Dấu ấn không phai trong chặng đường trải nghiệm khám phá đất nước Chùa Tháp là dấu ấn của một Campuchia với những khu quần thể thánh tích kỳ vĩ, huyền bí. Vùng đất thiêng mang đậm dấu ấn tôn giáo một thời hưng thịnh nhất của đế chế Khmer mà đã được sách, báo, truyền hình… khám phá và viết nhiều về nó. Nhưng, khi đã trải nghiệm nhiều về nó chúng ta vẫn cảm nhận và có cảm xúc rất khác về những thánh tích này, Angkor trở nên là một thánh tích điêu tàn và những nụ cười huyền bí của Bayon sẽ có một ý nghĩa với mỗi người...
Tượng Phật không đầu
“Angkor như một tấm gương phản chiếu lịch sử của Campuchia”, ở đó triết lý từ bi, vô thường và khổ đau, tội ác như trêu ngươi nhau, đảo lộn. Chúng ta dễ dàng tiếp cận rõ hơn về một góc khuất rất nhỏ nhưng quá đỗi đau lòng của Angkor, đó là những pho tượng Phật không đầu.
Những dấu tích còn lại, những bức tường phù điêu chạm trổ tinh vi kể lại nhiều nghi thức các tôn giáo cũng như lịch sử của đế chế Khmer một thời. Và, trên toàn bộ kiến trúc Angkor cũng như từng nét điêu khắc nhỏ nhất của quần thể rộng lớn này khẳng định đây là một Angkor ngày xưa là vùng đất thánh của Ấn Độ giáo và Phật giáo.
Sự hoành tráng còn hiện diện của Angkor Wat ghi dấu sự kiện vua Suryavarman II xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 12, khu quần thể rộng đến 200 ha, xây dựng để thờ thần Vishnu, một vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Angkor được bao bọc bởi hào nước và dãy đất rộng xanh mượt như thảo nguyên bao quanh khu đền, những hành lang đồng tâm sâu hun hút, những cầu thang dựng đứng đi muốn rớt tim…. mô phỏng theo đúng thuyết vũ trụ meru của Ấn Độ xưa. Khi dốc hết toàn tâm, đặt chân trên những bậc cuối cùng cũng là lúc bạn đạt đến sự giác ngộ, chạm đến được với thần linh. Tâm ta được điều phục hoàn toàn bởi những nỗ lực vượt lên đỉnh núi Angkor trắc trở, nhấp nhô với sự kiên trì và lòng tin tâm linh tuyệt đối.
Dấu tích còn lại bậc nhất của vùng đất thánh Angkor Wat thời quá khứ từng là kinh đô thịnh vượng thể hiện sự sùng bái Ấn Độ giáo. Giờ đây, thánh tích trở thành phế tích đầy bí hiểm trong khu quần thể rộng lớn. Những hành lang đồng tâm với nhiều pho tượng Phật lớn được du khách chiêm bái và phủ những tấm áo choàng “mê hoặc”giả tạo. Đó là những tượng Phật còn nguyên vẹn nhưng phần nhiều những bức tượng Phật ở Angkor Wat không còn đầu. Trải qua 800 năm, sự biến đổi của thời cuộc và lòng người, kẻ cắp tượng cổ đã dám rắp tâm chém đầu tượng Phật để bán cho những nhà sưu tập giàu có phương Tây. Ngoài ra, đầu nàng Apsara, rắn thần Naga cũng bị chém mất đầu… Dấu tích buồn đau đã hiện diện rải rác các ngõ ngách của Angkor Wat- một phế tích lạ kỳ.
Khi đặt chân trong khu quần thể Angkor Wat, điều tôi thắc mắc muốn hỏi nhất là những pho tượng ngồi kiết già không đầu kia, hoặc những pho tượng nhập Niết bàn nằm chỏng chơ một góc đã bị “giết” từ khi nào? Những người hành hương thương tưởng đã nhặt những viên đá lắp vào nơi mất để tỏ lòng với vài thẻ hương còn bạc phếch mà chạnh lòng lắm thay!
