Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Bồ đề đạo tràng (Bodhgaya)

Đã đọc: 3309           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đoàn chúng tôi có ghé thăm ngôi làng tên là Su Già Ta (Sujāta), cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 5km. Tại nơi này có ngôi trường làng dành cho học sinh nghèo cũng tên là Su Già Ta thuộc đạo Hindu. Bên cạnh trường học có ngôi mộ cổ bằng gạch nung rất lớn, đường kính khoảng 20m, cao khoảng 10m, được rào bảo vệ xung quanh, hình dáng giống như tháp Trà tỳ của Phật, được các nhà khảo cổ khai quật vào năm 2002...

4. Bảy nơi đức Phật ngự sau khi thành đạo

Xung quanh khu đại tháp có những tấm bảng xác định vị trí bảy nơi mà đức Phật đã ngồi để suy tưởng chánh pháp và chuẩn bị cho con đường hoằng pháp của mình.

Tuần đầu tiên sau khi giác ngộ, Ngài vẫn ngồi yên tịnh, tại vị trí cũ để thọ hưởng sự tịch tịnh, giải thoát mà Ngài đã khổ công tìm kiếm, chút nữa là phải bỏ mình để trả giá cho cuộc tìm cầu chân lý vĩ đại này.

Tuần thứ hai Ngài rời khỏi cội Bồ-đề, di chuyển đến hướng Đông Bắc, cách cội Bồ-đề không xa để ngắm nhìn lại nó suốt cả tuần không hề chớp mắt, nhằm tỏ lòng tri ân cội cây này đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian qua.

Tuần thứ ba, Ngài thiền hành tại dãy Chankramenar, dọc theo hành lang phía Bắc của đại tháp. Trên hành lang này có khối đá dài khắc biểu tượng hoa sen, chính là những đóa hoa kỳ diệu hiện ra đỡ chân đức Phật khi Ngài kinh hành lui tới trong phạm vi này.

Tuần thứ tư, tại đền Ratnagraha, Đức Phật đã ngồi thiền để suy tưởng về những pháp cao thượng. Lúc đó toàn thân Ngài phóng ra những luồng hào quang năm màu rực rỡ: Xanh, vàng, đỏ, trắng, cam. Từ sự kiện đặc biệt này, ông Henry Steel Olcott đã lấy năm màu này phối hợp cho lá cờ Phật giáo, trở thành màu đặc trưng tiêu biểu cho lá cờ Phật giáo quốc tế.

Sau đó đức Phật đã đến ngồi dưới tàng cây Nigrodha, vào tuần lễ thứ năm. Ngày nay vị trí này đối diện với đại tháp gần cổng ra vào. Trong lúc đang ngồi thiền định có vị Bà-la-môn đến hỏi Phật: “Này Tôn giả Cồ Đàm, làm thế nào để trở thành Phạm thiên và những điều kiện nào để trở thành Phạm Thiên?”. Đức Phật đáp: “Này Bà-la-môn, người nào đã xa lánh mọi điều xấu xa, tội lỗi, không còn ngã mạn, đã thanh lọc mọi ô nhiễm, thu thúc lục căn, thông suốt các pháp học, sống đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy được coi là Phạm Thiên. Đối với người ấy không còn có sự bồng bột, dầu vẫn đang ở bất cứ nơi nào trên thế gian”.

Vào tuần thứ sáu, đức Phật ngồi thiền tại bờ hồ Mucalinda thuộc hướng Nam của đại tháp. Lúc ấy mưa to sấm chớp nổi lên, rồng chúa Mucalinda hiện ra, lấy thân mình quấn xung quanh thân Phật và dùng đầu làm tàng lọng che cho Phật khỏi bị mưa gió làm ướt.

