Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười

Đã đọc: 4350           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Cô gọi điện, bảo Mạnh Khôi rảnh thì gặp cô, rồi cô kéo thêm một câu: “Cô bệnh miết đó nghe, nhỡ vô thường tới…”. Tưởng nói câu ấy với giọng bi quan, nhưng ai dè, sau câu nói ấy là một tràng cười rất sảng khoái - vốn là “đặc sản” của cô. Cô mà tôi nhắc tới nãy giờ chính là nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương.

Còn gặp nhau…

Và rồi tôi cũng gặp cô, hẹn cô lúc 8g sáng ở nhà riêng của cô (đường Lê Văn Sĩ, Q.3, TP.HCM) và bắt đầu nói về thơ, về cuộc đời “như bóng mây chìm nổi” - như lời bài thơ rất nổi tiếng, để đời, được đọc và hát như ca dao: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời” (Còn gặp nhau…).

Cô bảo, thơ cô làm từ cái tâm, cái tâm thuần khiết của người con Phật, bởi cô có bà nội là tu sĩ, rồi bao nhiêu năm nay cô có duyên với Phật, kết giao với biết bao tu sĩ lỗi lạc, đạo cao đức trọng nên “thấm” từ quý tôn túc nhiều cốt cách sống cao đẹp, thanh thoát. Cô vốn là con cháu dòng giỏi nhà Nguyễn, là hậu duệ đời thứ năm của vua Minh Mạng, là con gái của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị… Tất cả những “chất” ấy là gene tốt để có một nữ sĩ tài ba như Hỷ Khương của hiện tại.

Cô lúc nào cũng cười, cười rất tươi, như không vướng một chút bụi trần. Bởi cô ngộ được lý vô thường, được “bọt bèo” của cõi tạm, phù du này. Đã ngộ ra điều ấy dưới nhãn quan Phật giáo thì phải vui sống nên “Còn gặp nhau thì hãy cứ cười”. Nụ cười đối với Hỷ Khương đã trở thành tặng phẩm đáng trân quý, dành cho tất cả những người bạn, và cả ân nhân, tri kỷ. Cười cả khi uống thuốc và thọ bệnh, căn bệnh ho lâu năm mà cứ mỗi lần gặp gỡ, giao lưu với khán giả bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vẫn hay “chọc” cô và mọi người cười bằng hai câu: “Hỷ Khương quận chúa chớ lo/ Chữ hò liền với chữ ho một vần”.

Bao nhiêu người bạn đã đến và ở lại với Hỷ Khương trong tình chị em, anh em, có những người thân thiết được cô gọi là đại huynh, hoặc hiền huynh như GS.Trần Văn Khê… Và ai cũng trân trọng, yêu mến Hỷ Khương không chỉ ở thơ mà còn ở con người, ở cái cách sống giản dị, bình dân giữa đời thường chứ không một chút xa hoa, vương giả như nhiều người vẫn nghĩ trước khi gặp cô. Họ nghĩ thế bởi họ cứ lo cô là quận chúa, là hoàng tộc nên phải khác. Tôi từ lâu khi biết cô qua thơ, qua tiểu sử cũng từng nghĩ thế, cho đến khi gặp cô giữa đời thường, ở ngay chính căn nhà nhỏ có một tấm đá khắc câu thơ để đời: “Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời”. Ở đó hàng trăm người bạn từ học giả đến những bậc tu hành và những người rất trẻ như tôi đã lưu lại hình ảnh cùng cô, và có không ít người đã trở lại để mà nghe cô đọc thơ, nhìn cô cười, kể chuyện đời, chuyện đạo trong niềm hoan hỷ, vô lo… Và đặc biệt, để nghe cô nói về một ai đó bằng câu nói rất dễ thương: “Úi chao, ông đó (hoặc cô đó, chị đó, cậu đó…) dễ thương chi lạ, đại dễ thương à nghen…”.

Thơ và đời dung dị

Thơ của Hỷ Khương có nhạc. Chất thơ ấy cô học được từ thân phụ của mình, cô bảo “Cha cô chính là người thầy lớn đã dắt dìu Hỷ Khương trên con đường thơ lẫn đường đời”. Niềm biết ơn và sâu kính của cô với cha chính là chất liệu để cô sống và làm thơ, kính dâng cho đời. Thêm vào đó, với tâm niệm thuần thành của người con Phật, lúc nào cô cũng nghĩ: “Thơ cô nếu có hay, tài cô nếu có có thì cũng là nhờ ơn đức của mười phương chư Phật cả thôi”. Câu nói ấy đủ bộc bạch tất cả cái tâm khiêm hạ của một người thành danh, lớn tuổi như cô.

Cô bảo, trong suốt cuộc đời của mình cô tâm niệm rằng: có ba điều mà cô gìn giữ, như kim chỉ nam cho lối sống, đó là trung thực, không hơn thua và không tham lam. Rồi cô dẫn chứng, có một dạo người ta bảo cô xác nhận một vài bài thơ là của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, thơ hay, nếu gật đầu thì cha cô sẽ là tác giả của những thi phẩm ấy. Thế nhưng cô kiên quyết không nhận mà còn chỉ rõ tác giả là ai. Rồi khi người ta sử dụng thơ cô như ca dao, không đề tên tác giả, nhiều người bảo cô đi kiện nhưng Hỷ Khương quyết không, vì thơ cô đã sống trong lòng người, đó mới là điều cốt yếu của người làm thơ chứ không phải hơn thua, tranh giành cái tên. “Miễn họ đọc thơ Hỷ Khương và có bình an thì còn gì hạnh phúc bằng?”, cô tâm niệm. Xuýt xoa trước chia sẻ của cô, bởi tôi hiểu được nụ cười và sự an nhiên của Hỷ Khương hiện tại ở tuổi 76 chính là từ lối nghĩ và làm theo tôn chỉ nhà Phật như đã trình bày: không hơn thua, không tham, không dối…

Và đương nhiên, một người sống với tâm niệm và hết lòng hành trì những hạnh lành theo tinh thần Phật giáo thì thơ cũng mang diệu nghĩa của Phật. Những bài thơ đậm chất thiền, đậm lòng hiếu thảo, đầy khoan dung và thấm nhuần lý vô thường hay phảng phất luật nhân quả đã trở thành thương hiệu của Tôn Nữ Hỷ Khương. Chính vì lẽ đó mà hễ có chuyện không vui, khổ đau hoặc những khi cần tuyên dương về tình thương, lẽ sống cao đẹp người ta lại ngân nga đọc những câu thơ, như một câu thần chú có tính thuyết phục, giúp người ta chuyển hóa thân-tâm, thấy an lạc hơn, có niềm tin với đời và người hơn. Đó có thể là “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời” hay “Còn gặp nhau thì hãy cứ cười/ Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi/ Cho hương thêm ngát, đời thêm vị/ Cho đẹp lòng tất cả mọi người”…

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)