Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Sân chùa xào xạc gió

Đã đọc: 2415           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tôi ngồi mơ màng ở hồ sen thả hồn mình bồng bềnh theo những đám mây xa tít tắp...

Rời khỏi đôi tay, chú rùa con chới với đôi chân nhỏ huơ huơ làm chao đảo đám bèo trên mặt nước, song nó lấy lại ngay cái vẻ bình tĩnh như nhận ra mình được tự do, nó bơi nhè nhẹ dò chừng và mất hút sau vạt lá sen. Giữa hồ một chú cá màu ánh đen bất chợt nổi lên nghe ngóng dò chừng rồi vội vàng lặn mất tăm… Mặt nước gợn lăn tăn rồi yên ắng nhưng chỉ với thoáng xao động ấy cũng mang lại một cảm giác vui vui lẫn buồn buồn. Trên mặt hồ sừng sững cảnh núi non hiểm trở khoe dáng vững chãi là chiếc hòn non bộ mà người tạo nên nó như muốn thu gọn cả sự hùng vĩ của đất trời vào trong đó… Dưới tán cây si già gần khe núi thu nhỏ có bức tượng ông lão thật cũ kỹ ngồi câu cá nhưng chẳng có chiếc cần. Bọn trẻ con vào đây chơi thì cho là có đứa nào đó “rắn mắt” lấy chiếc cần đi mất, còn người lớn thì triết lý “câu thời câu vận thì cần gì lưỡi và cả cần câu”…

Miên man với cảnh vật tôi chợt phân vân: “Không biết con rùa nó có nhớ mình không? Mình thì chắc là nhớ nó lắm bởi hơn một tháng qua từ ngày mình đổi quả banh da lấy chú rùa với thằng bạn trong xóm để mang nó về làm bạn, cả ngày ngoài giờ học mình luôn bận bịu và quấn quít với nó…. Nhưng ngoại nói chú rùa sẽ không sống được khi nuôi mãi trong cái lồng sắt của nhà mình đâu, loài vật cũng muốn tự do và biết đau khổ như con người vậy…Dù thật tiếc nhưng nghe lời bà, tôi đành mang chú rùa thả vào hồ sen của chùa và tự nhủ mình sẽ thường xuyên đi thăm nó…”

Từ cơ duyên đó, vậy là tôi thường đến chùa, đó là chùa Long Khánh ở thị xã Qui Nhơn, năm đó tôi vừa mười hai tuổi với mùa Hè đầu tiên sau ngày giải phóng 1975. Những ngày hè của tuổi thơ với ấn tượng trên đường phố còn ngỗn ngang xác của xe tăng, xe quân sự của quân đội Sài Gòn có cái bị bắn thủng lỗ to tướng hoặc bị cháy sém. Trước cổng trường tôi học còn nguyên vẹn hai chiếc xe tăng, một chiếc trên tháp pháo có đến bốn nòng súng chĩa lên trời che khuất cả tầm nhìn của các cô câu học trò cấp II mỗi khi muốn nhìn ra biển. Chạy dài theo bờ cát thoai thoải hiền lành của biển còn hằn đậm hơn dấu vết của chiến tranh với các khí tài quân sự nằm rải rác, minh chứng cho sự hoảng loạn của cuộc tháo chạy… Và rồi mỗi khi cơn gió hiền lành của mùa hòa bình đầu tiên thổi qua bãi biển, làm tung những đụn cát màu vàng nhạt thì người ta còn nhìn thấy lố nhố những nắp quan tài đóng vội của ai đó vừa bỏ mình sau cuộc chiến…

Ngày ấy trong tôi chùa là một nơi thật bình yên và trong khuôn viên tượng Phật A Di Đà cao ngất mà mỗi khi chiêm ngưỡng tôi luôn có một cảm giác bay bổng trong không gian mênh mông nhiều suy tưởng bằng cái đầu trẻ con, thích thú, hiếu kỳ và khám phá cái không gian mát rượi bởi những cơn gió xào xạc của những buổi trưa hè…

