Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Từ hạt sương của Thiền sư Vạn Hạnh đến hạt sương của vũ trụ

Đã đọc: 4589           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tâm linh truyền thống ấy vượt quá hình-danh-sắc-tướng, ngôn ngữ văn tự, chỉ có thể tự mình thuần túy kinh nghiệm...

Trước khi thế giới bước qua ngưỡng cửa của thế kỷ XX, nhà văn nghệ sĩ Nhật trứ danh Okakura đã tuyên bố, đứng ở một đầu Đông Nam Á: “Á châu chỉ là tâm linh”. Ở một đầu bên này, năm 1893 đứng trước hội nghị các tôn giáo ở Chicago, đạo sĩ Ấn Vivekananda đọc lên sứ mệnh của Thánh kinh Ấn Độ:

“Ai đến với Ta, bất cứ ở hình thức nào, Ta đón tiếp. Tất cả loài người cố gắng trên các đường lối, kết cục đều dẫn đến Ta”.

“Ta” đây là thực tại tuyệt đối vừa nội tại siêu nhiên trong truyền thống Á châu.

Và cả hai đại biểu nghệ sĩ Nhật và đạo sĩ Ấn đã cùng nhau đầu năm 1902 đến chiêm ngưỡng Bodhgàya nơi đức Phật Thích Ca thành chánh giác.

Tâm linh truyền thống ấy vượt quá hình-danh-sắc-tướng, ngôn ngữ văn tự, chỉ có thể tự mình thuần túy kinh nghiệm. Thế giới biến đổi không thường này không phải là chân ngã, không phải là cái ta thật. Với tinh thần phá chấp, đức Phật đã giải thoát khỏi hệ lụy gây nên đau khổ, và Ngài đã đạt tới cảnh giới tinh thần siêu việt, hoàn toàn tự do. Sự phá chấp triệt để là phương tiện đưa đến cứu cánh. Cứu cánh là một thực thể tâm linh có trước thời gian, không gian, vượt qua cả khái niệm nhân quả nghĩa là ở trên ý thức cảm nghĩ (sensory-intellectual consciousness), ngoài hình-danh-sắc-tướng (nama-rupa).

Nhờ tinh thần phá chấp ấy, chỉ căn cứ vào thuần túy kinh nghiệm tâm linh mà Phật giáo đã du nhập khắp nơi một cách dễ dàng, đi đến đâu cũng thể hiện cảm thông với các khuynh hướng tín ngưỡng khác, đem tinh hoa của mình là năng lực tâm linh để giúp cho các khuynh hướng khác tiến triển trên con đường riêng của nó, không bắt tín ngưỡng khác phải theo mình, mà còn chính tự mình giúp cho sự cảm thông giữa các đường lối khác nhau, xung đột trái nghịch với nhau như là ở Trung Hoa giữa đạo Nho và đạo Lão. Đấy là Thiền học kết quả của Phật giáo sau khi Đông Du, sản phẩm của sự gặp gỡ giữa đạo xuất thế phủ nhận thế gian với đạo nhập thế khẳng nhận, kết thúc cuộc chống đối giữa Lão học và Nho học:

Hành tàng bất nhị kỳ quan

(Nguyễn Công Trứ)

Hai khuynh hướng truyền thống Á Đông ấy phải chờ Phật giáo đến để kết tinh ra thái độ tổng hợp thứ ba là Thiền, lấy thực nghiệm tâm linh làm cơ bản “dung tam tế” như Thiền sư Vạn Hạnh ở Việt Nam đã thực hiện. Vì “dung tam tế” là thông suốt quá khứ, hiện tại và tương lai, đạt đến cái điểm thời gian siêu nhiên, dung thông sự lý, hợp nhất thể dụng, tức là “Hợp nội ngoại chi đạo, thời thế chi nghi”, nghĩa là hợp nhất cái đạo hướng ra ngoài và cái đạo hướng vào trong (extravert et introvert), lúc nào cử động cũng thích hợp. Đấy là quan điểm triết học truyền thống như Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII đã nhắc lại khẩu hiệu “Đồng qui nhi thù đồ”, tức là “L'Unité dans la multiplicité” ở “Philosophia perennis” của Tây phương. Chỉ có tâm linh siêu thời không mới có thể vừa một vừa nhiều, vượt ra ngoài tất cả phạm trù nghịch lý, mâu thuẫn của ý thức cảm nghĩ tương đối, cho nên Thiền sư Vạn Hạnh đã vượt được lên trên biên giới của sống chết mà cảm hứng ra lời kệ lúc sắp tịch:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân sinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Thân như chớp bóng có rồi không,

