Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Bồ đề đạo tràng (Bodhgaya)

Đã đọc: 3307           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bảo tòa Kim Cương là vị trí đức Phật ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới cội cây Bồ Đề, khoảng cách nằm giữa Đại Tháp và cội Bồ Đề...

1. Nơi khởi nguyên đạo Phật

Bồ đề đạo tràng được xem là khu thánh địa thiêng liêng bậc nhất trong các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ và được sự quan tâm với lòng kính trọng đặc biệt đối với Phật tử và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Bồ Đề Đạo Tràng nằm ở phía Nam thành Gaya, nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thời Ấn Độ cổ đại, nay là vùng ngoại ô BodhGaya, cách thành phố Gaya khoảng 7 km về phía  Nam bang Bihar, cạnh dòng sông Ni Liên Thiền (Niranjara).

Vào thế kỷ thứ VI trước kỷ nguyên tây lịch, chính nơi đây đã xảy ra  sự kiện trọng đại và chỉ xảy ra một lần duy nhất trong Hiền Kiếp đó là sự giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Bồ Tát Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhāttha) dòng họ Thích Ca (Sakyā), dưới cội cây Pippala, hay còn được gọi là cây Bồ Đề. Từ sự kiện trọng đại nhất mà trải qua nhiều đại kiếp mới xuất hiện trên thế gian, quý giá  gấp trăm ngàn lần so với loài hoa linh thoại ngàn năm trổ hoa một lần, đó là người con Phật chúng ta có được diễm phúc tôn thờ đấng đại giác Thích Ca Mâu Ni nói riêng hay nhân loại thừa hưởng được một chân lý tuyệt vời, một niềm phúc lạc vô biên ngay tại cõi đời này nói chung.

Giá trị nhất trong khu thánh địa này chính là ngôi Đại Tháp và cội cây Bồ Đề thiêng, nơi đức Phật thành đạo vẫn còn tồn tại mãi theo dòng chảy thời gian. Cho dù cuộc đời có đổi thay bao lần, sự cố tình tàn phá của những kẻ đối nghịch, sự biến thiên thăng trầm trong vũ trụ, thì những gì liên quan đến cuộc đời đức Phật vẫn còn lý do để tồn tại, để được biết đến như một báu vật trong tiến trình phát triển văn minh và văn hoá nhân loại.

Vào ngày 27-6-2003, UNESCO, một tổ chức văn hoá, xã hội, giáo dục của liên hiệp quốc chính thức công nhận Bồ Đề Đạo Tràng trong danh sách di tích văn hoá thế giới. Mặc dù đó cũng là niềm vinh dự lớn lao nhưng không là vấn đề quan trọng mà quan trọng nhất là chân giá trị Phật giáo, đạo Phật đã đóng góp được gì cho thế giới cho nền văn minh nhân loại, cho hạnh phúc của con người thì sự công nhận muộn màng đó có nghĩa lý gì đối với bề dày lịch sử của Phật giáo chúng ta!

Hiện nay, khu Bồ Đề Đạo Tràng có diện tích khoảng 3 hecta đất, bao gồm nhiều thánh tích quan trọng như tháp Đại Giác, cội Bồ Đề (xem tạp chí ĐPNN số 2), Bảo Toà Kim Cương, bảy nơi đức Phật ngự sau khi thành đạo, quần thể tháp cổ..... Và dường như Bồ Đề Đạo Tràng khu là thánh tích còn nguyên vẹn nhất so với tất cả những thánh tích khác liên quan đến Phật giáo.

2. Tháp Đại Giác

Đại Tháp hay còn gọi là Tháp Đại Giác (Mahabodhi) nằm giữa khu đất trũng  thấp hơn so với mặt đường khoảng 10m. Tuy vậy, từ xa chúng ta vẫn thấy ngọn tháp cao sừng sửng, vươn lên khỏi các ngọn cây cổ thụ. Cho nên nếu nền tháp ngang bằng mặt đường thì chiều cao của tháp còn cao hơn nhiều so với chiều cao hiện tại. Cũng chính vì sự trũng xuống tại ngọn Tháp Chính (Main Stupa) chúng ta mới nói lên được ý nghĩa giác ngộ của Phật tại cõi đời này như hoa sen trong bùn hôi tanh mà vẫn ngoi lên khỏi mặt nước những đoá sen tinh khiết, thơm tho làm đẹp cuộc đời cả hương và sắc.