Và những buổi trưa hè ấy không chỉ có mình tôi mà còn có nhiều đứa trẻ con khác cũng đến chùa. Bọn trẻ đến đây không phải để đi thăm chú rùa, mà vào sân chùa để chơi, để đá bóng, rồi tưởng tượng rằng mình là danh thủ bóng đá vì các danh thủ thứ thiệt cũng đá bóng nhưng lại ở bên kia bờ tường vì bên đó chính là sân vận động của thị xã… Tình yêu bóng đá của người dân nơi này thể hiện thật đậm đà, dù sau chiến tranh đời sống còn ngỗn ngang trăm mối mà mỗi khi có một trận bóng chính thức của đội nhà thì người địa phương dù đang đi rẫy trên núi cao hay buông lưới ngoài khơi xa cũng tranh thủ về đất liền để được tận mắt chứng kiến những pha bóng như thêu hoa dệt gấm của những cầu thủ “con cưng” của mình….

Trận bóng đá trong sân chùa của bọn trẻ con chân đất hôm ấy đang hồi gây cấn. Các hảo thủ đang cố huy động hết sức chạy cùng tối đa tần số âm thanh inh ỏi giữa trưa hè. Sau hàng cây hiền hòa trong sân chùa, đã thấy thấp thoáng bóng chiếc áo nâu sòng của thầy trụ trì từ dãy nhà sau đi ra, đến gần hơn mới thấy thầy đang tủm tỉm cười. Ra đến giữa sân, thầy nhẹ nhàng yêu cầu đám trẻ dừng chơi để giữ thanh tịnh cho chùa. Hơi tiếc rẻ bọn nhóc dừng lại trong chốc lát rồi nhanh chóng tụm lại bàn nhau chơi trò khác, trò trốn tìm. Trò này tuy không huỳnh huỵch như đá bóng nhưng tần suất âm thanh thì chẳng kém gì. Tiếng bước chân chạy thình thịch lâu lâu lại trộn lẫn tiếng cười ré lên của đứa phát hiện và cả đứa bị phát hiện, trò chơi hứa hẹn một buổi trưa hè ầm ĩ. Thầy trụ trì lại đến nhắc nhở nhưng lần này thì vô hiệu bởi đá bóng thì cả bọn chụm lại còn trốn tìm thì cả đám lại tản mác ra hết rồi…

Tôi ngồi mơ màng ở hồ sen thả hồn mình bồng bềnh theo những đám mây xa tít tắp, nơi mà tôi biết nếu mình leo lên được đến đó thì mình sẽ không còn là gì, không là ai và ở đó thì không có gì để ràng buộc cả… Nhưng hôm nay lúc rơi lại thực tại, tôi lại thấy ái ngại cho cái ồn ào của đám trẻ cùng tuổi nhưng biết làm sao được với cái hiếu động của trẻ con ở một cái thị xã nhỏ nằm trong tâm của cuộc chiến ác liệt vừa qua thì tìm đâu cho ra một sân chơi cho tuổi thơ đúng nghĩa…

Nhắc nhở mãi không được thầy trụ trì đi đến ngồi bên hồ sen, tôi vẫn đang ngồi đó và chắp tay chào thầy, trong lòng muốn nói với thầy rằng: “con vô đây để thăm chú rùa chứ không phải vô quậy phá thầy ơi…”. Như đọc được ý nghĩ trong tôi, thầy gật đầu mỉm cười, rồi ngồi quan sát đám trẻ đang rần rật chạy trong sân.

Mỗi lần đứa bị bắt úp mặt vào gốc cây hô lớn: 5….10…15…20…những đứa còn lại tán loạn chạy tìm chỗ nấp…Hô xong đứa bị bắt dáo dác đi tìm. Chỉ có trốn và tìm nhưng thật hấp dẫn và suy cho cùng thì cả đời người cũng thế, người ta luôn dành trọn đời mình để trốn và để tìm một điều gì đó…Riêng chỉ có cái trốn tìm của tuổi thơ mới thật sự mộc mạc chân thành và thật hạnh phúc cho những ai đã có những phút giây được sống hồn nhiên trong trò chơi đơn giản ấy…

