Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Gặp gỡ nhạc sĩ Gíac An qua nhạc phẩm Bài ca dâng mẹ

Đã đọc: 4301           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đạo Phật Ngày Nay: Là một nhạc sĩ Phật giáo nổi tiếng với các bản nhạc quen thuộc như Niệm Phật, Giã từ huyễn mộng, Bé thơ đi lễ chùa và Xuân an lạc v.v… nhiều ca khúc Phật giáo của anh đã lan tỏa ở cộng đồng Việt Nam trong nước, nước ngoài và trên internet, nhạc sĩ Giác An trong đời thường là một người rất đỗi bình dị, chân thành, vui vẻ, yêu trẻ thơ, thương súc vật, thích sống gần thiên nhiên và hơi… phong trần lãng tử. Sau đây là chia sẻ của anh với Đạo Phật Ngày Nay về những gì mà anh đã đóng góp cho văn nghệ Phật giáo.

Tôi đã nhận được văn bản và đĩa “Bài ca dâng mẹ” rồi! Đã nghe lại bản nhạc do ca sĩ Lâm Minh Chi và Trang Mỹ Dung hát. Ca từ phong phú, nội dung sâu sắc, giai điệu đẹp và êm nhẹ, uyển chuyển mượt mà như một dải lụa mềm theo gió thoảng. Xin anh cho biết khởi duyên của tác phẩm này?

GA: Tôi nuôi ý tưởng từ hôm giỗ đại tường của mẹ tôi. Mãi đến đầu Hạ năm 2009 tôi mới sáng tác được giai điệu, tôi đàn và thu vào organ. Cứ loay hoay viết mà không được! Bỗng một hôm ca sĩ Lâm Minh Chi đến nhà và đưa cho tôi một bài văn xuôi nói về công đức của mẹ do nữ Phật tử Tâm Nguyệt ở Úc viết và nhờ tôi phổ bài nhạc. Tôi liền xếp đặt lại vị trí từng câu văn, bố cục lại ý tưởng để phân đoạn, rồi chuyển văn xuôi sang ca từ sao cho phù hợp với ca độ, sau đó chỉnh sửa hoài, khoảng nửa tháng thì hoàn tất.

Chúc mừng anh và chị Tâm Nguyệt đã dâng hiến cho đời một ca khúc giá trị với làn 222 giai điệu đẹp như dạ khúc, và nội dung thanh cao như lời kinh báo hiếu!

GA: Anh quá khen! Cũng nhờ bài văn của Tâm Nguyệt, nhờ tôi thương nhớ mẹ tôi, mà may mắn có được giai điệu ngẫu nhiên cho bài hát mà thôi!

Từ lúc bé tôi đã biết anh qua các ca khúc Phật giáo nổi tiếng. Xin anh cho biết cụ thể hoạt động văn nghệ Phật giáo của anh qua từng giai đoạn, từng thời kỳ?

GA: Tôi e rằng khi trả lời câu hỏi của anh thì tôi hơi “bị” nói về “tôi” nhiều đấy! Kì lắm!

Anh có tự khoe khoang đâu mà kì! Chúng tôi thay mặt những người yêu mến nhạc của anh, phỏng vấn và tìm hiểu quá trình hoạt động văn nghệ PG của anh. Vai trò của anh trước năm 1980?

GA: Thuở bé tôi có thiện duyên được mẹ dắt đi lễ chùa, được sinh hoạt Gia đình Phật tử. Từ đó tôi tín kính Tam bảo, yêu thích nhạc Phật giáo. Tôi tập tành sáng tác nhạc Phật giáo lúc 16 tuổi (1973) với bài Nguồn thương phổ từ thơ của Hòa thượng Tâm Châu. Ca khúc đầu tay dù chưa hay đó đã được đăng trong Nội san Diệu Đạo của Việt Nam Quốc Tự.

Năm 1974 tôi làm nhạc công guitar kiêm nhạc trưởng amateur cho đêm văn nghệ cúng dường giải chế Hạ trường và hát mừng Vu lan PL.2517 tại chùa Việt Nam Quốc Tự. Năm 1977 tôi bắt đầu cất công đi sưu tầm nhạc Phật giáo, lưu làm tài liệu âm nhạc Phật giáo hầu tránh sự thất truyền. Việc sưu tập bắt đầu từ các tập văn, nguyệt san Phật giáo như Từ Quang, Đại Từ Bi, Vạn Hạnh v.v… Sau đó đến các thư viện chùa, các huynh trưởng gia đình Phật tử.

