Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa

Đã đọc: 6525           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa một mặt giữ được nét văn hóa dân tộc, mặt khác còn phát huy một cách hiệu quả nền tảng trí tuệ và đạo đức tâm linh, định hướng con người sống hữu ích trong đời sống gia đình và xã hội. Tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa là cây cầu nối giữa đạo và đời, là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống, đạo đức dân tộc và văn hóa tâm linh của Phật giáo.

Nguồn gốc của lễ Hằng thuận tại chùa

Nhiều nguồn tư liệu cho rằng người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu  Nam Tử (1883 - 1940), quê ở Hải Dương, là nhà Nho, sau quy y theo Phật, nhiệt thành phụng sự Phật pháp. Ông nghĩ việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.

Năm 1930, bác sĩ Phật tử Tâm Minh - Lê Đình Thám đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là Lê Thị Hoành với Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng thuận.

Theo tên gọi, “Hằng” là thường xuyên, luôn luôn, “Thuận” là hòa thuận,  đồng thuận hướng về những điều cao thượng, chân thiện trong đời sống. Hằng thuận có nghĩa vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, tương kính, nhường nhịn cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của vợ chồng trong đời sống gia đình, với ông bà, cha mẹ và con cái, hướng đến con đường tu tập giác ngộ, giải thoát trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo bát chánh đạo.

Mục đích của lễ Hằng thuận

Gia đình không hạnh phúc, hòa hợp là do thiếu hiểu biết, chưa thật sự cảm thông giữa chồng và vợ. Thông thường nam nữ lấy nhau vì bộc phát lòng ham muốn nhất thời, có thể gọi luyến ái nhất thời. Yêu thương mà không chuẩn bị nền tảng hạnh phúc gia đình lâu dài nên dẫn đến xung khắc, đổ vỡ sau khi lập gia đình. Đây là tình trạng phổ biến trong cuộc sống hôn nhân và gia đình hiện nay.

Gần đây, Ban Cư sĩ Phật tử GHPGVN quan tâm vấn đề “Hôn nhân và hạnh phúc gia đình của Phật tử”. Chúng tôi nhận thấy việc làm này kịp thời và chính đáng bởi trước hết là vấn đề hệ trọng trong việc xây dựng những gia đình Phật tử thật sự có chất lượng (đạo đức và trí tuệ), để người con Phật lấy đó làm nền tảng, tiến sâu vào con đường tu học Phật pháp nghiêm túc. Kế đến là cơ sở vững chắc để Phật giáo tăng cường công tác giáo dục, đào tạo công dân hoàn thiện nhân cách đạo đức, ngõ hầu hữu ích cho xã hội.

Lễ Hằng thuận là nghi thức lễ cưới được tổ chức trang nghiêm trọng thể tại chùa. Ngoài vài lễ nghi truyền thống của đám cưới như tuyên bố lý do, trao nhẫn cưới, nhận lời chúc tụng của hai họ, nghi thức Hằng thuận trong ngày cưới mang đậm dấu ấn đạo đức, tâm linh và trí tuệ của đạo Phật với định hướng cụ thể giúp vợ chồng có tương lai lạc quan, tươi sáng trên tinh thần giác ngộ, giải thoát.

Khởi sự hôn nhân, lễ Hằng thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu, chú rễ đảnh lễ chư Phật, quy y Tam bảo, chư Tăng đứng ra chứng minh hôn sự trong bầu không khí thiêng liêng ngay chánh điện, quả là diễm phúc, đồng thời được quý Thầy tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời đức Phật dạy trong Kinh Thiện Sanh hay Kinh Ca Thi La Việt...

Trọng tâm thời pháp mà quý thầy chia sẻ với Phật tử trong lễ Hằng thuận xoay quanh nội dung bản Kinh Thi Ca La Việt. Đức Phật dạy bổn phận và trách nhiệm vợ chồng, liên hệ đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình, bảo đảm đời sống gia đình Phật tử hạnh phúc bền vững. Đức Phật ân cần chỉ dạy năm bổn phận chồng phải đối với vợ:

1/ Phải biết tôn trọng vợ.

2/ Không đối xử tệ bạc với vợ.

3/ Phải chung thủy với vợ.

4/ Phải giao tiền bạc cho vợ quản lý.

5/ Phải sắm đồ nữ trang cho vợ khi có điều kiện.

Đồng thời đức Phật cũng dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với chồng:

1/ Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà.

2/ Phải tử tế với quyến thuộc bên chồng.

3/ Phải luôn chung thủy với chồng.

4/ Giữ gìn tài sản gia đình.

5/ Luôn siêng năng trong mọi việc.

Quả thật không ngờ, đấng tuệ giác đã thoát ly tam giới như đức Phật lại nhìn rất tinh tường, sâu sắc, cảm thông, chia sẻ với đời sống thế gian đến như vậy. Cách đây trên 2.500 năm, trong xã hội phân chia giai cấp, thân phận phụ nữ không khác nô lệ phục vụ đàn ông, đức Phật đưa ra năm nguyên tắc sống bình đẳng, thậm chí có phần ưu ái dành cho phụ nữ vì Ngài nhận thấy họ chịu nhiều hy sinh, đau khổ.