Nếu Angkor Wat tôn thờ Ấn Độ giáo thì Angkor Thom lại tôn thờ Phật giáo của vua Jayavarman VII vào cuối thế kỷ 12. Đây là khu đền Bayon có 54 ngọn tháp cao lô nhô trông như một rừng đá. Dấu ấn đặc sắc của các kiến trúc sư tài danh thời bất giờ là mỗi ngọn đá được ghép 4 gương mặt Phật, giống hệt Avalokitesvana (gương mặt Bồ tát Quán Thế Âm) quay về 4 hướng khác nhau.
Đó là những gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười nhưng đấy là nụ cười huyền bí. Bayon được thế nhân miêu tả là khu rừng Phật thoại biến ảo trên không của 256 gương mặt. Là chừng ấy nụ cười Phật pháp vi diệu lan tỏa và soi rọi khắp 4 phương trời. Tấm lòng của vị vua Jayavarman VII thời đế chế Khmer còn in trên từng ngọn núi đá kỳ vĩ đó, in dấu một thời Phật giáo hưng thịnh của Campuchia xưa. Giờ đây, sự vô thường như hiện diện rõ ràng khi Angkor mỗi năm thu hút trên 2 triệu du khách đến thăm thì cũng là lúc những gương mặt cười của đức Phật ở đây chỉ là những pho tượng phủ rêu phơi có chỗ mốc meo. Cõi Phật trong Angkor đã vắng khói hương và áo vàng sư sãi. Có chăng là tấm lòng mộ đạo của du khách hành hương bốn phương xót lòng thắp nén hương thương tưởng.
Nhẹ bước vào chùa Bạc
Bỏ ra hơn 6 USD cho một vé vào cổng bao gồm cả phí chụp ảnh và chịu khó xếp hàng để được vào thỏa thích tham quan và chụp ảnh bên ngoài của quần thể vương triều Campuchia. Quần thể cung điện hoàng gia Campuchia ở thủ đô Phnom Penh là một quần thể kiến trúc độc đáo, các tòa nhà nơi hoàng gia vương quốc Campuchia được xây dựng từ hơn một thế kỷ trước để phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt của quốc vương, gia đình quốc vương và các quan khách nước ngoài. Nơi đây còn là nơi diễn ra các cuộc thiết triều, các nghi thức ngoại giao và lễ nghi hoàng gia.
Preah Barom Reachea Vaeng Chaktomuk là tên gọi đầy đủ của cung điện hoàng gia Campuchia. Cung điện này được xây dựng từ 1866, các vua qua các thời kỳ ngoại trừ có một thời kỳ gián đoạn khi đất nước này dưới quyền cai trị của Khmer Đỏ. Cung điện được khởi xây sau khi vua Norodom chuyển đô từ Oudong về Phnom Penh giữa cuối năm 1800. Trong khu quần thể cung điện hoàng gia có chùa Bạc (Wat Preah Keo) và nhiều công trình phức hợp tạo thành một khu quần thể độc đáo biểu trưng của đất nước chùa Tháp.
Chùa Bạc được lát bằng 5.000 viên bạc thật hình vuông, mỗi viên nặng 1kg. Chùa được xây bằng gỗ năm 1892 dưới thời vua Norodom theo kiểu chùa Ngọc Phật của Thái Lan. Dưới thời Pol Pot, chùa được bảo tồn tuy nhiên khoảng 60% hiện vật ở đây đã bị mất cắp. Chùa được trùng tu năm 1962. Khách hành hương về ngôi chùa này đều mong muốn đặt bước chân trần thong dong trên những viên gạch bạc để cảm nhận mọi bệnh tật như bay biến và cảm xúc an lạc ngự trị trong tâm.
