Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Giọt cà phê với hành trình hương Việt

Đã đọc: 2144           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nên, trong dòng chảy rất mực thâm trầm của miên tưởng, từ nơi “nguồn cội” thơm hương ấy, chúng ta sẽ được nghe “Tiếng đàn đá-Giọt huyền rơi-Băng gọi giá”, và nghe “Nhịp tim đập-Giọt cà phê-Rơi đậm ”…Nhưng nếu lắng nghe những vần thơ ấy để chỉ hiểu cái nghĩa đơn giản của nó thì vẫn chưa đạt được trình hạn cái nghe vô thanh trong thơ...

Cà phê với hành trình hương Việt. Mỗi “giọt bước”, là một nguồn cảm hứng tròn đầy của một con người “sống động”, như hoa trái của một lộ trình tự quán chiếu và độc thoại với bản thân trong cuộc lữ hành Văn hóa Việt, Tâm linh Việt. Đặc biệt, “thiền học” ở tập thơ là hành động thực hiện nối liền đời sống nhập thế với đời sống xuất thế, xã hội với thiên nhiên, nhân sinh với nghệ thuật bằng một dòng tâm linh khai triển, cởi mở từ hệ lụy thế tục sang tự do giải thoát, từ cõi sinh tử đến ý thức không sinh tử. Tác giả không ngồi một chỗ trong tháp ngà để thành tựu trên lý thuyết, mà, bằng cả thời gian dài tu học, tu chứng, phụng sự đời, hợp nhất cả tri thức và hành động:

Nét ngọa thiền

Giọt cà phê

Man thiên

Từ đó, giọt cà phê lại có thêm một đời sống nữa trong thơ. Một đời sống không thể định nghĩa và nắm giữ nó trong vạn pháp. Một đời sống bất khả tư nghì, ta chỉ có thể cảm nhận nó bằng tâm không:

Giọt cà phê

Đứng lại

Giữa đường rơi

Buông xả và tỉnh thức. Chính sự tỉnh thức này đã phá tan đi bóng tối vô minh vốn là ngọn nguồn của tử sinh bất tận; là ánh sáng soi rọi để thấy rõ đau khổ và giải thoát đau khổ. Cổ đức dạy rằng: “Muốn giải thoát thực sự thì phải giải thoát thực sự ngay trong cuộc đời, ngay trong cuộc sống này; không phải đợi đến chết mới giải thoát. Hiện tại không an vui, chắc chắn chết không giải thoát..”. Nhưng niềm vui giải thoát sẽ đến tự đâu? Tự trong thực tại, ngay trong chính mình và ngay trong những điều đơn giản nhất:

Em hiền nội

Giọt cà phê

Thơm nguồn cội

Nên, trong dòng chảy rất mực thâm trầm của miên tưởng, từ nơi “nguồn cội” thơm hương ấy, chúng ta sẽ được nghe “Tiếng đàn đá-Giọt huyền rơi-Băng gọi giá”, và nghe “Nhịp tim đập-Giọt cà phê-Rơi đậm ”…Nhưng nếu lắng nghe những vần thơ ấy để chỉ hiểu cái nghĩa đơn giản của nó thì vẫn chưa đạt được trình hạn cái nghe vô thanh trong thơ. Nghe được vô thanh trong thơ, có nghĩa vượt lên trên âm thanh để cảm được cái tâm của người nghệ sĩ. Trong bản Hành họ Bạch người ta đã nghe tiếng tơ tiếng trúc của người kỹ nữ bến Tầm Dương tâm sự một gái giang hồ nhớ về dĩ vãng, một ông Tư Mã nuôi sầu nơi đất trích, mà âm hưởng của nó vương vất trong khoảng tâm thức nghe như đã dậy hồn Đỗ Phủ; trong Kiều của Nguyễn Du, người ta đã nghe trong thơ tiếng đàn Kiều tất cả những cung bậc đoạn trường tang thương giữa nhịp sóng đời dâu bể. Cũng như, nghe trong tiếng thơ Trụ Vũ, chính là lắng được nguồn cảm của ông để ngộ ra lẽ vô thường:

Tách cà phê

San sẻ

Vị thăng trầm

Điều đó còn có nghĩa, trong âm thanh của thế gian có rất nhiều cung bậc: Khi nâng lên, sẽ dẫn đến con đường giải thoát; khi hạ xuống là cảnh đọa đày. Và, còn một cung bậc nữa, thực tế hơn: Cung “trầm bình thanh” của cuộc đời “ít ham muốn, biết đủ” thể hiện Trung đạo của Phật giáo-không lấy dục làm lẽ sống đời người, không sống khổ hạnh ép xác. Nếu ai cũng biết điều chỉnh cuộc sống vừa phải cho chính mình, sống trải lòng ra với mọi người, thì lẽ nào thế gian này sẽ không tạo nên thanh âm reo vui cho những vần thơ hạnh phúc?

Cho nên, thơ là tiếng lòng, không những làm thỏa mãn ngũ quan, mà nó còn có khả năng giúp cho ta cảm nhận được vô thanh nội tại của chính mình:

Kim cương đen

Ngời ngời

Thơm chảo lửa

Từ “chảo lửa” trần gian, pháp môn Văn Tư Tu đã đưa ngài Quan Âm Bồ tát thâm nhập vào Tam ma địa. Từ thơ, giọt cà phê tĩnh tự của Trụ Vũ ngời ngời đi vào vạn pháp:

- Giọt cà phê vào Tịnh độ môn: Một đời vãng sanh, được bất thối chuyển:

Thoáng ngưỡng mộ

Giọt cà phê

Thơm Tịnh độ

- Giọt cà phê tham thiền: Chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật. Thù thắng và vi diệu:

Phật trong tâm

Giọt cà phê

Đêm hương trầm

- Giọt cà phê đi vào cõi Hoa Nghiêm: Lìa thế gian, nhập pháp giới. Tự tại và vô úy:

Ánh trăng quyện

Giọt cà phê

Vĩnh tại

- Giọt cà phê tu Mật giáo: Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật:

Giọt cà phê

Vô tướng

Đức Mâu Ni

- Và, Luật môn: Nhiếp thân ngữ ý vào Thi la tánh:

Giọt cà phê

Chuông gia trì

Phạn ngữ

- Giọt cà phê thâm nhập Thiên Thai giáo: Mở, bày, tỏ, ngộ vào tri kiến Phật. Đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề:

Không khói thuốc

Tách cà phê

Tự tỏa

- Giọt cà phê chứng Tam Luận: Lìa hai bên vào Trung đạo:

Cõi Trung nguyên

Giọt cà phê

Trung đạo

- Giọt cà phê hành Pháp Tướng môn: Nhiếp muôn pháp về Chơn duy thức. Trí tuệ và chiều sâu-trong tất cả và không ở đâu, giúp chúng ta nhận ra mối tương quan giữa mình với toàn thể, giữa ta với toàn thể là một:

Nối năm châu

Bằng một giọt

Mưa ngâu

Đó là cuộc hành trình của hương Việt lan tỏa qua bao trạng huống của đời người: Khổ, Tập, Diệt, Đạo-từ Khổ đế để đi về Đạo đế.

Tất cả thực thể siêu hình ấy đã phản ảnh trong kinh Lăng Già Tâm Ấn: Đại nhi vô ngoại, tiểu nhi vô nội …Lớn đến không có ngoài, nhỏ đến không còn có trong…lớn nhỏ mất biên giới thành một cái mà Khổng giáo gọi là “Nhất dĩ quán chi”, Lão giáo gọi Đắc Nhất: Cả một yếu lý siêu hình và không -thời-gian-vạn-vật chứa trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, hình dung “cõi” mà chúng ta đang tới: Cõi vô cùng mà hữu cùng, hữu cùng mà lại vô cùng…Một khi ranh giới đã được xóa bỏ, đã đồng hóa thì không còn trong, không còn ngoài; không còn cao, không còn thấp…tất cả là một, cùng biểu thị yếu lý uyên áo của sự giải thoát:

Giọt cà phê

Tịch chiếu

Niết bàn vui.

 

Chú thích: (*) Đọc “Hương Cà Phê”- Thơ Trụ Vũ

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)