Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Tiết kiệm theo tinh thần Bụt dạy

Đã đọc: 2947           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đến thời điểm này, theo tôi được biết, có ít nhất là 5 tờ báo đã và đang mở diễn đàn về tiết kiệm như một cách xốc dậy trong mọi người tinh thần và hành động tiết kiệm. Nhất là trong thời buổi “gạo châu củi quế”, giá cả tăng vù vù mà lương lậu thì cứ nằm ì một chỗ…

Phải nói rằng, tiết kiệm ai cũng cần, nếu không thì sẽ tổn phước. Hao tổn phước (hữu lậu) của mình là một chuyện, còn chuyện khác, khi chúng ta không tiết kiệm thì cũng là biểu hiện của tham dục, con đường của vô minh, đọa lạc…

Kiệm, tiêu chí làm người

Bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính đã trở thành kim chỉ nam, là tiêu chí cho những người thời phong kiến là “quan phụ mẫu”, còn thời nay là “công bộc nhân dân”. Nói cho hoa mỹ thế để chỉ những người có phước làm trong các bộ máy nhà nước, các cơ quan công quyền. Tiết kiệm được kêu gọi như một cách rèn luyện để trở thành một cán bộ “hồng”, tức là có đạo đức. Nếu không tiết kiệm thì vị cán bộ ấy sẽ hoang phí, trở thành “con mọt” đục khoét quốc khố, vốn là tiền thuế do nhân dân đóng góp.

Xã hội càng văn minh thì việc tuyên chiến với tham nhũng càng trở nên gay gắt và thành mục tiêu cụ thể trong việc bảo vệ đất nước, yên lòng nhân dân. Nhà nước mà quan chức tham nhũng, lũng đoạn cả hệ thống thì sớm muộn gì cũng bị nhân dân quay mặt, không ủng hộ. Việc lấy dân làm gốc vốn là tư tưởng từ xưa đến nay, được các nhà lãnh đạo đưa ra như kinh nghiệm để bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, đôi khi giữa lý thuyết và vận hành lý thuyết lấy dân làm gốc ấy vào đời sống chính trị, xã hội thì đôi chỗ có sự khập khiễng. Vì thế, có thời một vị lãnh đạo cấp cao của đất nước ta đã đề ra chuyên mục Nói và Làm trên báo, đến nay, cụm từ ấy vẫn còn giá trị và trở thành chuyên mục dành cho lãnh đạo TP.HCM tương tác với nhân dân trong mọi vấn đề dân sinh, dân chủ trên Đài Truyền hình TP.

Nền tảng cơ bản là vậy, ước mong của người dân cũng chỉ là việc người đại diện cho mình là một người có đầy đủ phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính… Nhưng, đôi khi trong những cuộc vận động bầu cử thì ứng cử viên sẵn sàng hứa hẹn, đến lúc đắc cử thì lại không giữ vững được những tư cách ấy. Điều đó đã chứng minh từ thực tế cuộc sống khi có rất nhiều cán bộ đã “dính chấu” bởi những vụ “ăn” đất, đút lót, thiếu đạo đức, sử dụng tiền công quỹ bừa bãi, thâm hụt...

Vấn đề xe công cũng là vấn đề nhức nhối mà cách đây chừng 5-6 năm báo chí vào cuộc và tìm ra hàng loạt vụ phung phí tiền cho xe công. Ông trưởng có xe thì ông phó cũng có, ngay cả một số vị trí không được phép có xe công vẫn mua xe, mua để đi công vụ thì ít mà đi tư vụ thì nhiều.

Bài học tiết kiệm và sống xứng đáng với vai trò của mình đã không được người cán bộ chấp hành một cách nghiêm chỉnh hoặc chỉ làm theo phong trào, hô hào cho có. Hiếm thấy có trường hợp lãnh đạo ở nước ta đi làm bằng xe buýt hoặc xe đạp như một số trường hợp ở nước ngoài. Thử hỏi, “công bộc nhân dân” mà xài sang, xài phung phí thì làm sao kêu gọi người dân tiết kiệm cho được?

