Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Bàn về Quốc hoa Việt Nam

Đã đọc: 3743           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đạo Phật Ngày Nay: Bộ VHTT&DL ban hành Quyết định số 1361/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng Đề án Quốc hoa Việt Nam, việc tìm quốc hoa trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Mặc dù chưa có quy định nào về quốc hoa, nhưng nhiều người Việt Nam và nhiều người trên thế giới hiện vẫn xem hoa sen là quốc hoa của Việt Nam. Đề án Quốc hoa của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đưa ra 13 tiêu chí chọn Quốc hoa Việt Nam đã được Hội thảo chuyên môn về vấn đề này do chính Bộ này tổ chức ngày 16-6-2010, làm cho vấn đề được mọi thành phần trong xã hội quan tâm. Đạo Phật Ngày Nay xin giới thiệu bài viết ngắn của TS. Trần Ngọc Thảo về vấn đề này để rộng đường dư luận.

Hiện nay, có khoảng 100 nước trên thế giới có quốc hoa. Phân theo châu lục, châu Á đã có 27 nước có quốc hoa, châu Âu có 33 quốc gia, châu Mỹ có 23 nước, châu Phi có 15 nước và châu Đại Dương có 3 nước. Cũng có nước chọn cây hoặc lá làm quốc hoa của mình.

Nếu quốc hoa vốn gần gũi và được phần lớn người dân trong nước đó yêu thích, được hiểu vừa là biểu tượng văn hóa của một nước và niềm tự hào của dân tộc thì việc chọn quốc hoa thích hợp với văn hóa Việt Nam là cách góp phần thiết thực trong việc tôn vinh hình ảnh đất nước trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa.

Tại cuộc hội thảo đầu tiên về vấn đề này do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức ngày 16-6-2010, có đến 9/10 các đại biểu tham dự cho rằng nên có quốc hoa một mặt để thể hiện nét văn hóa và tự hào dân tộc Việt và mặt khác còn đáp ứng các công tác ngoại giao văn hóa hoặc đối ngoại của chính phủ.

Cũng cần nói thêm rằng trước cuộc Hội thảo được diễn ra, vào ngày 21-4-2010, Bộ VH-TT-DL đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ biên soạn Đề án Quốc hoa VN. Điều này cho thấy chọn quốc hoa là nhu cầu không thể thiếu.

Nếu quốc hoa được hiểu là biểu trưng của văn hóa Việt Nam, tôn vinh hình ảnh Việt Nam thì ta cũng không nên quá quan ngại rằng những quốc gia lớn có truyền thống văn hóa lâu đời như Trung Quốc và Nga chưa có quốc hoa. Nhiều nước nhỏ hơn Việt Nam trong số gần 100 nước đã có quốc hoa đâu phải lấy từ Trung Quốc và Nga để tham khảo trong tiến trình chọn quốc hoa của mình.

Cũng trong buổi hội thảo nêu trên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Tiến Thọ, người có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo làm đề án quốc hoa, cho rằng nhu cầu có quốc hoa là cần thiết, cũng như quốc phục vậy. Cũng theo Thứ trưởng Lê Tiến Thọ, “Để có sự đồng thuận của đại đa số, điều chúng ta cần hiện nay là tham khảo ý kiến của các nhà văn hóa, các nhà khoa học và dư luận công chúng trước khi trình chính phủ và quốc hội để được thông qua chính thức”.

Tiêu chí chọn quốc hoa Việt Nam

Theo dự thảo của Bộ VH-TT-DL, quốc hoa của Việt Nam trong tương lai sẽ phải hội đủ 13 tiêu chí, trong đó tiêu chí 13 là khó đạt nhất và do vậy cũng khó chấp nhận nhất: “Không trùng lặp với quốc hoa của các quốc gia khác”. Rất may là đề án dự thảo đã đưa nó xuống hàng thứ 13, chứ nếu đưa lên hàng đầu thì có lẽ ta sẽ không chọn được bất kỳ một loại hoa nào hội đủ 12 điều kiện còn lại mà không rơi vào trường hợp đã có một hay nhiều nước khác đã chọn. Bộ 13 tiêu chí bao gồm:

