Thân cây được chất lên xe tải cùng với các thân cây khác, nằm chất đống. Xe tải chạy xập xình, thỉnh thoảng tưng lên vì những ổ gà hay đường quá gập ghềnh. Đến nhà máy gỗ, chiếc xe dừng lại, cần cẩu mang từng thân cây xuống chất vào kho. Tiếng cưa, tiếng đục, tếng xà xẻo vang lên khắp nơi. Thân cây mận được xe ra, đánh bóng, đánh vẹc ni làm thành một cái bàn nhỏ. Hình thái mới có vẻ nhỏ nhưng trông cũng thật thú vị...
Con chim mổ ăn hết trái mận còn lại một cái hạt to. Nó mổ lấy thấy không có mùi vị hấp dẫn nên bỏ lại cái hột trên mặt đất. Cái hột nằm im lìm trên mặt đất, xung quanh nó là một khu vườn mận to lớn, không biết có cây nào để ý đến nó không. Một con giun cố trườn trên mặt đất ban ngày thì nóng mà ban đêm thì ẩm ướt. Con giun bò ngang hột mận, quấn lấy nó rồi lại buông ra, sau đó bỏ đi. Một con gà trống trong vườn đào bới, nhìn thấy con giun liền mổ cái tẹt, nuốt nguyên con giun vào bụng. Vừa chén xong, gà làm một bãi lên thân hột mận. Sáng hôm sau hột mận nứt ra và trổ lên một mầm xanh. Hơi ấm sương đêm có thể làm cho nó nảy nở, một chiếc lá non choẹt đầu tiên mọc ra, e ấp trên cuống lá. Một chú chim bồ câu đi xung quanh chiếc lá đầu tiên, giơ con mắt đen tròn nhìn nó rồi mổ mấy hạt gạo rơi rớt gần đó. Chú chim bay đi với đám bạn để lại chiếc lá đầu tiên một mình. Vài con kiến bò ngang, nói cười ríu rít nhưng chiếc lá chẳng hiểu nổi ngôn ngữ của chúng. Chiếc lá đầu tiên còn nhỏ, còn mong manh lắm.
Cây mận con được bao bọc bởi vài cây tre để giữ vững cho không bị ngã. Buổi sáng, mặt trời mọc lên, các lá cây cố gắng hướng về ánh mặt trời đón nhận những tia nắng ấm áp. Buổi chiều mưa xuống, thật mát mẻ. Cây mận con uống không biết bao nhiêu nước, vẫn còn phải dự trữ cho những ngày không mưa. Dưới đất, có biết bao thức ăn. Cây mận con ăn không biết bao nhiêu chất dinh dưỡng mà vẫn chưa bao giờ thấy no. Mới lớn mà, ăn uống nhiều thì mới khỏe. Mấy chú chim bồ câu lại bay tới, chú đậu trên nhánh cây vẫn còn yếu ớt nhưng thật hay, nhánh cây vẫn có thể gồng được. Cây mận con không có trách chúng. Có chúng mới vui. Hơi ồn ào nhưng nhìn thấy con này con kia vẫn hơn là không thấy ai. Chiếc lá đầu tiên đã lớn, úa vàng và rơi xuống đất. Mưa, gió, nắng và mấy con giun làm cho nó tan rã ra, tạo nên vô số chất dinh dưỡng. Cây mận con tha hồ ăn và mọc ra nhiều chiếc lá mới, nhiều nhánh cây mới, thân cây vì thế cũng cao dần, có thể trụ vững không cần mấy cây tre bợ đỡ nữa.
Thân cây cũng to lên, cành lá xum xuê. Mỗi lần gió thổi qua, cây tập tành cất tiếng hát xào xạc. Cả vườn cây mận đều chào đón cây mận mới, đơn giản vì đây là con cháu của họ. Cây mận thật may mắn khi được nhiều cây lớn che chở và giúp đỡ nên cảm thấy hạnh phúc khi sống giữa đại gia đình to lớn. Từ chiếc lá đầu tiên rồi rụng xuống đất, nhiều chiếc lá khác mọc ra và cứ thế các chiếc cứ nuôi nhau từ thế hệ chiếc lá này đến thế hệ chiếc lá khác. Chiếc lá đầu tiên đâu có chết, nó đã đi vào thân cây và sản sinh ra nhiều chiếc lá mới. Từ một chiếc lá mà tạo ra nhiều chiếc lá, cây mận thấy mình giàu có nên ra sức ưỡn ngực, reo hò vang lừng cả khu vườn. Cây cối xung quanh cũng vui mừng theo, chia sẻ niềm hạnh phúc cùng với cây mận. Đàn bồ câu lại bay về, chúng tỏ vẻ ngạc nhiên vì cây mận lớn nhanh như thổi. Chúng quyết định xây tổ tại đây. Chúng chọn một hốc cây được tạo bởi nhiều nhánh cây đan lại với nhau, trông như một cái tổ. Đàn bồ câu tíu tít rủ nhau đi tìm thóc lúa, buổi chiều lại bay về tổ ngủ. Cây mận không biết nói gì để miêu tả sự vui mừng khôn siết của mình. Nó không chỉ có đại gia đình mà bây giờ đã có bạn bè, đàn bồ câu đã quyết định sống chung với nó.
