Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Thiền trong đời sống của phạm nhân

Đã đọc: 4710           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đưa thiền vào đời sống của phạm nhân ở Việt Nam hiện nay hầu như vẫn còn là điều mới mẻ và khá xa lạ. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã đưa những khóa thiền Vipassana vào các chương trình giáo dục chính của trại giam nhằm giúp phạm nhân có điều kiện tu tâm, cải thiện tâm tánh, hành vi và vượt thoát ra những khổ đau ở hiện tại.

Thiền Vipassana cho phạm nhân

Thực tế từ hàng chục năm qua, từ ý tưởng độc đáo nảy sinh đầu tiên vào năm 1975 những khóa thiền Vipassana thử nghiệm trong trại tù trung ương Jaipur và trường cảnh sát Jaipur (Ấn Độ) cho thấy lợi ích về mặt thể chất và tinh thần cho phạm nhân. Từ các hạt giống ý tưởng ban đầu đó, tiếp đó là phát triển những khóa thiền mười ngày cho 10.000 phạm nhân tại các nhà tù lớn của Ấn Độ, trại tù Tihar tại New Delhi. Sự kiện này làm cả thế giới chú ý với cuốn phim được giải ”Hành thiền Vipssana trong lúc giam cầm” (Doing time, Doing Vipassana).

Tác dụng hiệu quả của thiền lên đời sống phạm nhân đã là vấn đề chính cần bàn bạc của các quan chức Chính phủ Ấn Ðộ và họ đã đề nghị đưa thiền Vipassana thành một phương pháp cải tạo cho mọi nhà tù. Thiền Vipassana cũng đưa vào chương trình huấn luyện cho hàng ngàn viên chức cảnh sát. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, New Zeland, Ấn Độ, Đài Loan, Mông Cổ, Nepal... đã áp dụng những khóa tu tập, đưa thiền Vipassana vào trại giam giúp cho phạm nhân có cơ hội rèn luyện thể chất cũng như tinh thần. Ở 9 tiểu bang của Mỹ cũng đã áp dụng những khóa thiền ngắn cho những phạm nhân trong các chương trình cải tạo của nhà tù.

Thiền Vipassana- thiền quán niệm hơi thở có thể giúp phạm nhân có thái độ sống tích cực cũng như nâng cao giá trị sống mỗi ngày trong lao tù. Hàng ngàn phạm nhân đã tu tập trong trại giam ở Bắc Âu cho biết họ cảm thấy an lạc với đời sống hiện tại bằng việc mỗi ngày được ngồi thiền để sám hối mọi tội lỗi, lắng động tâm và tự điều phục. Thiền Vipassana có tác dụng thay đổi tâm tánh và hành vi ngay từ gốc rễ. Phạm nhân được sửa đổi nơi sâu thẳm tận cùng, đó là tâm mình.

Có những phạm nhân mang trọng tội giết người nhưng giờ đây họ thật sự nhận diện được tội ác của mình và tỏ ra hối lỗi. Họ thấy mình cần phải sống, chấp nhận khổ đau và đối diện với nó. Mặc dù sống trong vòng lao lý nhưng khi ngồi lắng đọng tâm trong từng hơi thở vào mỗi buổi sáng họ cảm nhận được sự yên ả, thong dong, tự do, tự tại. Vượt thoát được cảm giác bị “gông cùm” ở một thời điểm mà họ cho là khó khăn nhất của cuộc sống trong lao tù. Sau khóa thiền, họ cảm thấy mình thay đổi, dễ chấp nhận, hòa đồng và chia sẻ. Người đối diện có thể thấy ở phạm nhân một đời sống tươi sáng hơn qua những nụ cười và nét mặt bình thản. Đó là điều kỳ diệu của thiền Vipassana.

Thực hành thiền Vipassana ở trại giam Việt Nam

Trại giam K.20 có lẽ là trại giam đầu tiên ở Việt Nam chấp nhận cho chư tôn đức PGVN và Phật tử đến để gặp gỡ, chia sẻ, hướng dẫn phạm nhận cách nấu ăn chay và tập thiền Vipassana. Đó là trại giam K.20 (thuộc Cục V26, Bộ Công an), đóng trên địa bàn xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Bến Tre với gần 2.000 phạm nhân. Để phạm nhân làm quen với những phương pháp giáo dục từ cửa thiền đòi hỏi cả một không gian mở cho cả phạm nhân, chư tôn đức và những quản giáo. Và điều đó là không gian của sự hòa đồng, chia sẻ thật sự giữa mọi người.