1. Có nguồn gốc hoặc được trồng lâu đời ở Việt Nam.

2. Thích nghi và được trồng ở hầu khắp mọi miền đất nước.

3. Thời gian nở hoa quanh năm hoặc kéo dài trong năm.

4. Thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tinh thần cốt cách, ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

5. Bền đẹp về hình thức, màu sắc và hương thơm.

6. Thông dụng trong đời sống sinh hoạt của nhân dân (hoa cắt, hoa chậu, trồng phong cảnh, trang trí...).

7. Có giá trị về mặt kinh tế, mang lại lợi ích cho nhiều người dân.

8. Có giá trị thẩm mỹ, hội họa (đã được sử dụng trong các công trình điêu khắc, hội họa, kiến trúc).

9. Có giá trị văn học, nghệ thuật (đã được đưa vào thơ ca truyền thuyết, lễ hội...).

10. Được đại đa số người dân yêu thích, chấp thuận và tôn vinh.

11. Có giá trị lịch sử (gắn với nhân vật hoặc sự kiện lịch sử).

12. Có khả năng mở rộng và phát triển trong tương lai.

13. Không trùng lặp với quốc hoa của các quốc gia khác.

Nếu quốc hoa của Việt Nam biểu trưng cho “Bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tinh thần cốt cách, ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam” đồng thời lại có “giá trị thẩm mỹ, hội họa” và các “giá trị văn học, nghệ thuật” đồng thời được “đại đa số người dân yêu thích, chấp nhận và tôn vinh” thì việc chọn một loại hoa có các đặc điểm trên nếu có phải trùng lặp với quốc hoa của nước khác thì cũng là chuyện bình thường, không có gì đáng quan ngại.

Trên thực tế “bộ 13 tiêu chí” cho quốc hoa Việt Nam là vừa quá nhiều và vừa không cần thiết, nếu không nói là “rắc rối” như họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN đã phát biểu.

Theo tôi, các tiêu chí 5, 6, 7, 12 và 13 là không cần thiết, vì giá trị của quốc hoa là yếu tố văn hóa, chứ không phải yếu tố kinh tế (như điều 5, 6, 7, 12). Nếu bỏ đi hoặc không dựa vào tiêu chí 13 “không trùng lặp với quốc hoa của các quốc gia khác” thì hoa sen hội đủ 12 tiêu chí còn lại, có thể trở thành ứng cử viên sáng giá nhất so với các loài hoa được đề xuất như hoa mai, hoa đào, hoa gạo, bông lúa và cây tre.

Quốc hoa VN trùng với các quốc gia khác có sao không?

Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm và cho rằng không nên quá quan ngại về sự trùng lắp. Vì cố tìm cho ra một hoa gì đó chưa có quốc gia nào chọn làm quốc hoa, có một giáo sư tầm vóc Việt Nam đã đề nghị “hoa mồng gà” vốn rất xa lạ với văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam, giá trị biểu tượng và nét đẹp thẩm mỹ cũng không có gì nổi bật.

Trong số 100 nước có quốc hoa như biểu tượng văn hóa của nước mình, các hoa có hai nước chọn làm quốc hoa là hoa dâm bụt có Malaysia, Sudan chọn; hoa súng có Đan Mạch và Bangladesh chọn; hoa gừng có Cuba và Nicaragua chọn. Hoa lan có ba nước chọn làm quốc hoa là Singapore, Phần Lan và Brasil. Hoa tulip có 4 nước chọn làm quốc hoa là Afganistan, Thổ-nhĩ-kỳ, Hà Lan và Bỉ. Hoa hồng nhờ vào nét đẹp đặc thù với nhiều màu sắc đã được ít nhất 10 nước chọn làm quốc hoa như Iraq, Iran, Ả Rập Saudi, Syria, Maroc, Anh, Bungary, Bồ-đào-nha, Romania và Luxembourg.

Các loại hoa được đề xuất làm ứng cử viên quốc hoa, ngoài hoa sen là sáng giá nhất còn có hoa mai, hoa đào, hoa cau, hoa sim, cây tre và bông lúa. Điều đáng nói là các ứng cử viên hoa vừa nêu không có hoa nào hội nhiều tiêu chí do Bộ VH-TT-DL đưa ra như hoa sen.

