bởi tính duyên sinh nhân quả), đòi hỏi phải có những giới điều phù hợp. Từ đó trong hàng đệ tử Phật có đủ cả hai bộ chúng xuất gia là Tăng chúng và Ni chúng.

Một lần vua Pasenadi (Ba tư nặc) xứ Kosala được tin Hoàng hậu vừa hạ sinh công chúa, vua tỏ vẻ không hài lòng vì từ lâu vua trông đợi có hoàng nam nối dõi. Đức Phật biết tâm trạng của nhà vua, Ngài nói: “Bé gái có khi còn quý hơn bé trai. Khi trưởng thành có thể người con gái ấy có trí tuệ và phẩm hạnh vẹn toàn. Người con gái ấy sẽ trở thành một người vợ tốt, một người con dâu tốt, một người mẹ tốt. Đứa con sau này người ấy sinh ra có thể làm nên đại sự và trị vì một vương quốc vĩ đại, trở thành người hướng đạo chân chính cho cả một quốc gia”.

Nam giới hay nữ giới không quan trọng, vì thế không nên có thái độ kỳ thị, phân biệt, từ bỏ vai trò, thiên chức của mình, quên phát huy ưu điểm, thế mạnh của mình. Nên biết, ở người phụ nữ có những năng lực và đức tính mà người đàn ông ít ai có được. Người phụ nữ không nên coi thường mình, người đàn ông cũng phải thấy được giá trị cao quý của người phụ nữ để có thái độ trân trọng và cư xử đúng mực. Điều quan trọng là thiết lập đuợc các mối quan hệ tốt trên cơ sở của sự hiểu biết và tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, đó là con đường hạnh phúc, mục tiêu sau cùng của cuộc sống.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)