Trò chơi đang hồi cao điểm, thì thêm một đám nhóc khác trên đường đi tắm biển ngang chùa, thấy vui quá cũng kéo vào nhập bọn. Thằng Mỹ lai có mái tóc xoăn tít như lò xo mới vào, tình nguyện bị bắt trước, úp mặt vào gốc gây để… 5…10…những đứa khác hối hả đi trốn…Thằng Mỹ lai thì hớn hở bắt đầu cuộc đi tìm…

Ngồi ở hồ sen nãy giờ, thầy trụ trì hình như chỉ chờ có vậy. Thầy bước ra giữa sân ung dung chỉ:

- Đứa áo xanh ở sau hồ sen, đứa ở trần sau gốc cây dừa, đứa tóc vàng núp sau tượng Phật, còn những đứa khác sau đống gạch kia kìa…!

Thoáng chút bất ngờ, thằng Mỹ lai và cả bọn rồi như cũng đã hiểu điều gì vừa xảy ra…Thế là những đứa nấp lò dò chui ra, miệng léo nhéo phân bua, không chịu bị bắt vì ông thầy chỉ chỗ…Trò chơi bị phá sản, bởi nếu đã biết thì hà cớ gì người ta phải tìm. Đáp án đã có sẵn thì trò chơi hay cả cuộc đời này có còn gì hấp dẫn…Tranh cãi với nhau vô ích, cả bọn tiu nguỷu kéo nhau ra ngồi thở ở hồ sen, vô tình tận hưởng sự yên ả dịu dàng vốn có của sân chùa…

Một lát sau ông thầy quay lại, hóm hỉnh nhìn lũ trẻ con rồi hiền hòa nói:

- Các cầu thủ đã mệt chưa- Rảnh không, có siêng thì vô chùa uống nước.

Cả bọn lại rộ lên, nhăn nhở, tíu tít chạy theo thầy, rồi tề tựu quanh chiếc bàn dài ngoằn mà nhà chùa thường dùng để dọn cơm chay đãi khách. Thầy mang từ trong tủ chén ra một rỗ chuối khô, thầy nói đây là đặc sản nhà chùa, hôm nay thầy chiêu đãi…Cả bọn lại hí hố vui tươi với từng đôi mắt sáng như càng long lanh hơn bởi tác động của vị ngọt tươm ra từ mật chuối, lũ trẻ vừa ăn vừa xì xụp thổi nguội tách nước trà pha loãng cùng với âm thanh nhẹ nhàng khuyên bảo của thầy…

Tình huống khá ngộ nghĩnh của buổi trưa hè hôm ấy đã in đậm mãi vào đời tôi, nó như một bài học thật sinh động, vui tươi mà rất hữu duyên tôi được nhận. Bài học ấy hay cái cách giải quyết thật đơn giản của thầy đã chỉ cho đứa trẻ ngày ấy trong tôi và cho tận đến bây giờ rằng: Cuộc đời dù có phức tạp đến đâu nếu ta chịu khó quan sát, tìm hiểu điều cốt lõi của nó thì chỉ bằng một động tác đơn giản là ta có thể vô hiệu được mọi phiền não của vấn đề….

Rồi mùa Hè năm ấy cũng qua mau, chú rùa đã lớn trọng lâu lâu lại điềm đạm nổi lên quan sát quanh hồ…Buổi trưa sân chùa thật yên tĩnh và những cơn gió vẫn thường không quên xào xạc, miên man thổi qua những mái đầu xanh, mơn trớn những hàng cây hiền hòa rồi gió nghiêm trang nhẹ nhàng uốn quanh tà áo Phật. Gió cũng vô tình lay động một chiếc lá rơi rụng xuống mặt hồ. Lòng nước bỗng xao động tạo nên những vòng tròn nở rộ rồi to dần, những vòng tròn nước lăn tăn hớn hở nối tiếp cùng chạm vào nhau rồi tan biến nơi vách hồ…. Và có lẽ nếu không có giới hạn ấy thì những vòng tròn nước sẽ càng to, to mãi và lan rộng đến vô cùng…

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)