Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Đạo vợ chồng

Đã đọc: 9443           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Báo chí gần đây đã chuyển tải nhiều thông tin làm cho những ai xem trọng đời sống gia đình phải giật mình. Không những chồng cư xử thô bạo với vợ mà vợ cũng cư xử thô bạo với chồng đến mức chồng phải vong mạng! Không những cha đối xử tàn ác với con mà con cũng đối xử tàn ác với cha đến nỗi cha phải lìa đời! Chưa bao giờ những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam lại bị chà đạp một cách đau xót như ngày hôm nay! Có phải vì mang nỗi đau ấy mà trên Đạo Phật ngày nay số 4, tác giả Trí Siêu đã viết bài báo Nghề vợ chồng để nhắc nhở bạn trẻ trước khi tính chuyện hôn nhân phải biết học tập “Nghề” làm chồng, “Nghề” làm vợ?

Trước khi tiếp xúc với tư tưởng và học thuật phương Tây, tuy không tổ chức thành trường lớp nhưng các bậc tiền bối đã quan tâm, giáo huấn thanh niên bổn phận làm cha, làm mẹ qua những lời dạy, những bài học về Đạo vợ chồng. Trong giới hạn của mấy trang báo, chúng tôi xin góp lời bàn luận về “Đạo” làm chồng, làm vợ ấy.

“Đạo”, theo Từ điển tiếng Việt, là “Đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận gìn giữ và tuân theo trong cuộc sống xã hội”, là “Nội dung học thuật của học thuyết được tôn sùng ngày xưa”. Thay vì nói “Nghề vợ chồng”, chúng tôi nói “Đạo vợ chồng” để theo gương người xưa mà nhìn nghiêm túc về hôn nhân. Cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Gia Thiều đã viết trong Cung oán ngâm khúc:

“Có âm dương, có vợ chồng,

Dẫu  từ thiên địa cũng vòng phu thê.”

Bước vào “Vòng phu thê” nghĩa là con người góp phần thực hiện hoà hợp lý “Âm dương” đã và đang chi phối sự sinh thành, phát triển của “Thiên địa” cùng vạn vật. Quan hệ nam nữ trong hôn nhân vì thế vừa là vật chất, vừa là tinh thần, có cái gì đó có thể nói là thiêng liêng. Trái lại, quan hệ nam nữ thực hiện ngoài hôn nhân chỉ thuần vật chất, bị Phật giáo kết án là nhục dục, tà dâm.

Theo truyền thống ấy, đối với tiền nhân, nên vợ nên chồng không thể là sự gặp gỡ ngẫu nhiên, tạm bợ được quyết định vội vàng trong một phút mềm lòng. Trước khi cho phép đi đến hôn nhân, các bậc phụ huynh ngày trước thường khuyên bảo con em thận trọng tìm hiểu kỹ đối tượng yêu thương. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du  viết :

“Trăm năm tính cuộc vuông tròn,

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.”

“Cuộc vuông tròn” mà Nguyễn Du đề cập ở đây chính là hôn nhân, là“Vòng phu thê” với lý “Âm dương” bao trùm cả “Thiên địa” mà Nguyễn Gia Thiều đã nói ở trên. Hôn nhân là việc “Trăm năm”, là vấn đề hệ trọng cả đời người, trước khi vào “Cuộc”, thanh niên nam nữ phải “Dò” cho thật kỹ để hiểu rõ “Ngọn nguồn” của người mình yêu. Thói đời “Tốt khoe xấu che” thường được áp dụng triệt để khi nam nữ bắt đầu tìm đến với nhau. Vì thế, điều quan trọng là phải cẩn thận tìm hiểu để biết rõ khuyết điểm của người yêu. Biết rõ nhược điểm của người yêu rồi mới nên tiến đến hôn nhân và trong những tháng ngày chung sống, để đời sống vợ chồng có thể tránh được tình cảnh “Nửa đường đứt gánh”, anh và chị phải cố gắng sửa chữa khuyết điểm của mình và tập làm quen với những gì chưa được hoàn thiện trong tính cách của người bạn đời.

