Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Đi tìm hoa Linh thoại

Đã đọc: 6641           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đi tìm hoa Linh thoại! Một ngày trễ nãi những lo toan, thất hứa với bao bộn bề lôi kéo bởi kiếm tìm ước vọng, bỏ hết lại sau lưng, ta đi trên con đường đầy rêu cỏ dẫn đến mái chùa cổ xưa ngập tràn hoa nắng...

Hoa Linh thoại, một loài hoa linh thiêng mầu nhiệm, rất khó tìm và rất khó gặp vì “Ba nghìn năm mới trổ hoa một lần”. Sự kiện hoa Linh thoại nở cũng mầu nhiệm như sự xuất hiện của ba ngôi Tam bảo và cũng hi hữu như việc ta được gặp giáo pháp của đức Thế Tôn. Hoa Linh thoại là một thực thể sinh động tồn tại trong cuộc đời hay chỉ là đóa hoa thiêng mầu nhiệm của những truyền thuyết xa xưa chỉ được kể trong kinh điển? Ta chưa có cơ hội được nhìn thấy hoa Linh thoại và có lẽ hiếm ai có cơ hội được nhìn thấy loài linh hoa này. Hoa Linh thoại trong tâm tưởng của mỗi người con Phật có một vị trí thiêng liêng, trang trọng, đẹp vô cùng và hương thơm tỏa ra vi diệu. Sự có mặt của hoa Linh thoại cũng chính là sự có mặt của đức Thế Tôn! Hoa Linh thoại trở thành sứ giả báo hiệu sự xuất hiện của Như Lai tự ngàn đời…

Có những điều không thể tìm được trong thực tại nhưng dưới cảm quan và trí tưởng tượng, những điều không thể ấy trở thành biểu tượng của thi ca và người ta cố quên đi những điều ấy là một sáng tạo phẩm của trí tưởng tượng để cố tin là có thật và gắng sức đi tìm. Lá diêu bông là một điều không thực như thế nhưng có người cũng muốn đi tìm lá diêu bông! Vì những niềm riêng cơ hồ không định đoạt được hay để cho nhưng ước muốn sâu thẳm, dịu dàng có cơ hội được vỗ về và chắp cánh bay bổng theo những giấc mơ?

Ta không tìm lá diêu bông nhưng ta muốn đi tìm hoa Linh thoại. Ước muốn được một lần chạm mắt vào đóa linh hoa vì một điều giản đơn, để ngắm nhìn dung nhan hình hài của Bụt, người mà chúng ta trọn đời quy y kính ngưỡng. Nhưng tìm hoa Linh thoại ở đâu? Tìm trên những mỏm đá cheo leo trên đỉnh Hymalaya ngàn năm chập chờn núi tuyết hay tìm hoa Linh thoại trong đồi cát trắng trong những xóm dân cư trú bên hai bờ lưu vực sông Hằng hay trong những cụm rừng Kim Tước cổ kính im lìm tọa thiền nghìn năm an nhiên, tự tại? Đóa hoa Linh thoại đầu tiên nở cách đây 2630 năm và cũng có lẽ đóa linh hoa đó không còn sức sống vì quá đau buồn khi đưa tiễn đức Thế Tôn nhập diệt. Hoa Linh thoại giờ chỉ còn trong thi ca và kinh điển, trong những ước mơ chưa đạt thành nhưng cứ ấp ủ triền miên vì ta tin gặp linh hoa là thấy Bụt. Hoa Linh thoại có còn đó cho ta? Bụt có còn đó cho ta?

Đi tìm hoa Linh thoại! Một ngày trễ nãi những lo toan, thất hứa với bao bộn bề lôi kéo bởi kiếm tìm ước vọng, bỏ hết lại sau lưng, ta đi trên con đường đầy rêu cỏ dẫn đến mái chùa cổ xưa ngập tràn hoa nắng, ta dừng lại bên vệ đường, một cụm hoa dại vàng li ti mong manh nhìn ta cười thật hiền lành khiến ta phải ngồi lại. Đóa hoa dại bé nhỏ không biết mặt đặt tên, không kiêu kỳ lộng lẫy, không hương thơm ngào ngạt bay xa đến ba ngàn thế giới Hoa Nghiêm. Nhưng khi ta nhìn đóa hoa dại thật kỹ, thật lâu, ta mỉm cười lại với đóa hoa bé nhỏ, thoáng một chút tỉnh thức trở về, ta giật mình cúi đầu với đóa hoa bé vàng dại. Đây là đóa hoa Linh thoại của ta, đóa hoa trong tâm thức ngủ quên giờ thức giấc trở về trong đóa không tên.

