Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Các bài học lịch sử về 1.000 năm Thăng Long

Đã đọc: 2565           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đạo Phật Ngày Nay Hội thảo “Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” do HVPGVN tại TP.HCM phối hợp với Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM đồng tổ chức vào tháng 28-8-2010 tại Resort Phương Nam, tỉnh Bình Dương, đã thu hút hơn 300 học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham dự. Xin trích đăng các điểm đồng thuận và các bài học lịch sử được tổng kết trong Hội thảo.

1. Bài học về sự phát triển đất nước

Để phát triển đất nước đến tầm cao mới, vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư – kinh đô của nhà Đinh và Tiền Lê – về Đại La, rồi đổi tên là Thăng Long, nay là Hà Nội. Nhờ đó, Đại Cồ Việt dưới triều Lý trở thành một Việt Nam khai phóng, tầm vóc và trí tuệ trong thời đại mới lúc bấy giờ, khẳng định tính độc lập chủ quyền dân tộc, phát triển quốc gia về nhiều phương diện từ chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hoá và tôn giáo. Nói cách khác, mạnh dạn, quyết đoán và đổi mới đúng quy luật là con đường tất yếu để phát triển đất nước bền vững. Phải mạnh dạn đổi mới đất nước để phát triển đất nước.

2. Bài học về bảo vệ đất nước

Nhà Lý chiến thắng giặc Tống ở thế kỷ XI và nhà Trần hai lần chiến thắng giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII,… đều do các vị lãnh tụ quốc gia Đại Việt hội tụ được lòng yêu nước của toàn dân, có trí tuệ nhìn xa trông rộng, đảm bảo được sự bình đẳng giữa nhân dân và quân đội, có tinh thần vô ngã và chính trực trong phụng sự quốc dân, nhiệt tâm với đồng bào và khoan dung với kẻ thù. Có thể nói chính sách dân chủ, đoàn kết dân tộc, phụng sự tổ quốc của giới lãnh đạo thời đó đã đảm bảo được các quyền căn bản của con người và duy trì công bằng xã hội. Rất đáng phát huy.

3. Bài học về ngoại giao quốc tế

Chủ trương hoà hiếu trong quan hệ quốc tế là chính sách ngoại giao sáng suốt của hai triều đại Lý Trần, nhờ đó, Việt Nam có nền độc lập hơn 300 năm trong hoà bình và phát triển, thịnh vượng. Đối với Chiêm Thành, sau nhiều lần vua Lý Thái Tông thân chính, đánh dẹp, bắt hàng ngàn tù binh đã không giết mà còn cho họ nhận hộ thuộc làm ăn, sinh sống ở Vĩnh Khang, nay là Nghệ An. Khi vua Lý Thánh Tông bắt được vua Chiêm Thành và 5 vạn quân cũng không giết một ai. Đối với nhà Tống, sau khi đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của phương Bắc, vua Lý đã thả các binh lính bị bắt tại Khâm Châu và Ung Châu. Khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, nhà Trần cũng lấy hiếu hoà làm nền tảng, tha tội chết cho giặc. Truyền thống nhân ái hiếu sinh này vốn chịu ảnh hưởng từ triết lý từ bi, hỷ xả của Phật giáo, nhờ đó, bang giao quốc tế của Việt Nam thời đó rất tốt đẹp trong hoà bình và cộng tồn.

4. Bài học về khoan dung tôn giáo

Vua Lý Công Uẩn xuất thân là tu sĩ Phật giáo từ tuổi ấu niên. Dưới sự tư vấn tài tình của thiền sư Vạn Hạnh, nhà vua đã chủ trương Tam giáo đồng nguyên vì đại nghĩa của dân tộc, tránh các xung đột chính trị và xã hội có gốc rễ từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Nói rõ hơn, nhờ tinh thần khoan dung tôn giáo của các vị vua ảnh hưởng Phật, mà lịch sử Việt Nam trong 1 thiên kỷ qua không có các hiện tượng chiến tranh tôn giáo. Thực hiện chính sách khoan dung tôn giáo, vua Lý Thánh Tôn cho dựng Văn Miếu ở Thăng Long đề thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền. Vua Lý Nhân Tôn đặt ra Quốc Tử Giám, chọn các quan văn của Nho giáo phụ trách giảng dạy. Vua Lý Cao Tông mở khoa thi Tam giáo và áp dụng chính sách này trong việc trị nước an dân. Ngoài ra, mặc dù các đế vương đời Lý tu học thiền với các thiền sư nhưng Tịnh độ tông và Mật tông vẫn được khích lệ phát triển một cách bình đẳng, cho thấy tính cách viên dung vô ngại trong ứng dụng Phật pháp.

