Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Hãy sống trọn ý nghĩa ngày tự tứ

Đã đọc: 2464           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo truyền thống của đức Phật và chư Tổ để lại, hằng năm sau ba tháng an cư kiết hạ, chư Tăng, Ni phải tiến hành buổi lễ Tự tứ. Ngày thực hiện lễ này được gọi là ngày Phật hoan hỷ, vì tất cả đệ tử đều đã tu hành tinh tấn, những khuyết phạm đều được sám trừ, đạo quả có cơ thành tựu. Vậy chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa, giữ gìn và phát huy tinh thần cao đẹp đó.

Tự tứ là tiếng Trung Hoa, được dịch từ tiếng Phạn Pavarana. Tự: là tự mình, Tứ: là cho phép, mặc tình, còn gọi là Tùy ý - tùy sự. Vì vậy Tự tứ có thể chuyển dịch là thỉnh cầu, thỉnh nguyện.

Buổi lễ Tự tứ được cử hành mỗi năm một lần tại một đạo tràng tu tập, vào ngày cuối cùng của mùa an cư, kiết hạ, theo PGVN thì hầu hết là tổ chức vào ngày rằm tháng bảy, ngày Phật hoan hỷ, ngày xá tội vong nhân. Theo một số tự viện và thiền viện tại Việt Nam thì gọi là Thỉnh nguyện và hằng tháng được tiến hành hai lần vào hai ngày sóc vọng, thay cho Bố tát.

Tại các đạo tràng an cư kiết hạ, trước buổi Tự tứ, toàn thể Tăng già đã tiến hành lạy sám hối, hoặc là lạy Tam thiên hay Vạn Phật, liên tục trong những ngày cuối hạ, với mục đích là giải trừ cho hết nghiệp chướng, để được hoàn toàn thanh tịnh mà bước vào buổi lễ Tự tứ cho được khinh an.

Trong phần nội dung của buổi lễ Tự tứ là từng vị Tỳ kheo ra giữa đại chúng, tự thành khẩn nói lên những lỗi lầm của mình đã phạm, sau đó vì không tự nhận thấy hết được việc làm của mình, nên cần phải khẩn thiết thỉnh cầu chư tôn đức và toàn thể đại chúng, hoan hỷ chỉ bảo cho mình biết thêm được những sơ sót, sai lầm, tội lỗi đã phạm, để sửa chữa và thành tâm sám hối. Nếu đạo tràng nào nhiều quá thì có thể chia thành nhiều chúng để thỉnh nguyện lần lượt với nhau.

Đây là hình thức, tự phê và tập thể nhận xét, phê bình một cá nhân, cá nhân đó sẵn sàng hoan hỷ nhận khuyết điểm và tỏ ra ăn năn, hối tiếc về những điều khuyết phạm, hứa nguyện quyết tâm sửa chữa lỗi lầm. Nếu vị nào thật tâm tu hành, cần cho bản thân trở thành người toàn thiện, hầu nhẹ nhàng tiến bước trên con đường hướng đến giải thoát, giác ngộ, thì cũng nên tranh thủ thỉnh nguyện và hoan hỷ đón nhận những lời chỉ bảo của đại chúng; Hãy xem những vị chỉ bảo, góp ý này là “Thầy” của mình, vì cổ đức có dạy rằng: “Người khen điều hay của ta là bạn ta, người chê điều sai của ta là thầy ta, người khen điều sai của ta là kẻ thù của ta”.

Qua sự thỉnh nguyện và tận tình chỉ bảo của đại chúng, ta mới có cơ hội nhận biết được khuyết điểm, chân thành sám hối, để tiến bộ và chứng tỏ là đã nhờ đại chúng mà bào mòn được bản ngã. Còn nếu ai không chấp nhận hay khó chịu, trong việc thỉnh nguyện đại chúng chỉ bảo, thì hãy xem lại việc tu hành lệch hướng, tội lỗi chất chồng và bản ngã đang lớn dần của mình!

