Sáng nay tôi dậy thật sớm, 4 giờ, để chuẩn bị cho buổi được thọ giới Sadi. Tôi đọc một lần nữa tờ chương trình: ĐẠI GIỚI ĐÀN HƯƠNG QUANG in màu chữ vàng. Ngày 19 tháng 9, Nhâm Tuất, 6 giờ: Hưng tác thượng phan, khai chung bảng, khai kinh bạch Phật; 8 giờ: Tấn đàn Sadi; 12 giờ: Quá đường. Chiều 19 và sáng ngày 20: Tấn đàn Tỳ kheo...
Tôi có mặt đúng giờ tại chánh điện, mang theo hành trang là điều kiện thọ giới Sadi: Thuộc hai thời công phu, thuộc hai cuốn Luật tiểu. Tôi thầm cầu mong hồn mẹ về chứng kiến giờ phút quan trọng này. Giờ phút mà đối với tôi nó còn cần thiết hơn sự sống của tôi hiện tại.
Tại giới đàn, Phật tử đi dự lễ ăn mặc thật nghiêm trang, chỉnh tề đứng chen chúc ở dãy nhà trù, ở hiên nhà khách, ở sân chùa và hai bên hành lang chánh điện. Chúng tôi, những người thọ giới Sadi mặc áo choàng xám khoảng một trăm người sắp thành mười hàng, quỳ trật tự trước lễ đài.
Chánh điện uy nghiêm, dưới chân tượng đức Thích Ca ngồi tĩnh tọa chính giữa trên đài cao, những vị sư đắp y vàng ngồi nghiêm trang sau những chiếc bàn thấp sắp dàn ra hai bên. Giữa chánh điện, một vị Đại lão Hòa thượng đang ngồi chậm rãi ban ra những pháp ngôn:
- Các giới tử, Phật vì đại sự nhân duyên mà ra đời cho nên nói ra không lường pháp môn, tám vạn bốn ngàn diệu nghĩa. Tóm lại, không ngoài ba môn học là Giới, Định, Huệ. Song, Huệ do Định mà phát, Định nhờ Giới mà sinh, công năng sinh ra Giới... Các bậc Thánh nhờ giữ Giới mà chứng Bồ đề, chư Phật do nơi Giới mà thành chánh giác. Nay các vị nguyện bỏ thế tục theo phép xuất gia, vượt khỏi thường tình là không lạy cha mẹ. Song, các vị phải nhớ đến bốn ơn đức lớn trong giờ phút này phải chuyên tĩnh lễ tạ, về sau không còn lạy nữa.
Có tiếng phát ra từ góc chánh điện:
- Giới tử xoay về hướng Bắc lễ tạ bốn ơn.
Chúng tôi lục tục cúi xuống, quỳ lạy, đứng lên rồi lại đồng loạt cúi xuống. Những nghi lễ đưa chúng tôi xa dần trần tục...
Trần tục của tôi không có gì khác ngoài quá khứ…
Quá khứ của tôi cả một tuổi thơ đầy nước mắt đã chìm sâu trong ký ức bỗng chợt sống lại rõ ràng trong tâm hồn. Ba tôi mất sớm, hồi đó tôi thường được mẹ cho bánh kẹo để ngồi ăn dưới gốc cây hay trong các bụi cỏ khi mẹ quảy gánh hột vịt lộn trên vai đi vào màn đêm mất hút. Tôi thường dõi đôi mắt ngắm nhìn những vì sao chi chít trên trời cao, không chút băn khoăn về cuộc mưu sinh nhọc nhằn đầy nghiệp chướng của mẹ. Tôi cứ ngồi đấy mà chờ có khi đến tận nửa đêm. Giây phút mẹ tôi trở về bao giờ cũng giống như hình ảnh một vị Bồ tát luôn làm cho tôi vui mừng khôn tả. Những lần như vậy, mẹ thường ôm xiết tôi vào lòng, âu yếm thật sâu. Tôi cảm nhận được vòng tay ấy yêu thương tôi nhất cuộc đời này. Sau đó, hai mẹ con trở về nhà là một căn chòi lá xiêu vẹo, ở giữa một vùng xung quanh toàn mồ mả, lau sậy. Tôi thường nằm co rút vào lòng mẹ để được bảo bọc, che chở.
Cuộc sống hai mẹ con cứ thế mà trôi theo ngày tháng. Có đêm, tôi chứng kiến cảnh mẹ thét lên hoảng loạn vì ác mộng. Mẹ vừa mộng thấy hàng chục, hàng trăm vịt con cấu xé, rĩa rúc thân mình... Cũng có khi mẹ bị bệnh liệt giường và luôn miệng: “Tha… tha cho tôi… Tôi xin sám hối!”. Ôi! những viễn cảnh từ ác nghiệp mẹ sẽ phải chịu đựng chính là để nuôi sống tôi khôn lớn... Vậy mà, sau những cơn ác mộng ấy, mẹ lại tiếp tục luộc hột vịt đem đi bán. Mẹ tôi nói rằng không còn nghề nào khác, nếu không tiếp tục bán hột vịt, thì cả hai mẹ con sẽ không có gì để sống. Mẹ cũng thường nói với tôi rằng, mẹ sẽ cố dành dụm ít tiền để tìm một nghề khác để sinh sống đỡ khổ hơn, thánh thiện hơn. Mẹ muốn tôi được ăn học đàng hoàng, và có cuộc sống không tăm tối như hiện giờ…
Ước mơ của mẹ về một cuộc sống tốt đẹp vừa mới manh nha, thì một đêm, cơn mưa to đã đánh sập căn chòi nhỏ của mẹ con tôi. Mẹ đi bán, còn tôi ướt sũng giữa mênh mông mồ mả. Sợ ma và lạnh, tôi ngất đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy mới biết mình được cứu sống bởi một cư dân tốt bụng. Và, họ không thể tốt hơn nữa, nên đã trả lại tôi về căn chòi đổ nát. Họa vô đơn chí - sau đó, tôi hay tin mẹ chết thảm bởi chiếc xe tải chạy ẩu đang đêm. Đất trời như sụp đổ, tôi đau đớn kêu gào gọi mẹ, nhưng mọi thứ đều vô vọng. Mẹ tôi không bao giờ về với tôi nữa. Vĩnh viễn không bao giờ nữa...
