Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Thư gửi em gái... nhân mùa Vu lan này

Đã đọc: 1821           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Với chị, mùa Vu lan năm nay không còn đơn thuần là ngày ghi nhớ công ơn cha mẹ nữa em ạ. Chị mong Vu lan này gia đình mình lại hạnh phúc như xưa, để mái nhà là nơi bình yên mỗi khi chúng ta “chạy về”. Để rằm tháng 7, em và chị cài cho mình bông hồng màu đỏ không chỉ đơn giản ai cũng biết chúng ta may mắn còn đủ cha mẹ hiện hữu trên đời…

Em từng nói rằng, nếu em là mẹ em sẽ rời xa cha – người đã phản bội tình yêu của mẹ. Cách đây hơn một năm, khi mẹ nói mọi chuyện về sự phản bội của cha, chị đã khóc nhiều, nhiều lắm. Chị thương mẹ vô bờ bến, hận cha vô cùng em ạ. Chị và mẹ giấu em, mẹ và chị sợ em cũng khóc, cũng đau đớn và cũng sợ em cảm nhận sự phản bội về niềm tin. Thời gian dần trôi qua – có lẽ chúng ta đủ lớn để hiểu những chuyện không vui có thể xảy ra với một mái ấm gia đình. Chị rời xa quê, một mình dấn thân vào mảnh đất này, để rồi em theo chị vào đây có chị có em, bắt đầu nhập cuộc “đường đời”. Chị biết tới đạo Phật nhờ những lần đi qua ngôi chùa nhỏ, bao lần dừng chân lại vì tiếng tụng kinh đi vào lòng người từ vị thầy trụ trì. Nhân duyên với Phật kể từ những giây phút đó. Có lần, hai chị em ngồi nói chuyện, chị nhớ lại nhiều chuyện, nhớ em cũng như cha mẹ không đồng ý với việc chị đi chùa thời gian rảnh, sợ chị đi vào con đường tu hành. Thế nhưng, chị may mắn được dẫn em vào con đường đạo, để dễ chấp nhận những điều phũ phàng từ cuộc đời, từ chính những người chúng ta yêu thương mang lại, chấp nhận chị tìm đến đạo Phật vì giáo lý tuyệt vời của đức Thế Tôn... Chị và em lấy lòng từ bi và nhân ái để buông bỏ những sầu muộn khi nghe quý thầy khai ân chỉ dạy.

Em thân yêu! Chị em mình đôi khi vẫn buồn phải không? Cha mẹ mình không biết Phật pháp. Thế nên vẫn gây đau khổ và dằn vặt cho nhau. Chúng ta đủ lớn khôn để bước vào đời, nhưng có lẽ vẫn là những đứa trẻ trong mắt cha mẹ nên chẳng đủ sức giúp cha mẹ hiểu đạo. Chị chỉ nghĩ mọi thứ tùy vào nhân duyên. Những lần về quê ít ỏi, chị chỉ nói với mẹ: “Mẹ ơi, con biết bố mẹ vất vả vì hai chị em con nhiều lắm. Con chỉ mong một điều duy nhất thôi “Cha mẹ được bình an và mạnh khỏe”. Những lúc rảnh mẹ nhớ niệm Phật dù ít hay nhiều mẹ nhé!”, chị biết mẹ sẽ không niệm Phật đâu em. Thời gian chị sống nương vào chùa, gần lời kinh tiếng kệ, chị có cơ hội gần Phật, được thầm thì với Ngài những điều thầm kín, chị lạy Phật nhiều, nhiều hơn, mong Ngài gia hộ cho cha mẹ mình và em của chị. Với chị cha mẹ là Phật, lạy Phật như đang lạy cha mẹ vậy, chị muốn tỏ lòng cảm ơn công sinh thành dưỡng dục, một việc nhỏ mà chị biết.