Học Phật để tiết kiệm

Phật dạy “thiểu dục, tri túc” (ít muốn, biết đủ) là điều kiện để có hạnh phúc. Đấy chính là “thần chú” để nhắc nhở người con Phật diệt trừ tâm tham lam. Nếu còn tham thì không thể ít muốn được, còn tham thì không bao giờ biết đủ. Tâm tham lam, một trong ba món độc (tham-sân-si) là chướng ngại cho sự giác ngộ trong đời sống tâm linh, cơ bản làm cho con người đánh mất tuệ giác và lòng từ bi. Vì muốn thỏa mãn nhu cầu hoặc muốn khoe mẻ sự giàu có của mình mà con người sẵn sàng tiêu xài như nước, mua hàng hiệu, se sua hàng hóa đắc tiền, đi ăn uống chỗ sang trọng…

Nếu chúng ta biết đủ, quán chiếu rằng trên thế giới vẫn còn hàng triệu, hàng tỉ người thiếu ăn và chết đói thì không ai nở mua một cái túi hàng ngàn đô la Mỹ, đi xe hơi cả triệu đô la… Nếu hiểu rằng sự giàu có của mình là do phước bố thí, cúng dường… mà mình đã tạo từ nhiều đời trước thì không ai nỡ xài sang, “rút ruột” kho phước mà mình gieo trồng (vốn có hạn). Những nhận diện ấy chỉ có thể có được khi học hỏi giáo lý của Đức Thế Tôn, giáo lý nhân quả, giáo lý dạy mình thực tập từ bi và trí tuệ.

Học Phật là học những giá trị như thế, để không phải “tiền của tôi, tôi muốn làm gì thì làm”. Đừng nghĩ mọi cái thường còn mà hoang phí, cả tuổi trẻ lẫn vật chất. Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc… mỗi thứ đều mang lại những giá trị nhất định cho mình và cộng đồng. Khoa học cũng chứng minh được rằng nguồn năng lượng nếu xài hoang phí sẽ cạn kiệt, có những năng lượng nếu không biết tiết kiệm thì sẽ làm môi trường bị ảnh hưởng do quá trình sản xuất ra chúng, người ta đã thải ra môi trường nhiều độc tố.

Đất mẹ đang kêu cứu, nhân loại đối mặt với khá nhiều thảm hoạ, mới đây nhất là vụ nổ nhà máy hạt nhân ở Nhật (do động đất, sóng thần ngày 11-3) có nguy cơ ảnh hưởng đến cộng đồng thế giới. Bài học về vô thường ngay trước mắt mình đó nhưng nhiều người lại nghĩ tiêu cực rằng: Trước sau gì cũng chết, nên cứ xài cho đã. Đó là tà tâm, nó sẽ tàn hại thân tâm người nào sử dụng nó làm quan niệm sống để hành xử với cuộc đời. Học Phật ta sẽ hiểu, phước mà mình tạo dựng cho mình giàu, đẹp… rồi cũng sẽ cạn, nếu mình không biết vun bồi. Xa hơn là kiến tạo phước vô lậu để có được sự giải thoát.

Đến lúc này, chúng ta phải hiểu rõ ràng, câu chuyện kêu gọi tiết kiệm là một câu chuyện dài, phải đánh động sâu vào ý thức con người. Phải cho họ thấy được mọi thứ trong cuộc đời không có gì là vô tận, mãi mãi. Tuổi trẻ, tiền bạc, tài nguyên… đều sẽ hết theo quy luật sanh-trụ-dị-diệt, nếu chúng ta không biết trân quý nó, không biết tiết chế ham muốn thì sẽ trở nên nghèo nàn cả vật chất lẫn tâm hồn…

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)