Cây cỏ thu khô xuân nẩy bông.

Tin cuộc thịnh suy không sợ hãi,

Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương đông.

Ở lời kệ trước khi tịch trên đây, Thiền sư Vạn Hạnh miêu tả cảnh giới tâm linh siêu nhiên vũ trụ hóa, không còn sống chết trong giới hạn tương đối tục trần đối đãi lưỡng nguyên của hình, danh, sắc, tướng. Cho nên bảo: (Ngã bất dĩ sở trụ nhi trụ, bất ỷ vô trụ nhi trụ) “Ta không lấy cái chỗ có trụ để mà trụ, không nương vào chỗ không trụ để mà trụ”. Cái cảnh giới tinh thần vượt lên trên có và không, chính là cái điểm duy nhất thông suốt cả thời không, quá khứ, hiện tại và vị lai, cho nên:

Vạn Hạnh dung tam tế như Lý Nhân Tông đã nhận thấy vậy.

Tinh thần “dung tam tế” của Thiền sư Vạn Hạnh đã trở nên linh hồn Quốc học Việt Nam, trải qua thời Lý thời Trần mà Lê Quý Đôn đầu thế kỷ XVIII đã lại gợi lên trong thời Nam Bắc chia đôi. Bởi vì muốn “đồng qui thù đồ” phải có một nguyên lý duy nhất làm cơ bản để tổng hợp. Nguyên lý ấy phải vượt lên trên tất cả hệ thống giáo điều bế tỏa đóng cửa, đồng thời bao hàm tất cả phương diện đặc thù. Nguyên lý ấy chỉ phải là cái tâm linh “dung tam tế” của Thiền sư Vạn Hạnh đã thực hiện, vừa nội tại vừa siêu nhiên là tinh thần của đạo học truyền thống vậy. Thế rồi cả một lớp danh Nho, thực đức từ Bắc chí Nam cho đến bình dân đã kế thừa phát triển cái triết lý ấy lấy làm triết lý sinh tồn của dân tộc.

Và, cũng là triết lý trong thi phẩm “Hạt sương” của nhà thơ Trụ Vũ kế thừa:

Nàng đi vào thiên thu bằng tiếng hát thanh

thường trụ

Chuyển hóa sắc thành thanh, thanh thành hương,

hương thành vị...

Dung nhiếp lục trần thành một

Đưa lưỡng nghi về thái cực

Bằng thơ...

Một tâm linh nhất quán được tất cả ba phương diện biểu hiện của thực tại: Chân, Mỹ, Thiện; Siêu nhiên, Thiên nhiên và Nhân sinh, tức là Thiên, Địa, Nhân điển hình của Nho giáo. Và Trụ Vũ đã tìm thấy hồn thơ trong cái Tâm Thiền là nguồn hứng sáng tạo:

Khi phiền não hóa thành thơ

Phiền não ấy mang tên rất mới

Phiền não ấy mang tên Niết bàn, Tịnh Độ

Mang tên là Hạnh phúc

Tinh mơ

Tự cổ lai ở Đông phương người ta không nhìn sự vật ở quan điểm trí thức danh lý (concept logique) hay khái niệm cố định, mà người ta vốn nhìn ở quan điểm tượng hình sinh thành biến động. Đấy là vũ trụ quan Dịch lập cước trên nguyên lý tam tài “Thái cực sinh lưỡng nghi” hay là “Đạo, Âm, Dương” là những quá độ của thực tại khai triển biện chứng trực giác âm - dương - hòa mà nhà đạo học phải thể hiện với toàn diện con người trí thức, tình cảm và lý trí, cũng như nhà nghệ thuật đứng trước đối tượng, phải ấp ủ đối tượng cho đến khi nào quên hẳn đối tượng bên ngoài đi, quên cả chủ thể của mình đi, chỉ còn lại có cảm hứng tự hoạt động:

