Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Phật giáo phục hưng từ Đông sang Tây

Đã đọc: 2206           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Vào thế kỷ XIX, người Pháp và người Anh chiếm cứ toàn bộ các vùng phía Nam Á châu và hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, chỉ trừ vương quốc Siam (trở thành Thái Lan). Những người đô hộ không trực tiếp xen vào các vấn đề tôn giáo trong các vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng...

Bối cảnh lịch sử

Sự bành trướng của Phật giáo nói chung đã chấm dứt cách nay khoảng 1.000 năm khi các đạo quân xâm lược Hồi giáo tràn vào A-phú-hãn (Afghanistan) và Tây Bắc nước Ấn. Sau biến cố đó dù Phật giáo gặt hái được một vài thành công khi truyền bá sang Mông Cổ và một vài lãnh thổ thuộc các sắc tộc nhỏ trong các vùng phía Bắc và Trung bộ Á châu, thế nhưng Phật giáo mất ảnh hưởng tại nhiều nước Á châu khác.

Tại Ấn Độ, Phật giáo hoàn toàn biến mất vào năm 1.500 dưới sự tàn phá khủng khiếp của các đạo quân xâm lược Hồi giáo vào thế kỷ XII, các nhóm Phật giáo lẻ tẻ còn sót lại cũng dần dần bị Ấn giáo đồng hóa. Vào cùng thời kỳ này Phật giáo cũng bị loại khỏi vùng phía Đông Turkestan (Sinkiang - Tân Cương), vùng này cũng lọt vào tay người Hồi giáo. Hồi giáo cũng bành trướng sang Mã Lai và Nam Dương (Inđônêxia) khiến cho Phật giáo biến mất tại các nơi này. Kể từ đầu thế kỷ XVII có thể nói là đảo Java hoàn toàn trở thành lãnh địa của Hồi giáo.

Với cao trào đánh chiếm thuộc địa, trên sân khấu lịch sử hiện ra kẻ thù mới (nouvel ennemi) của Phật giáo: Đó là các nhà truyền giáo Thiên chúa đổ bộ khắp nơi vào đầu thế kỷ XVI. Thật ra người ta cũng không biết được nhiều những gì xảy ra phía sau sự liên kết chặt chẽ giữa quyền lợi của đám người đánh chiếm thuộc địa và các hoạt động của các nhà truyền giáo, vì thế chúng ta cũng chỉ nêu lên trường hợp của xứ Tích Lan làm thí dụ điển hình. Tại đây người Bồ-đào-nha bắt buộc tất cả dân chúng ven biển trong vùng chiếm đóng của họ phải theo Thiên chúa giáo.

Sau đó kể từ năm 1636 người Hòa Lan lại tiếp tục công trình cải đạo do người Bồ-đào-nha để lại và áp dụng cùng chính sách từ trước, bắt buộc dân chúng phải theo Tin lành giáo, đồng thời đàn áp Phật giáo, Ấn giáo và cả Thiên chúa giáo. Một số người Thiên chúa giáo phải bỏ trốn vào các vùng trung tâm của đảo thuộc vương quốc Kandy, vì nhà vua của vương quốc này là người Phật giáo chủ trương tự do tôn giáo đúng với giáo lý Phật giáo từ ngàn xưa.

Sau này khi người Hòa Lan ban bố tự do tôn giáo cho dân chúng của họ vào cuối thế kỷ XVIII, phần lớn người dân trên đất Tích Lan cũng nhân cơ hội này để quay về với Phật giáo và Ấn giáo là các tôn giáo của tổ tiên họ.

Vào thế kỷ XIX, người Pháp và người Anh chiếm cứ toàn bộ các vùng phía Nam Á châu và hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, chỉ trừ vương quốc Siam (trở thành Thái Lan). Những người đô hộ không trực tiếp xen vào các vấn đề tôn giáo trong các vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng. Thế nhưng trong giai đoạn đầu của phong trào đánh chiếm thuộc địa, người Anh sử dụng chính sách ưu đãi những người cải đạo theo Thiên chúa giáo bằng cách ban cho họ một loạt đặc quyền... Do đó sinh ra trong xã hội  giai cấp "ưu tú" chạy theo các giá trị và phong cách sống của những người đô hộ mới.

