Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Phật giáo là gì?

Đã đọc: 4352           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Lời ngỏ: Hơn 2.500 năm qua, tôn giáo mà ngày nay người ta gọi là Phật Giáo từng là nguồn cảm hứng chính yếu cho nhiều nền văn minh thành công, cội nguồn của những thành tựu văn hóa vĩ đại, hướng dẫn lâu dài đầy ý nghĩa cho đời sống tâm linh của hàng triệu người. Ngày nay, có hơn sáu trăm triệu người trên thế giới đang sống và tu tập theo giáo lý của Đức Phật. Vậy Đức Phật là ai và giáo lý của Ngài dạy những gì ?

Đức Phật

Ngài đản sinh vào năm 624 trước Tây lịch (TTL) có tên Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhatta Gotama) vốn là hoàng tử tiểu vương quốc ở gần biên giới Ấn Độ và Nepal ngày nay. Hoàng tử sống trong xa hoa, nhung lụa của vua chúa nhưng không có lạc thú vật chất nào có thể che giấu sự bất toàn của cuộc sống đối với người thanh niên ham hiểu biết sự thật một cách dị thường. Vào năm hai mươi chín tuổi (595 TTL), Ngài bỏ cung điện đi tìm ý nghĩa sâu xa của đời sống trong rừng núi hoang vu ở miền Đông Bắc Ấn Độ. Ngài học với các bậc đạo sư và triết gia thông thái nhất thời đó, nhưng các vị  không thể cung cấp những lời giải đáp mà Ngài đang tìm kiếm. Sau đó, Ngài áp dụng pháp tu khổ hạnh khắc nghiệt nhất, Ngài cũng không chứng đắc được gì cả.

Năm ba mươi lăm tuổi, vào đêm trăng tròn tháng Vesakha năm 589 TTL, Ngài ngồi thiền định dưới cội Bồ-đề trong rừng Ưu-lâu-tần-loa gần bờ sông Ni Liên Thiền (Neranjara), dùng sự trong sáng khác thường của tâm trí với trạng thái thiền sâu xa, sức mạnh trí tuệ được phát sinh trong trạng thái đó, Ngài quán sát sự thật của tâm trí, vũ trụ và đời sống. Cuối cùng, Ngài đạt đến giác ngộ vô thượng và từ đó được gọi là Phật (Buddha). Giác ngộ của Ngài là trí tuệ bao quát và sâu xa nhất, thông suốt thật tánh của tâm trí cũng như vạn vật. Giác ngộ không phải là mặc khải do đấng thiêng liêng nào ban cho mà là khám phá chứng nghiệm của chính Ngài, có nền móng từ những giai tầng thiền định sâu xa nhất. Đạt đến giác ngộ có nghĩa  Ngài giải thoát mọi trói buộc tham ái và vô minh, giải trừ mọi hình thức đau khổ và đạt được an lạc vĩnh cửu.

Giáo lý của Đức Phật

Đức Phật sau khi thành đạo và bốn mươi năm kế tiếp, dạy đạo lý mà khi mọi người tinh tấn làm theo, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, giai cấp, đều đạt đến giác ngộ viên mãn như Ngài. Những giáo lý được gọi là “Dhamma”, có nghĩa thật tánh vạn vật ở dưới hiện hữu của mọi vật. Bài viết này không thể trình bày tất cả giáo lý Đức Phật nhưng bảy đề mục sau  cung cấp bao quát những gì Phật dạy.

1. Cách tìm hiểu chân lý

Đức Phật mạnh mẽ cảnh cáo chúng ta không nên tin điều gì mù quáng, Ngài khuyến khích cách tìm hiểu sự thật một cách chính xác. Ngài cho thấy nguy hiểm của việc thiết lập niềm tin dựa trên những điều sau đây: Nghe nói lại, truyền thống, tập tục, nhiều người nói điều đó, thẩm quyền kinh sách cổ truyền, lời đấng siêu nhiên, tin các vị thầy, các vị trưởng thượng và Thầy thân cận mình. Thay vì tin theo những điều này, mọi người nên giữ tâm trí mình phóng khoáng và khảo sát kinh nghiệm đời sống chính mình. Khi tự mình nhận thấy giáo lý nào phù hợp với kinh nghiệm bản thân, đưa đến an lạc cho mình và mọi người, khi đó chúng ta mới chấp nhận và tin theo giáo lý đó.