Theo các nguồn tài liệu sử học, bảo tháp được vua A Dục xây dựng khoảng II thế kỷ sau khi Phật nhập Niết Bàn, tức khoảng thế kỷ thứ III trước Tây Lịch để tưởng niệm nơi Thành Đạo của Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo lịch sử Phật giáo, vào năm 218 sau ngày Đức Phật nhập diệt, vua A Dục đã đến đây chiêm bái và đảnh lễ. Sau đó ông đã cho xây tháp để tưởng niệm nơi Đức Thế Tôn thành đạo. Căn cứ theo niên đại của những đồng tiền vàng trong số những di vật được chôn trước Kim Cang Tòa, chúng ta được biết ngôi đại tháp ngày nay được xây dựng lại vào thế kỷ thứ II sau Tây Lịch, được tái tạo ngay trên nền tháp cũ do vua A Dục xây dựng và đặc biệt là ngôi tháp lẫn Kim Cang Tòa và cây Bồ Đề vẫn  giữ nguyên vị trí cũ không thay đổi.

Tháp này được quốc vương Bengal cho trùng tu vào thế kỷ VII, nhưng đến thế kỷ XII lại bị quân Hồi giáo phá hủy. Mãi đến thế kỷ XIV, các vương triều của xứ Miến Điện cho trùng tu lại, nhưng sau đó thì thiên tai, lũ lụt đã nhận chìm. Kể từ đó khu thánh tích này bị chìm vào quên lãng. Vào năm 1861 ngôi đại tháp được nhà khảo cổ người Anh tên Alexander Cunningham phát hiện và đã tu sửa một lần.

Đến năm 1875 vua Mindoon Min đã chịu toàn bộ kinh phí tiếp tục cho việc trùng tu đại tháp. Hiện nay ngôi đại tháp có kiến trúc tương tợ hình kim tự tháp, vuông bốn cạnh và nhọn dần lên đỉnh, mỗi cạnh tại chân tháp có độ dài khoảng 15m, chiều cao là 52m. Bốn gốc đại tháp có bốn ngọn tháp nhỏ, kiểu dáng thu gọn từ đại tháp. Xung quanh thân tháp có nhiều hoa văn và mỗi hốc tường từ chân tháp lên đỉnh đều có tôn trí tượng đức Bổn Sư và chư vị Bồ Tát, đặc biệt là hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm theo truyền thống Kim Cang Thừa Tây Tạng.

Tháp có nhiều tầng, riêng tầng trệt chu vi khoảng 5 mét vuông, phía trước chỉ có duy nhất một cửa ra vào, xung quanh không có cửa sổ hay lỗ thoát khí,  tường thành rất dày gần một mét, bên trong có tượng Bổn Sư ngồi kiết già trang nghiêm với tư thế xúc địa ấn, mặt quay hướng về phía cửa ra vào.

Hàng ngày có hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới trở về thăm viếng, đảnh lễ và cúng dường. Ngoài sự cúng dường tài vật hoa quả, những người Phật Tử thuần tín còn cúng dường những bộ kim y để đắp lên tượng Phật. Vì nội điện chật hẹp lại có quá nhiều người chờ đợi nên ít khi nào chúng ta được ngồi lâu làm lễ tưởng niệm và ngắm nhìn chân dung của Phật.

Từ bên trong cho đến bên ngoài khu đại tháp lúc nào cũng có những đoàn thể hoặc cá nhân tham quan, tụng kinh, lễ bái, tọa thiền hoặc đi kinh hành xung quanh đại tháp và cây Bồ Đề trong không khí trầm ấm, thanh tịnh, thiêng liêng với lời kinh nguyện cầu, tiếng lâm râm tụng chú ... mà không bị loãng bởi bất cứ một tạp âm nào.

Một điều kỳ diệu đối với bất cứ ai được một lần dừng chân nơi đây, hoặc lễ bái, hoặc tụng kinh hoặc kinh hành, hoặc khởi lòng chánh tín đối với đức Phật chúng ta đều có chung một cảm giác an lành, một niềm hoan hỷ trào dâng, đó chính là sự gia trì của đức Phật cho hàng đệ tử của Ngài hay bất cứ những ai có một chút nghĩ tưởng đến ân đức của Phật. Vì vậy trong kinh Pháp Hoa đức Phật đã thọ ký cho mọi người có duyên với Ngài sẽ thành Phật cho dù đó là đứa trẻ ngịch cát hay những người lòng tán loạn cũng biết nghĩ tưởng đến Ngài: “Nhược nhơn tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng nam mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo. Du chí đồng tử hí, tụ sa vi Phật Tháp, giai dĩ thành Phật đạo”. Nghĩa là: Nếu người lòng tán loạn, vào trong tháp miếu thờ Phật, chỉ cần xướng lên một câu niệm Phật, (họ) đều đã (có nhân tố) thành Phật. Cho đến trẻ con đùa giỡn, gom cát xây tháp Phật, đều đã (có nhân tố) thành Phật.