Thế là, tôi lang thang đầu đường xó chợ. Nguy hiểm, bấp bênh, cheo leo, đói lạnh… đó là sự thường nhật của tôi trong thân phận một thằng bé mồ côi không nơi nương tựa. Tận cùng, nhưng tôi cố gắng còn một điều không để mất: Lòng trong sạch! Những chuỗi ngày đó, tôi không còn tương lai và ngày tháng nữa. Ngày tháng là của thế giới tương quan, cái thế giới của những ma chiết hằng ngày, thế giới của những triền phược. Cái thế giới đó, đối với tôi, đang mờ dần vào một khoảng tương lai xám đen hư ảo…
Lâu dần rồi cũng chuyển, đó là những giây phút bất chợt trong đêm đen, khi cái thân đen nhẻm còm cõi, cái bụng lép kẹp của tôi đồng tấu lên nhiều giai khúc: Khúc nhạc lòng là tiếng muỗi, điệp khúc đời là tiếng trầm luân, tiếng nhân loại là tiếng rao đêm khản đặc, tiếng xe cứu thương… sinh - sinh - tử - tử. Tử là sinh! Sinh là tử! Tôi chợt ngộ ra chân lý của cuộc sống: Hạnh phúc là tồn tại giữa khổ đau; là phải tiến về phía trước để bóng tối phải lùi sau… Nhờ một đại nhân duyên, tôi đến được cửa Phật...
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Tiếng các vị Sa di tụng niệm bốn lời thệ nguyện đã đưa tôi về thực tại. Chúng tôi quỳ lạy liên hồi. Quỳ lạy là cái hình thái khiêm tốn cùng cực, hạ mình cùng cực là xóa đi cái ngã mạn to lớn ngoài đời. Nhưng với tôi, ngoài những ý nghĩa ấy, quỳ lạy còn để đáp đền ơn Tam bảo đã giải thoát tôi khỏi bước đường cùng... Bây giờ, tôi đã 17 tuổi.
- Các giới tử, cái y này tiếng Phạn gọi là cà sa. Mặc y này có thể đoạn trừ tham, sân, si... Tôi nay trao y này cho các vị, các vị phải như pháp mà thọ trì.
Giọng trầm trầm của Hòa thượng vừa dứt, mỗi Sa di lần mở chiếc y vàng mới tinh choàng vào người, choàng ra ngoài chiếc áo xám đang mặc. Và dù, gần một trăm con người đang cố gắng thực hiện động tác này thật gọn gàng, trang nghiêm cũng không khỏi cảnh lộn xộn, rộn ràng.
Hòa thượng chủ lễ tiếp tục trao giới tướng:
- Các ông suốt đời không đeo tràng hoa thơm, không xoa ướp dầu thơm vào người, không xem nghe ca múa hát xướng, không ngồi giường cao, không tham chứa vàng bạc....
Mọi giới tướng đối với tôi hầu như đều thừa, vì trong đời, tôi chưa bao giờ biết qua những thứ ấy.
Khi chúng tôi đã tề chỉnh y vàng đứng sát cạnh nhau thì quang cảnh giới trường bỗng sáng rực hẳn lên. Màu vàng rực rỡ, màu của tâm niệm giải thoát, màu của Đông Nam Á tràn đầy ánh nắng và tràn đầy khổ đau. Tôi đã hòa mình vào khối vàng kia rồi. Tôi đã thực sự thành con người khác, không còn đảo điên, không còn mộng tưởng. Tôi đã có nơi nương tựa.
Tiếng chuông trống đổ hồi chấm dứt buổi lễ. Chúng tôi đi hàng một trước sân chùa, đi theo một hành lang dài để về các liêu. Từ một góc hoa viên, đoàn nhã nhạc bốn người mặc áo đen dài luân phiên thổi những điệu kèn thật êm đềm. Đoàn chúng tôi lần lượt đi qua, áo vàng rực rỡ, mắt nhìn xuống đất, chân bước khoan thai. Tiếng kèn thanh thoát, tiếng kèn vang vọng như dẫn dụ gót chân, những gót chân trần trên nền Đạo.
Có lẽ giờ đây ở cõi hư vô, mẹ tôi đã an nhiên tự tại, buông xả vạn duyên mà giải thoát. Bước chân tôi càng lúc càng nhẹ tênh. Nhẹ như đã trút đi tất cả mọi phiền trược ở cõi đời… Ôi! Hạnh phúc! Một hạnh phúc lớn lao trong một tâm hồn giải thoát!
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)