Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Đức Dalai Lama nói về sự sống, tính dục, cải đạo và phụ nữ

Đã đọc: 5341           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Dưới đây là phần chuyển ngữ của một bài phỏng vấn đức Đạt-lai Lạt-ma đăng trên tạp chí Le Point của Pháp thực hiện và đăng ngày 22-1-2007. Bài phỏng vấn nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, thời sự, xã hội. Đạo Phật Ngày Nay trích đăng một phần của bài phỏng vấn. Tựa đề do ĐPNN đặt. Các lời giải thích thêm trong hai ngoặc kép [...] thuộc bản chính của bài báo (không phải của người dịch).

Le Point: Ngài có nghe nói đến chuyện "bò điên" hay không?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Vâng, dĩ nhiên là có... Bắt những sinh vật ăn cỏ phải ăn thực phẩm chế tạo bằng thịt thì vô cùng khiếp đảm ! Quý vị hiểu chúng ta sinh ra từ thiên nhiên, là thành phần của thiên nhiên, thiên nhiên cung ứng cho chúng ta mọi nhu cầu cần thiết. Chúng ta chưa biết phải đền ơn thiên nhiên ra sao mà còn ra sức khai thác các tài nguyên sẵn có,  không hề trả lại thiên nhiên bất cứ gì, hơn thế nữa chúng ta còn làm đảo lộn trật tự thiên nhiên. Chúng ta tiếp tục hành động như thế dù đối với thực vật, động vật hay con người sẽ nhận lãnh những hậu quả tai hại. Xin đừng phá hoại thiên nhiên !

Le Point: Vậy ngài chống lại việc nhân giống vô tính (clonage - cloning) ?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Vâng, đúng như thế... Những gì thiên nhiên tạo ra đều hoàn hảo và chúng ta không có quyền chạm vào đấy.

Le Point: 40% người Đức không ăn thịt. Ngài nghĩ như thế nào về sự kiện ấy ?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Chúng ta có thể tạo ra thế giới tốt đẹp hơn khi không giết hại thú vật. Lý do vệ sinh, cố tránh không nên ăn thịt.

La Point: Tháng rồi ngài có tham dự hội nghị thế giới về "Bhagavad-Gita" [Thánh kinh của Ấn giáo]. Ngài có biết kinh "Gita" chấp nhận hung bạo khi bênh vực vợ con, biên thùy và nền văn hóa của mình không ?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Có chứ, tuy nhiên chúng tôi đâu phải là Ấn giáo. Theo quan điểm Phật giáo, động cơ thúc đẩy gây ra hung bạo là điều quan trọng. Quý vị có biết sự tích sau đây về tiền thân của Đức Phật hay không: Có lần Ngài cùng với năm trăm người khác đang lênh đênh trên chiếc ghe lớn. Trong số năm trăm người ấy có tên sát nhân mưu đồ giết hết 499 người kia cướp tiền bạc. Vị tiền thân Đức Phật cố thuyết phục hắn nhưng vô ích. Ngài tự hỏi :"Vậy phải làm sao bây giờ? Giết tên sát nhân sẽ cứu được 499 mạng người nhưng phải gánh chịu nghiệp ác, không giết, hắn sẽ giết hết anh chị em trên ghe". Sau cùng vị tiền thân quyết định giết tên sát nhân, chấp nhận gánh chịu nghiệp ác. Tuy nhiên hành động đó không những cứu được 499 mạng người mà còn giúp tên sát nhân tránh nghiệp hung dữ vì không giết hại những người vô tội. Hành động ấy tất nhiên mang lại nghiệp lành!

Le Point: Theo cách lý luận của ngài thì bom hạt nhân có thể xem như chánh đáng...

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Chuyện ấy lại khác, phức tạp hơn nhiều. Rất khó để bào chữa cho quả bom trước sự tàn khốc do chiến tranh hạt nhân gây ra, dù cho quả bom được sử dụng với chủ đích tốt. Nhân đây, tôi thấu hiểu mối lo âu của dân Ấn: Quý vị hiểu năm cường quốc trên thế giới ép buộc nước Ấn không được có bom hạt nhân nhưng lại tự cho mình có quyền ấy. Như thế vừa bất công lại vô cùng nguy hiểm. Người Ấn phải đương đầu với mối đe dọa từ phương Tây lẫn phương Đông [Pakistan và Trung Quốc].

Le Point: Vậy phá thai có phải là hành động hung bạo hay không?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Nhất định đúng như thế, tốt hơn nên tránh. Tôi đồng ý nên sử dụng các phương pháp như dùng thuốc ngừa thai hoặc bao cao su. [Ngài giấu ngón tay trỏ của mình dưới vạt áo đỏ và bật cười giòn].

Le Point: Thế ngài nghĩ sao về đồng tính luyến ái?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Đấy là gì mà Phật giáo chúng tôi gọi là "hành động tính dục thiếu hạnh kiểm" ("mauvaise conduite sexuelle" - "wrong sexual behaviour"). Các cơ quan tính dục sinh ra để sử dụng sinh sản giữa nam và nữ, trên quan điểm Phật giáo những gì lệch lạc đều không thể chấp nhận [ngài đếm trên đầu ngón tay]: Giữa đàn ông với đàn ông, giữa đàn bà với đàn bà, bằng miệng, bằng hậu môn, hay bằng tay...