Tuần thứ bảy, đức Phật ngồi thiền định dưới cội cây Rajayatana. Lúc đó có hai vị thương gia Tapussa và Bhallika người Miến Điện đi ngang qua thấy đức tướng trang nghiêm của Phật, hai vị này khởi tâm cung kính nên dâng bánh bột gạo và mật cúng dường Ngài. Đức Phật đã ban tặng cho hai vị thí chủ này những lời cầu chúc an lành cùng với nhúm tóc của Ngài để làm kỷ niệm. Hai vị này được xem là hai vị cư sĩ đầu tiên cúng dường đức Phật sau ngày thành đạo.

Sau tuần thất thứ bảy này đức Thế Tôn tư duy về pháp mà Ngài vừa chứng ngộ, đồng thời quan sát căn tánh chúng sinh để chuẩn bị cho cuộc chuyển bánh xe chánh pháp, vì lợi lạc cho chư thiên và loài người.

5. Sông Ni Liên Thiền (Niranjara)

Cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 200m về hướng Đông có con sông cạn chạy dài dọc theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, hiện nay được người dân địa phương gọi là sông Lilajan, tức là sông Ni Liên Thiền (Niranjara) ngày xưa, nơi có vài sự kiện trọng đại liên quan đến cuộc đời của đức Thế Tôn được diễn ra trước khi Ngài đắc đạo. Trải qua sáu năm khổ hạnh tại rừng Uruvela, thân thể đã kiệt quệ, chỉ còn da bọc xương nhưng Ngài vẫn chưa nhận ra được đạo giải thoát. Đức Phật đã diễn tả lại cảm giác của mình và cả sự nghi ngờ lẫn nỗi niềm thất vọng trong đường lối tu khổ hạnh được nhắc đến trong kinh Trung Bộ: “Bất cứ Sa-môn, Bà-la-môn nào từng có những cảm thọ đau đớn, khốc liệt, khủng khiếp cũng không thể vượt qua khổ thọ này của Ta. Tuy thế, với khổ hạnh vô cùng khắc nghiệt này, Ta vẫn không đạt được tối thượng cứu cánh của nỗ lực trượng phu, đó là tri kiến thù thắng, trí tuệ của bậc Thánh. Vậy có thể có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ hay chăng!?”

Sau khi sức cùng lực kiệt, không còn có thể đứng vững hay dời bước chân của mình được nữa, Ngài được nàng Sujāta dâng bát cháo sữa cúng dường rất kịp lúc. Sau khi dùng bát cháo sữa xong, cảm thấy cơ thể khỏe mạnh trở lại, Ngài đã nhận ra đạo lộ của bậc Thánh chính là con đường Trung đạo. Ngài đến bờ sông Ni Liên Thiền, ném bát sữa xuống dòng nước với lời khấn nguyện rằng: “Nếu Ta đạt được giác ngộ rốt ráo thì bát này hãy trôi ngược dòng sông”. Quả nhiên, khi bát vừa chạm mặt nước thì nó liền trôi ngược dòng. Lúc ấy Ngài khẳng định rằng con đường mình chọn là đúng đắn và quyết chắc rằng sẽ thành Phật. Ngài bước xuống dòng sông này tắm rửa sạch sẽ và vượt qua bên kia bờ, tìm chỗ hạ thủ công phu theo con đường mà mình vừa nhận ra. Trên đường đến nơi quyết định chọn làm chỗ công phu bằng cả bầu nhiệt huyết cuối cùng, Ngài có nhận bó cỏ Kusa do chàng thanh niên chăn bò dâng cúng để làm tòa ngồi tu dưới cội cây Tất bát la (Pippala), tức linh thọ tại Bồ Đề Đạo Tràng hôm nay. Cũng từ việc nhận bát cháo sữa của nàng Sujāta và tắm rửa, đức Phật đã bị năm người bạn đồng tu khổ hạnh xem thường và họ đã bỏ đi đến vườn Lộc Uyển xứ Ba La Nại tiếp tục con đường khổ hạnh, cách Khổ Hạnh Lâm (Uruvela) khoảng 200 km.

