Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Những bông hoa kính dâng cha mẹ

Đã đọc: 3579           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Cứ mỗi năm vào rằm tháng 7, chúng ta lại hành hương về những ngôi chùa, chuẩn bị cho một trong những ngày thiêng liêng nhất hàng năm – ngày Vu lan. Vu lan: ngày của những người con hiếu hạnh, ngày nói lên những ấp ủ trong lòng đối với công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ; đối với Tam bảo đã soi sáng, chỉ đường; đối với quê hương đất nước mình…

Bằng tấm lòng bao la vời vợi, chúng ta về chùa với tâm thành, cùng nhau tô điểm trang nghiêm hơn, rực rỡ hơn ngôi cổ tự - cho thập phương đến hành hương, dự lễ, là đền ơn, tỏ lòng với người người; là để ngắm “Mẹ hiền từ trong mắt Phật an nhiên, đã soi xuống cả đời con ánh sáng”, thật không có gì hạnh phúc hơn.

Trong không khí tràn ngập yêu thương của những ngày Vu lan, chúng ta cùng cung kính noi gương hiếu hạnh của đức Bổn sư: Khi Ngài đã thành Phật được bao nhiêu người ngưỡng mộ, tôn kính, đức Phật đã không quên đạo làm con của mình: hiện thân đến cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân là bà Ma Gia nghe; khi hay tin vua cha Tịnh Phạn lâm bệnh, Ngài liền trở về chăm sóc, hầu hạ. Rồi khi cha mất, chính đức Phật đa đưa tay đỡ kim quan để tiễn vua cha đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Chúng ta cũng không quên ghi nhớ tấm lòng chí hiếu của đại sư Liên Trì; Tuy đã xuất gia, nhưng thầy luôn mang theo bài vị của cha mẹ trước ngực để ngày ngày nhang khói, lễ bái; đến khi đi tham học, thầy cũng vẫn như vậy.

Người ta cho rằng: chỉ có người mẹ thực sự vĩ đại, mới sinh ra những người con thực sự vĩ đại; và ngược lại, chỉ có những người con thực sự vĩ đại mới có thể làm cho người mẹ thực sự trở nên vĩ đại.

Điều này khá đúng, khi chúng ta được nghe câu chuyện “Mẹ có lạnh không”xảy ra ở một nước phương Tây: Trời vừa lập đông, những cơn gió tuyết đã lao xao phủ lên những kiếp người. Vô tình hơn, chúng đã làm giá lạnh thêm số phận cô đơn của người mẹ ở một mình mang thai con.

Vào một đêm giá rét, người đàn bà chuyển dạ. Và vì không đủ sức tự mình đến nơi sinh nở, nên người mẹ quyết định tìm đến cô bạn gần đó để nhờ giúp đỡ. Đêm vắng, trời tối, đường đi lại trơn trượt; yếu sức nên người đàn bà bị rơi xuống vực tuyết khi đi qua một chiếc cầu.

Trong giờ phút sinh tử ấy, người mẹ đã sinh con. Và biết chắc không thể nào vượt qua khổ nạn, người mẹ đã dùng tàn lực lột hết quần áo trên người mình quấn cho đứa bé, ủ con vào lòng rồi, chết lạnh.

Sáng sớm hôm sau, tiếng khóc của đứa trẻ đã làm cho người qua đường phát hiện: Người ta chứng kiến thi thể người đàn bà trần trụi chết trong tư thế ôm con. Họ đem xác người mẹ về chôn ở một nghĩa địa chung; và đem đứa bé về nuôi khi nó còn đang được ủ ấm…

Mười hai năm sau…

Biết được câu chuyện đau lòng, đứa trẻ năm xưa đã vượt qua mọi sợ hãi, trốn cha mẹ nuôi, tự mình tìm đến nghĩa trang vào những đêm đông, đứng trước mộ người mẹ, trả hiếu: Cậu bé tự trút hết y phục mặc trên người để đắp lên mộ mẹ. Cậu đứng hằng giờ chịu đựng cái rét cắt xương rồi, thì thầm: “Thưa mẹ, ngày này năm ấy mẹ có lạnh lắm không?”Cậu đã thực hiện như vậy, nhiều năm liền. Ôi, người mẹ vĩ đại của tôi!

Mẹ đi vào thiên thu bằng tiếng hát thanh thường trụ.

Chuyển hóa sắc thành thanh

Thanh thành hương

Hương thành vị

Dung nhiếp lục trần thành một

Đưa lưỡng nghi về thái cực

Bằng thơ

                                        (Trụ Vũ)

Và, còn bao nhiêu hình ảnh đẹp nữa trong đời, nhưng

Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá

Chứa sao đầy hai tiếng: Mẹ ơi!

