Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Hạnh phúc với mảnh tình riêng

Đã đọc: 2042           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

29 tuổi anh Điểu Uyên Phương tự nhận mình “chưa có mảnh tình vắt vai” nhưng trong quan hệ với con người thì anh gieo rắc hạt giống yêu thương đến nhiều người. “Mảnh tình” của anh chính là sự sẻ chia với những khó khổ của những người nghèo, những mảnh đời còn cơ cực bằng những chuyến từ thiện vùng sâu, vùng xa…

Ăm ắp tình người

Thành lập nhóm Từ thiện Bước chân yêu thương từ năm 2008, do yêu cầu của công việc tăng lên nên phải lập nhóm, nhưng trước đó Điểu Uyên Phương đã tham gia rất nhiều chương trình. Anh cảm nhận cuộc sống qua lăng kính tuổi thơ: “Tôi vẫn nhớ những ngày cơ cực của mình hồi bé, vào đời sớm với chỉ có 150.000 đồng…”. Chàng thanh niên ốm tong teo vì thiếu ăn bước lên Sài Gòn lập nghiệp bằng con đường vừa học vừa làm của hơn 10 năm trước đến nay từ hình dáng đến suy nghĩ đã có nhiều thay đổi như lúc trước hay buồn, nay đã lạc quan hơn; lúc trước nhìn đời luôn ảm đạm thì nay đã… xanh hơn.

Đó là nhờ “tôi tiếp xúc với nhiều người nghèo khổ, bệnh tật và phát hiện ra rằng vẫn có nhiều người rất nghèo mà mình có thể chia sẻ được”. Thế là phấn đấu vừa học, vừa làm, trưởng thành mỗi ngày, ra trường kiếm được một chỗ làm tương đối ổn định Điểu Uyên Phương đã nghĩ ngay đến chuyện giúp cho người nghèo, người bệnh bớt khổ. Bắt đầu bằng việc đi thăm, chăm sóc, gội đầu, cắt móng tay cho bệnh nhân tâm thần và trẻ bại liệt. Sau đó anh Phương đã lên chương trình, đi đến tận những vùng xa Sài Gòn như Bình Định, Bình Thuận, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Từ khi thành lập nhóm Bước chân yêu thương, giữ cương vị trưởng nhóm đến giờ Điểu Uyên Phương càng bận hơn, nhưng cũng là thời gian “tôi cảm thấy mình sống có ý nghĩa nhất”, anh bảo thế.

Tháp tùng cùng vài chuyến từ thiện do Bước chân yêu thương tổ chức mới thấy hết cái cảm nhận hạnh phúc mà anh Phương chia sẻ. Như chuyến đi Đồng Tháp trong chương trình “Chia sẻ đến trường năm 2009” mà anh và các bạn tình nguyện viên tổ chức tại Đồng Tháp chẳng hạn. Với chương trình ấy, anh lọ mọ viết chương trình, lên kế hoạch và vận động tài trợ, tất cả đều là làm “bán thời gian” trong buổi tối, ròng rã hai tháng trời mới đủ số vở và phần thưởng trị giá trên 50 triệu đồng để về Cao Lãnh trao cho học trò. Không chỉ cho học trò mà thường những chương trình do Điểu Uyên Phương tổ chức luôn đi kèm cả người nghèo. Đi bộ gần 10km, anh cùng các bạn vác những bao gạo đi trao tận tay cho họ. “Nhìn họ vui bạn thấy thế nào? Riêng tôi thấy hạnh phúc lắm. Hai tháng dồn lại một ngày như thế, mệt nhưng vui phải không?”, đó là chia sẻ của anh cuối chương trình, trên chuyến xe lắc lư về vội trong đêm của cả nhóm hơn 45 người, ai cũng vỗ tay, cảm ơn anh đã làm chương trình ý nghĩa.

Đặc biệt, trong chương trình “Chia sẻ đến trường 2010” anh Phương và nhóm Bước chân yêu thương đã mang trên 600 phần quà và học bổng trị giá trên 100 triệu đồng chia sẻ với học trò nghèo ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Định…

Ngôn ngữ của trái tim

Nói là chưa có mảnh tình vắt vai nhưng thực ra anh đã từng yêu, và cũng đã chia tay. “Buồn đấy nhưng… chắc chưa có duyên”, anh lý giải đơn giản như vậy. Quan niệm về mọi thứ đều bắt nguồn từ chữ duyên, anh nhẹ nhàng bảo: “Ví dụ như chuyện từ thiện cũng vậy, nhiều người muốn làm nhưng đâu có làm được, không bị cản bởi cái này cũng bị cản bởi cái kia”. Và cũng từ khi hình thành quan niệm ấy cũng là lúc Điểu Uyên Phương ngộ ra rằng: “Duyên của tôi là… làm từ thiện”. Không mảy may suy nghĩ nhiều, anh bảo “Nhiều người cho rằng độc thân là… không tốt, nhưng tôi thấy tốt hay xấu vốn do mình suy nghĩ. Và cái quan trọng là mình sống có ích chứ đâu phải được đánh dấu bằng những việc có người yêu, lập gia đình gia đình hay không đâu”.