Sự vực dậy của Phật giáo trong giai đoạn thứ nhất

Mặc dù các biện pháp khuyến dụ cải đạo trên đây được áp dụng, số người Phật giáo theo Thiên chúa giáo thật hiếm hoi. Vào cuối thế kỷ XIX, xu hướng chạy theo các giá trị truyền thống Tây phương mất hết ảnh hưởng và một làn sóng mới quay về với văn hóa dân tộc bắt đầu phát sinh trong giới học thức và trưởng giả, các phong trào dành lại chủ quyền quốc gia theo đó cũng được hình thành.

Nước Tích Lan giữ vai trò quan trọng nhất trong phong trào trên đây. Tại quốc gia này Phật giáo vẫn tiếp tục tồn tại bất chấp những đợt tấn công tôn giáo ào ạt của người đô hộ Tây phương. Bắt đầu từ năm 1865, nhiều cuộc tranh luận được tổ chức giữa các nhà sư Phật giáo và các cố đạo Thiên chúa giáo nhằm mục đích so sánh giá trị của hai tôn giáo.

Một tập sách tựa đề là Cuộc tranh luận lớn tại Panadura [một thị trấn phía Nam Colombo] được phát hành năm 1873 ghi lại nội dung cuộc tranh luận giữa nhà sư Mohottivatte Gunananda Thera đại diện cho Phật giáo và các mục sư David de Silva và F. Sirimanne đại diện cho Thiên chúa giáo được xuất bản, đánh dấu khúc quanh giữa Phật giáo, Thiên chúa giáo tại Tích Lan. Ngay trong năm đó tập sách được dịch ra tiếng Anh và được người Mỹ là ông J.M. Peebles tại Battle Creek thuộc tiểu bang Michigan phát hành.

Quyển sách gây được sự chú ý của đại tá Henry Steel Olcott (1832-1907) người đã hợp tác với bà Blavatski (tên bà khi còn con gái là Hélèna Petrovna Hahn von Rottenstern, 1831-1891) thành lập hội Thông thiên học. Thông thiên học khác với Phật giáo trên rất nhiều điểm, thế nhưng nhờ uy tín rất lớn của hai vị sáng lập nên hội Thông thiên lôi cuốn được nhiều người Mỹ và Âu châu, một loạt sách do Thông thiên học phát hành sau khi thành lập mang tựa đề "Phật giáo thần bí" cũng đã góp phần không nhỏ vào sự thu hút đó.

Bà Héléna Petrovna và đại tá Henry Steel Olcott sáng lập viên hội "Thông thiên học". Chính ông Olcott là người sáng tạo ra lá cờ Phật giáo ngày nay và được các tập thể Phật giáo trên toàn thế giới sử dụng.

 

Bà Blavatski và đại tá Olcott viếng thăm Tích Lan năm 1880 và chuyến du hành này đã đánh dấu giai đoạn hồi sinh của Phật giáo tân tiến trên hòn đảo này. Cuộc viếng thăm Tích Lan của hai người Tây phương tiếng tăm, vốn ngưỡng mộ và có cảm tình với Phật giáo, đã mang lại sự phấn khởi cho người Phật giáo địa phương, vào thời điểm mà Thiên chúa giáo gần như hùng cứ trên toàn thế giới. Olcott thiết lập Hội Thông thiên học tại Tích Lan với chủ đích bảo vệ Phật giáo và đồng thời ông mở các trường học Phật giáo chuyên giảng dạy về giáo lý nhà Phật.

Trong thời kỳ phục hưng đầu tiên này của Phật giáo xuất hiện một số nhân vật đáng chú ý, chẳng hạn như David Hewavitarne (1864-1933) [người Tích Lan] được nhiều người biết đến dưới pháp danh Anaganka Dharmapala. Hewavitarne sinh trưởng trong gia đình Phật giáo tại Tích Lan, theo học một trường trung học Tin lành Anglican.

Vào thời bấy giờ không có trường Phật giáo cho cấp trung học vì áp lực của các cơ quan truyền bá Thiên chúa giáo, các cơ quan này xem những truyền thống lâu đời của Phật giáo như những thứ hỗn tạp và cuồng tín. Ít ra tình trạng này cũng xảy ra trong giai đoạn đầu của chế độ thuộc địa. Kinh nghiệm tuổi trẻ của cậu bé Hewavitarne lưu lại trong lòng cậu sự ghét cay ghét đắng bất cứ thể dạng nào của sự "man rợ Thiên Chúa giáo" ("barbarie chrétienne").