5. Bài học về dân chủ

Đế nghiệp của triều Lý vững vàng suốt 215 năm là do tám vị vua anh minh triều Lý chủ trương không lấy quan điểm của mình làm hệ quy chiếu, mà ngược lại biết lấy dân làm gốc và phục vụ các quyền lợi và công bằng xã hội cho bá tánh. Chính sách thân dân của nhà Trần chịu ảnh hưởng tích cực từ quốc sư Trúc Lâm tức thiền sư Viên Chứng qua lời khuyên vua Trần Thái Tông như sau: “Đã là người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm cái muốn của mình, phải lấy ý dân làm ý mình, trong khi đó không được xao lãng việc tu học của bản thân”. Bài học về nhân quyền và dân chủ này có ý nghĩa tham khảo lớn cho mọi thời đại để tiếp tục phát huy hiệu quả của nó.

6. Bài học về chính trị - minh triết

Mô hình “vua – triết gia” (king – philosopher) được đại triết gia Plato khởi xướng lại ngẫu nhiên trùng hợp với mô hình lý tưởng “nhà vua – thiền sư” hay “thiền sư – nhà vua” trong thời đại nhà Trần, khi đức vua Trần Nhân Tông không chỉ là nhà chính trị và quân sự tầm vóc, mà sau khi xuất gia còn là vị thiền sư lỗi lạc có công khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nhiều vị vua anh minh triều đại Lý – Trần còn là các học giả, tư tưởng gia nổi tiếng.

Cũng cần nói thêm hiện tượng vị vua trở thành tu sĩ Phật giáo của Việt Nam là sự kiện đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nhân loại. Cả hai triều đại Lý Trần, đất nước ta vững mạnh về chính trị, kinh tế và giáo dục, các vị vua minh triết để lại nhiều áng văn bất hủ cho nền văn học nước nhà. Các nhà vua khéo léo trong việc dùng đạo để giúp đời, và lấy dữ liệu đời để soi sáng đạo, như hoa sen trong bùn nhưng lại toả ngát hương thơm. Nói cách khác, nếu các chính trị gia trong các giai đoạn lịch sử của Việt Nam trong quá khứ và hiện đại đều là những nhà tư tưởng lớn, có tầm nhìn xa thì không lo gì Việt Nam không sớm trở thành một cường quốc lấy hoà bình làm phương châm ngoại giao.

7. Bài học về sự đồng hành

Vai trò đồng hành giữa Phật giáo và dân tộc là điểm son của Phật giáo Lý Trần. Việc đức vua Lý Công Uẩn khai sáng Thăng Long – Thủ Đô và vai trò kiến trúc sư vương triều Lý một cách thầm lặng của thiền sư Vạn Hạnh cho thấy Phật pháp và Dân tộc thời đó là đồng hành, hoà quyện vào nhau vì lợi ích của đất nước và con người Việt Nam. Nhiều đế vương thời Lý Trần đã thỉnh mời các thiền sư làm quốc sư, cố vấn về chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hoá và tôn giáo của đất nước, nhờ đó, việc trị nước được thấm nhuần tư tưởng từ bi, trí tuệ, vô uý và hỷ xả của Phật giáo. Các giá trị minh triết và đạo đức Phật giáo được áp dụng trong đời sống xã hội, nhờ đó, đất nước thịnh vượng, phát triển. Nói cách khác, tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam về phương diện cố vấn chính trị và ngoại giao chính trị là nghệ thuật giúp các nhà yêu nước Phật giáo góp phần tích cực trong việc quản trị quốc gia Đại Cồ Việt được hoà bình, phát triển và thịnh vượng. Tinh thần đồng hành này cần được nâng lên thành quyết sách phát triển đất nước trong thời hội nhập và toàn cầu hoá như hiện nay.

Bên cạnh các nghiên cứu và thảo luận học thuật được các nhà nghiên cứu và học giả đóng góp trong Hội thảo lần này, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM và Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM xin được đề nghị lên Chính phủ và các cơ quan chức năng một số đề xuất sau đây:

1. Dựng thêm tượng anh hùng, danh nhân và dùng tên của họ để đặt tên đường

 Ngay sau đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Chính phủ nên dựng tượng đài tôn thờ các vị anh hùng dân tộc tiêu biểu trong lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội như đức vua Lý Thái Tổ, Thiền sư Vạn Hạnh, đức vua Trần Nhân Tông tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Về lâu về dài, có thể dựng thêm tượng ở một số thành phố lớn khác như Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu và Cần Thơ.

Ở Hà Nội, tượng đức vua Lý Thái Tổ đã được dựng trên phố Lý Quốc Sư, con phố dài 244m đi từ ngã tư Hàng Mành – Hàng Bông đến phố Nhà Thờ, đã tôn vinh giá trị đóng góp của nhà vua cho đất nước Đại Cồ Việt, nhờ đó, ta có được Hà Nội hôm nay.