Hơi cuồng trong cách lý sự mỗi khi có người truy về chuyện “đơn thân độc mã” của mình, song với sự thắc mắc nào thì mẫu số chung cho lựa chọn độc thân của Điểu Uyên Phương vẫn là “Tôi chưa bao giờ thấy cô đơn, vì đó là lựa chọn của tôi, hơn nữa bên cạnh tôi còn rất nhiều… người nghèo”.

Người nghèo chính là thôi thúc để anh làm việc, thật chuyên cần và luôn đứng vững trước mọi khó khăn. Bên cạnh đó còn là những bạn sinh viên ở cùng nhà trọ với mình. Căn nhà trọ do anh thuê nguyên căn ở trong con hẻm 67 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM là nơi bao dung 10 bạn, hầu hết là sinh viên. Hàng tháng các bạn vẫn được anh giúp đỡ bằng cách cho khất tiền nhà, hoặc những ngày thiếu thốn quá thì anh giống như “ngân hàng” trợ giúp cho “vay không lấy lãi”. Sinh viên nghèo ở quê gặp anh chủ trẻ, tốt bụng ấy giống như gặp chiếc phao cứu sinh ngay giữa lòng Sài Gòn. Bạn Trần Minh Quân, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: “Hồi ở quê em cứ nghĩ là Sài Gòn ai biết chuyện người nấy, nhưng lên thành phố gặp những người như anh Phương đã làm em thay đổi ý nghĩ, tự dưng cũng thấy yêu đời hơn”. Tất cả các bạn ở trong nhà trọ của anh cũng đều có chung suy nghĩ ấy về anh – một người anh khả kính đã cho họ nhiều bài học như vượt khó, mở lòng chia sẻ…

Lại nói về tình yêu, triết lý: “Có ai sống nỗi mà không yêu” của Xuân Diệu được Điểu Uyên Phương mở rộng thành “tình thương dành cho số đông”. Tôi chưa đi tu, nhưng tôi thích việc làm của những người tu bởi họ biết yêu thương số đông và hướng tới tình yêu vô điều kiện. Anh đang hướng đến điều đó, đau đáu một tình yêu mà anh bảo: “Cứ sau mỗi chuyến đi về tôi lại thấy thiếu, vì ngoài nơi mình đến vẫn còn nhiều, quá nhiều nơi tương tựa mà mình chưa đến được. Do vậy có thể công việc này sẽ gắn với tôi rất lâu nữa”. Mà đã làm “chuyện bao đồng”, “vác tù và” thế này mà yêu đương, có gia đình làm sao mà làm? Hỏi và tự trả lời: “Vậy đó, nên mọi người đừng hỏi tại sao tôi không lập gia đình đi, sắp 30 rồi còn gì. Đôi lúc phải hy sinh một cái gì đó riêng tư để làm những cái có giá trị cho cuộc sống một chút, phải không?”. Và nói như anh: từ thiện là cái duyên của Điểu Uyên Phương rồi, giờ cứ thế mà đi tiếp thôi, không dừng lại được, dừng lại là thấy thiếu, thấy vô nghĩa…

“Bạn biết không, cứ mỗi lần đi từ thiện về trong tôi lại nhiều cảm xúc lắm. Hơi buồn một chút, vì đâu đó trên quê hương mình vẫn còn nghèo. Nhưng cũng vui vì có nhiều bạn trẻ cũng đã chịu dừng những cuộc chơi, nhín nhường một ít tiền để làm từ thiện… Điều đó minh chứng rằng: không phải tất cả các bạn trẻ đều hời hợt, vô cảm. Tôi vui còn vì một lẽ khác là ít ra, với vai trò của mình tôi đã thắp được những ngọn lửa yêu thương cuộc sống, con người và ý niệm sẻ chia đến các bạn trẻ. Nghĩ đến chừng đó thôi cũng đủ thấy mãn nguyện rồi. Thế thì có cần phải đèo bồng nữa không?

Điểu Uyên Phương

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (2 đã gửi)

avatar
nguyen truong bich ngoc 23/06/2011 21:04:03
e cũng rất thích đi làm từ thiện như anh phương, nếu có duyên, e cũng ước làm được điều gì đó cho mọi người, anh rất may mắn vì đã thực hiện được ước mơ đó.e nghĩ đây k chỉ là mơ ước của riêng e ma còn là mong ước chung của rất nhiều người, chúc anh luôn khỏe để có thể đem niềm vui đến cho nhiều người nữa nha,
avatar
19/08/2011 01:43:23
Cảm ơn bạn. Phương đã nuôi dưỡng tâm nguyện ấy từng ngày, Phương cũng không quên nghĩ đến nó mỗi ngày. Mong sao có thật nhiều người cùng mang tâm nguyện thiện lành này đi khắp nơi, Hạnh lành ấy được gọi là hóa thân của phật và bồ tát. Nguyện cho tất cả muôn loài thoát khổi biển trần lao. ADiDaPhat.
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)