Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Tâm thiền của Nguyễn Du qua Văn tế thập loại chúng sinh

Đã đọc: 4100           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Những u hồn ấy là ai? Thực ra là những u hồn vô danh mà ở nhà chùa có lệ ngày rằm tháng bảy làm lễ “xá tội vong nhân” ...

Có nghiên cứu các thi phẩm của Nguyễn Du mới thấy rằng thi sĩ Hồng Sơn Lam Thủy, tác giả truyện Kiều thực đã thấm nhuần tâm linh Phật giáo hết sức thâm sâu. Cái tâm linh Phật giáo ấy đã làm nguồn cảm hứng sáng tác của thi sĩ như chính ông đã thú nhận:

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng

Thử tâm thường định bất ly thiền.

“Ngập không gian đều là Chân không đâu có hình tướng.

“Tâm này thường tập trung vào ý thức thiền định.

Cái ý thức thiền định ấy hay cái tâm thiền ấy như thế nào mà là nguồn sáng tác văn nghệ của thi sĩ?

Trong kinh nhà Phật có viết: “Citta is like an artist, because it effeets manifold Karman” (Kasyapa-parivarta-99), nghĩa là: “Tâm thức giống như một nghệ sĩ vì nó tác dụng thiên hình vạn tượng nghiệp quả”.

Và trong kinh Tiểu thừa Majjhima-Nikaya III, 203 do Herbert V. Guenther trích dẫn ra tiếng Anh, có giải rõ rằng:

“Ở trên đời không có gì phức tạp hơn là hội họa, và một tuyệt tác hội họa lại càng phức tạp hơn nữa. Họa sĩ của một tuyệt tác đều bị ý ảnh hưởng khích động vào chỗ này chỗ kia, hay nét bút này nét bút nọ. Vì ý niệm của bức họa mới nổi lên những hoạt động tinh thần tác dụng hoạch định bối cảnh tô màu điểm xuyết và nhuận sắc. Đấy là trong một bức họa để trở nên một tác phẩm có một hình đẹp trong tâm làm kế hoạch. Sau đây trong lịch trình chính đáng và theo cách thức như hoạt động của tâm thức đã biểu diễn ra, hình này phải ở bên trên hình chính, hình kia phải ở dưới, và những cái này phải ở đôi bên, phần chót của bức tranh đều được hoạch định cả. Theo đường lối ấy mà tất cả nghệ thuật khác nhau trên thế giới đã do tâm thức tạo nên. Căn cứ vào khả năng sản xuất những kết quả khác nhau, một tâm thức sáng tạo ra bức họa này bức họa kia có thể gọi được là chính tâm thức vậy. Tuy nhiên tâm thức còn giàu sắc thái hơn thế nữa, bởi vì cái trò hội họa của tâm thức không thể nào miêu tả hết được.

Bởi vậy mà Thế Tôn đã nói: - Này Tỳ khưu, con đã từng trông thấy bức danh họa nào chưa?

- Thưa Thế Tôn đã!

- Này Tỳ khưu, bức danh họa ấy là do tâm thức tạo ra. Nhưng, tâm thức còn nhiều sắc thái hơn bức họa ấy!

Người ta chứng minh tính chất khác biệt và thiên hình vạn trạng tác phẩm bằng sự xác định tính chất khác biệt và thiên hình vạn trạng của nghiệp quả. Người ta chứng minh tính chất khác biệt và thiên hình vạn trạng của những quan niệm bằng cách xác định sự khác biệt và thiên hình vạn trạng của tác phẩm. Xác định quan niệm khác biệt thấy được sự khác biệt của từ ngữ, xác định khác biệt của từ ngữ thấy được sự khác biệt của nghiệp quả. Quan hệ với nghiệp quả khác nhau, có sự khác nhau của vận mệnh chúng sinh tự biểu hiện ra là loại không có chân, hay là có chân, bốn chân hay nhiều chân, hay là quan hệ với thế giới vật chất và tinh thần, hay là chỉ quan hệ với thế giới tinh thần, có quan niệm hay không quan niệm, hay chẳng có và chẳng không có quan niệm. Quan niệm với nghiệp quả khác nhau, người ta biết được sự khác nhau về hiện sinh của chúng sinh, hoặc quí hay tiện, thấp hay cao, sướng hay khổ. Quan hệ với sự phồn đa của chúng sinh đối với hình thức hiện sinh cá nhân của chúng, hoặc đẹp hay xấu, dòng dõi thượng lưu hay hạ lưu, dáng điệu cao sang hay tiều tụy. Người ta cũng biết sự khác biệt của chúng sinh về sự nghiệp, giàu nghèo, khen chê, vui buồn là quan hệ với sự khác nhau của nghiệp quả.