Mục đích chính của lễ Hằng thuận là làm thế nào để vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức, tâm linh trong đời sống gia đình, từ đó hướng đến đời sống hôn nhân thật sự an lạc, hạnh phúc. Thực hiện được điều này, vợ chồng phải hết lòng yêu thương, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau, luôn luôn hòa thuận, cùng hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng thuận đã toát lên.

Lợi ích của lễ Hằng thuận tại chùa

Nói đến lợi ích thiết thực mà lễ Hằng thuận mang đến cho những đôi vợ chồng trong ngày cưới, chúng tôi cho những lời phát nguyện giữ gìn ngũ giới, tu hành thập thiện trước Tam bảo nhằm xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc bền vững, là dấu ấn sinh động, ý nghĩa. Điều này không chỉ tác động mạnh đến đời sống tâm linh của vợ chồng trong những ngày chung sống mà còn ảnh hưởng tích cực đến người thân. Có thể nói đây là lợi ích thiết thực, vô cùng tốt đẹp cho đời sống hôn nhân, hạnh phúc gia đình của Phật tử, mang lại nguồn cảm hứng “Sống đạo” sâu lắng giữa đời thường mà vợ chồng dễ dàng cảm nhận.

Việc tổ chức lễ cưới trong chùa với thức ăn chay hoàn toàn thanh tịnh, không tổn hại dù một sinh linh, không dùng bia, rượu gây tổn hại sức khỏe và tốn kém tiền bạc.

Chú rể và cô dâu trao nhẫn cưới cho nhau trước Tam bảo với sự chứng minh của chư Tăng, không khí trang nghiêm chắc chắn tạo ấn tượng sâu đậm khó phai trong buổi đầu xây dựng gia đình. Đó là điều kiện thuận lợi tạo nên đời sống hòa thuận, tinh thần yêu thương, nhường nhịn, tương kính lẫn nhau trong đời sống hôn nhân, đồng thời là điểm nhấn để vợ chồng cùng vun đắp tình yêu thương chung thủy, ý thức trách nhiệm mục đích sống và xây dựng ngôi nhà hạnh phúc trên nền tảng đạo đức, tâm linh và trí tuệ.

Cần tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa

Thực tế đáng buồn là chúng ta đang sống trong thế giới có đến 50% cặp vợ chồng ly thân và ly dị, trên 20% cặp vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc mà vẫn chung sống vì nghĩ đến lợi ích lâu dài của con cái. Gần 20% cặp vợ chồng tạm gọi là có hạnh phúc trong hôn nhân và đời sống gia đình. Đây là thực trạng đáng báo động về sự thiếu hiểu biết trước và sau hôn nhân đã và đang xảy ra trên thế giới.

Từ những thống kê mang tính khái quát, chúng tôi rất bất ngờ vì trong số gần 20% cặp vợ chồng đạt được hạnh phúc trong đời sống gia đình trên toàn thế giới hiện nay có đến 90% là gia đình Phật tử thuần thành, có nền tảng đạo đức và căn bản tu tập. Đây quả là tín hiệu đáng mừng và thật sự tăng thêm niềm tin cho ngành Hoằng pháp, Ban Cư sĩ Phật tử và những đôi nam nữ đang hướng đến hôn nhân khi biết hôn sự tổ chức theo nghi thức Hằng thuận tại chùa, trước sự chứng minh của chư Tăng, nghe chư Tăng giáo hóa, sau đó ứng dụng nghiêm túc lời Phật dạy vào đời sống gia đình, chắc chắn mang lại lợi ích thiết thực và lớn lao trong đời sống.

Trên tinh thần nhập thế, khơi nguồn tuệ giác trong đời sống, việc hướng dẫn gia đình Phật tử, nhất là đối với hôn sự, việc tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa chiền, tự viện mang lại hạnh phúc chắc thật và bền vững cho gia đình Phật tử, định hướng gia đình Phật tử cuộc sống “Tốt đời đẹp đạo”, thuận lợi trong việc tiến tu, đó là việc làm thiết thực. Chúng tôi thiết nghĩ cần nhanh chóng phát động phong trào thực hiện lễ Hằng thuận bởi đây là một trong những Phật sự vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác hoằng pháp, nhất là đối với các vị trụ trì vốn có duyên gần gũi và thường xuyên tiếp xúc với Phật tử.

Khi đã cảm nhận những giá trị thiêng liêng, cao cả và lợi ích thiết thực của lễ Hằng thuận, chúng tôi mong rằng khi tổ chức cưới hỏi, quý Phật tử nên xin phép quý Thầy đến chùa làm lễ Hằng thuận. Khởi đầu bước ngoặc lớn trong đời được tổ chức tại chốn thiền môn nghiêm tịnh là phước duyên lớn cho đôi vợ chồng. Từ sự khởi đầu tốt đẹp, quý Phật tử được thầy trụ trì giảng giải ý nghĩa và nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc trong đời sống gia đình, hôn nhân của quý vị càng trở nên ý nghĩa với tương lai tươi sáng.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)