ĐĐ.Thích Nhật Từ đã mở đầu Pháp thoại với câu chuyện của vị vua A Xà Thế để nhận biết chân hạnh phúc đích thực, tình thương con người với con người, không giết hại đồng loại. Lòng từ bi trong cuộc sống cũng giống như không khí mà chúng ta cần để thở hằng ngày. Và, cũng vậy sau những vấp ngã chúng ta phải biết đứng dậy và đi tiếp. Trong câu chuyện ấy, nghị lực sống, biết vượt qua nỗi khổniềm đau của quá khứ để làm lại cuộc đời như đức Phật đã dậy: “Hãy mạnh dạn vứt bỏ nỗi đau...” đã đi vào lòng phạm nhân. Những câu chuyện của thầy gần gũi, sinh động và đầy ý nghĩa, ở đó giá trị đời sống đạo đức được đề cập đến để khơi gợi lòng tin tưởng sống trong hiện tại, vượt lên nỗi đau, chấp nhận hiện thực và nhận chân giá trị trong cuộc sống.

Sau những Pháp thoại như thế bao giờ cũng là những khóa tập thiền Vipassana ngắn, dành cho tất cả các phạm nhân nhằm giúp họ tìm lại sự an lạc. Trong thời gian chưa tới 2 năm, ĐĐ.Thích Nhật Từ đã có 5 chủ đề chính chia sẻ với anh chị em nơi này như: “Quay đầu là bờ”, “Tự do nội tại”, “Bỏ kiếp giang hồ”, “Làm lại cuộc đời” và “Đứng dậy sau vấp ngã”. Trong cố gắng của mình để đưa thiền vào cuộc sống phạm nhân, ĐĐ.Thích Nhật Từ cảm nhận: “Mỗi lần đến với phạm nhân là mỗi lần nhận ra sự tiến bộ ở họ. Nhiều người đã tự nguyện tập tu và nhận thấy niềm hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại”.

Thiền Vipassana cho phạm nhân thật sự giúp họ vững tâm để chia sẻ và sống hòa đồng hơn trong một môi trường sống chung có thể gọi là rất phức tạp này. Thiền có tác động tốt với những con người chai sạn, lầm lì và từng trải ở đây. Sự trải nghiệm qua từng hơi thở để yêu thương mình và người, là liệu pháp thiền tập làm nên điều kỳ diệu. Qua những khóa thiền ngắn tại trại giam K.20 đã có khoảng 100 phạm nhân tự nguyện ăn chay và thực tập thiền hàng ngày.

Chị T.M (Chợ Gạo, Tiền Giang) mang án 12 năm vì tội giết người chỉ vì bực dọc người hàng xóm xúc phạm mẹ mình, trong cơn nóng giận chị đã giết người. Chị tâm sự: “Mình luôn ám ảnh bởi cái chết của nạn nhân và nỗi ân hận để mẹ già phải cô đơn một mình. Thế rồi nhờ được nghe thầy giảng, mình ngộ ra và hằng ngày sám hối, ý thức rõ được sai trái của mình, giờ thì cố bình thản hơn với từng ngày kiên trì tu tập thiền”.

Nhờ tiếp xúc được với chư tôn đức, nghe thầy giảng nhân quả và tu tập thiền, gần 2.000 phạm nhân ở độ tuổi tốt đẹp nhất của cuộc đời, từ 18 đến khoảng 45 đang sống và học tập tại đây mới hiểu thêm được giá trị đích thực của cuộc sống hiện tại và tìm sự bình an với tinh thần hướng thiện. Tham gia những buổi Pháp thoại, thiền Vipassana nhiều phạm nhân bảo rằng, họ mong muốn được tha thứ để có cơ hội làm lại cuộc đời, xa rời cái ác. Sự thanh thản, bình tâm... có được qua phương pháp thực hành thiền đã giúp họ hiểu rằng chỉ có cách duy nhất là phải cố gắng từng ngày để sửa đổi.