 David Hewavitarne, thường được biết đến hơn dưới pháp danh Anagarika Dharmapala, người sáng lập Phật giáo "canh tân" tại Tích Lan, là sáng lập viên của Hội Maha-bodhi Society, và cũng là người hồi phục truyền thống tu tập "vipassana" dành cho người thế tục

 

Hewavitarne tìm gặp đại tá Olcott khi ông đến Tích Lan năm 1880. Năm 1889 Hewavitarne tháp tùng Olcott đi Nhật Bản, cuộc viếng thăm này đánh dấu mối bang giao đầu tiên giữa Phật giáo Nhật Bản và Phật giáo Tích Lan trong thời kỳ lịch sử cận đại.

Khi Dharmapala [tức Hewa-vitarne] viếng Bồ-đề Đạo-tràng (Bodh-Gaya) vào năm 1891, ông rất đau lòng trước cảnh hoang tàn đổ nát của thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo và quyết tâm vận động trùng tu di tích lịch sử này.

Vào cùng năm đó Dharmapala thành lập "Hội Bodh-Gaya Mahabodhi" tại Colombo; Đấy là hội Phật giáo quốc tế đầu tiên được thành lập nhằm mục đích kết hợp người Phật giáo thuộc tất cả các quốc gia trên thế giới và biến Bồ-đề Đạo-tràng thành biểu tượng sùng kính và thiêng liêng.

Năm 1892 Hội Maha Bodhi, tên gọi phổ biến của Hội Bodh-Gaya Mahabodhi, thiết lập trụ sở trung ương tại Calcutta [Ấn Độ] giúp đỡ người Ấn quay về với Phật giáo.

Thánh tích Maha-bodhi (Đại Giác ngộ) tại Bồ-đề Đạo-tràng (Bodh-Gaya) - ảnh chụp trước khi trùng tu (vào năm 1870) và sau khi trùng tu

 

Sự hình thành của Phật giáo Tây phương

Trong hai mươi năm cuối cùng của thế kỷ XIX, Phật giáo trở thành tôn giáo lớn mạnh tại nhiều quốc gia [Tây phương] mà trước đây không lâu Phật giáo trong các quốc gia ấy chỉ là  ngành nghiên cứu hoàn toàn mang tính cách sử học.

Thật vậy, một số tư tưởng gia độc lập [các triết gia không ngả theo xu hướng tôn giáo hay phong trào nào của Âu châu] rất thán phục các giá trị tư tưởng Phật giáo. Sáng chói nhất phải nói là triết gia người Đức là Schopenhauer (1788-1860). Đối với Schopenhauer, Phật giáo là tôn giáo tốt nhất vượt lên trên tất cả các tôn giáo khác, hơn hẳn đạo Bà-la-môn vốn chủ trương phân chia giai cấp trong xã hội và còn cao hơn nữa đối với Thiên chúa giáo chủ trương các tư tưởng ngụy biện  (idées fallacieuses) về vị Trời và các giới luật đạo đức quá tồi tệ bất kể đến loài súc vật. Schopenhauer cho rằng triết học của ông phù hợp với giáo lý của Đức Phật.

Mặc dù sự hiểu biết của Schopenhauer được căn cứ vào các nguồn tư liệu Phật giáo thiếu sót và không được chính xác của tiền bán thế kỷ XIX, thế nhưng tư tưởng triết học của ông và Phật giáo mang nhiều khía cạnh tương tợ nhau.

Khi nghiên cứu sâu xa triết học của Schopenhauer người ta có cảm giác như đấy là một thứ giáo lý Phật giáo nhưng còn mang nhiều khiếm khuyết. Kể từ cuối thế kỷ XIX, triết học của Schopenhauer được đại chúng ưa chuộng. Sự ngưỡng mộ của ông đối với Phật giáo góp phần không nhỏ vào sự quảng bá các tư tưởng Phật giáo do ông chủ xướng, ông cho rằng Phật giáo không phải chỉ là chủ đề nghiên cứu suông mà còn là cách sống và suy tư mà con người có thể tìm thấy chính mình trong đó.