Hoa Linh thoại có thể bất cứ là loài hoa nào trên thế gian, linh hoa có thể ở bên cạnh ta nhưng ta sẽ thể nào thấy được. Ta còn rong ruổi tìm cầu, ta dáo dác kiếm tìm những hình bóng xa xôi để chụp bắt những hư vô đầy mộng mị… Ngay cả ý niệm đi tìm hoa Linh thoại cũng đã khiến ta không thể thấy hoa Linh thoại được rồi! Hoa Linh thoại cũng vậy và đi tìm Thế Tôn, đi tìm sự giải thoát cũng vậy. Tất cả chỉ là một ý niệm không thực ngăn trở ta có cơ hội được gần Bụt, được gặp đóa linh hoa. Nếu nhìn sâu ta sẽ thấy Bụt có mặt ngay trong ta trong từng phút giây hiện tại. Khi ta bước đi trong chánh niệm và thở nhẹ và sâu, nở nụ cười thật tỉnh thức và đầy tình thương, ngay giây phút ấy Bụt có mặt và hoa Linh thoại cũng có mặt cho ta. Bụt và linh hoa là một và ta cũng là một với Bụt và linh hoa. Chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức vốn là không hai. Ta và Bụt là bất nhị! Trong ta có Bụt tự muôn đời!

Bỏ hết những lo toan, vọng cầu, vương vấn, thở và cười với những gì đang có mặt trong phút giây hiện tại để có đôi mắt sáng hơn, để cho lòng bình an hơn mà thấy Phật cho thật rõ ràng, mà ngắm linh hoa cho thật trọn vẹn!

Hoa Linh thoại vẫn còn đó, Bụt vẫn còn đó, và ta có biết trở về thôi hết những ngày tháng tha phương?

 (1) Hoa Linh thoại (hoa Ưu đàm): Linh thoại là một loại cây có hoa nhưng là loại cây thiêng (linh thọ). Theo Bụt giáo, hoa Linh thoại nở là một điềm lành. Ưu đàm, Phạn ngữ Udumbara, Hán ngữ phiên âm thành Ưu đàm ba la, Ưu đàm bà la, Ô đàm bạt la, Ô đàm bát la, Uất đàm v.v… Hoa Linh thoại có tên Linh thoại bát hoa hay Ưu bát hoa gọi tắt là Đàm hoa, dịch nghĩa là Linh thụy hoa, Thụy ứng hoa, Không khởi hoa. Theo Từ điển Phật học Hán Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, thì: “Cây Linh thoại (Ưu đàm) không thuộc loại hoa quả, mọc ở các nơi như núi Hymalaya, cao nguyên Đê-can và nước Xây-lan v.v… Thân cây cao hơn một trượng, lá có hai thứ: Một thứ phẳng trơn, một thứ thô nhám, cả hai thứ đều dài khoảng 4,5 tấc nhọn đầu. Hoa lưỡng tính rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa, nên thường nhầm là loại cây không hoa. Hoa xếp như nắm tay hoặc như ngón tay cái, thành chùm hơn chục đóa, ăn được nhưng vị không ngon”. Sách Huyền lâm ứng nghĩa, quyển 21 mô tả về Linh thoại “Lá cây hoa này tựa như lá cây lê, quả to bằng nắm tay, vị ngọt, có hoa nhưng ít xuất hiện, khó trồng”. Đặc biệt, hoa Linh thoại có mùi thơm xông khắp vô lượng thế giới (Vô Lượng Thọ kinh). (theo http://www. http://thienviennguyenthuy.wordpress.com)

 (2) Thái Kim Lan. “Đức Phật đản sanh 2630 năm”, http://www. http://daitangkinhvietnam.org (downloaded at Jan, 2011)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)