Thượng tá Phùng Văn Yến, Tổng giám thị trại giam K.20 cho biết, đã 10 năm làm công tác giám thị ở đây, thời gian gần đây ông cảm thấy rất yên tâm vì phạm nhân có ý thức tôn trọng kỹ luật và học tập tốt. Nhờ học thiền, tập ăn chay mà phạm nhân đã giảm đi 70% kỹ luật so với trước kia vì tâm tính họ đã hiền lành, hướng thiện hơn. Ông nói: “Quý thầy đã giúp chúng tôi xây dựng được phương pháp giáo dục cũng như môi trường tình thương để giúp anh chị em phạm nhân có cơ hội học tập và sửa đổi”.

Trại giam chưa rộng cửa

Mặc dù, thiền Vipassana được áp dụng rộng rãi trong các khóa giáo dục tại các nhà tù trên thế giới nhưng ở các trại giam của Việt Nam thiền Vipassana chưa được áp dụng nhiều. Trong rất nhiều nguyên nhân mà theo chủ quan của người viết, chắc rằng các trại giam còn “e ngại”. Năm 1998, trại giam K.20 đã mạnh dạn đón nhận thiền Vipassana, những thời Pháp thoại và hướng dẫn cách nấu ăn chay cho trại viên của mình. Tuy nhiên, những năm gần đây, thiền Vipassana đã được chư tôn đức áp dụng cho hàng ngàn trại viên tại các Trung tâm Bảo trợ Xã hội, Trung tâm Giáo dưỡng và Trung tâm chữa bệnh để cải tạo hàng ngàn đối tượng. Trong đó, người lang thang, cơ nhỡ, phụ nữ lầm lỡ và người nghiện ma túy.

Những khóa tu rất ngắn trong vòng một đến hai ngày này cũng mang đến cho trại viên những thay đổi đáng kể. Vipassana giúp họ có cơ hội ngồi lắng đọng nghe tâm mình, biết mình đang ở đây và đối diện với thực tại. Họ thấy mình bình an trong những việc làm đã qua và thấy cần phải thay đổi, sống biết chia sẻ và hòa đồng với mọi người xung quanh.

Lợi ích từ việc thực hành thiền đã quá rõ ràng và được các tín đồ Phật giáo áp dụng để nâng cao chất lượng cuộc sống từ hàng nghìn năm qua. Áp lực cuộc sống trong ngục tù của phạm nhân càng lớn hơn nhiều so với cuộc sống của những người tự do và áp lực đó có thể dẫn đến trầm uất, stress, vấn nạn tự tử. Các nhà tù trên thế giới, đã giảm áp lực cuộc sống nặng nề của phạm nhân bằng cách giúp họ trải nghiệm những khóa thiền Vipassana trong nhà tù để tìm sự bình an và chấp nhận sự thật từ đó cải tạo hành vi, sẵn sàng cho cuộc đời mới. Từ lợi ích thiết thực đó, các trại giam Việt Nam cũng nên mạnh dạn áp dụng thiền vào xen kẽ với các chương trình giáo dục của trại giam để giúp họ thay đổi tâm tánh, hành vi và nhẹbước vào một chặng đường mới sau khi ra tù.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
Thich Nu An Nhien 13/02/2011 15:48:11
Vao nhung ngay cuoi dong toi da doc " So Phan cua nhung tu tu" . " Nhung chat can ba chi nhuom do phan suoi nhung khong bao gio hien duc duoc con suoi "*** Toi cau mong nhung Vi Lanh Dao trai giam tren toan quoc hay co gang tao dieu kien cho nhung toi pham duoc tiep xuc tinh than tu thien , chinh nho nhung thang nam tu toi ho de dang biet sam hoi va qua thuc tap thien thanh cong , thi nguoi toi pham khi man han tu se la nguoi cong dan rat tot khi tai nhap xa hoi. Xin cho ho duoc tiep xuc " Thien " do cung la an hue tot lanh cho nhung ke bi nhieu " Ac Nghiep" nhu Co Thu Tuong Vo van Kiet da noi :" Khong Ai Tu Chon Cho Minh Mai Nha De Sinh Ra" , ma chung ta that hanh phuc hon ho , phai khong?!
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)