                           (Song Nguyên)

Và giờ đây, trong giây phút lắng lòng này, chúng ta không khỏi hướng về hình ảnh một người cha. Chuyện vua Tần-bà -sa-la ở nước Ma- kiệt- đà: Một hôm thái tử A- xà -thế có ngón tay trỏ bị đau và sưng vù lên. Một cái nhọt đã mọc ngay dưới móng tay làm nhức nhối khiến thái tử khóc suốt mấy ngày đêm. Vua Tần-bà ẵm con lên đầu gối, ngậm ngón tay đau của con trong miệng để truyền hơi ấm qua, một mặt để cái nhọt nhờ sức ấm mà cương mủ sớm. Như thế trong suốt bốn ngày đêm. Khi cái nhọt đã cương mủ, và mủ đã chín, nhà vua mới bắt đầu mút cho mủ thoát khỏi ngón tay. Nhờ vậy mà thái tử A- xà- thế lành bệnh. Vua Tần- bà hút hết mủ và máu độc rồi, nhưng không dám rút tay của thái tử ra vì sợ con bị rát. Nhà vua cứ giữ máu và mủ như thế cho đến khi không chịu nổi thì nuốt mủ và máu ấy vào bụng, và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi con thơ hết rát:

Một tiếng ơn cha mềm lòng sỏi đá

Một tiếng phụ thân rúng động từ nghiêm

                                          (Mặc Giang)

Trong tiết Vu lan tràn ngập yêu thương, được tề tựu bình yên dưới những mái chùa, chúng ta không biết phải có bao nhiêu lời để cảm ơn Tam bảo, phải có bao nhiêu lời để tri ân đức Phật; vì nhờ có đức Phật mà chúng ta được tự tin, được thoát khổ; nhờ có đức Phật mà chúng ta được yên ổn, đàng hoàng. Nhờ có Ngài mà chúng ta đã thoát khỏi vô minh, để trong đời không còn những nỗi lo sợ hãi, kể cả nỗi sợ về cái chết.

Chúng ta còn rất biết ơn, xin trân trọng gởi đến các bậc làm cha mẹ: không biết cha mẹ chúng ta đã gieo được biết bao nhiêu duyên lành, đối tốt với cuộc đời này như thế nào, để khi hoài thai chúng ta cho chúng ta được hiện diện trong đời có được pháp Phật, được học Phật; để khi áp dụng, chúng ta đã vô cùng hạnh phúc khi thấy rằng: chúng ta với gia đình; chúng ta với cuộc đời; chúng ta với từng cỏ cây, từng hạt bụi; chúng ta với từng sinh vật và toàn thể thế giới này được sống tốt đẹp như nhau, được an nhiên tự tại, như nhau.

Với tâm cảm này, xin được chia sẻ với những ai đang cài hoa trắng

Tôi không khóc khi ngực cài hoa trắng

Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười .(1)

Và, xin chúc mừng hạnh phúc đến những ai đang còn cha mẹ: Đóa hoa màu hồng tôi vừa cài lên ngực áo anh rồi đó thì, anh hãy: Vui sướng đi! Quả là tuyệt vời!

Có hai cái đăng quang

Một là hoa đang nở

Hai là hoa đã rụng

Nở, rụng giữa huy hoàng

Cái nở đã đăng quang

Cái rụng rất khô vàng

Cũng đăng quang em ạ!

Nỗi luân lưu Niết bàn

Trong cái nở đăng quang

Một Niết bàn sinh động

Trong cái rụng điêu tàn

Một Niết bàn lồng lộng

Chở vô lượng thiền quang…

                               ( Trụ Vũ )

Đạo Phật là đạo của từ bi, đạo trí tuệ, đạo của sự thật. Đạo hiếu không phải đạo Phật nhưng hiếu đạo là mảng đề tài lớn, rất quan trọng trong giáo lý Phật giáo; vì nó là nền tảng của đạo đức. Thiếu đi nền tảng này, chúng ta không thể thành người.

Thấy biết được điều này xin vô cùng biết ơn các bậc tôn sư: quý thầy đã dày công hàng ngày giáo dưỡng, từ bi tế độ cho chúng ta, giúp chúng ta chữa được thân tâm bệnh, và đem đến cho chúng ta thứ tài sản quý gia nhất đời người là sức khoẻ và trí tuệ như đức Phật đã từng dạy.

Và trong mùa của Đại lễ Vu lan, chúng ta lại một lần nữa tri ân quý chư Tăng: vì nhờ quý ngài mà những người khốn khó trong cõi vô minh có một đốm lửa; nhờ quý thầy mà chúng ta có cơ hội được cung đón các bậc tôn sư, được quỳ dưới chân để chúc mừng khánh tuế quý ngài có thêm một tuổi đạo “pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ”; nhờ quý thầy mà chúng ta được bày tỏ tấm lòng nhớ ơn của mình lên Tam bảo; được làm nhiều hạnh lành, cầu cúng hồi hướng báo ân cho cha mẹ, cho toàn thể chúng sinh “âm siêu, dương thới”, và được sống trong thực tại hạnh phúc với cùng khắp đại chúng để chia sẻ một niềm vu lan trong an bình, tịnh lạc:

Mẹ về ấm áp lắm thay

Sữa kia với lại bình này cho con

Chở tam thiên một hình tròn

Ơi!Nguồn tịnh thủy cho non nước đầy.

                                                 (Trụ Vũ)

Mùa Vu Lan, Phật lịch 2554                                              

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)