Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

NSƯT. Thành Lộc tiếng chuông chùa cứu sống đời tôi

Đã đọc: 3971           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nghe Thành Lộc kể chuyện cứ tưởng như một giấc chiêm bao hay câu chuyện cổ tích đầy huyền thoại. Đã từng chết đi vì một căn bệnh dân gian, và đã từng được cứu sống bởi một vị sư từ tiếng chuông chùa trong cửa Phật. Lần đổi kiếp ấy Thành Lộc đã không cô phụ những ân nhân cứu mạng mình, từng ngày lớn lên anh đã dành tất cả công sức và nhiệt tâm đóng góp vào lĩnh vực nghệ thuật giải trí. Mang tiếng cười đến cho khán giả, mang niềm vui đến cho trẻ thơ, và mang cả những câu chuyện đời nhằm giáo dục nhân cách sống. Thế nhưng, bên cạnh những gì đã cho đi và nhận lại, đường trần anh bước vẫn lẻ bóng đơn côi. Tưởng rằng anh sẽ cô đơn và buồn chán, sẽ bỏ cuộc với tất cả những dự án nghệ thuật… Nhưng anh không làm thế bởi một điều đơn giản anh là con của Phật. Chúng ta cùng trải lòng với những tâm sự cùng anh.

Xin anh cho biết kỷ niệm nào về đạo Phật, về mái chùa làm anh nhớ nhất từ thời thơ ấu?

Có một thời gian dài nhà tôi nằm trên đường Sư Vạn Hạnh Q.10. Chùa Ấn Quang cũng ở trên con đường này và Việt Nam Quốc Tự tọa lạc đường 3/2 cũng gần đó. Các đoàn xe hoa chạy diễu hành mừng Đại lễ Phật đản bao giờ cũng xuất phát từ một trong hai địa điểm trên. Vì vậy mà dân cư ở hai khu vực này bao giờ cũng náo động, vui nhộn! Tôi ngất ngây với hàng trăm chiếc xe được trang trí đèn hoa lộng lẫy và hình ảnh đức Phật đản sanh đứng trên tòa sen một tay chỉ thiên, tay kia chỉ địa cùng diện mạo thật khôi ngô và hồn hậu! Khi cuộc diễu hành kết thúc thì tôi thấy buồn và cứ đứng ngây ra tiếc nuối.

Ba tôi thường chở mấy chị em chúng tôi trên chiếc xe Vespa của ông bám theo đoàn xe hoa chạy khắp thành phố Sài Gòn. Về đến nhà tôi hay đứng trước gương bắt chước động tác chỉ thiên chỉ địa của Phật, ba má tôi thấy vậy cứ cười.

Năm 1971 Cô nhi viện Lâm Tỳ Ni có thực hiện bộ phim nhựa ngắn 30 phút kể về lịch sử đức Phật Thích Ca do toàn các diễn viên là các cô nhi trong viện đóng, tôi lại được mời đóng vai Thái tử Sĩ Đạt Ta từ lúc thành hôn cho đến khi bỏ hoàng cung ra đi tìm chân lý cứu khổ chúng sinh, cắt tóc giao lại cho Xa Nặc và tìm đến cội Bồ đề ngồi thiền định. Phim chỉ có lời thuyết minh chứ không có lời thoại, lúc đó tôi mới có 10 tuổi. Đó chính là những kỷ niệm mà cho đến tận bây giờ tôi không thể nào quên được.

Có phải từ thuở ấy anh đã trở thành một Phật tử?

- Không, gia đình tôi theo đạo Phật từ nhiều đời trước. Tôi được ba má cho quy y tại chùa Tân Nghĩa (Q.Gò Vấp, chùa này nay đã không còn). Từ một cuộc hồi sinh thật huyền diệu, tôi có duyên đến với Phật. Lúc đó tôi mới có một hay hai tuổi gì đó, tôi bị đau ban và lên cơn co giật tắt thở. Ba má đem "xác" tôi lên chùa xin thầy trụ trì cứu giúp. Sư cụ đặt tôi nằm dưới một đại hồng chung lớn, rồi từ từ gióng lên ba tiếng thật to. Thật bất ngờ tôi đã mở mắt ra và cứ cười ngất. Thầy bảo vậy là tôi đã thoát hết một kiếp người. Từ đây là một kiếp sống mới. Thầy đặt cho tôi pháp danh Thiện Tâm, tôi phải mặc quần áo của con gái cho đến khi 7 tuổi vào học lớp 1 mới thôi.

Trong suốt khoảng thời thơ ấu đó, tôi rất thích chạy lại ngồi dưới chân tượng đức Phật ở chùa Tân Nghĩa, ngắm nghía tượng Phật hoài không chán, tôi cứ ngồi mong cho đức Phật mở hé mắt ra coi có nhìn thấy tôi không (cười) và còn có thói quen khá ngộ là cứ chui đầu vô đại hồng chung để cho các thầy gióng chuông và cũng rất thích ăn... bông vạn thọ! tôi có thể ăn bông vạn thọ ngon lành như là ăn cơm vậy (cười)!