Le Point: Ngài cũng chống cả việc cải đạo?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Nhất định là chống! Quý vị là người Thiên Chúa giáo, làm việc hoàn toàn lỗi thời và quá xa xưa, đấy là việc nhiệt tình lôi kéo người khác theo tôn giáo của mình (prosélytisme - proseletysm). Tại Mông Cổ chẳng hạn, các nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo cải đạo cho hàng nghìn người trước kia theo Phật giáo Tây Tạng. Đồng thời người Trung Quốc tại Tây Tạng khuyến khích các vị cố đạo cải đạo những người đồng hương của chúng tôi. Tại miền Đông Ấn Độ, các nhà truyền giáo người Mỹ sử dụng phương tiện tài chính cải đạo các bộ tộc miền núi nghèo đói, cô lập họ với cội nguồn, văn hóa và lối sống lâu đời của tổ tiên họ để lại. Như thế thật không hợp lý: Thế giới phải ngày càng cởi mở hơn. Quý vị thi hành việc cải đạo, đấy là hình thức chiến tranh chống lại các dân tộc khác và các nền văn hóa khác không giống với dân tộc và văn hóa của quý vị. Như thế không đúng với thông điệp của đức Chúa Trời (Christ) !

Le Point: Thưa ngài, ngài có biết là một triệu người Pháp đến gần với Phật giáo hay chăng?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Thế à ? Người ta bảo với tôi là con số này lên đến 5 triệu kia mà [ngài cười] ! Tôi xin trả lời câu hỏi này bằng hai cách khác nhau: Trên khía cạnh tích cực, người Pháp rất thích tìm hiểu và học hỏi - thật vậy tôi còn nhớ lần đầu tiên đến Pháp vào khoảng năm 1973, tôi vô cùng ngạc nhiên vì các ký giả đã đặt câu hỏi rất cao siêu gần với lĩnh vực triết học; trái lại ngày nay tôi nhận thấy Phật giáo Tây Tạng trên đất Pháp tương tự như là phong trào và người Pháp có vẻ dễ thay đổi quan điểm - đấy là gì mà tôi không tán thành - điều đó chứng tỏ nền móng tín ngưỡng lâu đời không hề ăn sâu vào văn hóa của quý vị, sự bành trướng dễ dàng của Phật giáo đã chứng minh điều ấy.

Le Point: Có đúng là Đức Giáo hoàng đang cố gắng tìm cách ngăn chận sự suy tàn của Thiên Chúa giáo hay không?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Đúng, hành động như thế rất tốt; hơn nữa tôi còn nhận thấy Giáo hoàng thật tuyệt vời, là vị thầy tâm linh thành thực quan tâm đến các vấn đề đang chi phối thế giới ngày nay. Ngược lại, hơn một lần, tôi không đồng ý với cách ngài gọi "Á châu là mảnh đất truyền bá Phúc âm trong niên kỷ thứ III": Sự kiện ngày nay tại Tây phương không mấy khi có người đến nhà thờ và thiên hướng giảm sút không phải là lý do để tìm cách cải đạo những người nghèo khổ ở Đông phương và để đào tạo các tu sĩ, các bà xơ (soeur) ở Ấn Độ [rất nhiều nhà truyền giáo và các bà xơ Thiên Chúa giáo hoạt động tại Phi châu chẳng hạn, là người Ấn gốc Kérala hay Tamil Nadu]*. Tốt hơn hết là Giáo hoàng nên chăm lo sự an lạc tâm linh cho những người Thiên Chúa giáo ngay trên quê hương của quý vị: Hiện nay sự khủng hoảng tâm linh đang thật sự xảy ra tại Tây phương, sự khủng hoảng đó đòi hỏi những phương thuốc hữu hiệu.

Le Point: Có khi nào Ngài nghi ngờ điều gì hay không?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Nhất định là có, trong tất cả mọi lĩnh vực - nhưng không bao giờ tôi nghi ngờ bản chất vững chắc của Phật giáo như: Tứ diệu đế, bất bạo động, lòng từ bi. Trái lại tôi không chắc lắm là có đến mười ngàn vị Phật [ngài cười thật to như sấm vang]!

Le Point: Vai trò của phụ nữ sẽ ra sao trong thế kỷ XXI này?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Người phụ nữ sẽ giữ vai trò ngày càng quan trọng hơn. Sự tranh đấu nữ quyền cũng trở nên quan trọng và mang lại nhiều đổi mới: Chẳng hạn ở Tây Tạng người phụ nữ từng bị ít nhiều kỳ thị qua bao thế kỷ. Tuy nhiên nên hiểu là số các vị lạt-ma thuộc các cấp bậc cao tái sinh làm phụ nữ, tôi có thể nói rằng hoàn cảnh phụ nữ Tây Tạng tốt hơn nhiều so với các chị em Trung Quốc.

Le Point: Ngài mến mộ các phụ nữ nào nhiều nhất?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Golda Meir, Indira Gandhi, Bandaranaike [cựu Thủ tướng Sri Lanka]. Sau hết là bà Mitterand, bà là phụ nữ tuyệt vời, người Pháp, quý vị thật may mắn !

Le Point: Vùng Tây Tạng tự do sẽ đóng vai trò như thế nào tại Á châu?

Đức Đạt-lai Lạt-ma: Hai vai trò: Vùng Tây Tạng phi quân sự và phi vũ khí hạt nhân có thể làm trái độn giữa hai quốc gia Á châu khổng lồ là Ấn Độ và Trung Quốc. Hai nước này luôn kình chống nhau từ khi giành được độc lập; vai trò thứ hai là các con sông lớn của Á châu:  Brahmapoutre, Trường Giang, Mê-kông, Indus, Sutlej đều bắt nguồn từ Tây Tạng, các sông này bị người Trung Quốc làm ô nhiễm, người Tây Tạng chúng tôi chỉ mong ước có dịp trả lại sự tinh khiết cho các con sông này. Nước Tây Tạng sẽ giữ vai trò vừa chính trị vừa môi sinh trong cộng đồng thế giới.

Bures-Sur-Yvette, 09-11-10

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)