Thiền sư Vạn Hạnh cũng cần được đặt tên đường và dựng tượng ở Hà Nội, nơi ngài đã từng là vị kiến trúc sư thầm lặng của triều Lý, nhờ đó, Thăng Long – Hà Nội được hình thành và đế nghiệp của triều Lý được vững mạnh. Tại TP.HCM, tượng của quốc sư Vạn Hạnh nên được dựng tại công viên Đại Hàn ngay tam giác đường Sư Vạn Hạnh, đường Nguyễn Chí Thanh và đường Hùng Vương, thuộc ranh giới Quận 5 và Quận 10. Bùng binh ngã sáu Cộng Hoà thuộc Quận 10 là nơi thích hợp nhất để dựng tượng vua Lý Thái Tổ, một mặt làm tăng giá trị con đường Lý Thái Tổ hiện hữu, mặt khác nhắc nhở người dân Sài Gòn nhớ đến công đức dựng kinh đô Thăng Long -  Hà Nội của nhà vua anh minh này.

Ở khu vực vườn Lài, phường 2, quận 10, nên dựng tượng đức vua Trần Nhân Tông. Nếu vì không gian nhỏ hẹp không thích hợp với việc dựng tượng đức vua tại đây thì có thể dựng tượng ngài tại công viên Đại Hàn, nơi cách đường Trần Nhân Tông chỉ khoảng 100m.

2. Có chính sách thích hợp để phát triển Phật học, trước mắt nên sớm cấp mã đào tạo cho ngành Phật học

Tại các nước Phật giáo phát triển như Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên và gần đây ở các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Hungary v.v… Phật học được xem là khoa độc lập khỏi triết học và tôn giáo học, có cấp đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ. Cũng cần nói thêm, Học viện Phật giáo Việt Nam hiện nay không phải nơi đào tạo giáo sĩ Phật giáo, mà là nơi dạy Phật học như một ngành triết học hay khoa học xã hội và nhân văn. Sự phát triển ngành Phật học đồng nghĩa với phát triển tri thức và khoa học. Chúng tôi kính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và cấp mã đào tạo cho ngành Phật học của các Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Hà Nội và Huế. Đồng thời, tiến hành kiểm tra và công nhận văn bằng Cử nhân Phật học của các Học viện – vốn được các trường nổi tiếng trên thế giới chấp nhận cho học Thạc sĩ – tương đương với bằng cử nhân của các trường đại học quốc dân. Trên cơ sở này, cho phép các Học viện Phật giáo Việt Nam tổ chức đào tạo liên thông hoặc liên kết với các trường đại học trong nước. Điều này sẽ mở ra cơ hội giáo dục Phật học tại các đại học trong nước và cơ hội hợp tác giữa các Học viện Phật giáo với các đại học quốc dân.

3. Hợp tác song phương trong giáo dục

Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mã đào tạo cho ngành Phật học, chúng tôi đề nghị các trường đại học – Đại học KHXH và NV, ĐHSP tại TPHCM và Hà Nội, các Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Triết học, Viện Sử học hay Viện Văn học,…mở rộng và hiện thực hóa các cơ hội hợp tác song phương với Học viện Phật giáo Việt Nam nói chung tại TP HCM nói riêng. Đây là việc có tính khả thi. Hiện nay, Học viện Phật giáo Việt Nam có 55 tiến sĩ và 30 thạc sĩ về các ngành Triết học, Ấn Độ học, Trung Quốc học, Hán ngữ cổ đại, Hán ngữ hiện đại, Văn học và Phật học, có khả năng và sẵn sàng hợp tác thỉnh giảng tại các Khoa có nhu cầu. Ngược lại, Học viện Phật giáo Việt Nam cũng cần quý giáo sư tham gia giảng dạy tại Học viện. Ngoài hợp tác thỉnh giảng, chúng ta cũng nên cùng tổ chức các hội thảo khoa học định kỳ hằng năm về các chủ đề mà các bên cùng quan tâm. Cũng có thể mời các trí thức Phật học tham gia hướng dẫn, phản biện luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ có mã số chuyên ngành phù hợp, tránh lãng phí chất xám. Những hợp tác song phương nêu trên, chắc chắn sẽ nâng cao, phát triển tiềm lực khoa học cho các đối tác, giúp cho chúng ta hiểu biết nhau hơn, đưa chất lượng, hiệu quả đào tạo lên một đẳng cấp mới, góp phần khắc phục nguy cơ tụt hậu mà chúng ta cũng như toàn xã hội đang trăn trở. Sự hợp tác song phương này, theo chúng tôi, còn giúp ích cho ngành giáo dục và cho đất nước nhiều hơn.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)