Đã từng được cứu sống từ tiếng chuông chùa trong cửa Phật, suy nghiệm của anh về cuộc quay lại kiếp sống này là gì?

- Là đền ơn, là trả nợ đời. Chư Phật đã ban cho tôi tài năng nghệ thuật và giúp tôi trở thành người thành đạt đến như vầy là để tôi cống hiến hết năng lực của mình cho cuộc đời này, là để cho tôi cơ hội đền ơn đáp nghĩa đó.

Là “cây đại thụ” trong làng nghệ thuật, vừa nổi tiếng, vừa tài hoa nhưng anh lại gặp không ít những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống. Là một Phật tử, anh nhận định vấn đề trên như thế nào?

- Tôi nghĩ đó là luật bù trừ, ta được cái này thì phải chịu mất cái khác. Tôi nghĩ đó là sự công bằng của nhân quả thôi mà.

Những lần gặp thất bại, đau khổ trong chuyện tình, chuyện đời anh đã hóa giải nó ra sao để tiếp tục sống và làm việc cho đến ngày hôm nay?

- Tất cả mọi oan trái trong cuộc đời, mỗi người ai cũng có. Với tôi thì đó là trả nghiệp. Kiếp trước tôi đã vay nhiều quá thì bây giờ vui vẻ trả lại. Tôi cũng cho rằng đó chính là một sự thử thách lớn để ta được thành nhân, thành người hữu dụng như hôm nay.

Do vậy, khi gặp thất bại hay đau khổ trong chuyện tình, chuyện đời tôi thường quay vào chính nội tâm mình để suy nghiệm, tự hỏi rõ mình đã làm gì và cố gắng điều chỉnh bản thân, không đấm ngực khóc la và sớm tìm lại niềm vui từ công việc mang lợi ích cho cuộc đời.

Giá trị tâm linh nào trong Phật giáo làm anh tâm đắc nhất?

- Tôi không am hiểu nhiều về giáo lý đạo Phật, nhưng tôi rất tâm đắc giá trị tư tưởng: “Tất cả chỉ là ảo ảnh” mà trong một bài kệ Thiền sư Vạn Hạnh đã viết:

 “Thân như bóng chớp chiều tà

Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời

Sá chi suy thịnh việc đời

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành”

(HT.Thích Mật Thể dịch)

Anh đã áp dụng lời dạy của thiền sư và hiệu nghiệm của nó như thế nào?

- Tôi không chủ tâm để ý mình đã làm được gì, chỉ cố gắng sống cho tốt trong khả năng mình có thể và thấy có hiệu quả là bây giờ tôi không còn dễ nổi giận như ngày xưa. Tôi cũng dễ tha thứ cho người đã gây lầm lỗi với mình, dễ buông bỏ mọi thứ phiền muộn trong lòng và tâm thái bình an hơn, ngủ ngon hơn, sâu hơn!

Sắp bước qua tuổi ngũ tuần nhưng anh vẫn sống cô đơn không người bạn đời bên cạnh, không có con để chăm sóc. Anh đã định hướng gì cho những năm tháng về sau?

- Nếu tôi có lập gia đình thì chắc chắn không phải là để sau này có người lo cho mình, mà lập gia đình là để mình được lo cho những người mà mình yêu thương nhất. Cái vế trước xem ra nó có phần ích kỷ và "vụ lợi". Tôi tự thấy làm một kiếp người thật khổ, tạo ra con người nữa là tạo ra nghiệp chứ có gì vui! Tôi cũng không nghĩ đến chuyện mình sẽ đi tu, tôi không đủ phước phần để trở thành một bậc thầy mô phạm, nghiệp nợ tôi còn nặng lắm! Chưa trả hết thì tu sao được (cười).

Được biết, anh đã từng làm đạo diễn cho vở ca kịch 1000 năm tình sử do nhà văn Nguyễn Quang Lập sáng tác vào năm 2009. Vậy lý do gì khiến anh mạnh dạn nhận lời dựng vở kịch này?

- Vì kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập đề cập đến thân phận của một kiếp con người chứ không bừng bừng hô hào ca ngợi "người hùng" một cách máy móc sáo rỗng như người ta vẫn thường thích làm hay bị thúc ép phải làm. Bởi vậy mà ở cảnh cuối kết thúc vở kịch tôi đã muốn cho Lý Thường Kiệt được một lần tắm gội để giũ sạch những lớp bụi hồng trần trong kiếp sống nhân sinh.

Chúc anh luôn an lành và hạnh phúc trong cuộc sống.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
21/06/2011 00:04:38
a thamh loc song that la co tam e umg ho a
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)