Cây mận bắt đầu ra hoa. Hoa mận tròn và có mấy râu tua tủa nên hình dáng trông như cái bông dụ. Những trái mận đầu tiên cũng ra đời. Mấy đàn kiến lửa được dịp leo trèo, ăn thỏa thích những mật ngọt. Vài đứa nhỏ vào vườn hái trộm mận rồi chúng ngồi dưới hốc cây học bài. Bỗng có tiếng chó sủa, chúng chạy nháo nhào. Người chủ vườn xua chó ra đuổi mấy đứa nhỏ. Đến mùa thu hoạch, cây mận thật sai quả. Người chủ vườn hái từng trái hay từng chùm bỏ cẩn thận vào giỏ rồi đem ra chợ bán. Có những chùm mận còn dính cả lá cành để trông cho đẹp, có thể chưng lên bàn thờ ông Địa hay đem biếu bạn bè. Mận ra tới chợ, vào giỏ của bà cô, vào tay của cô bé hay cậu trai thèm ăn vặt. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, chiếc lá đầu tiên đã có mặt khắp mọi nơi, đi vào nông thôn, đi vào thành thị. Ăn một trái mận là ăn cả đất trời, ăn nắng, ăn mưa, ăn đất, ăn chiếc lá đầu tiên. Cây mận nay cũng đã già, không còn nhiều hoa hay ra trái nữa, nhưng thân cây thì thật chắc chắn. Vào một ngày nắng gay gắt, người chủ vườn cho người chặt cây mận đi. Thân cây ngã xuống, đại gia đình bồ câu bay tán loạn, những đoàn kiến lửa chạy tung tóe. Mùi thơm của gỗ bay lên cao và tỏa ra khắp mười phương.
Thân cây được chất lên xe tải cùng với các thân cây khác, nằm chất đống. Xe tải chạy xập xình, thỉnh thoảng tưng lên vì những ổ gà hay đường quá gập ghềnh. Đến nhà máy gỗ, chiếc xe dừng lại, cần cẩu mang từng thân cây xuống chất vào kho. Tiếng cưa, tiếng đục, tếng xà xẻo vang lên khắp nơi. Thân cây mận được xe ra, đánh bóng, đánh vẹc ni làm thành một cái bàn nhỏ. Hình thái mới có vẻ nhỏ nhưng trông cũng thật thú vị. Nhãn mác đính lên, lại chở lên xe tải và mang ra cửa hàng bán. Cái bàn nhỏ nằm trong góc cửa hàng, trông bé xíu so với mấy cái tủ to lớn, mấy cái giường rộng thênh thang hay mấy khung cửa bề thế. Vài tháng sau, một người phụ nữ dẫn đứa nhỏ bước vào và hỏi cô bán hàng: “Tôi muốn tìm một cái bàn học nhỏ, cho đứa bé ngồi học.” Đứa bé chạy tới cái bàn trong góc, và gõ mạnh vào nó, cái bàn hơi đau điếng một chút. Đứa bé quay lại gọi mẹ: “Mẹ ơi, con muốn cái bàn này.” Thế là cái bàn được dời đi, nghe đâu người phụ nữ trả khoảng 200 ngàn đồng cho nó.
Cái bàn học đến nơi cư ngụ mới. Căn phòng nhỏ bé dễ thương được trang trí đơn giản nhưng có vẻ hơi ồn. Đứa bé chơi nhiều hơn học. Phần lớn thời gian bé dùng chơi điện tử, nếu rảnh thì đi chơi với đám bạn. Cái bàn về nhà lâu nhưng ít khi đọc được suy nghĩ hay nghe đứa bé học bài. Mỗi khi ngồi lên bàn, đứa bé như muốn đi ngủ hay vẽ vời những con thú. Chẳng bao lâu bàn học đầy những hình thù với đủ thứ màu mực. Cái bàn trở nên dơ dáy và cũ kỹ. Vài năm sau đứa trẻ lớn lên, cái bàn nhỏ có vẻ không còn thích hợp nữa. Nó được dọn ra ngoài bỏ gần thùng rác, một cái bàn mới to, đẹp dọn vào. Cái bàn gần như bị ngược đãi, nắng nóng làm mấy vecni tan ra, mưa làm cho nó gần mục rã. Vài con mối bắt đầu sinh sôi nảy nở. Một ông cụ mua ve chai nhặt cái bàn đem về. Ông lấy cái búa bổ nó ra từng khúc để làm củi. Tối hôm đó, ông đun nước nấu trà và nấu cơm, toàn bộ củi có được bị đốt hết. Từng ánh lửa ăn dần vào thân củi, tỏa ra sức nóng, các tia lửa bay lên, mụi lửa cũng lan tỏa.
Sáng hôm sau, ông cụ đi thu mua ve chai. Trong xó bếp, chỉ còn đám tro nằm lếch thếch giữa ba hòn gạch. Một cơn gió thoảng qua, bụi tro bốc lên rồi rơi vải tứ phương. Tối hôm đó, ông cụ hốt đống tro đem ra ngoài và hất dưới mộc gốc cây mận, còn bao nhiêu chất dinh dưỡng, nó cống hiến không thương tiếc cho cây mận. Chiếc lá đầu tiên lại được hồi sinh.
Trên cao nắng chói chang rọi xuống địa cầu. Vài con bồ câu bay tới bay lui, ánh mắt láo liên chọn cành để đậu. Từng đàn kiến xếp hàng rầm rập leo lên thân cây, tìm kiếm mấy trái mận ngọt lịm. Tiếng chó sủa vang từ xa nhưng không thấy mấy đứa nhỏ nào bỏ chạy. Ông cụ già múc vài gáo nước tưới vào thân cây. Dòng nước mát ngọt lim chảy xuống đất, thấm vào lòng đất, thẩm thấu vào từng gốc rễ của cây, thân cây bỗng rạng rỡ hẳn ra. Mấy chiếc lá cứ rung rinh vui đùa.
Không có gì sinh
Không có gì diệt
Buổi sáng bình minh
Hết đêm lại sáng.
Mọi việc trên đời
Do nhân duyên sinh
Do nhân duyên diệt
Sự sống vui.
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)