Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Tết chơi trăng

Đã đọc: 1656           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

“Tháng Tám tôi đi chơi xuân Đến đây gặp hội trống quân tôi vào…”

Câu ca dao làm cho người đọc tưởng tượng ra ngày tết Trung thu xưa chắc chắn là được tổ chức rất xôn xao, nhộn nhịp và đầy ý nghĩa. Ngày xưa, cứ sau vụ mùa trồng trọt cày cấy, người dân lại mở hội vui chơi, ca hát. Mỗi gia đình trong ngày tết Trung thu đều phải có cúng gia tiên với hoa, quả, trà nước, đặc biệt nhất là có bánh dẽo tròn như mặt trăng còn gọi là bánh Trung thu. Riêng các em thiếu nhi được ưu tiên nhất với lồng đèn, bánh Trung thu, chơi trò kéo đèn, nghe người lớn kể chuyện thần tiên:

“Ông Giẳng, ông Giăng

Xuống chơi với tôi

Có bầu có bạn

Có ván cơm xôi

Có lưng hũ gạo

Có chiếu bán dù…”

Trăng rằm tháng Tám tròn sáng, lung linh, thời tiết mát mẻ, với hoa, với gió nhẹ:

“Muốn ăn lúa tháng Năm

Trông trăng rằm tháng Tám”.

Thật là lý tưởng và hạnh phúc nếu được ngồi ngắm trăng sáng tỏa bên tách trà nóng và tha hồ vãng chuyện xưa nay. Nếu người có tính nghệ sĩ nữa, chắc phải có tiếng đàn tranh hay đàn bầu nữa thì mới đúng là nghệ thuật ngắm trăng!. Chính vì vậy, tết Trung thu cũng được gọi là tết chơi trăng, tết ngắm trăng. Thế mới biết người xưa chọn ngày rằm tháng Tám âm lịch làm ngày tết Trung thu thật là sâu sắc và bền vững thay!. Đây cũng là nét văn hóa tốt đẹp của người xưa truyền lại, là văn hóa đặc trưng của người phương Đông!. Ngày nay người Việt vẫn giữ tập tục đón tết Trung thu, tuy cách thức vui chơi có khác với người xưa nhưng tết Trung thu mãi mãi mang có ý nghĩa nhân văn cao vì lấy mối quan hệ giữa thiên nhiên, thời tiết và trẻ em làm chủ yếu. Cũng bởi, tự nhiên luôn gắn liền với đời sống con người phương Đông ấy mà:

“Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?

Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?

Còn trăng thì nước vẫn còn”.

Tìm trong sách Phật, cũng thấy các Thiền sư Việt Nam xưa làm thơ về trăng thật tuyệt!. Thiền sư Đạo Hạnh (?-1112) thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi sống vào triều đại nhà Lý đã mượn trăng để nói lên tính chất siêu việt của thiền học:

“Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước hữu không không”

Nguyễn Lang dịch nghĩa như sau:

“Có thì có tự mảy may

Không thì cả vũ trụ này cũng không

Có, không: Bóng nguyệt lòng sông

Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào”.

Thật là tuyệt vời khi Thiền sư Đạo Hạnh sử dụng danh từ trăng và nước đề chỉ cho bản chất của các pháp trên thế gian. Bài kệ đã chỉ “tánh không” của Bát nhã, xem giữa không và có đều nương vào nhau giữa muôn hình vạn trạng của thế giới này. Vì “có” nên mới trả về “không”, và vì chấp vào “không” nên mới xảy ra “có”… Nếu như không vướng mắc vào thế cuộc vô thường, chuyên tâm vào thiền định và trí tuệ là đã đạt đến nguồn hạnh phúc tuyệt đối vậy!.

Thiền sư Huệ Sinh (?-1063) thuộc thế hệ thứ 13 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi sống đời Lý cũng lấy trăng là tiêu điểm cho bài kệ:

“Pháp bản như vô pháp

Phi hữu diệc phi không

Nhược nhân tri thử pháp

Chúng sinh dữ Phật đồng

Tịch tịnh Lăng Già nguyệt

Không không độ hải chu

Tri không không, giác hữu

Tam muội nhậm thông chu”

Nguyễn Lang dịch nghĩa:

“Pháp cũng như vô pháp

Không có cũng không không

Nếu đạt được lẽ ấy

Chúng sinh với Phật đồng

Trăng Lăng Già lặng chiếu

Thuyền vượt biển trống không

Không cũng không như có

Định Tuệ chiếu vô cùng”.