Xa hơn nữa, người ta đã thấy rằng:

Do nghiệp quả mà sắc tướng xuất hiện, do sắc tướng mà sinh ra khái niệm. Vì khái niệm mà có sự phân biệt ra đàn ông, đàn bà, bên nam bên nữ.

Do nghiệp quả mà thế giới vận động, nhân dân sinh sống, chúng sinh liên hệ với nhau như bánh xe quay liên hệ với trục xe.

Do nghiệp quả mà người ta nổi danh và được ca tụng, cũng do nghiệp quả mà lụn bại, hay chết chóc gông cùm. Đã hiểu nghiệp quả phồn tạp như thế thì làm sao người ta có thể nói rằng không có nghiệp quả ở đời được?

Và chính cái tâm thiền ấy, Nguyễn Du thực sự phản chiếu mạnh vào hai tác phẩm Quốc văn là: Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh và Đoạn Trường Tân Thanh.

VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH

Ở bài này, Nguyễn Du đã đem dốc tất cả bầu tình cảm nồng nàn với trí tưởng tượng mạnh mẽ để làm sống lại tất cả cảnh huống đau khổ của thân phận con người  trong cái xã hội loạn ly tai biến thời Lê mạt ngoài Bắc Việt. Đã sống qua một thời nhiễu nhương, từng mắt thấy tai nghe những việc xảy ra đau đớn, làm sao tâm hồn Nguyễn Du đa tình đa cảm, đóng vai kẻ sĩ thất bại ở chiến trường chính nghĩa của Nho gia, lại không phản tỉnh mà suy nghĩ sâu xa về thân phận con người, cuộc đời mong manh bất trắc. Làm sao một tâm hồn như thi sĩ Tố Như lại không tự đặt câu hỏi và lẽ tồn vong, nguyên lý sống chết, để đặt tin tưởng vào một thế giới bên kia mà thi sĩ mong trường cửu, có hạnh phúc hơn là đời sống hiện tại. Và thi sĩ buồn cho cái thế giới hiện tại đầy đau khổ, lòng thương tâm tràn ngập đến tận linh hồn của những người bất đắc kỳ tử. Ở đây Nguyễn Du đã tỏ ra một khuynh hướng thần bí và tín ngưỡng.

Muốn gợi ở thính giả tấm lòng rộng thương, tác giả văn tế này đã nhập đề bằng một cảnh mùa thu, sương lạnh gió mây mưa dầm. Đấy là cảnh nên thơ, nhưng là một nguồn thơ man mác hoài, sầu bi ai oán.

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,

1. Toát hơi mây, lạnh ngắt sương khô.

Não người thay buổi chiều thu;

2. Ngàn lau khóm bạc, lá ngô đồng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

3. Ngọn đường lê lác đác mưa sa;

Lòng nào lòng chẳng thiết tha,

4. Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất

5. Xót khôn thiêng phảng phất u minh

Thương thay thập loại chúng sinh.

6. Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người.

Hương khói đã không nơi nương tựa,

7.  Phận mồ côi lần lữa đêm đêm

Còn chi ai khá ai hèn

8. Còn chi mà nói ai hèn ai ngu.

Thật là cả một sức tưởng tượng vẽ ra một thế giới linh hồn bơ vơ, khác nào trẻ mồ côi trên trần thế lang thang, bơ vơ không cửa không nhà. Thật là sẵn mối thương tâm để thương những người trong tưởng tượng như là những người có thật. Đối với tác giả hẳn là có thật, vì người ta chết đi chẳng qua “thác là thể phách còn là tinh anh”. Cho nên tác giả thương xót, cầu mong cho những linh hồn bơ vơ chưa thoát được có nơi yên nghỉ, không còn phân biệt sang hèn quí tiện, hết thẩy đều được hưởng bình đẳng lòng từ bi rộng yêu của đức Phật.