Chùa Bạc có một pho tượng Phật đứng làm bằng vàng tạc năm 1906. Tượng nặng 90kg và có gắn 9.584 viên kim cương, viên lớn nhất nặng 25 cara. Bên trên còn có tượng Phật làm bằng ngọc cẩm thạch. Hiện nay trên thế giới chỉ có các nước: Thái Lan, Sri Lanka, Myanmar... mới đây là pho tượng Phật ngọc tại Úc là được tạc bằng ngọc xanh quý. Phía sau các tượng Phật có để “long xa”, thật ra đây chỉ là một cái ghế có các thanh dài để 12 người khiêng đức vua và diễn hành trong ngày đăng quang. Ở Campuchia, ghế ngồi của vua được phủ vàng, phần làm bằng vàng của cái ghế này nặng 23kg. Chiếc ghế “đế vương” này là một di vật cổ được chiêm ngưỡng với tâm thái vừa lắng đọng lẫn ngạc nhiên.
Mảnh đất an lạc
Khu vực tượng trưng cho hòa bình, an lạc của đất nước chùa Tháp còn thể hiện rõ nét ở công trình Quảng trường Độc Lập màu tím. Khu vực này cũng trưng bày nhiều biểu tượng khác độc đáo của phong cách Khmer như thần bò Nandi và Voi thần Airavana.
Người dân Campuchia cũng như khách hành hương tin rằng, đứng ở đây có thể hưởng hết tinh túy của những luồng không khí, ánh nắng trong lành bởi buổi sớm Phnom Penh mênh mông. Đứng ở đây sẽ cảm nhận một niềm an lạc của tự tại. Đền Độc Lập tọa lạc tại quảng trường lớn, giao lộ giữa đường Norodom và đường Sihanouk, đền Độc Lập được vua khởi công xây dựng năm 1958 và khánh thành ngày 9 tháng 11 năm 1962 nhằm đánh dấu 9 năm độc lập của người Campuchia khỏi áp bức của đế chế Pháp.
Công trình có kiến trúc hiện đại tuy nhiên nó cũng thể hiện hầu hết các mô típ truyền thống của kiến trúc Khmer cổ. Tượng đài có hình dạng stupa (hoa sen) mô phỏng Angkor Wat và các địa điểm lịch sử khác của Campuchia. Quảng trường có màu tím sậm đặc biệt có hình dáng hoa sen đang hướng lên trên thể hiện được nét kiến trúc của đất nước Chùa Tháp. Đây cũng là nơi quy tụ nhiều quan khách và người dân trong những ngày lễ kỷ niệm của đất nước và những ngày lễ lớn. Dưới đài sen là hồ nước, ban đêm có nhiều màu sắc để mọi người có thể đến để thư giãn và thưởng ngoạn.
Trải qua hơn 2.000 năm, người dân Campuchia đã phát triển một tín ngưỡng Khmer khá độc đáo với sự pha trộn nhiều tín ngưỡng tâm linh với thuyết vật linh bản địa và các tôn giáo: Ấn Độ, Phật giáo và Hindu. Phật giáo là quốc giáo hiện nay của đất nước này mà truyền thống Phật giáo Nguyên thủy- Theraveda đã kế thừa nhiều nghi lễ cổ truyền đặc biệt từ thời đức Thế Tôn. Những ngôi chùa ở đây có kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Lào, Malaysia… dạng tháp nhọn.
Chánh điện chùa Tháp khắc họa rõ nét những điện thờ đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni uy nghiêm, trên hầu hết các cột, bức tường mô tả các tiên nữ Kemnar. Đặc biệt, nhiều ngôi chùa Khmer mà quần thể xung quanh thể hiện sử thi Ấn Độ qua nhiều biểu tượng độc đáo như với rắn thần Naga bảy đầu, thần Brahma (thần tạo dựng và chủ các loại thần); thần Shiva (thần hủy diệt và tái sinh), Sishnu (thần bảo tồn), Laksmi (nữ thần sắc đẹp), thần bò Nandi, voi thần Airavana và nàng Apsara huyền thoại.
Nếu bỏ qua một vài trang thức còn bất ổn của xã hội như sự mâu thuẫn giàu nghèo, an ninh, giao thông… thì Campuchia có thể nói là đất nước của bình an và tự tại. Bởi, những ngôi chùa hình tượng tháp nhọn thể hiện bên trong sự chân thật của một tôn giáo xuất phát từ Bi - Trí - Dũng.
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)