Trăng của Thiền sư Huệ Sinh là trăng Lăng Già, có nghĩa là chỉ cho sự nhận thức của con người đều do tâm, thế giới vạn hữu đều do tâm tạo. “Trăng Lăng Già lặng chiếu” là trong cảnh giới vô phân biệt, vượt ra mọi chấp giữ ta và người. Với chiếc thuyền trống không, mọi khái niệm, ngôn ngữ, người ngộ hay kẻ mê, Phật và chúng sinh cũng không có gì khác nhau, như như, nhất nhất. Sự có hay không đối với người tu đã minh đạt chân lý là bình thường như vầng trăng kia, lặng lẽ chiếu soi vạn vật muôn đời.

Đức vua Trần Nhân Tông (1258-1308) trong bài thơ “Lên núi Bảo Đài” cũng lấy Trăng làm nguồn cảm hứng sáng tác về quốc gia và thế sự mang đầy chất Thiền học:

“…vạn sự thủy lưu thủy

Bách niên tâm ngữ tâm

Ỷ lan hoành ngọc địch

Minh nguyệt mãn hung khâm”

Nguyễn Lang dịch nghĩa:

“…vạn sự nước xuôi nước

Trăm năm lòng ngỏ lòng

Tựa lan, nâng sáo thổi

Trăng sáng, đầy cõi tâm”.

Đức vua Trần Nhân Tông là một môn sinh thiền, chất thiền của sự siêu việt giữa không và có. Sau khi ngài xuất gia, thống nhất các thiền phái lúc bấy giờ và sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm tại núi Yên Tử với chủ trương Phật giáo nhập thế, tâm học và sử dụng ba yếu tố Thiền, Tịnh độ và Mật giáo trên phương diện tu hành và độ thế như:

“Di Đà vốn thực pháp thân ta

Nam Bắc Đông Tây khắp chói lòa

Trăng thu ngự giữa trời cao rộng

Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa” (2)

(Tuệ Trung Thượng sĩ )

Quả là Phật giáo từ khi du nhập vào đất Việt đã hòa nhập vào văn hóa người Việt để từ đó làm nên những đặc trưng của Phật giáo Việt Nam. Các thiền sư thường mượn hiện tượng mây, gió, trăng, hoa, lá, sương, mưa, núi non,.v.v. để mô tả sự giác ngộ và bản chất giải thoát của nhà Phật. Thế mới biết, sự tu tập là sống hòa vào thiên nhiên, bắt đầu từ những điều giản dị mà giác ngộ chân lý.

Trăng muôn đời là chủ đề của văn học nghệ thuật và ngày tết chơi trăng cũng muôn đời đầy ý nghĩa nhân văn, nhắc nhở con người sống hòa với thiên nhiên và yêu thương trẻ nhỏ là nền tảng của xã hội. Đối với một người chơi trăng, giờ phút ngồi dưới vầng trăng không gì hơn là hãy thả hồn vào thiên nhiên ban tặng, uống tách trà nóng, nhớ lại những giây phút đẹp của cuộc đời và thầm cảm ơn cuộc đời đã cho ta những hạnh phúc lẫn đau khổ, những thành công và thất bại, tình thương hay oán giận và cuối cùng là những điều đem lại cho ta mà… không có gì cả. Hay khi ngồi dưới vầng trăng sáng lung linh trên cao kia, hãy thưởng thức những dòng thơ Thiền của các Thiền sư Việt Nam không những mang tính thong dong, tự tại giữa cuộc đời mà còn thâm thúy và siêu việt tâm linh đến dường nào!.

 

(1) Lê Trung Vũ, Tết cổ truyền của người Việt, Nhà Xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 2003, trang 459.

(2) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, NXB Văn Học, 2008, trang 381.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)