Trước mắt chúng ta dòng sông Ni Liên Thiền không có nhiều nước, lòng sông bằng phẳng, rất nhiều cát và độ sâu khoảng 5 tấc nước từ đáy sông. Vào những mùa khô dòng sông này có những đoạn không còn một chút nước nào. Chúng ta có thể đoán chắc rằng, lòng sông này cạn không phải qua thời gian bị đất cát lắp bồi mà từ mấy nghìn năm về trước nó vẫn như thế, bởi vì Đức Phật đã vượt bộ ngang con sông này để đến Bồ Đề Đạo Tràng.

Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ bắc ngang sông này cây cầu nên chúng ta rất dễ dàng qua lại các khu thánh địa xung quanh vùng Bồ Đề Đạo Tràng. Từ trên cầu chúng ta có thể nhìn thấy được một số Thánh tích như, chót tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng, núi tượng đầu nơi Đức Phật từng tu khổ hạnh... và cuộc sống cũng như nếp sinh hoạt của toàn thể cư dân quanh vùng, đâu đó cũng phản ánh được thực tại của đời sống người dân nông thôn trên toàn lãnh thổ Ấn Độ.

6. Nơi kỷ niệm nàng Su Già Ta (Sujāta)

Đoàn chúng tôi có ghé thăm ngôi làng tên là Su Già Ta (Sujāta), cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 5km. Tại nơi này có ngôi trường làng dành cho học sinh nghèo cũng tên là Su Già Ta thuộc đạo Hindu. Bên cạnh trường học có ngôi mộ cổ bằng gạch nung rất lớn, đường kính khoảng 20m, cao khoảng 10m, được rào bảo vệ xung quanh, hình dáng giống như tháp Trà tỳ của Phật, được các nhà khảo cổ khai quật vào năm 2002. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngôi mộ này là tháp tưởng niệm nàng Su Già Ta, do vua A Dục xây dựng trên ngôi nhà cũ của nàng. Từ địa điểm này, đi bộ ngang qua cánh đồng nhỏ khoảng 1,5km, chúng tôi đến ngôi đền nhỏ thờ nàng Su Già Ta, người thôn nữ năm xưa đã dâng bát sữa cúng dường Đức Thế Tôn trước ngày thành đạo, một trong hai bữa ăn được Đức Phật cho là công đức lớn nhất trong suốt cuộc đời hoằng hóa của Ngài. Ngôi đền này do Phật giáo Miến Điện xây dựng để tưởng niệm người thôn nữ ấy vào năm 1983. Bên trong, trên bệ thờ chỉ có hình tượng Đức Phật và tượng người con gái đang quỳ dâng sữa cho Đức Thế Tôn, đây là hình ảnh mà chúng ta được biết qua các tranh ảnh nghệ thuật Phật giáo ở Việt Nam. Chuyện được kể rằng: Tại ngôi làng nhỏ sát cạnh khu rừng có gia đình một anh chăn bò, cô vợ tên Su Già Ta (Sujāta). Nàng rất sung sướng vừa mới sinh được cháu trai đầu lòng. Cô dùng sữa thơm ngon nhất vắt từ những con bò của anh chồng, chuẩn bị nấu một bữa ăn thịnh soạn để mang vào rừng dâng cúng, đền ơn cho những vị thần đã giúp cho cô sinh được đứa con khỏe mạnh.

Khi vào trong rừng, cô thấy Sa môn Sĩ Ðạt Ta đang ngồi ở đó, thân hình của Ðạo sĩ trông ốm gầy, yếu đuối, nhưng nét mặt của người vẫn trong sáng và dung nghi toát lên vẻ phi thường. Nàng Su Già Ta nhìn Sa-môn với sự ngạc nhiên, cô thầm bảo: “Xưa nay ta chưa bao giờ thấy nhân vật nào phước tướng như thế, có thể Ngài chính là vua của các thần cây ở đây!”  Nàng mang thức ăn đặc biệt ấy đến dâng cúng cho Người. Từ sự kiện này người ta tạc hình tượng người thôn nữ đang quỳ dâng sữa cúng dường Đức Thế Tôn.

