Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Tư duy tích cực

Đã đọc: 3662           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tư duy tích cực có nghĩa là chúng ta suy nghĩ mọi vấn đề theo hướng tốt chứ không “ảm đạm hóa” mọi chuyện thành bi thảm, xấu đi…

Ví dụ, khi bạn nhận được một lời nhắc nhở từ người quản lý của mình, hãy nghĩ rằng mình làm chưa đạt nên người ta nhắc, với ý mong mình cẩn thận hơn, cố gắng hơn. Thế nhưng, đa số chúng ta thường nghĩ rằng: “Chắc 'sếp' ghét mình, muốn… đì mình”. Hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ được vế đầu: “Mình làm chưa đạt, sao mình dở thế, mình đúng là tệ lậu…”. Và buồn vì sao mà mình chẳng làm được trò trống gì, thất vọng chính mình và… ghét sếp”. Tâm lý ấy đè nặng cho đến khi chán việc, bỏ công ty, thậm chí chán chính bản thân mình rồi có những hành xử tiêu cực.

Nhất thiết duy tâm tạo. Đạo Phật quan niệm như thế, nên từ ý (suy nghĩ) tiêu cực đến hành động tiêu cực là không xa chi mấy bước. Tất cả đều từ tâm sinh nên muốn chữa lành tâm tiêu cực, sửa sai bởi những hành động tiêu cực thì cũng từ tâm: suy nghĩ tích cực lên!

Trong triết học có cặp phạm trù lượng & chất, tương đương với cặp suy nghĩ & hành động. Suy nghĩ tiêu cực cứ diễn ra liên tục nghĩa là trong tâm mình đang tích lũy một lượng tiêu cực. Lượng này đủ trong tâm thì sẽ ứa ra thành hành động (nói và làm) - một dạng chất mới. Một người chất chứa trong lòng u uất đủ để khóc thì không cần đánh cũng khóc, nước mắt tự chảy, thế thôi.

Ngược lại, có những suy nghĩ tích cực về cuộc sống thì cũng sẽ biến thành những lời nói, hành động tích cực. Ví dụ như bạn luôn suy nghĩ về những nỗi đau của con người và luôn nhìn con người bằng tâm từ ái, thấy bản chất con người đều có Phật tánh (lòng trắc ẩn, bi tâm trong họ…) thì khi gặp ai khổ đau bạn cũng dễ dàng nói một lời nhẹ nhàng, chịu khó ngồi lắng nghe, móc hầu bao chia sẻ. Và bạn cũng sẽ nhìn những người chưa có những biểu hiện thiện lành, hung dữ bằng ánh mắt từ bi, tha thứ, lặng lẽ cầu cho họ ngộ ra được giá trị của tình thương.

Suy nghĩ, nhìn đời bằng đôi mắt nghi kỵ, ngờ vực thì bạn sẽ luôn ngờ vực. Nhìn con người bằng đôi mắt nghi ngờ thì bạn sẽ luôn đề phòng và luôn thấy người ta xấu. Tôi có những người bạn mắc bệnh “than”. Họ than không ai hiểu mình, không ai thương mình… nhưng không biết họ đã hiểu họ chưa, họ có thương họ chưa? Tôi chắc là chưa, bởi nếu có thì họ đã không than, không trách người vì làm như thế đồng nghĩa với việc họ dụng năng lượng cho sự than vãn - vốn là một hành động phát xuất từ suy nghĩ tiêu cực. Hãy thử thương mình, hiểu mình bằng cách chuyển hóa suy nghĩ của mình từ hướng tiêu cực, sang tích cực đi.

Chợt nhớ đến những tin nhắn tối qua của bạn. Bạn buồn và tự trách mình chưa phải là người tốt, tu hành chưa tốt nên không đủ năng lượng để chuyển hóa bản thân, cứu vớt một kết cấu gia đình đang trong chiều hướng đi xuống. Và bạn khóc. Mình đã gợi ý cho bạn rằng: “Sao không suy nghĩ tích cực đi, sao không nghĩ nhờ bạn đã có thực tập từ bi, sống đẹp lâu nay mà kết cấu gia đình ấy mới chưa bị li tán, đổ vỡ hoàn toàn?”. Và bạn có biết không, trong thời đức Phật tại thế Ngài vẫn không thể cứu được nạn sát của dòng họ Thích, vì đó là nghiệp duyên. Đã là nghiệp và đến lúc trỗ quả thì nó phải được biểu hiện, không ai có thể can thiệp! Đấy cũng là một suy nghĩ tích cực.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)