Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Mong cầu thánh thiện

Đã đọc: 2080           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thái tử Siddhattha lúc sống trong cung vàng điện ngọc, hưởng thụ đầy đủ về mọi phương diện hạnh phúc cuộc sống trần thế của một bậc đế vương nhưng Ngài luôn thấy rõ “sự nguy hại của chúng”,...

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika, dạy các Tỷ-kheo:

Này các Tỷ kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu.

Thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết và bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết và bị ô nhiễm.

Này các Tỷ-kheo, cái gì gọi là bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết và bị ô nhiễm? Đó là vợ con, tôi tớ, gia súc, vàng bạc. Chấp thủ, nắm giữ, tham đắm và say mê chúng gọi là tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết và bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết và bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết và bị ô nhiễm; sau khi biết rõ sự nguy hại của chúng, tìm cầu cái vô sanh, không già, không bệnh, bất tử, không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Này các Tỷ-kheo như vậy gọi là Thánh cầu.

(Kinh Trung Bộ I, kinh Thánh cầu [lược])

SUY NGHIỆM

Những ngày đầu xuân đi chùa, lễ Phật, cầu nguyện an lành, cát tường và thịnh vượng là nét văn hóa tâm linh của những người con Phật, và của mọi người dân Việt. Sự cầu nguyện, mong ước sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai cho bản thân, gia đình và xã hội là điều vô cùng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả mọi người.

Đa phần chúng ta thường mong cầu, ước nguyện những yếu tố hạnh phúc bình thường như sức khỏe, thành đạt, phát tài, bình an gia đạo… nói chung là mong rằng vạn sự như ý. Những mong cầu này là chính đáng, hợp lý và thực tiễn. Tuy vậy, Thế Tôn vẫn nhắc nhở rằng đó chưa phải là mong ước, tìm cầu cao thượng, những mong cầu thánh thiện, Thánh cầu. Bởi thực chất, đó chỉ là vòng lẩn quẩn của “Người tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết và bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết và bị ô nhiễm” mà thôi.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, mong ước xây dựng đời sống hạnh phúc bình thường vốn rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là thiết lập nền tảng đạo đức để tịnh hóa thân tâm, thăng hoa cuộc sống, hướng đến giải thoát và giác ngộ. Ở đây, sự mong cầu được nâng lên một tầm cao mới, Thánh cầu, tìm kiếm sự hoàn thiện nhân cách, thăng hoa tuệ giác và tâm linh hơn là mong ước sung mãn những nhu cầu vật chất, danh tiếng theo dục vọng tầm thường.

Thái tử Siddhattha lúc sống trong cung vàng điện ngọc, hưởng thụ đầy đủ về mọi phương diện hạnh phúc cuộc sống trần thế của một bậc đế vương nhưng Ngài luôn thấy rõ “sự nguy hại của chúng”, nên đã vượt thành xuất gia “tìm cầu cái vô sanh, không già, không bệnh, bất tử, không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn”. Nhờ biết mong cầu thánh thiện, tìm kiếm cao thượng nên Ngài thành tựu Phật quả, tìm ra con đường giải thoát cho tự thân và hết thảy chúng sanh.

Thánh cầu cũng là một hình thức phát tâm Bồ-đề. Mong cầu cao thượng của bậc Thánh nhằm giải thoát khỏi mọi hệ lụy của phiền não sanh tử để dấn thân làm đẹp cuộc đời, độ thoát chúng sanh. Sự cầu mong tốt đẹp, an lành, thịnh vượng cho tha nhân, vượt lên trên-vượt ra ngoài cái tôi cá nhân nói chung, chính là Thánh cầu.

Trong bối cảnh có không ít người Phật tử đến chùa, lễ Phật cốt để van vái cầu xin những điều mà Thế Tôn gọi là phi Thánh cầu thì những mong cầu thánh thiện và cao thượng (Thánh cầu) cần phải được triển khai, giảng dạy, thực thi nhiều hơn nữa trong cộng đồng Phật tử để sự cầu nguyện trong Phật giáo không còn là cầu xin đơn thuần hay là nguyện ước suông mà đó chính là sự phát nguyện, dấn thân hướng thiện cho đến tự hoàn thiện.

Như vậy, Thánh cầu là mong cầu thánh thiện tối thượng, không thể thiếu trong lộ trình tu học. Do đó, ngoài những mong cầu tốt đẹp bình thường, người tu Phật cần hướng đến những mong cầu cao thượng là tự tại, giải thoát và lợi lạc quần sanh.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)