Hướng ngược lại sau lưng ngôi đền này, cũng có bệ thờ hình người con gái dáng vẻ quý phái với người hầu gái đang quỳ dâng sữa cho Đức Phật. Hình ảnh thứ hai này được giải thích như sau: Nàng là con gái của một điền chủ tại làng Senānī, gần Uruvelā. Nàng vốn từng cầu nguyện với vị thần cây rằng nếu sinh được con trai nàng sẽ dâng cúng cháo sữa cho vị thần ấy. Khi nguyện ước được thành tựu, nàng bèn sai tỳ nữ có tên là Punna sửa soạn nơi dâng cúng. Người hầu gái của nàng Su Già Ta đi ngang qua khu rừng, nhìn thấy dung nghi lạ thường của nhà khổ hạnh Sĩ Đạt Ta, nghĩ rằng đó là vị trời hay các bậc Thánh, chạy về nhà báo cho chủ hay để chuẩn bị bữa ăn cúng dường. Vì thế sau khi chuẩn bị xong, nàng Su Già Ta cùng với người hầu của mình đến tận nơi để dâng cúng Đức Phật. Dựa vào sự ghi chép này, nghệ nhân đã tạc tượng hai người con gái quỳ dâng sữa cúng dường Đức Phật.

Dù sao, sự kiện người thôn nữ tên Su Già Ta dâng cháo sữa cúng dường nhà khổ hạnh Sĩ Ðạt Ta trước khi thành đạo là sự thật lịch sử mà không ai có thể phủ nhận, là những điều mà chúng ta lấy làm tiền đề cho phước đức của phương pháp bố thí, là nền tảng của lòng nhân ái và đại từ bi, được thể hiện cao đẹp trong đời sống nhân đức của người Phật tử, là phép tu đầu tiên trong Lục độ vạn hạnh (Bố thí Ba-la-mật) của chư Bồ-tát muốn phát đại thệ nguyện để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh trên cõi đời này.

7. Núi Tượng Đầu và Khổ Hạnh Lâm

Núi Tượng Đầu cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 8km bằng lộ xe, nơi mà xưa kia Đức Phật với nhóm năm anh em Kiều Trần Như (Kodañña) cùng tu khổ hạnh trong rừng Uruvela nên khu rừng này còn có tên là Khổ Hạnh Lâm, tức khu rừng của những người tu khổ hạnh. Từ xa quan sát, chúng ta thấy trên đỉnh núi có những mô đá nối dài giống như hình hai con voi đang nằm đâu đầu với nhau, người ta gọi tên là núi Tượng Đầu (núi đầu voi).

Đức Phật đã trải qua sáu năm trường gian khổ tại khu rừng này. Sự tinh tấn miệt mài thực hiện con đường khổ hạnh được các người bạn đồng tu đương thời phải thán phục và thần tượng hình ảnh vĩ đại đáng để noi gương. Ngài nghĩ có thể đạt đến sự giác ngộ bằng cách khổ luyện, chế ngự mọi cảm thọ, kìm hãm mọi nhu cầu của thân xác, với niềm hy vọng rằng một khi đã làm chủ được tham cầu của thân xác thì tâm sẽ được giải phóng khỏi sự thống trị của vật chất để đạt đến mức độ giải thoát cao siêu. Quá trình tu khổ hạnh đưa đến cho Ngài kết quả thật thê thảm, thân xác tiều tụy, héo mòn gần như không còn chút sức lực để có thể duy trì mạng sống lâu hơn nữa. Đức Phật đã mô tả lại điều này trong kinh Trung Bộ: “Vì Ta ăn quá ít mỗi ngày, nên cơ thể Ta hết sức gầy yếu. Tay chân Ta như các lóng tre khô đầy khúc khuỷu. Hai bàn tọa của Ta trở thành giống như mống trâu, xương sống với cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn Ta lộ rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát. Đồng tử của Ta nằm sâu trong hố mắt thăm thẳm long lanh giống như ánh nước long lanh từ đáy giếng sâu. Da đầu Ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt đem phơi nắng khô héo. Nếu Ta muốn sờ da bụng thì Ta đụng nhằm xương sống vì hai thứ đã dính sát vào nhau. Nếu Ta muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì Ta ngã úp mặt xuống đất. Nếu Ta chà xát tay chân thì đám lông hư mục rụng xuống trong tay Ta”.