Trong các trường đào tạo nghề, muốn bảo đảm đầu ra có chất lượng, người ta thường chủ động chọn lựa kỹ ở đầu vào. Cách đây nửa thế kỷ, trong kỳ thi tuyển mà chúng tôi tham dự, Khoa văn Đại học Sư phạm Huế chỉ chấm đổ hai người, sau đó tổ chức thi lần thứ hai để lấy thêm sáu người nữa. Nhờ vậy, khi ra trường, hầu hết sinh viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dạy, học “Nghề vợ chồng” cũng không thể làm khác. Chọn lựa kỹ ở bước đầu thì người ta sẽ tránh được nhiều đổ vỡ về sau nhưng chọn lựa theo tiêu chuẩn nào? 

Gần nửa thế kỷ về trước, lúc bắt đầu nghề dạy học ở Qui Nhơn, chúng tôi có đọc cuốn sách giáo dục về hôn nhân do Mục sư Tin Lành viết, được nhà xuất bản Thời Triệu phát hành. Sách in đẹp, khá dày, có mấy câu ngắn gọn giúp chúng tôi xác định dễ dàng tiêu chuẩn chọn lựa “Nửa phần còn lại” của mình: 

 “Trước nhiều cô gái, chàng trai có thể nêu ba câu hỏi. Cô nào sẽ mang  lại hạnh phúc cho đời tôi? Tôi sẽ đem hạnh phúc đến cho cô nào? Ai là mẹ hiền của các con tôi ?”

Câu hỏi thứ nhất quá tầm thường vì có tính vị kỷ. Câu hỏi thứ hai khá hơn vì có tính vị tha. Cả hai câu chứng tỏ người hỏi chỉ nhìn thấy ý nghĩa hôn nhân trong phạm vi nhỏ hẹp, là đời sống riêng tư của hai cái ta. Khôn ngoan và chín chắn là chàng trai biết nêu câu hỏi thứ ba. Kinh nghiệm cho biết những tháng ngày vui vẻ, trẻ trung của chàng và nàng thường ngắn ngủi, qua đi rất nhanh. Hạnh phúc gia đình chỉ được xây dựng bền lâu bởi những đứa con khoẻ mạnh, ngoan ngoãn khi còn thơ và chăm chỉ học hành để thành đạt khi đã khôn lớn. Không phải mẹ hiền thì người nào khác có thể giữ vai trò quyết định trong việc giáo dục con cái nên người?

Để “Đào tạo” mẹ hiền, Khổng giáo có các bài học về tam tòng và tứ đức. Ý nghĩa của tam tòng (1) không còn thích hợp với phụ nữ ngày nay. Biết áp dụng một cách khôn ngoan, có chọn lọc thì tứ đức: Công, dung, ngôn, hạnh là những bài học hữu ích để nữ giới xây dựng gia đình hạnh phúc. Công là sức làm việc, có thể hiểu là khéo tay hay làm. Chính đức thứ nhất này đã sản sinh cho nước Việt những bà mẹ hiền biết chịu thương, chịu khó liên tục, nhẫn nại hoàn thành những việc nhà nhỏ nhặt khó gọi tên, dễ nhàm chán nhưng  cần thiết cho gia đình êm ấm. Dung là sắc đẹp trời cho, phụ nữ có thể tạo cho mình ngoại hình dễ mến nếu biết trang điểm và chọn trang phục. Ngôn là “Lời nói không mất tiền mua” mà nữ giới cần học tập, rèn luyện để nói lời “Ái ngữ”, chẳng những không tạo khẩu nghiệp cho mình mà còn tạo nên cảm thông, hoà thuận cho mái ấm gia đình. Đức tính quan trọng của hiền mẫu là hạnh, là “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Theo sáng kiến của chị cả Hoàng Thị Kim Cúc, Gia đình Phật tử thường tổ chức ngày trại, đặt tên Hạnh để đào tạo cho đoàn sinh nữ phẩm chất của mẹ hiền Việt Nam. Ngày xưa, bậc quả phụ thủ tiết thờ chồng, nuôi dạy những đứa con nên người, được nhà vua sắc tứ “Tiết hạnh khả phong”(2), cho tổ chức lễ rước tấm bảng sơn son thếp vàng có khắc bốn chữ này một cách long trọng, chẳng khác gì đám rước ông nghè vinh quy bái tổ.

