Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Trải nghiệm với chính mình

Đã đọc: 2144           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đau khổ, ủy mị khi đối mặt với não phiền là khi tâm ta không chấp nhận được nó, xem nó như một phần kém may mắn mà “ai đó” đã dành cho mình...

1. Thở một hơi thở thật nhẹ và thật êm để thấy sự sống mầu nhiệm đã hiện hữu qua từng hơi vào-ra. Thở vào ta biết ta đang còn sống đây, thở ra ta biết mình đang đối mặt với những não phiền nơi nhân thế. Sống và đối mặt với phiền não ta sẽ phản ứng như thế nào với sự biểu hiện của những phản ứng ấy sẽ cho người khác biết ta là người vững chãi hay không? Cái trí của người tu theo Bụt cũng được thể hiện thông qua phản ứng này…

Đau khổ, ủy mị khi đối mặt với não phiền là khi tâm ta không chấp nhận được nó, xem nó như một phần kém may mắn mà “ai đó” đã dành cho mình. Nhưng thực tế nó chính là “sản phẩm” mà mình đã “sản xuất” ra từ đời nào đó, lâu rồi, có thể là vô lượng kiếp trước… Có người vẫn thường trách: tôi có làm điều gì xấu đâu mà giờ phải khổ thế này? Câu hỏi ấy hàm chứa một thông điệp: tôi không thể chấp nhận sự thật này, ông trời đang bất công với tôi... Và cũng có người than rằng: tôi yêu anh ấy hết mình thế sao anh ấy bỏ tôi nhỉ hoặc sao cô ấy phụ tôi? Tất cả đều bởi một lẽ, những người ấy chưa nhận diện được mọi sự việc được biểu hiện chính là quả vừa được trổ mà nhân của nó chính là những điều mà họ đã gieo từ trước.

Lúc gieo nhân chúng ta thường vô tư lắm, thậm chí vui sướng hả hê vì mình đã lừa tình, lừa tiền được ai đó (chẳng hạn). Chúng ta không bao giờ nghĩ được rằng mình lừa người ta thì họ sẽ khổ thế nào. Bởi chúng ta chưa uống nước nóng nên không cảm giác được cái nóng của nước, nhưng đến khi uống nước rồi mới than sao nóng quá, sao “bất công”…

2. Con người đã hiện hữu ở đây, trong cõi đời này nếu không phải là thánh, không là vị xuất thế gian với hạnh nguyện độ sinh thì sẽ là phàm phu, xuất hiện vì nghiệp. Nghiệp đưa ta đến nên ta cũng bị nghiệp lực chi phối, còn những bậc thánh hiền thì vì nguyện lực mà sinh, do đó các vị vượt thoát mọi nỗi khổ đau. Có thể các vị ấy biểu hiện tướng khổ đau thì cũng là dụng ý của các vị, để giáo hóa chúng sinh.

Vì sự tạo tác nhân bất thiện, hoặc thiện mà mình sinh ra với những hoàn cảnh khác nhau, phước báo hữu lậu được biểu hiện bằng sự giàu có/nghèo khó hoặc đẹp/xấu, khỏe mạnh/bệnh tật… Hai từ “hữu lậu” cho chúng ta nhận diện được những biểu hiện ấy cũng chỉ nằm trong hạn định ngắn ngủi của một kiếp người. Con người có muốn níu giữ những hình tướng đẹp bởi phước lành cũng không được bởi nó hữu hạn, có một định mức nhất định, như số tiền mình có trong tài khoản, xài hoài không hết sao được? Và có muốn xua đuổi những điều không hay đến với mình cũng chẳng thể bởi nó là mặc định từ sự “cài đặt” mà chính mình vì mê, vì sân, vì tham đã tạo trước đó. Vậy thì chỉ còn cách chấp nhận nó và làm mới hoàn cảnh.

Mình nghèo ư, vâng, do nghiệp nhưng mình có thể kiến tạo ngôi nhà mình sạch sẽ, dễ thương bằng cách trồng nhiều cây, hoa. Mình nghèo thì mình góp mật cho đời bằng ý niệm thiện lành; gửi cho người này, người kia những nụ cười từ tâm; nói lời ái ngữ… Và mình dần trồng những cây, hoa như vậy nhiều, càng ngày nhà mình sẽ rất mát mẻ, dễ thương. Còn người giàu, nhưng quên mất việc giữ cho nhà sạch lại đem những đồ dơ, thối về để trong nhà thì cũng chẳng ai dám tới gần. Như chúng ta vẫn thường thấy, có nhiều người tiền rủng rỉnh nhưng lại sống quá ích kỷ, xem thường người khác thì cũng đâu ai yêu thương họ thật lòng?

Hiểu như vậy để chuyển hóa suy nghĩ của mình, để ứng dụng triệt để lý vô thường vào cuộc đời. Không ai đẹp mãi, không ai nghèo hoài bởi tất cả cũng chỉ là một “tài khoản” giới hạn nên dùng mãi cũng hết. Nghèo mà biết tiết kiệm, biết lo làm ăn chăm chỉ thì đến ngày cũng hết nợ, cũng giàu lên. Giống như nghiệp mình vậy, mình nhận diện được là do mình tạo, mình vui vẻ trả và tạo ra những giá trị tốt lành thì đến lúc mình sẽ kiến tạo được mọi thứ.

3. Nhận diện có nghĩa là mình tìm về gốc gát của mọi vấn đề đều từ tâm sinh. Như Bụt dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Xấu, đẹp, giàu, nghèo hay điềm tĩnh, vụt chạc đều là biểu hiện được “mã hóa” từ tâm. Biết rõ như thế thì khi gặp phải những sự biểu hiện nào đó chắc chắn mình sẽ không bị những biểu hiện ấy thiêu đốt hoặc làm mình quên. Quên có nghĩa là mình để tâm mình chạy nhảy, không kiểm soát được và đau khổ. Không thấy nguyên nhân của khổ nên mình hay đổ thừa, trách trời, buồn người này, người nọ. Không thấy nguyên nhân của hạnh phúc nên mình dễ kiêu mạng, tự hào. Chúng ta ít khi trách mình là bởi ta không nhận diện được mọi thứ từ tâm mình mà ra. Và tất nhiên, đến một lúc nào đó chúng ta cũng không trách ai nữa, kể cả mình mà phải quay về trong mỗi mỗi phút giây, trong mỗi sát na, thực tập pháp sám hối, phát nguyện đi trong tĩnh thức, chánh niệm…

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)