Năm 1978 dàn dựng, biểu diễn ca nhạc Phật giáo chủ đề Mừng Xuân An Lạc tại chùa Từ Quang do ĐĐ.Thích Nhật Quang tổ chức cho lớp giáo lý bổn tự. Năm 1979 sáng lập nhóm văn nghệ Phật giáo Tiếng Chuông Từ. Năm 1981 là huynh trưởng kiêm thành viên của sáng lập viên gia đình Phật tử chùa Phước Hải do Ni trưởng Tịnh Nguyện tổ chức thành lập (nay là gia đình Phật tử Giác Hạnh).

Xin anh giới thiệu thêm các hoạt động và sáng tác của anh từ năm 1982 trở đi.

GA: Năm 1982 sau khi sưu tập được một số nhạc Phật giáo tôi khởi công biên tập, kẽ nhạc roneo và tự in tuyển ca khúc Phật giáo nhiều tác giả Vu lan và Tình mẹ với sự cộng tác, hỗ trợ của hai huynh trưởng GĐPT Nguyên Bảo và Diệu Nhiên. Năm 1985 làm nhạc trưởng nhóm Văn nghệ Thành hội Phật giáo do HT. Thích Thiện Hào chủ trương, TT.Thích Đồng Bổn thành lập. Năm 1986 tôi biên tập, hòa âm và thu băng cassette ca nhạc Phật giáo Nguyện cầu do toàn nhóm Tiếng chuông từ thực hiện. Năm 1987 được HT.Thích Thiện Tâm, TT.Thích Đồng Bổn đề cử làm ủy viên Văn nghệ Thành hội Phật giáo từ nhiệm kỳ 2 cho đến bây giờ, được đặc trách cùng Ni trưởng Như Giác ra Hà Nội dàn dựng lễ nhạc khai mạc Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ 2 tại chùa Quán Sứ.

Vu lan năm này, TT.Thích Đồng Bổn và Ni trưởng Như Giác tổ chức buổi công diễn văn nghệ Phật giáo đầu tiên tại sân chùa Vĩnh Nghiêm sau 12 năm vắng bóng công diễn văn nghệ Phật giáo ở ngoài trời của thành phố. Tôi được phân công biên tập ca khúc, tập luyện hát nhạc Phật giáo cho ca sĩ và kiêm luôn nhạc trưởng, nhạc công.

Năm 1988 tôi được GĐPT Giác Hạnh phân công ra dạy nhạc Phật giáo cho lớp học tình thương Dưỡng chân tuệ uyển ở Long Thành, do Ni trưởng Tịnh Nguyện thành lập. Đầu năm 1989 tôi được HT.Nhật Quang, HT.Phước Trí, TT.Thông Luận giao phó trọng trách biên tập và hòa âm nhiều ca khúc Phật giáo để làm nhạc nền cho 3 video về chuyến đi tìm sử kiện các thiền sư Việt Nam ở miền Bắc do HT.Thích Thanh Từ thực hiện, tôi chỉ huy hòa nhạc cho nhóm Tiếng chuông từ thu âm tại chùa Pháp Hội. Thời gian này tôi cũng biên tập cho Tiếng chuông từ thu âm 5 ca khúc Phật giáo cho đài truyền hình quay bộ phim Lễ hội đầu Xuân, chỉ đạo nội dung ca nhạc do TT.Đồng Bổn đặc trách.

Tôi nhớ lại năm 1988 TT. Đồng Bổn tổ chức hội thi văn nghệ Phật giáo toàn thành phố lần thứ nhất. Lúc đó tôi là thành viên ban tổ chức kiêm nhạc trưởng. Năm 1990 tôi cùng với NS.Uy Thi Ca, NS.Minh Trí biên tập băng ca nhạc PG Hoa Sen Trắng 1 do HT.Thích Trí Quảng thực hiện, HT.Thích Giác Toàn hỗ trợ băng cassette. Sau đó băng Hoa Sen Trắng 2 và 3 do TT. Thích Đồng Bổn thực hiện.

Năm 1991 theo lời mời của TT. Thích Giác Tùy tôi đến Tịnh xá Ngọc Minh (Thủ Đức) dạy nhạc Phật giáo cho gia đình Phật tử Ngọc Minh, thành lập được đội văn nghệ Phật giáo đi diễn ca nhạc Phật giáo tại Nhà văn hóa Thủ Đức cùng nhiều tự viện khác. Năm 1992 tôi biên tập và hòa âm cho sư trụ trì tịnh xá Ngọc Minh băng tuyển Bên dòng sông xưa, đến 1993 thì sư Giác Tùy cho quay camera băng ca nhạc này và dựng video ca nhạc Phật giáo Xuân trong Ánh đạo (tựa đề bài hát tôi phổ nhạc từ thơ của Hàn Viễn Phương).