Hoa mai dù là loại hoa đặc trưng văn hóa ngày tết nhưng thực tế chỉ phổ biến ở miền Trung và miền Nam; hơn nữa Đài Loan đã chọn làm quốc hoa, trong khi Trung Quốc đại lục chọn hoa mẫu đơn một loại thuộc loài mai làm quốc hoa. Hoa đào chỉ phổ biến ở vùng cận ôn đới và ôn đới như miền Bắc, nên không trồng được ở khí hậu nhiệt đới của miền Trung và miền Nam. Hoa cau và hoa sim thì quá mờ nhạt trong văn hóa Việt Nam và không đáp ứng được các tiêu chuẩn quan trọng do Bộ VH-TT-DL quy định.

Cũng có người đề nghị nên chọn bông lúa làm quốc hoa vì đồng lúa gắn liền với đời sống nông nghiệp của Việt Nam và Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu gạo nhì ba thế giới. Bông lúa đã được Cambodia chọn làm quốc hoa và xét theo tính ưu thế thì không nổi bật bằng hoa sen.

TS. Đặng Văn Đông, Trưởng bộ môn Hoa và cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu rau quả, cho biết trong khoảng 130.000 ý kiến, có 40,3% chọn hoa sen, 33,6% chọn hoa mai, 8,2% chọn hoa đào. Theo thống kê online của Tiền Phong, hoa sen chiếm 40,14%, hoa mai chiếm 25,77% trong khi đó hoa đào chỉ đạt 8,56% (tính theo ngày 21-7-2010). Theo TS. Phạm Thanh Hải, Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho hay rằng trong các trường đại học được yêu cầu lựa chọn qua phiếu thì có 68% giảng viên và sinh viên đề nghị chọn hoa sen làm quốc hoa của Việt Nam. 

Hiện nay, hoa sen trắng đã có Ấn Độ và Tích Lan chọn làm quốc hoa. Hoa sen hồng vốn gắn liền với văn hóa Việt Nam thì vẫn chưa có người chọn. Trong tương lai, trong hơn 100 nước còn lại sẽ có thể có nước chọn hoa sen làm quốc hoa của họ. Việc chọn “hoa sen hồng” làm quốc hoa Việt Nam có lẽ không phạm vào điều 13 của bộ tiêu chí, đồng thời lại đáp ứng được 12 tiêu chí còn lại, có lẽ là thích hợp nhất trong các loài hoa ứng cử viên quốc hoa.

CÁC ƯU ĐIỂM CỦA HOA SEN THEO VIỆN NGHIÊN CỨU RAU QUẢ

- Có nguồn gốc và đã được trồng lâu đời ở Việt Nam ( khoảng 2.000 năm).

- Thích nghi và được trồng ở hầu khắp mọi miền đất nước, thời gian nở hoa kéo dài trong năm (so với các hoa khác).

- Thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tinh thần cốt cách, ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

- Bền, đẹp, có màu sắc hấp dẫn, hương thơm, dịu mát.

- Sử dụng thông dụng (hoa cắt, trồng làm phong cảnh, sử dụng làm dược liệu, làm thực phẩm …)

- Có giá trị về mặt kinh tế, mang lại lợi ích cho nhiều người dân.

- Có giá trị thẩm mỹ, hội họa (đã được sử dụng trong các công trình điêu khắc, hội họa, kiến trúc).

- Có giá trị văn học, nghệ thuật (đã được đưa vào thơ ca, truyền thuyết, …), gắn với hình tượng Bác Hồ.

- Được nhiều số người dân yêu thích, (thông qua bình chọn: 40,3%)

- Luôn có mặt trong các sự kiện văn hóa quốc gia.

Ý KIẾN ĐƯỢC PHỔ BIẾN TRÊN INTERNET

Tôi tiến cử sen hồng. Tiêu chí “bền” có lẽ phải xem lại. Không có chuyện chọn hoa sen từ trước. Cuộc họp lấy ý kiến rộng rãi vẫn chưa diễn ra, nay tôi chỉ phát biểu với tư cách cá nhân. Sen trắng đã có nước lấy rồi. Về mặt sinh học, hoa sen hồng phổ biến ở khắp Trung Nam Bắc. Đồng Tháp Mười rất nhiều sen hồng. Sen hồng dễ thuyết phục, dễ tạo đồng thuận. Sen sống ở đầm nước, hồ ao, đúng là sản phẩm của một nước nông nghiệp nhiệt đới, sản phẩm của nền văn minh lúa nước.

