Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Cảnh giác với buồn

Đã đọc: 3214           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Có những lúc ta buồn, buồn đến không còn muốn cử động nữa dù chỉ là hơi thở. Ta nằm rã rời nghe đau đến từng cen-ti-mét trên cơ thể. Ta tưởng tượng nếu mình nằm thêm lát nữa thôi là sẽ vĩnh viễn không ngồi dậy nữa, sẽ chết một cách triệt để và tan biến!

Chưa thể chết lúc này, ta ngồi dậy chắp tay hít một hơi thở, nghe không khí hút vào mũi mình, chạy tới đâu là chỗ đó cũng nghe đau! Nếu là ngày xưa, mỗi khi buồn như vậy, cách chữa cuối cùng là ta bật khóc, bệu bạo kêu lên “Má ơi! Ba ơi!” như để mượn âm thanh ấy chích cho nỗi buồn dồn nén trào ra khỏi người mình. Còn bây giờ? Ta ý thức mình không được bất hiếu như ngày trước nữa. Má và ba đã ngủ yên, không được quấy động dù chỉ là tiếng kêu khi không còn gì để bám. Và ta bò, bò trên nền gạch như một đứa trẻ chưa thể đứng được trên đôi chân, để đến góc nhà rót nước. Rót một ly nước và uống như uống acít! Nước chảy đến đâu cũng nghe đau đến đó…

Nhưng rồi nước cũng làm ta tỉnh. Ta ngồi dậy ngay ngắn và bắt đầu ngẫm xem mình sẽ làm gì cho hết buồn? Việc đầu tiên là ta đứng lên và bước ngay đến bên điện thoại. Ta sẽ nhắn tin. Nhắn tin nói một câu bày tỏ nỗi lòng với một ai đó. Câu gì đây ta? Quá nhiều câu để ta có thể bấm ngay nhoay nhoáy. Nhưng rồi gởi cho ai? Không một câu nào hợp với một người nào cả khi ta hình dung ra rằng những người ta định nhắn giờ này hiện đang làm gì. Trời ơi, cả một danh bạ dài dằng dặc, tràn hết cả bộ nhớ sim, vậy mà sao ta không thể tìm được lấy một người để nhắn đi một cái tin!

Không thể trông chờ, giải quyết cái buồn từ những cứu cánh ở bên ngoài. Ta tìm cách cứu mình bằng những lý thuyết sách vở. Kinh sách Phật giáo là cứu cánh hữu hiệu nhất, nhưng không dễ đọc và phải đọc trong lúc tinh thần sáng suốt, tâm lý bình tĩnh. Có lẽ trong lúc cấp bách nên đọc Ohso, bởi ông này có cách nói rất hấp dẫn thuyết phục. Ta đọc, hiểu, thấm ý nhưng hình như chẳng thể áp dụng cụ thể trực tiếp được vào chính cái cơn buồn lì lợm của mình. Chợt nhớ một câu của ngài Mathieu Ricard: "Một bậc thầy không phải là người điều động từng giây phút cuộc sống của bạn mà là người chỉ rõ cho bạn thấy bạn có thể làm được gì." Ôi, biết chừng nào ta mới có được một người thầy như thế? Một người thầy có thể bảo cho ta biết ngay lúc này đây ta nên làm cái gì, cụ thể và hợp khả năng hoàn cảnh thực tế của ta chớ không phải là những lời giáo huấn suông suông cho toàn nhân loại.

Chợt nhớ có lần ẵm con đi bác sĩ. Chuẩn bị chích mũi thuốc vào mông bé, bác sĩ lấy tay khều khều vùng da gần chỗ sẽ chích kim, con bé bị đánh lừa cảm giác, bác sĩ luồn kim vào thịt rồi mà bé hổng hay. Có gì đâu, khi ta chú tâm vào cái này thì sẽ lơ cái khác. Muốn tâm không “chú” vào chỗ buồn thì phải kéo nó “chú” vào chỗ khác. Vấn đề là cái chỗ “chú” khác ấy phải mang lại lợi ích thiết thực. Đừng đánh lạc hướng mình bằng một hướng tệ hơn, như mấy cái hướng mà rất nhiều người đang bị sa đà: Những trò vô bổ…

Là nhà văn, ta có một chỗ để “chú” rất hay, đó là những trang viết. Trang viết là nơi hữu hiệu nhất cho ta giải quyết những nỗi buồn. Nhưng phải luôn ghi khắc: Khi tìm các cách để giải quyết nỗi buồn mình, nhớ tránh cách trút nỗi buồn lên người khác.

Ráng, đừng trút nỗi buồn lên người khác dù núp dưới bất kỳ hình thức nào, trực tiếp hay gián tiếp, thô tháo hay tinh vi… và nguy hiểm nhất là vô tình hay cố ý. Bởi chuyện đời, lắm khi ta không muốn vô tình nhưng rất dễ…vô tình. Mà buồn thì lại là một thứ rất dễ truyền lan, trong khi những tâm hồn nhạy cảm quanh ta luôn là mảnh đất màu mỡ rất thuận lợi cho sự phát triển lắm dạng buồn.

Nỗi buồn tỉ lệ thuận với bản ngã, vậy biết làm sao diệt nó khi nhân loại luôn hô hào tôn vinh khuyến khích cái tôi? Không thể buông bỏ cái tôi của mình thì phải đồng hành với buồn là cái chắc. Cảnh giác với buồn là cảnh giác với chính cái tôi của mình. Điều này khó ai chú ý, bởi còn ai yêu thương, tin tưởng mình bằng chính mình mà phải cảnh giác? Do vậy, mình đã gây ra biết bao chuyện mà mình vốn không muốn gây ra.

Là vậy!

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)