Thiếu phụ trẻ đẹp có ngoại hình  người mẫu, gặp lúc đầu ai cũng có cảm tình, một thời gian sau, cảm xúc thẫm mỹ ấy không còn nữa vì nàng nói chuyện vô duyên, người đẹp không có trình độ học vấn, nghề nghiệp không rõ ràng, bữa cơm giản dị, thân mật trong gia đình không làm được đến nỗi vợ chồng mỗi ngày phải đi ăn cơm nhà hàng! Trên gương mặt phụ nữ có cái gì đó không bình thường, sau thời gian làm việc chung, nhiều lần thấy chị cư xử thân ái, dịu dàng, tế nhị với bạn đồng nghiệp, ai cũng thấy chị có ngoại hình dễ mến và nét khác thường ở dung nhan không còn nhận ra nữa.

Hình mẫu của vợ là mẹ hiền thì chuẩn mực của chồng là cha tốt. Tuy không trực tiếp nhắc nhở Nho sĩ biết thương yêu, sống có trách nhiệm với vợ con nhưng Khổng giáo với những lời dạy về ngũ thường đã gián tiếp góp phần hữu hiệu vào việc đào tạo những người cha tốt. Trong năm chữ: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thì nhân là bài học đạo đức quan trọng nhất. Nhân (仁) gồm hai yếu tố tạo thành: Nhân đứng (人) nghĩa là người và nhị (二) nghĩa là hai. Người gần gũi, tiếp xúc với người thì phải có quy tắc ứng xử để sống cho ra người với nhau. Đó là nghĩa gốc của chữ nhân. Nói vắn tắt và dễ hiểu, nhân có nghĩa là “Điều gì mình không muốn thì không làm cho người”.(3) Mọi người biết thực hành quy tắc sống này thì gia đình hạnh phúc, đất nước yên vui, thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc. Chính vì lẽ này mà Nho giáo quan niệm “Đạo của người quân tử bắt đầu từ quan hệ vợ chồng”.(4)

Kinh sách Phật giáo có ghi những lời dạy được đức Thế Tôn dành riêng cho vợ hoặc chồng trong gia đình. Chúng tôi nghĩ chỉ cần giữ ngũ giới thì Phật tử có thể xây dựng được gia đình hạnh phúc. Không sát sanh, không trộm cắp hay tham nhũng thì cha mẹ không bị tù tội, không tà dâm thì gia đình được êm ấm, không nói dối thì vợ chồng tin yêu nhau, không uống rượu say sưa hoặc nghiện xì ke ma tuý thì mái nhà không trở thành địa ngục trần gian. Được lớn lên trong gia đình “Năm không” như thế, con cái sẽ trở thành những công dân hữu ích cho đất nước. Trường hợp trái lại, chỉ cần thiếu vắng “Một không”, gia phong suy đồi, trộm nhỏ trộm lớn có thể phát sinh,  không riêng gia đình mà toàn thể xã hội phải hứng chịu hậu quả tai hại.

