Trải qua một tuần khá dài trở thành những thiền sinh với các tư thế ngồi im lặng, mặc áo tràng trong thiền đường, chúng tôi giữ yên lặng, ngoại trừ những lúc tụng niệm. Chúng tôi tiến hành các nghi lễ. Chúng tôi lắng nghe các bài pháp thoại được thuyết giảng từ các vị tu sĩ và thực tập lễ lạy rất nhiều.
Khóa tu thiền hoàn tất, thiền sinh chúng tôi rời khỏi thiền đường và hòa mình vào ánh nắng ban mai trong tiếng hót líu lo của chim muông. Lang quân của một thiền sinh đến đón vợ về nhà, anh ta đến gần nhóm của chúng tôi rồi nói: “Tất nhiên, Phật giáo chỉ là một nền triết học, không phải là một tôn giáo”.
Không một ai tranh cãi, tôi nghĩ tất cả chúng ta đã quá mệt mỏi vì tranh luận. Thế nhưng không có ai lại đồng ý như thế. Những gì đã trải nghiệm trong một tuần thực hành thiền chắc chắn ai nấy đã cảm nhận và thấu hiểu được thế nào là tôn giáo. Tại sao Phật giáo không phải là tôn giáo?
Cái này hoặc cái kia?
Theo kinh nghiệm của tôi, những người cho rằng Phật giáo là triết học và không phải là tôn giáo nên đáng khen ngợi, bởi họ đã can đảm nói lên những điều họ đã suy nghĩ, rằng Phật giáo chẳng qua chỉ là một thứ mê tín không hơn không kém so với những tôn giáo khác. Và họ đã tin như vậy.
Theo nhận xét này, tôn giáo là một mớ bòng bong bao gồm những nền văn học dân gian cổ xưa. Tôn giáo ảnh hưởng đến nhân loại qua các niên kỷ như là một lớp an ninh phủ trùm lên vũ trụ. Tôn giáo là nồng nàn, phi lý và hỗn độn. Thế nhưng triết học là bông hoa trí huệ của loài người. Triết học thì hợp lý và truyền bá văn minh. Trong một chừng mực nào đó triết học khuyến khích người ta tranh luận như là món tráng miệng với cà phê.
Có thể nói, Phật giáo dù ở hình thức nào đều dựa trên nền tảng của sự thực hành thông qua sự tư duy và thẩm thấu. Phật giáo không dựa trên niềm tin Thượng đế, hoặc linh hồn bất diệt hay bất cứ một đấng siêu nhiên nào. Vì thế, dựa vào nội dung vừa nêu thì Phật giáo không phải là tôn giáo.
Giết chết đức Phật
Sam Harris trình bày quan điểm về Phật giáo trong bài tham luận “Giết chết đức Phật” (tạp chí Shambhala Sun, tháng 3-2006). Harris thừa nhận rằng “Phật giáo là nguồn trí tuệ giàu có hơn bất kỳ một nền văn minh nào đã từng hiện hữu.” Thế nhưng, ông cho rằng Phật giáo sẽ tốt đẹp hơn nếu lời Phật dạy được thực hành bởi những người Phật tử, hơn là một dò hỏi tò mò không tu tập.
“Trí tuệ của đức Phật được hiểu qua cái bẫy bên trong là tôn giáo,” Harris than. “Vẫn còn tệ hơn, người Phật tử tiếp tục đồng hóa Phật giáo mượn sự trợ giúp ngầm các tôn giáo khác trên thế giới… còn đưa ra quan điểm rằng Phật giáo là một tôn giáo xúi giục sự xung đột nhân loại, và làm cản trở sự thật về nhận thức. Tôi tin rằng chỉ có mô tả sai thì những Phật tử mới tạo sự đồng lõa gây nên bạo lực và sự vô minh cho cuộc đời, bởi họ đã hiểu sai lời Phật dạy.
“Giết chết đức Phật” có nguồn gốc từ một công án nhà Thiền rằng: “Nếu bạn gặp đức Phật trên đường, hãy giết Ngài.” Harris giải thích câu này như là một lời răn đe nhằm chống lại sự tôn sùng quá đáng về tôn giáo. Chính điều này đã làm mất đi bản chất về những lời dạy của đức Phật.
Thế nhưng, cụm từ giải thích của Harris, theo Thiền tông “giết Phật” mang ý nghĩa nhằm dập tắt đi những vọng kiến và tà niệm về đức Phật để giúp hành giả nhận chân được ông Phật thật của chính mình. Harris không giết đức Phật, ông ta chỉ thay thế các quan điểm tôn giáo về đức Phật bằng một phi tôn giáo.