Mùa Vu lan nữa lại về. Quê mình, rằm tháng 7 không được gọi là Ngày Vu lan Báo hiếu, bởi Phật pháp chưa tới. Trong trí nhớ của chị, tháng 7 là tháng cúng cô hồn, cúng kiến người thân đã mất đồ vàng mã. Trong miên man suy nghĩ, chị mới cảm thấy mình may mắn, may mắn vì không bị chìm đắm thêm vào những hủ tục từ xa xưa kia dẫu biết rằng đó là “cái lệ” – mấy năm nay chị biết tụng kinh Vu Lan vào tháng 7, khấn nguyện những điều mà bất cứ đứa con nào cũng mong muốn. Chị cũng không quên cầu siêu cho những người thân của gia đình mình đã mất. Có lẽ Vu lan này em vẫn cài hoa hồng trên ngực như năm trước nhưng em không mỉm cười, nụ cười mà chị thấy đẹp nhất, hình ảnh tuyệt vời về cha trong em đã không còn nguyên vẹn. Chị chẳng khác em vào mùa Vu lan năm ngoái đâu, chị không đủ tự tin rằng mình may mắn, oán hận cha chị không gọi điện về quê, không nói chuyện với cha một thời gian dài, chị khóc thầm vì thương mẹ. Bông hoa hồng trong lòng chị đẫm nước mắt. Ký ức về gia đình hạnh phúc của mình chị lại càng cay đắng, chị nhận ra rằng: “Mẹ sẽ đau hơn chị gấp ngàn lần” – dần dần chị học cách tha thứ cho cha, tha thứ trong tâm, bởi cha chẳng nghĩ là chị biết mọi chuyện. Mẹ kể cho chị bởi chị là chị cả, mẹ cần ai đó chia sẻ, cần biết mẹ mong mỏi sự cố gắng từ chị làm tấm gương cho em. Mẹ không dạy chúng ta lòng oán hận, thù ghét cha. Đó là điều mà chị kính trọng nhất từ mẹ. Chị còn chưa quên em từng nói: “Chúng ta thật hạnh phúc chị nhỉ?! Cha mẹ mình thật vĩ đại” – Phải rồi, mảnh đất miền Trung nghèo khó, cha mẹ oằn lưng chắt chiu nuôi hai chị em vào đại học, chính những điều đó giúp chị em mình vươn lên trước những khó khăn. Chị tự hào được lớn lên như thế, chị không cảm thấy tự ti về xuất thân cơ cực, ngược lại chị luôn mỉm cười khi nghĩ về quê hương, về gia đình mình. Ngày hôm qua, mẹ điện thoại cho chị nói cha ra Hà Nội làm thuê để lo tiền học phí cho mấy chị em khi năm học mới không còn bao lâu, lòng chị khựng lại, chị lại khóc. Chị biết rằng cha đã về bên chúng ta. Hạnh phúc và lo lắng đan xen trong chị. Vì chị, vì em mà cha mẹ vất vả quá! Chị cứ tưởng chị gắng học tốt, không chơi bời, không a dua theo bạn bè, không đòi hỏi nhiều thứ là thương cha mẹ lắm rồi. Sức khỏe của chị không tốt, cha mẹ không muốn chị đi làm thêm sợ đổ bệnh, nghe mẹ nói chị muốn lao ra đường để chạy tới chân trời nào đó thật xa, thật xa để những giấc ngủ không còn thao thức, không phải nhớ mồ hôi đang đẫm lưng cha, không phải đặt câu hỏi: “giờ này cha đã ngủ chưa hay vẫn làm việc?”. Em vẫn còn hồn nhiên để yêu ghét rõ ràng trước mọi việc trong cuộc sống, với chị nếu lấy yêu và ghét ra so sánh thì “tình yêu dành cho cha nhiều hơn trước” – lỗi lầm của cha giống như sự thử thách cho tất cả thành viên trong gia đình mình vậy. Chúng ta đều là những kẻ thua cuộc nếu lấy lý lẽ đúng sai mà tranh đấu cốt giành lấy “công bằng” chẳng khác nào đi tuyên chiến với tình thương yêu, em cũng biết mà: Tình thương yêu không bao giờ đổ ngã trước lòng thù hận và căm tức; để rồi sau tất cả mọi người bước đi bên nhau, thấy cần nhau hơn, trân trọng nhau hơn sau sóng gió. Chị không tin hạnh phúc tuyệt đối và may mắn hoàn toàn với ai đó trong cuộc sống nhưng chị tin tưởng tuyệt đối hạnh phúc luôn đáp trả những ai đi kiếm tìm nó bằng lòng bao dung và sự chân thành. Mỗi người trong chúng ta, trong chị, trong em và trong khắp người người trên cõi Ta bà này, ai cũng có cho riêng mình về kho tàng ấm áp, trù phú về cha mẹ mình, chị em mình cũng thế. Kể mãi không hết, kể không ngừng nghỉ cũng không có một không gian, thời gian nào đủ để nói về đức hy sinh của đấng sinh thành. Chị chỉ mong thời gian chạy chậm lại để chị được cài “hoa hồng” cho mình thật nhiều lần mỗi mùa Vu lan về - Bông hoa hồng màu đỏ mỉm cười trong trái tim chị.

Ngày Vu lan không còn xa nữa, chị không muốn đem sức thuyết phục, cái quyền làm chị để mong em gái xóa nhòa nỗi buồn về cha. Bởi chị tin em gái của chị thông minh, từ ái để chị lại lần nữa thấy em cười khi cài cho mình bông hoa màu đỏ.

Trong bình yên tĩnh lặng đêm nay, chị lại niệm thầm đoạn kinh Vu Lan mà chị không cầm được nước mắt mỗi lần tụng:

Ơn cha nghĩa mẹ phải tin.

Mười tháng trường chu đáu mọi bề.

Thứ hai sanh đẻ gớm ghê,

Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần.

Điều thứ ba, thâm ân nuôi dưỡng,

Cực đến đâu, bền vững chẳng lay

Thứ tư ăn đắng nuốt cay,

Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con.

Thứ sáu sú nước nhai cơm

Miễn con no ấm chẳng nhờm, chẳng ghê.

Điều thứ bảy không chê ô uế

Giặt đồ dơ của trẻ không phiền

Thứ tám chẳng nỡ chia riêng   

Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo

Điều thứ chín miễn con sung sướng

Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam

Tính sao có lợi thì làm

Chẳng màng tội lỗi, bị giam bị cầm

Điều thứ mười chẳng ham trau chuốt

Dành cho con các cuộc thanh nhàn

Thương con như ngọc như vàng

Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái Sơn…

Năm nay chị vẫn chép kinh Vu Lan vào cuốn vở nhỏ như năm ngoái để luôn ghi tạc trong lòng lời Phật dạy công ơn cha mẹ. Em ghi cùng chị nhé!?

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)