Hoa sen cũng gợi cốt cách của người Việt qua bao khó khăn khổ ải, vươn lên với sự thanh sạch, cao sang, thuần khiết. Về màu sắc: Nhị vàng, lá xanh, cánh màu hồng cũng gợi liên tưởng đến cờ tổ quốc, gắn với hình ảnh đất nước. Về tạo hình thì tuyệt vời. Nhìn từ trên cao xuống, nhìn nghiêng, nhìn từ tất cả các góc đều đẹp. Nhiều loại hoa đẹp về màu sắc nhưng không đẹp về tạo hình. Sen đi vào đời sống từ rất lâu rồi, len lỏi trong tâm linh, đời sống của người dân. Nay chúng ta chỉ làm động tác chốt lại mà thôi. (Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thuộc Bộ VHTT& DL)

“Chúng ta đã nói nhiều đến vịnh Hạ Long, đến nem, đến phở rồi, thì nay có thể là một loài hoa nào đó, chẳng hạn sen, nếu được chọn làm quốc hoa, thì trong các nghi lễ ngoại giao, cứ mang sen ra trang trí để tạo ra bản sắc VN” (Phạm Sanh Châu - Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO VN)

“Nếu chúng ta chọn hoa sen thì ẩn ý đằng sau hình tượng hoa sen là Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc” (Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN)

Chọn hoa sen là đúng. Hoa sen gắn với gốc tích Phật giáo, mà dân VN mình có ý thức gốc rễ, bám sâu vào Phật giáo từ xa xưa, từ thời nhà Lý, nhà Trần. (Họa sĩ Phan Cẩm Thượng)

Gần đây, VN Airlines đã chọn bông sen trắng vẽ trên nền xanh thân máy bay. Trong lễ hội 30-4-2005, Saigontourist đã tổ chức họp mặt các bạn thanh niên TP sinh năm 1975, với hình ảnh chủ đạo trong trang trí và cả trong thực đơn là sen và hoa sen. Hay quá và rất nên “tiến cử” sen làm “quốc hoa” của VN. Tinh khiết, nõn nà, giản dị mà hữu dụng: hoa sen trang trí; xôi bọc lá sen; cọng sen, củ sen làm gỏi; hạt sen làm mứt; tim sen làm trà…! Tại sao không? Nếu ta chậm, coi chừng một nước châu Á nào đó đăng ký sở hữu hoa sen làm “quốc hoa” là mình thua! (Lê Văn Nuôi)

Về mặt nghệ thuật, tạo hình của hoa sen hồng rất đẹp với đài, nhụy và cánh sen xếp thành tầng lớp. Hơn nữa, từ thời nhà Lý trở đi hoa sen cùng với hoa cúc và hoa phù dung đã được sử dụng rất nhiều trong mỹ thuật. Hoa sen đã đi vào tâm linh của người Việt Nam, là loài hoa duy nhất trên bàn thờ của người Việt có hoa sen gỗ. Cùng với đó, khi nhìn từ trên xuống, đài của hoa sen kết hợp cùng với những cánh hoa sen màu hồng sẽ gợi người ta nhớ đến hình ảnh của lá quốc kỳ Việt Nam. Sức sống mãnh liệt của hoa sen tượng trưng cho tinh thần, nghị lực vươn lên của người dân Việt Nam. Cũng có ý kiến phản biện rằng, không nên lựa chọn sen, vì loài hoa này đã là quốc hoa của Ấn Độ. Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, quốc hoa của Ấn Độ là sen trắng, còn ở ta là sen hồng. (Trích An Ninh Thủ Đô)