Một dịp may hiếm có đối với chúng tôi chính là đến Bồ Đề Đạo Tràng vào dịp chư tăng ở các nước Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan.... trở về đây tụng đọc tam tạng thánh điển trong mười ngày, kể từ ngày 12/2 – 23/2/2008. Chính vì điều này nên Bồ Đề Đạo Tràng đã đẹp lại càng thêm rực rỡ bởi đèn trang trí khắp nơi, hoa kiểng được trưng bày thật trang nhã từ góc tường cho đến những nơi thờ cúng trong thánh tích, trông thật tuyệt vời và hoành tráng. Nhất là về đêm nơi Bồ Đề Đạo Tràng càng thêm lộng lẫy, thiền vị gây cho con người một niềm say mê, yêu thích, trút được bao nỗi niềm sầu muộn, khổ đau, dứt tất cả ưu tư và hoài nghi khi một lần được đảnh lễ hay ngắm nhìn kim thân của đấng cha lành, một trong những đấng cứu thế có mặt sớm nhất trong lịch sử tôn giáo thế giới.

3. Bảo Tòa Kim Cương (Vajrasana)

Bảo tòa Kim Cương là vị trí đức Phật ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới cội cây Bồ Đề, khoảng cách nằm giữa Đại Tháp và cội Bồ Đề. Theo lịch sử Phật giáo thì tòa này được vua A Dục xây vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch. Ngày nay tòa Kim Cang được bảo vệ trong một hàng rào xi măng có lối kiến trúc cổ và thêm một hàng rào có trụ bằng kim loại mạ vàng do Tích Lan xây dựng bao quanh rất trang nghiêm.

Thật ra, ngày xưa đức Phật không phải ngồi tịnh tu trên một bảo tòa sang trọng và uy nghiêm như chúng ta được nhìn thấy từ các bức tượng mà Ngài ngồi trên một bó cỏ khô được trải trên đất. Vị trí này đã làm sáng ngời lên một chân lý từ một con người khổ hạnh vĩ đại trở thành một vị Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Sākyamuni), giống như lời huyền ký của quá khứ Phật Tỳ Bà Thi, từ 91 kiếp về trước.

Bằng sự nỗ lực thiền định và quán chiếu lý duyên khởi trong 49 ngày đêm, vào đêm cuối, khoảng canh đầu, tuệ giác được sáng ngời lên trong tâm trí, Ngài chứng được Túc Mạng Minh, thấy rõ luân hồi tái sanh từ vô lượng kiếp về trước của chính mình và chúng sinh đã từng sanh đi tử lại như thế nào, đã từng làm loại chúng sanh nào trong quá khứ... Sang canh giữa, Ngài chứng được Thiên Nhãn Minh, thấy rõ con đường tái sanh của chính mình và tất cả chúng sanh trong tương lai nên còn gọi là sanh tử minh. Đến canh cuối Ngài chứng được lậu tận minh, đoạn tận vô minh, chấm dứt mọi nhân tố tái sinh, thấy rõ khổ nguyên nhân đưa đến đau khổ và con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Khi sao mai vừa ló dạng, Ngài thấu triệt toàn thể vũ trụ, giác ngộ hoàn toàn, chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức thành Phật, đã khởi nguồn cho một đạo Phật xuất hiện trên thế gian.

Bài kệ xướng lễ tóm tắt trọn vẹn sự kiện đặc biệt này trong bốn câu: “Bồ đề thọ hạ, hàng phục ma quân, nhất đổ minh tinh, đạo thành chánh giác”. Nghĩa là: dưới cội Bồ Đề, nhiếp phục ma quân, thấy ánh sao mai, giác ngộ thành Phật. Lúc đó vào ngày rằm tháng 12 âl, Ngài vừa tròn 30 tuổi theo Bắc Truyền. Và theo thuyết của phật giáo Nam Truyền, vào ngày trăng tròn Vesak, tức khoảng rằm tháng tư âl, Ngài được 35 tuổi.

(Còn tiếp)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)