Cõi hiện sinh có một điều kỳ diệu

Em có thể gọi tên là gì cũng được

Phật

Thánh

Tiên tri

Hay hạt bụi vàng

Điều kỳ diệu có hàng ngàn tên gọi

Riêng phần anh, anh xin gọi là

Em

Hội thoại của con người dựa trên ngôn ngữ. Sau một thời gian đàm đạo nào đó, hoặc ta mỏi mệt hoặc chủ đề thảo luận đã cạn cùng. Nhưng khi ngắm một đóa hoa mà có thể trò chuyện với nó, sự giao tiếp này có thể bất tận và cực kỳ tinh tế. Nhất là với các loài hoa không tên, chúng ta chợt khám phá giá trị vô cùng của một bông hoa tưởng như vô nghĩa:

Em theo chân ánh sáng của buổi sớm đi thăm

những bông hoa

Trong vườn hoa của chính mình

Vườn hoa mà trong đó ngoài những bông hoa còn

có vô vàn điều kỳ diệu khác

...

Trong đó

Hạnh phúc và khổ đau

Thành một

Quá khứ và tương lai

Thành một

Ánh sáng và bóng râm

Thành một

Và bởi vì đôi chân em bước

...

Nên tất cả

lại hóa thành hai

Một nửa ban sơ

Cho một chiếc hài

Và nữa, người ta có thể hiểu vô ngã là một thuật ngữ về luân lý và đạo đức. Mặt nào đó, không có ta là một thái độ tốt đẹp, nhưng Thiền không nói về loại thái độ này, mà muốn nói về sự chứng ngộ thực tại căn nguyên vốn không bản ngã, không thực thể, không yếu tố và không các phân tử. Đúng hơn, vũ trụ có vô số điều này vì tự nó là ngã:

Tình yêu trọn vẹn nhất là tình yêu chính mình

Và cách thực hiện hiện thực nhất tình yêu

chính mình

Là tự soi gương, để bắt gặp chính mình

Vô ngã

Trong thiền định, tình yêu là

Tất cả

Thơ Thiền là nơi hội tụ của nghệ thuật và trí tuệ giác ngộ. Nói về thơ Thiền là nói những điều vô bờ bến. Kinh nói: “Ba cõi duy chỉ một tâm”. Ngoài Tâm không có hiện thực nào khác. Tâm, Phật, và chúng hữu tình - cả ba đều không khác. Chữ “ba cõi” ở đây là thế giới vật chất (Sắc giới), thế giới ái dục (Dục giới), và thế giới tâm linh phi vật chất, không hình thể (Vô sắc giới). Trường hợp nào cũng vậy, từ quan điểm của Thiền, không có gì ngoài Tâm. Chúng ta là Tâm, thơ là Tâm. Duy chỉ một Tâm:

Duy chỉ một tấm gương

Để tôi soi vào đó

Duy mỗi một tấm gương

Để tôi nhìn tôi rõ

Tấm gương ấy là tôi

Đời đời duy mỗi nó.

Trong bài này, người  viết không có ý “xếp chung” giữa Thiền sư Vạn Hạnh và nhà thơ Trụ Vũ mà chỉ nói về những vần thơ...

 

Chú thích 

- “Hạt sương”(1): Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương đông.

- “Hạt sương”(2): Tên thi phẩm của nhà thơ, nhà nghiên cứu Phật giáo Trụ Vũ.

- Tài liệu trích dẫn: Ngôn ngữ Thiền...  Hạnh Viên.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)