Việc chọn quốc hoa được xem là khá quan trọng cho các công việc giao lưu, đối ngoại, ngoài ra, nó còn là biểu tượng văn hóa cho các ngày lễ lớn của dân tộc. Hoa sen còn được gọi bằng các tên khác: Hà hoa, liên hoa, hạm đạm, thủy chi,... là loài cây thủy sinh sống lâu năm, thân rễ của sen hồng mọc trong các lớp bùn trong ao hay sông, hồ còn các lá thì nổi ngay trên mặt nước... Còn trong mỹ thuật thì các họa tiết trang trí bằng hoa sen xuất hiện cả 1.000 năm nay, hoa sen luôn mang tính cân bằng trong hội họa và điểm xuyến cho những góc trang trí, ví dụ như hoa sen trên những chiếc áo dài mà các nguyên thủ trên khắp thế giới mặc trong APEC tổ chức ở VN năm 2006 là hiểu” (Nhà báo Trọng Nguyễn)

“Bộ hoa đào - sen - mai này tiêu biểu cho văn hóa ba miền Bắc -Trung - Nam của đất nước. Đặt hoa sen trong bộ đào - sen - mai tránh được sự trùng hợp với quốc hoa của Ấn Độ (là hoa sen). Hoa đào đặc trưng cho miền Bắc, hoa mai đặc trưng cho miền Nam, hai điểm này ai cũng dễ đồng ý. Còn hoa sen, liệu có thể coi là tượng trưng cho miền Trung hay không? Có một dẫn chứng là một trong 9 cái đỉnh đặt ở Thái Miếu của triều Nguyễn, có khắc hình hoa sen, sông Hương, núi Ngự. Điều đó cho thấy ngay từ xưa hoa sen đã là một nét đặc trưng tiêu biểu của Huế” (Đông A)

Chọn hoa sen là ý kiến hay nhất. Ngay giáo khoa học sinh cấp 1 đã đưa hoa sen vào làm hình ảnh. Bác Hồ cũng yêu hoa sen và trên hết nước ta cũng là nước yêu Phật giáo. Không nên vì Ấn Độ đã chọn sen làm quốc hoa mà Việt Nam không nên chọn nữa. (Nguyễn Hoàng Oanh)

Không thể lấy hoa lan vì hoa lan là quốc hoa của Singapore, không thể chọn hoa mai vì hoa mai chỉ đặc trưng cho miền Nam. Theo tôi nên chọn hoa sen vì sen ở đâu cũng có, miền Nam, miền Bắc, miền Trung đều có hết. Hơn nữa từ lâu sen cũng tượng trưng cho dân tộc VN, mọi người nói đến hoa sen là nói về Bác Hồ, nói về VN (Hanico).

Chọn quốc hoa là chọn một loài hoa làm biểu tượng cho một quốc gia, vì thế chúng ta không nên chọn theo cảm tính hay theo sở thích của một thiểu số người nào đó mà phải chọn trên phương diện như tên gọi của nó là loài hoa đại diện cho một dân tộc có 4.000 năm lịch sử. Theo tôi, hoa sen là thích hợp nhất. (Văn Công Danh)

Theo tôi thấy thì hoa sen là phù hợp với truyền thống dân tộc nhất... Một điều quan trọng khi bầu chọn quốc hoa, đó là tính đặc trưng, chúng ta nên chọn hình ảnh nào đó mà các nước khác ít có, chứ không nhất thiết là không trùng lắp. (MT Nguyễn)

Tôi đề nghị chọn hoa sen, vì nước VN gắn liền với hình ảnh Bác Hồ và hoa sen. (Ngọc Quỳnh)

Tôi thấy bông sen gần gũi với người Việt nhất. Mộc mạc, đằm thắm, kín đáo và đặc biệt là sự ngay thẳng song cũng gai góc, không dễ bẻ, không dễ bắt nạt…Trời nắng, bẻ lá sen làm nón, trời mưa cũng lá sen che đầu. Lá sen gói cơm mang ra đồng ăn. Lá cũng ngồi được…Có lẽ khó có một loài hoa nào lại gần con người Việt hơn hoa sen. Trên trang web của Đảng Cộng sản VN đặt biểu tượng hoa sen rất trang trọng. (Vũ Quang Luân)

Theo tôi thấy chỉ một câu thơ thôi cũng đủ để chọn hoa sen làm quốc hoa rồi, đó là: "Trong đầm gì đẹp bằng Sen" (Trần Minh Khiêm)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)