Năm 1995 qua lời giới thiệu của nhạc sĩ Hằng Vang tôi được HT.Thích Thông Bửu đề cử làm Trưởng ban tân nhạc liên chúng Diệu âm của tổ đình. Thời gian sau đó tôi đã phổ nhạc từ tập thơ Từng giọt ma ni 10 bài, hòa âm cùng nhạc sĩ Duy Cần, NS.Minh Mẫn thu âm được 3 băng nhạc Từng giọt ma ni 1, 2, 3 do nhạc sĩ Hằng Vang biên tập.

Được biết, anh còn được Thành hội PG TP.HCM mời làm giám khảo nhiều hội thi văn nghệ PG. Anh cũng được mời làm Trưởng ban Tân nhạc Phật giáo cho CLB Văn nghệ Phật giáo. Công việc đó thế nào?

Năm 1998 tôi được Ban Văn hóa THPG Sài Gòn mời làm thành viên ban tổ chức hội thi văn nghệ Phật giáo toàn thành phố lần thứ 2 do TT.Thích Chân Tính phát động phong trào.

Năm 2002 thầy Thích Nhật Từ sáng lập Câu lạc bộ Văn nghệ Phật giáo mời làm phó chủ nhiệm CLB đặc trách về tổ chức kiêm Trưởng ban sáng tác tân nhạc. Thời gian này thầy Nhật Từ cũng tổ chức được nhiều buổi văn nghệ hoành tráng như Hát mừng Phật đản, lễ ra mắt Câu lạc bộ VNPG, hát gây quỹ cứu trợ cho nạn nhân sóng thần. Thầy đã nhờ tôi biên tập một số chương trình ca nhạc Phật giáo phát sóng trên đài truyền hình HTV những năm 2003, 2004, 2005.

Năm 2003–2004, tôi được ĐĐ.Thích Quảng Tâm mời ra tu viện Giác Hải ở Vạn Ninh do HT.Thích Tịnh Diệu trụ trì. Dàn dựng các chương trình ca nhạc Phật giáo cho các lễ Phật đản, lễ giỗ HT.Khai Sơn, lễ Vu lan… Vu lan năm 2005 TT.Thích Chân Quang đã tổ chức đêm nhạc của tôi với chủ đề: Tiếng chuông khuya.

Năm 2008 TT.Thích Thiện Bảo phát động hội thi Văn nghệ Phật giáo toàn thành phố lần thứ 3 để chào mừng đại lễ VESAK LHQ tổ chức tại Việt Nam, tôi được phân công làm thành viên Ban giám khảo cho hội thi.

Nhìn chung, 37 năm đã trôi qua là đoạn phim dài, nhất thời tôi không thể nhớ hết, chỉ sơ lược bấy nhiêu. Hiện tại, tôi đang tập trung viết hồi ký và các tiểu luận về tân nhạc Phật giáo Việt Nam.

Rất cám ơn anh đã thông tin về Phật sự của anh thời gian qua. Thưa anh! Anh có mong ước gì cho Văn nghệ PG trong thời gian tới?

GA: Tôi mong sớm có thời gian và thuận duyên để cùng các NS.Hằng Vang, NS.Uy Thi Ca, cư sĩ Tánh Thuần, soạn giả Dương Kinh Thành đi từ miền Trung xuôi vào Nam tìm gặp các nhạc sĩ Phật giáo để thu thập nhạc bổn, sử tích để khởi sự viết bộ sử nhạc Âm nhạc Phật giáo Việt Nam 70 năm nhìn lại. Tôi muốn giúp thầy Nhật Từ phổ nhạc hoàn tất các bộ kinh tụng đã Việt dịch, mong được giúp TT. Thiện Bảo tìm các nhà văn hóa cho Văn nghệ PG, muốn thực hiện 1 CD nhạc do tôi phổ thơ HT.Thông Bửu để cúng dường Tổ đình Quán Thế Âm. Còn muốn… muốn nhiều quá! Kể không hết!

Với chặng đường làm nghệ thuật 37 năm qua, anh đã sáng tác được bao nhiêu ca khúc?

GA: Khoảng 40 bài! Ca khúc Phật giáo khó viết lắm! Sáng tác nhiều không khó, nhưng khó là ca khúc phải có giá trị vượt thời gian. Do vậy, tôi không chủ trương sáng tác nhiều. Tôi chỉ sáng tác những gì tâm đắc.

Nghe thầy Nhật Từ nói anh có gần 200 ca khúc mà?!

GA: Đúng vậy! Nếu tính 40 bài sáng tác kia cộng chung trên 150 ca khúc tôi đã phổ nhạc từ thơ của nhiều người từ trước đến giờ.

Quả thật các đóng góp của anh thật ấn tượng. Kính chúc anh nhiều sức khỏe, sáng tác thêm nhiều bản nhạc Phật giáo hay nữa, gặt nhiều thành công trong công việc sắp tới!

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)