 

Tại Anh quốc, Edwin Arnold (1832-1904) xuất bản vào năm 1879 một tập thơ mang tựa đề "La Lumière de l'Asie, ou la grande renonciation: La vie et la pensée de Gautama, prince de l'Inde et fondateur du Bouddhisme, telle qu'elle est racontée en vers par un bouddhiste indien" ("Ánh sáng của Á châu hay sự từ bỏ thế tục trọng đại: Cuộc đời và tư tưởng của vị Cồ-đàm, hoàng thân Ấn Độ sáng lập ra Phật giáo, theo những lời tường thuật bằng thi ca của người Phật giáo Ấn Độ").

Đại tá Olcott cho xuất bản quyển "Le cathéchisme bouddhique selon le canon de l'Église du Sud" ("Giáo lý Phật giáo theo kinh sách của trường phái phương Nam") tại Colombo vào năm 1881. Quyển sách này sau đó được xuất bản lần đầu ở Mỹ tại Boston vào năm 1885. Ba năm sau tác giả người Đức tên là Friedrich Zimmermann xuất bản quyển sách dưới bút hiệu Subhadra Bhikshu tựa là: "Cathéchisme bouddhique: Introduction à l'enseignement du Bouddha Gautama" ("Giáo lý Phật giáo: Tìm hiểu giáo huấn của Đức Phật Cồ-đàm"), ngay sau đó quyển sách được dịch ra mười thứ tiếng khác nhau.

Tác giả cho biết là ông cố gắng trình bày Phật giáo đúng theo giáo lý chính thống của Đức Phật bằng cách loại bỏ các thêm thắt do các nhà tu uyên bác sau này ghép thêm vào trong mục đích thổi phồng những lời giảng dạy của Đức Phật, đồng thời ông cũng loại bỏ những chuyện mê tín và tưởng tượng của đại chúng làm rườm rà thêm những lời giáo huấn của Đức Phật. Tóm lại sự hiểu biết về Phật giáo của những người Tây phương đầu tiên được căn cứ vào kinh sách Pa-li đúng theo Phật giáo Nguyên thủy (Theravada).

Các kết quả nghiên cứu khoa học vượt bực do các chuyên gia về Phật giáo thực hiện trong khoảng hai mươi lăm năm sau cùng của thế kỷ XIX đã góp phần tích cực vào việc đánh giá lại các nguồn tư liệu xưa của Phật giáo.

Các cuộc nghiên cứu sâu rộng đầu tiên được nhà bác học người Pháp là Eugène Burnouf (1801-1852) thực hiện và quyển sách nổi tiếng nhất của ông là "Introduction à l'histoire du Bouddhisme indien" ("Tìm hiểu lịch sử Phật giáo Ấn Độ") phát hành vào năm 1844. Hầu hết các công cuộc nghiên cứu Burnouf được căn cứ vào kinh sách tiếng Phạn của Đại thừa và đồng thời ông cũng dịch bộ kinh "Saddhadharmapundarika" tức là "Kinh Hoa sen" [Diệu pháp liên hoa kinh] vào năm 1852.

Tuy nhiên các học giả Tây phương suy ra được lịch sử chính thống của Đức Phật và giáo lý của Ngài là nhờ vào các công cuộc tra cứu toàn bộ hệ thống kinh điển Pa-li. Hai học giả góp phần lớn nhất vào các công cuộc nghiên cứu trên đây là người Anh Thomas Williams Rhys Davids (1843-1922) và người Đức Hermann Oldenberg (1854-1920).

 

Hai quyển sách "Buddhism, Being and Sketch of the Life and Teaching of Gautama, the Buddha" (Phật giáo: Con người, Tiểu sử và Giáo lý của Đức Phật Cồ-đàm") (1877) của Rhys Davids và "Buddha: Sein Leben, Seine Lehre, Seine Gemeinde" ("Đức Phật: Cuộc đời, Giáo lý và Tăng đoàn của Ngài") (1881) của Oldenberg đánh dấu thời kỳ nghiên cứu đầu tiên của Phật giáo tân tiến. Oldenberg đồng thời cũng điều khiển ban dịch thuật và xuất bản toàn bộ Luật tạng (Vinaya Pitaka) gồm năm quyển (1879-1883).

Công trình nghiên cứu và dịch thuật của ông đã góp phần không nhỏ vào việc nghiên cứu Phật giáo xưa dựa vào các nguồn tư liệu vẫn còn được xem là căn bản và giá trị nhất cho đến nay.