Nguyên tắc này ứng dụng cho giáo lý của Đức Phật. Chúng ta nên khảo sát giáo lý qua sự sáng suốt của tâm trí phát sinh khi thực hành thiền quán. Khi hành thiền thuần thục, chúng ta tự xét giáo lý này với trí minh sát của mình, chỉ khi đó giáo lý mới trở thành chân lý giải thoát của chúng ta.

Người tìm hiểu đạo pháp cần có đức tính khoan dung. Khoan dung không có nghĩa là tin nhận mọi ý kiến hay quan điểm mà là không giận hờn hay ghét bỏ những gì mình không chấp nhận. Về sau, trên lộ trình học đạo, những gì ban đầu chúng ta không đồng ý có thể được coi là sự thật. Vậy trong tinh thần tìm hiểu sự khoan dung, tiếp theo là một số giáo lý căn bản của Đức Phật.

2. Tứ Diệu Đế

Giáo lý chính yếu của Đức Phật không nhắm vào lý luận về thượng đế, đấng sáng tạo hay nguồn gốc vũ trụ vạn vật, không nhắm đến cõi trời vĩnh hằng. Giáo lý nói đến thực tại đau khổ của con người và cấp thiết tìm ra con đường giải thoát vĩnh viễn mọi hình thức đau khổ. Đức Phật đưa ra tỉ dụ về người  trúng mũi tên tẩm thuốc độc, trước khi được cứu chữa muốn biết ai bắn mũi tên đó, người bắn ở đâu và thuộc giai cấp nào, đã dùng loại cung nào, mũi tên đã được làm bằng chất liệu gì v.v... Người trúng tên chắc chắn sẽ chết trước khi những câu hỏi được trả lời. Cũng giống như vậy, Đức Phật dạy việc làm cần thiết và cấp thời của chúng ta là tìm sự giải thoát đau khổ hiện tại, không còn phiền não và đạt được an lạc. Việc lý luận triết học chỉ có tầm quan trọng thứ yếu, chúng ta tu tập tâm trí tới trình độ có khả năng khảo sát vấn đề một cách rõ ràng và tự trông thấy sự thật. Vậy giáo lý trung tâm của Đức Phật là Tứ Diệu Đế hay bốn sự thật cao quý.

a. Khổ đế

Hết thảy chúng sinh đều phải chịu đủ loại khổ đau, sợ hãi và thất vọng. Cuộc đời là đau khổ của sinh, lão, bệnh và chết.

b. Tập đế

Nguyên nhân đưa đến đau khổ là tham muốn lạc thú, vật chất. Tham muốn được nuôi dưỡng bằng những điều thích và không thích, được thúc đẩy bởi ảo tưởng “ta” và “của ta” phát sinh từ  không hiểu hết tính chất chân thật của thực tại đời sống.

c. Diệt đế

Đau khổ chấm dứt khi không còn tham muốn. Đau khổ kết thúc trong chứng nghiệm giác ngộ. Đây là sự đạt giác ngộ hay Niết bàn giải thoát. Giác ngộ là buông bỏ hoàn toàn ảo tưởng về một tự ngã hay linh hồn có tính chất độc lập và thường tồn. Người giác ngộ được gọi là A La Hán (Arahant).

d.  Đạo đế

Sự giác ngộ an lạc đạt được bằng cách áp dụng pháp tu, đó là bát chánh đạo. Người ta sai lầm cho giáo lý này bi quan, đúng hơn Phật giáo thực tế ở chỗ đối diện thẳng thắn sự thật đau khổ, Phật giáo lạc quan ở chỗ chỉ mọi người thấy sự chấm dứt đau khổ, đó là niết bàn, sự giải thoát trong kiếp sống này. Những người đạt được an lạc tối hậu là tấm gương gây cảm hứng cho ta xác quyết Phật Giáo không bi quan mà đạo pháp dẫn tới phúc lạc đích thực.