Chính nhờ vào những dịp tự tứ đúng pháp, giúp nhau giữ tròn giới luật đã thọ, với đầy đủ sự trang nghiêm và niềm hoan hỷ như thế này, mỗi cá nhân sẽ thấy, biết rõ được những lỗi lầm của mình, chân thành ghi nhận những chỉ bảo đầy tình thương của chư tôn đức mà tự hoàn thiện lấy bản thân, thanh tịnh được thân khẩu ý. Từng mỗi vị Tỳ kheo Tự tứ sẽ cảm nhận được niềm hỷ lạc vô biên đang trào dâng trong tâm thức.

Toàn đại chúng cũng qua đây mà tự soi rọi lại lòng mình để thanh lọc thân tâm được trong sạch, giới thể được vẹn toàn, ai ai cũng đều được gột rửa bởi dòng suối thanh lương ấy. Nhờ đó toàn thể đại chúng được hoàn toàn thanh tịnh, đạo lực tăng trưởng, niềm giải thoát, giác ngộ, và ý nguyện độ sanh tràn vào từng vị. (Bà Thanh Đề cũng đã nhờ thần lực của mười phương Tăng trong ngày Tự tứ mà thoát được cảnh khổ đau nơi hầm lửa chốn địa ngục).

Được như vậy đức Phật rất là hoan hỷ. Thật là một buổi lễ với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp và nhiều lợi ích. Rất mong những trưởng tử Như Lai luôn thực hiện đúng pháp, tức là phải thành khẩn tự phê và thỉnh nguyện được chỉ lỗi, kính nhờ đại chúng trang điểm làm đẹp lại cho mình, sau đó chân thành sám hối để trở thành người toàn thiện. Phải dành nhiều thời gian tiến hành buổi lễ này, để không khí được thoải mái mà phấn khởi lắng nghe và chỉ bảo cho nhau, hoặc đọc lại những giới luật đã thọ, để quán chiếu lại tự tâm, mà chỉnh sửa cho được tốt, chứ không thể làm lấy lệ, qua loa, đọc theo những điều trong Giới Đàn Tăng đã ghi một cách hình thức chiếu lệ, không thể hiện được sự thiết tha và không tạo được một sự chuyển hóa nào trong tâm khảm.

Điều cấm kỵ là đừng biến ngày Tự tứ, thành ngày chạy tội (tìm lời lẽ biện minh, bằng cách phơi bày ra trước để khỏi bị đại Tăng cử tội, nhưng trong thâm tâm vẫn chưa chuyển biến) hoặc bươi móc, phê bình, chỉ trích, bôi nhọ lẫn nhau, để rồi oán hận nẩy sinh, phiền não chất chồng gây tạo thành nhiều oan trái khác. Tự thân mang tội mà ảnh hưởng xấu cũng sẽ lan rộng, khiến tội lỗi cũng thêm dẫy đầy. Ngày nay, hàng Phật tử tại gia với xu hướng thiên về tu phước nhiều hơn, luôn tận dụng mọi cơ hội tốt để gieo trồng phước báu. Tự tứ là ngày Tăng già sạch phiền não, ngày Phật hoan hỷ, công đức vẹn toàn, khinh an, giải thoát, là mảnh đất tốt nhất với nhiều phù sa, nên Phật tử rất muốn phát tâm gieo trồng công đức. Vậy hàng đệ tử xuất gia là trưởng tử Như Lai, phải lo hoàn thiện tự thân, để ruộng phước được sẵn sàng cho chúng sanh gieo cấy. Đồng thời chư tôn đức cũng nên nhắc nhở và hướng dẫn thêm việc tu huệ cho hàng Phật tử tại gia, để phước huệ được song tu, thiền môn hưng thạnh, tứ chúng được an hòa.

Xin hãy tiến hành Tự tứ đúng pháp để hình ảnh Tăng già vẫn luôn cao đẹp, là đạo sư đầy đạo lực, hoằng truyền chánh pháp, lợi lạc quần sanh, phước đức vô lượng.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)