Năm 1881, Rhys Davids thành lập Hội kinh điển Pa-li ("Pali Text Society") tại Anh quốc với mục đích dịch thuật và phát hành các kinh điển Pa-li và các tập sách bình giải của học phái Phật giáo Nguyên thủy (Theravada). Trong khoảng thời gian hoạt động đầu tiên kéo dài suốt ba mươi năm, hiệp hội này nhờ sự cộng tác thêm của nhiều học giả từ các nước khác đã xuất bản được nhiều tập kinh quan trọng thuộc kinh điển Pa-li.

Vào khoảng năm 1990 trở về sau này các người Phật giáo Tây phương thuần thành ngày càng đông đảo hơn và tỏ ra rất tích cực. Người Phật giáo đầu tiên gia nhập Tăng đoàn là người Anh tên Allan Bennett McGregor (1872-1923). Trước đó ông tham gia một nhóm chủ trương sự huyền bí (occultisme - occultism) thế nhưng sau đó từ bỏ và sang Tích Lan tu học.

Năm 1902, ông được thụ phong Tỳ-kheo tại Akyab Miến Điện, pháp danh là Ananda Metteyya. Hai năm sau tại Rangoon [thủ đô Miến Điện] Anton Gueh (1878-1957) một danh tài vĩ cầm người Đức cũng gia nhập Tăng đoàn với pháp danh Nyanatiloka, ông là người Âu châu thứ hai xuất gia. Ông rất uyên thâm về Phật pháp lại tu tập rất chuyên cần, do đó ông được nhiều người trên thế giới biết đến. Ông trải qua phần lớn cuộc đời còn lại tại Tích Lan.

Vào năm 1911, ông được cử làm trụ trì ngôi chùa trên đảo Polgasduwa, gần Dodanduwa [thuộc vùng bờ biển phía Nam của Tích Lan]. Nhiều người Âu châu kéo nhau đến Tích Lan xin quy y với ông, trong số các đệ tử của ông có một người lừng danh nhất pháp danh là Nyanaponika, là nhà bác học Phật giáo vẫn còn sống và vô cùng tích cực [thật ra thì Nyanaponika đã mất vào năm 1994, tức hai năm trước khi quyển sách của Heinz Bechert được xuất bản].

 

Bên trái: Allan Bennett Mcgregor (pháp danh Ananda Matayya) - Bên phải: Anton Gueth (pháp danh Nyanatiloka)

 

Bắt đầu từ năm 1897, Anagarika Dharmapala thành lập các tổ chức Phật giáo đầu tiên tại Âu châu, đấy là các chi nhánh của hội Maha Bodhi Society. Sau đó ông lên đường sang Mỹ theo lời mời của người Phật giáo Hoa Kỳ là Paul Carus.

Năm 1903, Karl Seidenstüker, học giả có tiếng nghiên cứu kinh sách Pa-li đứng ra thành lập tại Leipzig hiệp hội Phật giáo đầu tiên ở nước Đức, mang tên là "Buddhistischer Missionsverein für Deutschland" ("Hiệp hội các tu sĩ Phật giáo Đức quốc"). Cùng năm đó, một vị Tỳ-kheo người Anh là Ananda Mettayya đã nhắc đến trên đây, thành lập hội Phật giáo quốc tế lấy tên là "Buddhasasana Samagama" tại Rangoon, chi nhánh của hội này mọc ra khắp nơi trong nhiều quốc gia khác. Hội Phật giáo đầu tiên của Anh quốc mang tên là "Hội Phật giáo Anh quốc và Ái-nhĩ-lan", được thành lập tại Luân Đôn vào năm 1907 và người chủ tịch đầu tiên là T.W. Rhys Davids, hội tồn tại đến năm 1926. Phần lớn các hiệp hội Phật giáo Âu châu không tồn tại lâu dài, vì thế các nhóm Phật giáo rải rác còn cần phải kết hợp chặt chẽ hơn nữa. (Còn tiếp).¡

Trích dịch từ "Le Monde du Bouddhisme" ("Thế giới Phật giáo") do hai Giáo sư Heinz Bechert và Richard Gombrich chủ biên (nhà xuất bản Thames & Hudson, Paris, 1998).

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)