Tiết đầu thu dựng đàn giải thoát,

9. Nước tịnh bình tưới hạt dương chi;

Muôn nhờ đức Phật từ bi

10. Giải oan cứu khổ, hồn về Tây phương.

Những u hồn ấy là ai? Thực ra là những u hồn vô danh mà ở nhà chùa có lệ ngày rằm tháng bảy làm lễ “xá tội vong nhân” để cứu vớt cho tất cả ai chết đi không có người cúng bái. Nhưng đối với Nguyễn Du những oan hồn ấy là tất cả thời đại giặc giã, chiến tranh, loạn ly, tai biến, từ từ diễn lại dưới mắt tác giả như cuốn phim thời cuộc, bắt đầu từ Trịnh Sâm trước mặt hoàng tử Lê Duy Vĩ thề: “Một mất một còn, có vua thì không có chúa, có chúa thì không có vua”. Cho đến khi linh cữu của vua Lê Chiêu Thống trái tim còn đỏ hỏn chưa tan, cùng bầy tôi tòng vong đem ở Tầu về đến cửa Nam Quan, bà Lê Hoàng Phi ra đón để rồi nhịn đói mà tự vẫn, cho trọn nghĩa vợ chồng. Cả một nửa thế kỷ sân khấu Việt Nam còn diễn ra bao nhiêu màn bi kịch.

Nguyễn Du đem quan niệm thiện ác của triết lý Nho: “Ngũ Phúc = thọ, giàu, yên, đạo đức, toàn tinh mệnh.

“Lục cục = Chết non, tật bệnh, lo âu, nghèo khổ, tai ác, ốm yếu” hợp với triết lý giải thoát tâm linh của Phật để thức tỉnh người đời thấy cảnh khổ ở thế giới bên kia của các linh hồn còn oán hận vì bất đắc kỳ tử và gọi lòng tin của người ta vào tình bác ái vô biên để vượt qua khỏi nỗi hoài nghi của tri thức về cái gì có, cái gì không.

Phật hữu tình từ bi phổ độ

Chớ ngại rằng có có không không.

Lý trí hay phân biệt có không, tình cảm chỉ biết cảm thông đồng điệu.

Ý tưởng ấy đã được tình cảm và tưởng tượng phong phú nhiệt thành của tác giả làm cho hết sức linh động, thấm thía bằng những ảnh tượng phong phú và thảm thiết. Tác giả đã chọn thể song thất lục bát rất thích hợp để diễn tả ý tứ u buồn.

Lời văn lưu loát trôi chảy của bài văn tế.

Vận điệu êm ái để gây tình cảm.

Ảnh tượng phong phú gợi trí tưởng tượng, lấy vật cụ thể để suy tưởng vật vô hình.

Nhà phê bình Ngô Tất Tố có kết luận về bài “Văn tế thập loại chúng sinh” rằng:

“Tuy là một thể tẩu bút nhưng lời văn cực kỳ trôi chảy và cũng nhiều đoạn đặc sắc. Nhất là hai câu:

Dãi dầu trong mấy mươi năm

Thở than dưới đất ăn nằm trên sương

Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn

Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra

Thật là ai oán não nùng, đọc lên có thể khiến cho người ta thấy cảnh khổ cực của các u hồn”.

Bài này còn chứng tỏ khuynh hướng vạn hữu thần, vật linh của tác giả đã tìm cách tiến hóa vào tín ngưỡng tâm linh của Tịnh Độ tông trong Phật giáo, lấy tình yêu từ bi hỷ xả để tế độ chúng sinh một cách tích cực và cảm thông với sự vật hơn là dùng trí thức để biện biệt sự vật, có hay không có.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)