Chúng ta vọng tưởng về cái ngã bất biến, có thể tồn tại một cách biệt lập nên có nhiều người tham lam, ích kỷ, chà đạp quyền sống của nhiều sinh vật khác để thâu tóm vào tay mình nhiều tiền của và quyền lợi. Kẻ chấp ngã chỉ nghĩ đến mình nên sống vị kỷ, đó là nguyên nhân tạo ra biết bao tai họa cho gia đình và xã hội. Đức Thế Tôn làm cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại, phủ nhận cái ngã bất biến và biệt lập, thay thế vào đó cái ta tồn tại bằng cách nương tựa từng phút, từng giây vào muôn ngàn cái khác ta, cái ta chân thật đang thay đổi, hủy diệt từng sát na để đi đến điểm hẹn cuối cùng là cái chết. Sống theo giáo lý vị tha, vô ngã của Như Lai, người chồng, người vợ không những xây dựng tình tương thân, tương ái trong gia đình mà còn tạo lập mối liên hệ thân thiết, hoà hợp với đồng loại, cầm thú và cỏ cây.  

Con người chịu ảnh hưởng của phương Tây, cho rằng chỉ có tuổi trẻ và mùa Xuân mới có thể đem lại hạnh phúc. Hậu quả nhiều gia đình tan nát khi người vợ không còn tươi trẻ mà người chồng vẫn muốn “Tươi mát” như lúc còn xuân. Sống theo giáo lý tuỳ duyên của đức Phật thì mùa nào người ta cũng tìm được thú vui, ở lứa tuổi nào cũng tìm thấy hạnh phúc. Vấn đề là biết nhận diện hạnh phúc. Những năm ba mươi, bốn mươi tuổi, đất nước có chiến tranh, chúng tôi tuy vui vẻ trẻ trung nhưng phải làm việc vất vả để hoàn thành nhiệm vụ ở trường, có thu nhập để gia đình đủ sống. Vào lứa tuổi năm mươi, sáu mươi tuy còn đủ sức khoẻ tham dự những chuyến đi chơi xa nhưng khó khăn thời hậu chiến, cuộc sống nhiều lo nghĩ sức khoẻ song thân, nghề nghiệp và gia thất của những đứa con đã lớn làm tôi không có thời gian hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Vào tuổi cổ lai hi, bổn phận đối với cha mẹ và các con đã hoàn tất, tôi có nhiều thì giờ sống thảnh thơi bên cạnh người bạn đời cùng san sẻ vui buồn hơn bốn mươi năm, chúng tôi nhận ra sinh hoạt của vợ chồng già tuy khác xưa nhưng không thể nói kém hạnh phúc so với thời trẻ.

Chuyện xưa kể có nàng công chúa xinh đẹp dạo chơi trong vườn thượng uyển thì chim đại bàng bắt mất. Nhà vua cấp tốc triệu tập các bậc hiền tài với lời hứa: Ai cứu công chúa sẽ được làm chồng nàng. Theo sự chỉ dẫn của chàng trai có đôi mắt thần, chàng trai có tài thiện xạ bắn trúng chim đại bàng, làm nó thả công chúa rơi xuống biển. Chàng trai khác có biệt tài bơi lặn, cứu được công chúa nhưng nàng đã chết, nhà vua nhờ lương y dùng thần dược cứu sống. Trong khi nhà vua bối rối không biết gả công chúa cho ai thì đại thần tâu trình giải pháp tối ưu: Gả công chúa cho thanh niên có tài bơi lặn vì dưới biển nàng được ôm giữ trong vòng tay của chàng.

Ngày nay, nhiều thanh niên không biết giữ gìn hoặc do hoàn cảnh bức bách đã “Ăn cơm trước kẻng”, nhiều thiếu nữ “Sống thử” với đàn ông còn chuyện “Sống thật” với chồng tương lai thì tính sau. Tuy thế, xưa cũng như nay, có phải ai cũng mong ước được nên vợ, nên chồng với người cùng trải nghiệm những rung động đầu đời với mình, khi lần thứ nhất tay trong tay với người không cùng giới tính? Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du để nàng Kiều lắm phong trần nói ra nguyện vọng vươn tới thanh cao trong Đạo vợ chồng:

“Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,

Hoa thơm phong nhị, trăng vòng tròn gương.”

Chú thích:

(1) Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.

(2) Tiết hạnh (của người phụ nữ) đã thành thuần phong mỹ tục.

(3) Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.

(4) Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)