3. Trung đạo hay Bát chánh đạo

Con đường dẫn tới giải thoát khổ đau được gọi là trung đạo vì tránh hai cực đoan, hưởng thụ lạc thú vật chất và ép xác khổ hạnh. Khi thân thể thoải mái với tiện nghi hợp lý, không hưởng thụ lạc thú vật chất quá đáng, tâm trí trong sáng, khỏe mạnh, hành thiền dễ chứng ngộ chân lý. Pháp tu trung đạo là siêng năng vun bồi đức hạnh, hành thiền đạt đến trí tuệ, được giải thích chi tiết trong bát chánh đạo là tám điều chánh đưa đến an lạc và giác ngộ gồm: chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng để trau dồi đức hạnh. Phật tử tại gia thì cố gắng giữ năm giới: 1/ Không giết người hay các loài sinh linh khác; 2/ Không cố ý lấy tiền bạc và tài sản của người khác; 3/ Không tà dâm; 4/ Không nói dối, độc ác, thêu dệt và hai lưỡi; 5/ Không uống rượu hay các chất ma túy,  những thứ làm suy yếu chánh niệm và ý thức đạo đức. Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định nói đến hành thiền thanh lọc tâm trí qua trạng thái an tĩnh nội tâm, tăng cường tâm trí để hiểu ý nghĩa đời sống. Chánh kiến và chánh tư duy là hiển lộ Phật trí, chấm dứt mọi khổ đau, chuyển hóa bản thân và đạt an lạc bất biến với từ bi vô lượng.

4. Nghiệp báo 

Tiếng Phạn gọi  “Kamma” có nghĩa “Nghiệp” hay hành động, ý muốn đề cập đến luật nhân quả, nghiệp báo. Theo nhân quả, hậu quả không trốn tránh được khi ta đã hành động. Nghiệp phát sinh từ  thân, miệng, ý làm tổn thương cho mình và người được gọi “ác nghiệp”. Nghiệp phát xuất từ tham lam, sân hận, si mê mang lại đau khổ, chúng ta tránh tạo nghiệp này. Ngược lại, những hành động qua thân, miệng và ý, đưa đến kết quả an vui cho mình, cho người hoặc cả hai, những hành động như vậy gọi là “ thiện nghiệp”, có động lực từ bi, trí tuệ, mang lại an lạc hạnh phúc, chúng ta nên tạo nghiệp này nhiều càng tốt. Những gì con người trải qua trong đời sống là hậu quả của nghiệp họ tạo ra trong quá khứ. Khi những điều bất trắc xảy ra, thay vì buộc tội hay bắt lỗi người khác, ta thấy lỗi lầm từ hành vi quá khứ. Thấy được quả báo như thế, làm cho ta có ý thức hơn trong những sinh hoạt hiện tại và tương lai. Khi hạnh phúc xuất hiện, thay vì xem nó như sự kiện tự nhiên, người ta thấy điều tốt phát xuất từ thiện nghiệp trong quá khứ. Người ta hưởng kết quả tốt sẽ khuyến khích tạo nhiều nghiệp tốt trong tương lai.

Đức Phật nói không có chúng sinh nào có thể ngăn cản hoặc trốn khỏi quả báo khi nghiệp đã  tạo. Học được chân lý nhân nào quả náy, gieo gió gặt bão, đem niềm vui cho người, ta sẽ hạnh phúc, gây khổ đau cho người, ta sẽ bất hạnh giúp người ta không làm điều ác trong mọi hình thức, cố gắng làm mọi việc lành như bố thí, trì giới, niệm Phật, thiền định... Chúng ta không tránh được nghiệp xấu đã tạo nhưng có thể giảm sự nghiêm trọng của quả báo; một muỗng muối pha trong ly nước có thể làm cho ly nước rất mặn, trong khi một muỗng muối pha trong hồ nước sẽ khó thay đổi vị của nước. Tương tự, quả báo nghiệp ác của người chưa quen làm việc thiện sẽ chịu đau khổ nhiều ở tương lai, trong khi quả báo nghiệp xấu ở người có thói quen tu nhơn tích đức sẽ gặp quả khổ ít hơn hoặc tan biến mất. Như vậy luật nhân quả tự nhiên trở thành động lực và lý do chính đáng giúp con người tu luyện đạo đức và phát triển tình thương vô điều kiện trong xã hội.

Trích dịch từ “ What is Buddhism?”, Ajahn Brahmavamso, Abbot of Bodhinyana Buddhist Monastery, Spiritual Director of the Buddhist Society of Western Australia, Perth, Australia, 2007.

(Còn tiếp)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)