Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới tại Việt Nam

Đã đọc: 3626           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong phiên họp trù bị ngày 20-25/03/2010, Ban Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới Nhật Bản và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã thỉnh cử Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, đồng làm Chủ tịch Ban Tổ chức cùng với HT. Thích Thanh Tứ. Sau đây là một phần nội dung của buổi trao đổi được Hòa thượng dành cho Đại đức Thích Phước Huệ.

Xin Hòa thượng cho biết công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 6 tại Việt Nam?

HT: Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới là diễn đàn của các lãnh tụ Phật giáo trên thế giới, nhằm đưa ra các giải pháp Phật giáo cho các vấn nạn toàn cầu và các quốc gia mà thế giới đang quan tâm. Vì tầm quan trọng đó, Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo Thế giới đã có hai phiên họp trù bị, năm 2009 và tháng 3 năm 2010. Hai bên đã thống nhất ngày tổ chức Hội nghị là 23-26/11/2010; địa điểm tổ chức là Trung tâm Hội nghị Quốc gia (ngày 23-25/11), khánh thành chùa Bái Đính, giai đoạn 2 và tham quan du lịch văn hóa non thiêng Yên Tử và vịnh Hạ Long (ngày 26/11).

Chương trình và nội dung của Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo lần thứ sáu tại Việt Nam đã được hai bên thảo luận và thống nhất. Danh sách thư mời 33 quốc gia sáng lập và các quốc gia thành viên mở rộng theo đề nghị của GHPGVN sẽ được gửi đi trong tháng 4-2010.

Sắp tới, Văn phòng I và Văn phòng II sẽ có những phiên họp, thành lập các phân ban đặc trách các công tác chuẩn bị, để đảm bảo sự thành công của Hội nghị quốc tế này. Nói chung, công tác chuẩn bị rất thuận lợi và tốt đẹp.

Đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ sáu là cơ hội lớn cho GHPGVN, khẳng định vai trò quốc tế của mình cũng như sứ mệnh đồng hành với dân tộc. Vậy theo Hòa thượng, thông điệp chính mà BTC muốn gởi đến thế giới trong Hội nghị Thượng đỉnh lần này là gì?

HT: Có hai thông điệp chính Ban Tổ chức muốn gởi đến thế giới. Thứ nhất, Phật giáo là đạo nhập thế, phục vụ vì hạnh phúc cho con người trên tinh thần vô ngã vị tha, nên đạo Phật không đứng bên lề các vấn nạn toàn cầu. Các lãnh tụ Phật giáo cùng chia sẻ các giải pháp toàn diện và bền vững, nhằm giúp cho thế giới này ngày càng thanh bình và hạnh phúc hơn. Thứ hai, các lãnh tụ Phật giáo cùng ngồi lại trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết như nước và sữa, không phân biệt Tiểu thừa, Đại thừa. Tất cả vì mục đích duy nhất là cùng nhau cảm thông, chia sẻ và chung xây dựng trái đất xanh, sạch, đẹp, vì hạnh phúc của con người.

Bạch Hòa thượng, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 tại Việt Nam và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo lần này có gì khác biệt?

HT: Đại lễ Phật đản LHQ 2008, như tên gọi của nó, là đại lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật là ngày Phật ra đời, ngày Phật thành đạo và ngày Phật Niết-bàn. Đó là ngày Lễ Tam hợp do LHQ khởi xướng và được cộng đồng Phật giáo thế giới hưởng ứng tổ chức tại các quốc gia, từ năm 2000 đến nay. Do đó, Đại lễ Phật đản LHQ đặt nặng hình thái văn hoá theo chủ trương của LHQ.

Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới là diễn đàn quốc tế của các đức Tăng thống, các vị Chủ tịch Giáo hội hoặc Tông trưởng của các trường phái Phật giáo, đại diện 33 quốc gia sáng lập. Các vấn đề được Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo quan tâm thường mang tính hồi đáp các vấn nạn toàn cầu. Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo mang tính hội nghị cấp cao của cộng đồng Phật giáo quốc tế, còn Đại lễ Phật đản LHQ mang tính lễ hội.

Hội thảo của Đại lễ Phật đản LHQ thuộc hội thảo nhóm, ai cũng tham gia được. Còn Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo là hội thảo của các nhà lãnh đạo Phật giáo toàn cầu, cùng chia sẻ kinh nghiệm hành đạo ở từng quốc gia và đưa ra các giải pháp mang tính quốc tế, nhằm giải quyết các khủng hoảng toàn cầu, góp phần xây dựng nền hoà bình cho nhân loại.

Là nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, cũng là đồng Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo lần này, xin Hòa thượng cho một thông điệp đến Tăng Ni trẻ trong giai đoạn toàn cầu hóa này?

HT: Thứ nhất, trong Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo lần này, các nhà lãnh đạo Phật giáo trên thế giới sẽ thảo luận và thông qua các chính sách nhập thế của Phật giáo, theo đó, giới trẻ Phật giáo trong thời hiện đại cần dấn thân tích cực vì Phật giáo và vì nhân sinh. Do đó, tôi mong rằng các thế hệ Tăng Ni trẻ nên trau giồi đạo hạnh, bồi dưỡng trí đức, nơi nào Giáo hội cần thì phát tâm dấn thân; nơi nào chúng sinh cần, ta nên cất bước, không ngại gian lao, không từ khó nhọc. Không nên chán nản, thất vọng mỗi khi gặp những khó khăn và trở ngại. Ai chờ đợi đầy đủ mọi thuận duyên mới làm Phật sự sẽ không có cơ hội làm việc gì có ý nghĩa cho nhân sinh. Có tài đức đi đôi, ở bất kỳ nơi nào, thời điểm nào, giới Tăng Ni trẻ sẽ có được niềm tin và ủng hộ của các cấp Giáo hội.

Thứ hai, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tôi muốn nhắn gửi đến giới trẻ tinh thần sáng tạo trong dấn thân, phụng sự đất nước và Phật pháp, qua hình ảnh Thiền sư Vạn Hạnh. Nếu trước đây ta có một Thiền sư Vạn Hạnh có tầm nhìn xa, trông rộng, đã đào tạo nên một vị vua Lý Công Uẩn anh minh, xây dựng nên một nước Việt Nam hùng mạnh và thịnh trị, thì ngày nay Tăng Ni trẻ cũng nên cất bước noi gương các bậc thầy đi trước, để không phụ lòng thầy tổ.

Ngày nay, chúng ta có điều kiện hơn cha ông ngày trước. Ta có được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa PGVN và Phật giáo thế giới. Trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển vũ tốc này, thì truyền thông Phật sự giữa các Giáo hội sẽ giúp chúng ta học hỏi được kinh nghiệm của Phật giáo bạn. Cũng nhờ truyền thông, PGVN được cộng đồng Phật giáo thế giới biết đến; con người và đất nước Việt Nam được thế giới biết đến, và ngược lại. Truyền thông hai chiều này là một phước duyên của thời hiện đại.

Thầy hy vọng và tin tưởng các Tăng Ni trẻ ngày nay phải làm được cái gì mới mẻ hơn, có giá trị hơn các thế hệ cha ông đi trước, hầu góp phần mang lại sự thịnh vượng, phát triển và an lạc cho đất nước và con người Việt Nam.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)