Những chiếc hộp trí nhớ
Trong nhiều phương tiện “tôn giáo chống lại triết học” thì sự tranh luận là một việc giả tạo. Về sự phân chia rõ ràng giữa tôn giáo và triết học, chúng tôi muốn nhấn mạnh thời nay không còn tồn tại nền văn minh phương Tây khoảng thế kỷ 18 và chưa bao giờ có sự phân biệt trong nền văn minh phương Đông. Điều này chứng tỏ rằng Phật giáo phải là một cái gì đó có tầm quan trọng hơn những thứ khác, Phật giáo có ảnh hưởng đến nền văn hóa cổ xưa, đồng thời còn là sản phẩm trí tuệ cho thời đại.
Theo quan điểm Phật giáo, nhận thức phân biệt được xem như là một chướng ngại cho sự giác ngộ. Không có một nhận thức nào có sẵn để chúng ta dùng. Ngoài ra, nền khoa học thế giới đã phát hiện và chứng minh rằng thế giới quanh ta và mọi thứ chúng ta có phải trải qua giai đoạn học tập và trải nghiệm. Một trong những vai trò quan trọng của người Phật tử là thực hành giáo pháp để quét sạch tất cả mọi vô minh tồn tại trong ý thức của chính mình để có thể nhận chân được thế giới vốn là như thị.
Trong một quan điểm tương tự, sự tranh luận Phật giáo, tôn giáo, hoặc triết học là việc không mấy khi đề cập về Phật giáo. Bởi khi tranh luận chúng ta có xu hướng dính mắc vào thế giới nhị nguyên hoặc cho Phật giáo là tôn giáo, hay Phật giáo là triết học. Trong khi đó, bản chất của Phật giáo vốn tồn tại như thị.
Giáo điều với chủ nghĩa thần bí
Phật giáo là triết học, nếu sự tranh luận thiên về quan điểm cho rằng Phật giáo mang tính chất minh triết hơn so với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, sự tranh luận này nhằm bác bỏ Phật giáo là chủ nghĩa thần bí.
Chủ nghĩa thần bí thật khó định nghĩa, nhưng rất căn bản bởi nó chỉ sự trực tiếp và bản chất kinh nghiệm của nhận thức thực tại sau cùng, hoặc thuần túy, hoặc gọi là thượng đế. Theo Bách Khoa Triết Học Toàn Thư có rất nhiều sự giải thích về sự thần bí.
Phật giáo thì bí ẩn sâu xa, trong khi đó chủ nghĩa thần bí lại mang tính chất tôn giáo hơn là triết học. Thông qua thiền định, thái tử Tất Đạt Đa đã có kinh nghiệm trực tiếp về chủ thể và khách thể, tâm lý và vật lý, sự sống và cái chết. Như vậy, muốn hiểu về Phật giáo không gì hơn là mọi người phải trải qua kinh nghiệm giác ngộ trực tiếp.
Sự siêu nghiệm
Tôn giáo là gì? Những người tranh luận rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo nhằm để định nghĩa tôn giáo như là hệ thống của niềm tin. Quan điểm này thịnh hành ở phương Tây. Nhà sử học tôn giáo Karen Arms đã định nghĩa: “Tôn giáo là sự tìm kiếm sự siêu nghiệm vượt ra ngoài sự tồn tại cái tôi.”
Điều này nói lên rằng muốn hiểu về Phật giáo chỉ có con đường duy nhất là thực hành những lời Phật dạy. Thông qua thực hành, mỗi chúng ta sẽ lĩnh hội được năng lực và sức mạnh của bản thân. Nếu Phật giáo vẫn tồn tại trong phạm vi của khái niệm và ý niệm thì không phải là Phật giáo. Việc chỉ mặc áo choàng, thực hiện các lễ nghi và những cái bẫy tôn giáo khác chỉ làm cho Phật giáo bị ngộ nhận. Tương tự, một số hình tượng chỉ biểu hiện một khía cạnh tôn giáo và tâm linh Phật giáo, chứ chưa phải là trọng tâm của Phật giáo.
Một giai thoại thiền tại Nhật Bản kể về một giáo sư đến gặp thiền sư để tham học về thiền. Thiền sư mời vị khách uống trà. Khi rót trà vào tách, thiền sư cố ý rót trà mãi. Ly trà đầy nước và chảy tràn lên mặt bàn, thiền sư vẫn tiếp tục rót.
- “Thưa thầy ly trà đã đầy, nó không thể chứa thêm được nữa,” Vị giáo sư thưa.
- “Bản thân ông đã chứa đầy những khái niệm và sự suy đoán. Làm sao tôi có thể chỉ cho ông về thiền nếu tư tưởng của ông không trống rỗng như tách trà này?” Thiền sư giải thích.
Nếu bạn muốn tìm hiểu về Phật giáo, hãy làm cho cái tách tư duy chấp ngã của chính mình trở nên rỗng không bạn nhé!
(Dịch từ Buddhism: Philosophy or Religion?)
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)