Giờ đây chúng ta không thể hình dung được rằng xưa kia Đức Thế Tôn vẫn duy trì mạng sống với thân thể da bọc xương như thế. Khi đọc qua đoạn kinh trên, chúng ta cứ ngỡ rằng đó là bộ xương khô biết di động mà thôi!

Chúng tôi đến thạch động, nơi mà nhà khổ hạnh Sĩ Đạt Ta đã ẩn cư sáu năm tu hành. Thạch động nằm lưng chừng núi, không cao lắm, cách mặt đất khoảng 120m. Bên ngoài thạch động có khoảng trống rộng, có thể dung chứa được vài chục người, mọi người có thể tập trung để hành lễ. Muốn vào bên trong chúng ta phải chui qua cái cửa bằng đá khoảng 1,2m chiều cao, ngang khoảng 7 tấc. Bên trong rất tối, chu vi nhỏ hẹp, khoảng 3m chiều ngang, 5m chiều dài, cao khoảng 2m. Bên trong hang động có bệ đá, trên bệ đá thờ tượng Phật khổ hạnh, thân xác ốm gầy chỉ còn da bọc xương. Nhìn hình ảnh này chúng ta rất cảm động khi nhớ lại những tháng ngày gian khổ của Đức Thế Tôn, Người đã vì đạo, vì muốn tìm đường cứu khổ chúng sanh mà phải quên mình. Nhiều người òa khóc thành tiếng hoặc trào lệ từng giọt lăn dài trên má, thì thầm trong miệng những lời xót xa hoặc chắt lưỡi, hít hà khi quỳ lạy trước tôn dung của Ngài. Thật là hình ảnh đầy ấn tượng không chỉ đối với người con Phật mà đối với bất cứ những ai biết suy nghĩ yêu thương đồng loại, biết nghĩ đến nỗi buồn nhân thế.

Ngày hôm nay cuộc sống mọi người nơi đây cũng phản ánh được phần nào đời sống khổ hạnh của Phật, bởi có quá nhiều người nghèo đói đang sinh sống, phần lớn họ nhờ vào những đồng tiền van xin nơi lòng thương hại của khách hành hương ban bố. Có thể nói, trên suốt đoạn đường đi tham quan chúng tôi chưa thấy nơi nào có số lượng người nghèo khổ và ăn xin nhiều như khu Khổ Hạnh Lâm này. Chúng tôi có cảm giác mảnh đất lịch sử đầy kỷ niệm này, không chỉ làm nao lòng chúng ta bởi sáu năm trường khổ tu của Phật, mà cả quãng thời gian dài hàng mấy nghìn năm sau đó chỉ để chứng kiến từng hơi thở mệt mỏi và giọt nước mắt khổ đau, những mảnh đời bất hạnh, làm cho ai cũng phải chạnh lòng buông tiếng thở dài khi tận mắt chứng kiến: Thế kỷ XXI vẫn còn tồn tại cuộc sống thiếu văn minh, thiếu vật chất, thiếu những điều kiện tối thiểu, và thiếu cả tình thương, sự quan tâm chia sẻ của mọi người. Chúng tôi thiết nghĩ bao giờ có trái tim từ bi như Đức Phật mới thật sự dung chứa và san sẻ hết bi kịch này.

(Tiếp theo và hết)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)